Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI HÀ NỘI

Bùi Hoàng Tám
Thứ tư ngày 20 tháng 4 năm 2011 8:46 PM

Người Hà Nội bằng xương, bằng thịt đầu tiên tôi được nhìn thấy là một nữ kỹ sư nông nghiệp. Vào khoảng năm 1967 – 1968, Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp sơ tán về quê tôi. Cả giảng viên và sinh viên của trường đều trọ trong nhà dân. Nhà tôi gần trường, lại có vẻ tươm tươm nên được bố trí 3 chị sinh viên ở trọ. Các chị đều trẻ trung, xinh đẹp và ở tuổi hồn nhiên nên nhà tôi luôn đầy ắp khách. Một buổi tối, các chị dẫn về nhà một chị còn rất trẻ, hai bím tóc vắt vẻo, giọng nói nhẹ như gió thoảng giới thiệu với mẹ tôi bằng giọng không giấu tự hào:
 
- Bác ơi! Đây là cô giáo Hoàng Yến người Hà Nội.
 
Tôi đứng lặng vì đây là người Hà Nội đầu tiên bước chân vào nhà tôi, một căn nhà tồi tàn ở một làng quê heo hút. Hình ảnh Người Hà Nội Hoàng Yến đã theo dọc tuổi thơ tôi và ám ảnh mãi sau này.
 
Lần đầu tiên tôi được lên Hà Nội vào năm 1976. Dạo ấy, anh rể tôi từ miền Nam ra đem theo được khoảng 10m vải, một tài sản “khổng lồ” ở thời điểm đó. Chị gái tôi nghe nói ở Hà Nội, loại vải này rất có giá nên đưa cho anh trai tôi đem lên Hà Nội bán. Hai anh em ra chợ Đồng Xuân gặp một người Hà Nội xịn. Đó là một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi đẹp kiêu sa có giọng nói nhẹ như gió thoảng. Sau khi xem vải, mặc cả chị ta đưa trả lại anh tôi bọc hàng hẹn cầm về phố Quán Thánh để trao tiền. Tôi ôm túi hàng ngồi sau xe, nắn nắn thấy rắn chứ không mềm mềm như lúc đem đi bèn mở ra xem thì ôi thôi, thay vào đó là chiếc bao tải rách. Hà Nội như sụp dưới chân tôi. Từ chiếc loa đầu phố, bài hát “Hà Nội đó niềm tin yêu hi vọng…” cất lên chua chát. Tôi thề không về Hà Nội nữa.
 
Lời thề ấy “thiêng” được đúng 20 năm, tôi lên Hà Nội lần thứ hai và ở lại... “sống mãi với Thủ đô”. Sở dĩ nó kéo dài lâu như thế còn bởi được sự góp sức của truyền thông và phim kịch. Đã có một thời trên báo chí, phim kịch tràn lan mô típ các nhân vật người nông thôn thì quê mùa, cục mịch nhưng thật thà. Người thành phố thì khôn ngoan nhưng  lừa đảo, gian dối. Công nhân, nông dân thì hiền lành, chất phác. Giám đốc, doanh nhân thì nham hiểm, đểu giả, bán lậu buôn gian, trai gái…
 
Tôi đã gắn bó với Hà Nội 15 năm và tôi yêu con người và mảnh đất này. Cái kỉ niệm buồn đó đã mãi mãi lùi vào quá khứ.
 
Không hiểu sao gần đây, trong tôi luôn luôn đau đáu câu hỏi về người Tràng An thanh lịch. Biên giới của nó được giới hạn tới đâu? Khu phố cổ hay toàn bộ các quận nội thành? Nhất là sau khi sáp nhập, người Hà Nội có bao gồm cả văn hóa xứ Đoài? (Nhớ lần về 4 xã thuộc huyện Lương Sơn – Hòa Bình mới được sáp nhập về Hà Nội, hỏi một bác nông dân cảm xúc khi trở thành người Thủ đô cho một bài phóng sự nhạt hoét, bà cụ chưa kịp trả lời thì cậu con trai chen vào bảo: Mẹ tôi tiếng Kinh chả sõi thì thủ đô, thủ điếc cái gì…) Rồi gốc gác như thế nào thì được gọi là người Tràng An? Hai đời, ba đời hay lâu hơn nữa? Với việc mở rộng và tốc độ di dân ồ ạt như hiện nay, Hà Nội có giữ được bản sắc của mình hay đã bị lai tạp? Hà Nội “hóa” nông thôn hay nông thôn đang “hóa” Hà Nội? Những người ở các địa phương khác về Hà Nội có phải là tầng lớp tinh hoa nhất như có ý kiến gần đây? Nếu điều đó đúng, họ sẽ phát huy tốt những bản sắc thanh lịch Tràng An hay biến Hà Nội thành nồi lẩu thập cẩm?
 
Tôi đã hỏi nhiều người nhưng mỗi người nói một kiểu. Phải chăng Hà Nội 5 cửa ô mà mỗi người vào Hà Nội chỉ bằng một cửa ô nên chẳng ai có thể nói rằng TÔI LÀ NGƯỜI HIỂU HÀ NỘI?
 
Bùi Hoàng Tám