Ảnh: Chụp sau khi đơn vị thi công hoàn tất việc đặt tấm bia (không phải là tấm bia có khắc hai câu thơ Tú Xương và hai câu thơ Tam Nguyên dựng sau này) và đài hương (đều bằng đá) trên mộ Tú Xương. Ảnh tư liệu của CTy Xây lắp Công nghiệp Hà Nam Ninh – đơn vị tài trợ chính viẹc xây cất ngôi mộ nhà thơ đất Non Côi Sông Vỵ.
Nói đến Nam Định là nói đến NON CÔI SÔNG VỊ, là nói ĐẾN TÚ XƯƠNG – niềm tự hào của nhân dân Nam Định. Ấy vậy mà phải đợi đến cuối năm 1989, mộ Cụ mới được xây bên Hồ Vỵ Xuyên. Mộ xây tại chính nơi đặt hài cốt nhà thơ. Doanh nghiệp Nhà nước – Công ty xây lắp công nghiệp tỉnh Hà Nam Ninh lúc đó, là đơn vị tài trợ chính. Kiến trúc ngôi mộ do họa sĩ Vũ Dũng (Ty Văn hóa Hà Nam Ninh) vẽ kiểu và trực tiếp giám sát việc tạc bia và đài hương. Bia là một tấm đá đặt nằm nghiêng trên mặt mộ, khắc tên nhà thơ. Đài hương đặt phía chân mộ. Bốn mặt quanh mộ đều có bậc tam cấp lát gạch với bốn bồn hoa nằm ở bốn góc. Từ đấy, người dân thành Nam nói riêng và nhân dân Nam Định nói chung, đều mừng vì thất Cụ Tú đã được mồ yên mả đẹp. Bởi trước đấy, mộ cụ chỉ là một nấm đất nằm âm thầm bên hồ, đến mức đã lan truyền trong dân gian mấy vần thơ sau:
Xè xè nấm đất bên hồ
Hỏi ra mới biết rằng mồ Tú Xương!
Sau khi khánh thành được mấy năm, không hiểu vì lý do gì, người ta lại cho tôn tạo ngôi mộ của Cụ. Về mặt kiến trúc, cơ bản vẫn giữ nguyên như lúc mới xây, chỉ hoán đổi vị trí đài hương (nơi để nhân dân thập phương đến thắp hương viếng nhà thơ) từ dưới lên trên và hạ thấp đài hương xuống khoảng nửa mét (?) và xây thêm hàng tường đá bao quanh trên mặt mộ. Thay đổi lớn nhất là dựng thêm một tấm bia làm bằng một phiến đá tự nhiên, đặt đứng, hai mặt bia đều có khắc chữ. Mặt sau là hai câu thơ của Tam nguyên Yên Đổ:
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn.
Mặt trước là hai câu của chính Cụ Tú:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò
Hai câu ở mặt sau tấm bia mới, có người nói dẫn sai thơ Tam Nguyên (chữ NGHÌN khắc thành NGẦN – theo Trần Đức Tiến - VNCA Xuân 2011(1)). Lỗi này nếu người phát hiện đúng, cũng là lỗi nhẹ, có thể phần nào châm chước, thể tất đươc. Nhưng lỗi ở mặt trước bia, thay chữ CÒN của nguyên tác bằng chữ LẠI non nớt kia, thì không thể chấp nhận được. Thật chính là người ta khắc chính thơ Cụ mà lại không phải thơ Cụ! Về điểm này, từ nhiều năm nay, trước cả tác giả Trần Đức Tiến, cũng đã có người lên tiếng góp ý và yêu cầu sửa (đăng trên Văn Nghệ Trẻ). Rồi, đến ngay chính tạp chí Văn Nhân của Hội Văn Nghệ Nam Định cũng đã đăng bài viết của tiến sĩ Hoàng Ngọc Trì(2) , trong đó có đoạn: “Nếu đi vào chữ nghĩa trong các tác phẩm của Tú Xương từ góc độ văn bản học thì còn nhiều vấn đề để bàn và không biết đến bao giờ là cùng. Nhưng ở những bài thơ có giá trị lớn, được nhiều người thuộc thì cần được bàn một cách thấu đáo để cung cấp cho người đọc những giá trị ngôn ngữ thơ ca mà nếu không phải là 100% thì cũng có thể nói về cơ bản là của ông. Chẳng hạn bài “Sông lấp”. Ở bia mộ Tú Xương tọa lạc tại công viên Vỵ Xuyên, thành phố Nam Định, có hai câu trong bài thơ này được khắc chìm bằng chữ Nôm như sau: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò. “Vẳng” hay “Đêm” trong giới nghiên cứu còn có những ý kiến khác nhau (Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác). Còn từ “lại” thì hoàn toàn không thấy trong các văn bản thơ Tú Xương từ trước cho tới nay…”(Người viết bài này nhấn mạnh). Lý lẽ chặt chẽ và ôn hòa đến như vậy, mà người trách nhiệm của sự vụ này, vẫn làm ngơ! Nghe nói đâu như một ông cán bộ phụ trách văn hóa của địa phương đã không những không cho sự góp ý ấy là đúng mà còn chê: “các cậu chả hiểu gì văn tự chữ nghĩa cả!”. Nên cho đến tận hôm nay, hai câu thơ của Tú Xương khắc trên bia mộ Cụ, vẫn giữ y nguyên cái sự sai tai hại ấy:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò
Ảnh: Mộ Tú Xương hiện tại. Đài hương đã được hạ thấp so với banđầu (ảnh trên) và dựng thêm một tấm bia mới – khắc bốn câu thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ và Cụ Tú (NGUỒN: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/lyluan/2011/1/55709.cand .
Đến đây, xin vong hồn nhà thơ đất Non Côi Sông Vỵ tha thứ, kẻ hậu sinh này xin mượn thơ Cụ, để kết rằng:
Vẳng nghe tiếng LẠI bên tai
Giật mình lại tưởng cái tai ai … lòi!
Vâng chỉ có người điếc lòi tai mới không nghe thấy lời thiên hạ tứ xứ mỗi lần qua thành Nam viếng mộ Tú xương lại bất bình ta than cái sự cẩu thả vô trách nhiệm của ai đó…
(2): Bài: “Thơ Tú Xương nhìn từ góc độ văn bản học”. tác giả Hoàng Ngọc Trì. Tạp chí Văn Nhân Hội Văn học Nghệ thuạt Nam Định, số 54 năm 2007.