Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN NHỎ NHƯNG E RẰNG...

Bùi Minh Quốc
Thứ tư ngày 20 tháng 4 năm 2011 5:58 AM
 
Vâng, cái chuyện tôi sắp nói đây mới xem qua có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng e rằng hậu quả sẽ không nhỏ.
Nó chỉ là một cú điện thọai. Nhà văn Bùi Tự Lực, Phó Chi hội trưởng, chi hội nhà văn VN tại Đà Nẵng kể với tôi : Một hôm anh nhận được điện thọai của một người lạ mạo danh nhà thơ Thanh Quế mắng anh té tát vì tội anh đã đưa lên trang website buituluc.com của mình bài của Bùi Minh Quốc, đó là bài “Chu Cẩm Phong có viết 2 cuốn nhật ký trong cùng một thời gian ?”. Người ấy quát : “Ông về phe Bùi Minh Quốc, lấy tư cách gì ma ông đăng bài ấy, tôi không thèm nhìn mặt ông nữa; không thèm nói với ông nữa”.
Không phải ai đó nặc danh mà Bùi Tự Lực xác định chính là cú điện thoại của Thanh Quế. Những ngày sau đó, Bùi Tự Lực có gọi điện thoại lại cho Thanh Quế nhưng Thanh Quế không bắt máy.
Bài của tôi viết gì mà khiến nhà thơ Thanh Quế đã xúc phạm nhà văn Bùi Tự Lực, gây tai tiếng cho nhà thơ Thanh Quế và phương hại đến tình đoàn kết giữa các nhà văn hội viên như thế ? Có gì đâu, bài của tôi chỉ gồm mấy nội dung sau :
 -         Xin lỗi về việc năm 2005  khi viết lời giới thiệu “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong tôi đã sơ xuất không nói rõ dung lượng phần nhiều của nhật ký là được hai nhà thơ Thanh Quế và Ngô Thế Oanh bảo quản tại cơ quan trên núi, còn phần ít là do cựu sĩ quan – nhà giáo Hoàng Đình Hiếu bảo quản .
 -         Đưa ra một số thông tin khác với thông tin của nhà thơ Thanh Quế nêu trên báo Công an Nhân dân ngày 17.05.2010 ( bài “Nhật ký chiến tranh” được bảo quản như thế nào ?”) và báo Văn Nghệ ngày 11.12.2010 ( bài “Về tập sách “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong”) .Trong bài của mình, nhà thơ Thanh Quế nhấn mạnh phần nhật ký của Chu Cẩm Phong mà 2 nhà thơ bảo quản trên núi là ghi từ 11.07.1967 đến cuối năm 1970.Còn thông tin của tôi, căn cứ vào cuốn nhật ký cuối cùng lấy được từ dưới hầm bí mật mà cựu sĩ quan – nhà giáo Hoàng Đình Hiếu bảo quản và năm 1975 trao lại cho tôi, lại thấy ghi từ ngày 12.01.1970 đến ngày 27.04.1971.Do đó tôi đặt vấn đề : trong năm 1970, Chu Cẩm Phong có viết 2 cuốn nhật ký trong cùng một thời gian ?
 -         Nêu một số nghi vấn về độ chênh giữa hồi ký “Nhớ Chu Cẩm Phong trong cái rét tháng giêng” của nhà thơ Thanh Quế viết năm 1995 với phần ghi ngày 10.05.1970 trong nhật ký của Chu Cẩm Phong và trí nhớ của tôi về cùng một sự việc là chuyến cõng gạo của mấy anh em văn nghệ Khu 5 xuýt chết vì gặp biệt kích Mỹ ở vùng sông Xà-lò thời gian ấy.
 Thật khổ cho nhà văn Bùi Tự Lực, bài của tôi đã công bố trên trang nhà của các nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhương, Trần Kỳ Trung, của các cựu học sinh trường Đông Giang – Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) v.v…chứ đâu riêng gì ở website của nhà văn Bùi Tự Lực.Và báo Văn Nghệ của Hội nhà văn do nhà văn Nguyễn Trí Huân làm tổng biên tập cũng đăng (nhưng đã sửa tên bài và cắt ngang rất tệ hại, tôi đang ráo riết yêu cầu tổng biên tập Nguyễn trí Huân phải đính chính và cáo lỗi với tác giả và bạn đọc).Tôi cũng in từ máy vi tính ra một bản nhờ người trao tận tay nhà thơ Thanh Quế với dòng thư ngắn đề nghị nhà thơ đọc và viết bài trả lời.Từ sau khi bài của tôi được công bố, tôi cùng mọi người quan tâm đến vấn đề đều trông đợi bài trả lời của nhà thơ Thanh Quế. Nhưng đợi hoài mấy tháng nay vẫn chưa thấy. Có lẽ chính vì sự chậm trễ trả lời của nhà thơ Thanh Quế nên mới xảy ra tình trạng đáng buồn kể trên.
 Một cú điện thọai có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng e rằng tính chất và hậu quả của nó chắc không nhỏ.
 Đà Lạt 16.04.2011.
BMQ
(Nguồn buituluc.com)