Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐI TÌM VUA LÊ

Phùng Thành Chủng
Thứ tư ngày 20 tháng 4 năm 2011 6:06 AM
Truyện ngắn

“Lại công văn ở đâu đấy?” - gỡ chiếc xà cột luôn mang theo trên vai quẳng lên bàn, Hạo - chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn - vừa kéo ghế ngồi xuống phía đối diện vừa hỏi.
Bên kia, Thản – Phó chủ tịch thường trực, kiêm trưởng công an như cố đọc nốt những dòng còn lại. Cuối cùng, thay vì phải trả lời, Thản ngẩng lên đẩy tờ giấy sang cho Hạo:
“Này, anh xem!”
Thái độ của Thản làm Hạo chú ý “Chắc lại là ba cái vụ đơn thư kiện tụng, khiếu tố… (?)”. Nhưng Hạo ngạc nhiên khi thấy đó là một lá thư của một bà có cái tên là Janet Jackson ở bang Boston nào đó bên Mỹ, gửi đích danh cho Uỷ ban nhân dân thị trấn H. Thư được viết bằng tiếng Việt. Nguyên văn như sau:
“Boston ngày…. tháng….. năm …
Kính gửi: Quý ngài Uỷ ban nhân dân thị trấn H.
Kính thưa quý ngài!
Đầu tiên xin phép quý ngài được tự giới thiệu:
Tôi là Janet Jackson, 54 tuổi. Quốc tịch Mỹ. Hiện đang ngụ tại số 4, đại lộ X, bang Boston, Hoa Kỳ. Ngót 30 năm trước – năm 1968, chồng tôi – ông Vũ Văn Dụng (người Mỹ, gốc Việt) có quan hệ với một người phụ nữ tên là Lê Thị Ngọt ở thị trấn H, nhưng không đi tới hôn nhân. Sau đó chồng tôi bỏ nhà ra đi khi bà Ngọt (lúc đó là cô Ngọt) đang có mang ba tháng. Theo chồng tôi cho biết thì chồng tôi là hậu duệ của một vị quan võ dưới triều nhà Nguyễn, nhưng hiện nay thân thích không còn ai ngoài bà Ngọt và đứa con của hai người! Trước khi mất, chồng tôi có trăng trối cho tôi tìm cách bắt liên lạc và bảo lãnh cho mẹ con bà Ngọt sang Mỹ. Thể theo nguyện vọng của người quá cố, tôi kính chuyển đến quý ngài lá thư này với hy vọng nhận được từ phía quý ngài sự giúp đỡ trên tinh thần nhân đạo về những thông tin cụ thể sau đây:
1. Tình hình bà Ngọt, kể từ sau khi chồng tôi bỏ nhà ra đi đến nay ra sao? Lấy ai? Được mấy đứa con? Có còn ở thị trấn H hay không?
2. Đứa con của chồng tôi với bà Ngọt là trai hay gái? Đã có chồng (hoặc vợ) con chưa?
3. Địa chỉ của bà Ngọt hiện nay?
4. Ngoài những thông tin trên, cảm phiền quý ngài gửi cho xin một hoặc hai tấm ảnh chụp chung (hoặc riêng) của hai người.
Kính thưa quý ngài:
Để đáp lại sự giúp đỡ của quý ngài, sau khi có những thông tin đầu tiên, tôi sẽ chuyển sang tặng riêng quý ngài một món quà nhỏ là 3000USD. Ngoài ra, khi thủ tục bảo lãnh cho mẹ con bà Ngọt sang Mỹ hoàn tất, tôi xin ủng hộ địa phương quý ngài một khoản tiền là 30.000USD để phục vụ cho những công trình phúc lợi. Rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của quý ngài. Xin chân thành cảm ơn. Cuối cùng, kính chúc quý ngài luôn luôn mạnh khoẻ và xin được gửi tới quý ngài lời chào trân trọng.
Kính
Janet Jackson”
“… Ý anh thế nào?” - Thấy Hạo rời mắt khỏi lá thư, ngồi ngẩn ra, Thản lên tiếng.
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của Thản, Hạo quay sang:
“Có phải “Dụng chiêu hồi” không?”
Thản gật đầu:
“Chính hắn!”
Hạo lẩm bẩm như nói với chính mình:
“Thì ra… “tay” Chổm bây giờ là con ông ấy”
Thản cười:
“Tôi cũng không ngờ…”
… Ngày ấy khi Hạo và Thản còn ở lứa tuổi quàng khăn đỏ, thì Ngọt - người được nhắc đến trong lá thư – đã ở cương vị bí thư Đoàn xã. Sau đó, vì “tội” trong quan hệ luyến ái có những biểu hiện không lành mạnh”, “bà” bí thư phải nhận kỷ luật ở mức cách chức và bị khai trừ ra khỏi Đoàn! Thằng “Chổm” bây giờ chính là kết quả của mối tình vụng trộm đó (chính tên khai sinh của anh ta là Đường – Lê Văn Đường) nhưng vì “hận đời”, Đường đâm ra cờ bạc, rượu chè, ăn chơi lêu lổng - chỉ thân nuôi mình mà “nợ như chúa Chổm” – nên người ta gọi Đường là Chổm, lâu rồi thành quen. Mấy chục năm qua, bà Ngọt ở vậy nuôi con (không những mang tiếng chửa hoang, người ta còn định kiến bà vốn xuất thân là con nhà mõ!) Nhưng bà đã quan hệ với ai và ai là bố thằng Chổm? Đó là điều bí mật mà bà Ngọt đã không hề hé răng với ai và mang theo cho đến lúc xuống mồ! Vậy mà bây giờ, khi tất cả mọi việc đã lùi vào dĩ vãng, khi không còn ai nghĩ đến hoặc có ý định cất công tìm hiểu thì điều bí mật lại ngẫu nhiên được”bật mí”…
“Ý anh thế nào?” – Câu hỏi của Thản đã cắt ngang dòng suy nghĩ của Hạo và một lần nữa kéo Hạo về với thực tại.
Như đã có chủ ý, Hạo liếc xem đồng hồ tay rồi vớ lấy chiếc xà cột đứng dậy:
“Bây giờ thế này” - giọng Hạo bỗng trở nên quan trọng – “ông ra bảo ông Đạo bảo vệ đóng cửa trụ sở. Nhớ dặn ông ấy nếu có ai hỏi, bảo “chiều nay, các anh ấy bận họp, Uỷ ban nghỉ làm việc”.
… Thản còn đang ngập ngừng vì chưa hiểu ý của Hạo trong cái quyết định đột ngột ấy thì Hạo đã nháy mắt, hất hàm:
“Tôi với “ông” đến chỗ ông Bòng…”
*  *  *
… Khi nghe Dụng ngỏ ý muốn lấy Ngọt về làm vợ, ông Vọng đã kịch liệt phản đối. Tuy gia cảnh bần bách, vị thế xã hội cũng đổi thay, nhưng ông Vọng vẫn tự tôn cái quá khứ vàng son “vốn là dòng dõi con ông, cháu cha” của mình (vợ mất sớm, ông không tìm được đám nào “môn đăng hộ đối” làm người kế phụ, kế mẫu, đành phải chịu cảnh “gà trống nuôi con” cũng vì lẽ đó!). Ông thường kể cho Dụng nghe về một khoa thi: “…Tháng 5, năm Ất Sửu (1865), niên hiệu Tự Đức năm thứ 18, triều Nguyễn bắt đầu mở khoa thi võ tiến sĩ. Quy định ba năm một lần – thi Hội võ và thi Đình võ vào các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ấn định lấy ngày mồng 2 tháng 5 (âm lịch) thi Hội võ, ngày 15 tháng 6 (âm lịch) thi Đình võ (nếu năm đó gặp tháng 5 nhuận, thì thi Đình võ vào ngày 15 tháng 5 nhuận). Lấy năm Ất Sửu (1865) làm khoa thi võ tiến sĩ đầu tiên. Qua kỳ Hội võ vào kỳ Đình võ, khoa thi năm đó lấy được hai người đỗ võ tiến sĩ, sáu người đỗ võ phó bảng, và một trong hai người đỗ võ tiến sĩ chính là ông nội ông (Dụng là tằng tôn (chắt) gọi bằng cụ)”. Ông còn tự hào: “Việc này đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rõ trong “Đại nam thực lục chính biên”. Vậy mà bây giờ thằng con ông lại định lấy một đứa dòng dõi “tắc ơ”, con cái những kẻ trước đây chuyên “bưng mâm, cầm chổi” hầu hạ cha ông mình về làm vợ! Nhưng ông Vọng lặng đi khi Dụng cho biết Ngọt đã có mang ba tháng. Sau  những giây phút im lặng nặng nề, cuối cùng ông Vọng ngẩng lên nhìn như xoáy vào mặt Dụng nhưng giọng ông rũ xuống, vẻ cam chịu, nhẫn nhục:
“Thôi việc đã đến thế… để tôi nhờ người đến nói chuyện với người ta…!”
Dụng không hiểu tại sao bố anh lại định kiến với những người làm mõ (trước đây) như bố mẹ Ngọt đến thế(!) Thực lòng Dụng thấy bố mình bảo thủ, cố chấp. Bao nhiêu năm nay chính bố con anh chẳng đã từng là nạn nhân của những định kiến đó sao! Gia đình anh bị coi thuộc thành phần phong kiến bóc lột. Bản thân anh phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp III. Và bây giờ - 25 tuổi, anh vẫn được xem là một thanh niên chậm tiến, ngoài Đoàn!
“Thú thật, khi được giao nhiệm vụ giúp đỡ anh, em rất ngại. Nhưng rồi…” - Ngọt chẳng đã nói với anh như thế khi hai người đến với nhau. Về phần mình, Dụng cũng thấy Ngọt là một cô gái rất … đáng yêu. Dụng tin rồi đây bố anh sẽ hiểu ra…
Nhưng một tình huống bất ngờ mà cả ông Vọng và Dụng đều không ngờ đến đã ảnh hưởng và có ý nghĩa quyết định đến số phận sau đó của cả ba người.
Tối hôm đó, trong khi Dụng đang nghĩ đến những điều sẽ nói với Ngọt – lát nữa khi đến chỗ hẹn - về những dự định, những việc phải chuẩn bị cho ngày vui sắp tới của hai người thì Ngọt đã chủ động tìm đến:
“Anh Dụng! Kể từ giờ phút này, tôi tuyên bố cắt đứt quan hệ với anh…”
Nghe giọng nói và qua thái độ của Ngọt, Dụng hiểu là Ngọt không đùa! Nhưng… chuyện gì đã xảy ra?
“Ngọt…!” - Dụng lắp bắp.
Không để Dụng nói hết câu, Ngọt đã rít qua hai kẽ răng vì cố nén để không cho ai nghe thấy:
“Tôi căm thù anh!”
“Ngọt…!” - Dụng đã kịp trấn tĩnh lại - “… có chuyện gì? Nếu không… chẳng phải là… anh … và em đều đã tự nguyện khi đến với nhau?”
Không ngờ Ngọt lồng lên giận dữ:
“Đồ khốn nạn! Mày đã làm hại đời tao…” – cũng tưởng Ngọt chỉ dừng lại ở đấy, ai dè Ngọt lại đi xa hơn – “Đả đảo bọn quan lại, phong kiến bóc lột…”
Dụng thấy xây xẩm mặt mày. Tai anh ù đi. Anh loạng choạng suýt ngã. Quá bất ngờ trước sự xúc phạm của Ngọt đối với gia đình mình, Dụng còn đang choáng váng chưa kịp có thái độ phản ứng thì ông Vọng xuất hiện:
“Tôi mời chị ra khỏi nhà tôi…” – môi ông Vọng run run, những thớ thịt trên mặt ông giật giật, khi ông nói với Ngọt.
Quay lại, ông Vọng thấy gương mặt Dụng bệch ra như được nặn bằng sáp.
… Sau sự việc đó ông Vọng đã đóng cửa treo cổ trong buồng tự tử. Bởi đối với ông việc một đứa con nhà “tắc ơ” từ hôn với con trai mình (trước đó ông đồng ý chẳng qua chỉ vì nghĩ đến chữ “đức” khi biết Ngọt đã có mang) hơn nữa dám lăng mạ cả ông bà tổ tiên nhà mình là một cái nhục nghìn đời không bao giờ rửa sạch !
Cũng năm đó, Dụng xung phong đi bộ đội và vào Nam…
*  *  *
…Gã hoạn lợn rong, không hiểu ai mách, đã vô tình phóng chiếc “cá xanh” tìm đến nhà ông Bòng:
“Nghe nói bác có con lợn cái vạy quãng năm mươi cân, trước định gây nái nhưng giờ muốn hoạn?”
Ông Bòng ngớ ra:
“Có lẽ anh lầm, chứ… nhà tôi có lợn, gà gì đâu?!”
Gã hoạn lợn lộ vẻ thất vọng:
“… Có ai trùng tên với bác?”
Ông Bòng thật thà:
“Anh hỏi lại người ta xem thế nào chứ nếu tên là Bòng thì cả xã này chỉ có mình tôi…”
Câu chuyện trên nhanh chóng loang ra. Đến lúc ấy ông Bòng mới biết là mình bị “lỡm”! Ông sạm mặt: “ Không biết thằng nào nó nghĩ ra cái trò này? Đành rằng đùa nhưng mà “nó” đùa ác quá!” Chả là cô con gái lớn của ông – cô Chanh - năm nay tuổi đã “tối trời” (ba mươi) vẫn chưa có nơi, có chốn! Gã hoạn lợn (dù vô tình) từ đấy cũng đâm ra ngại chạm mặt ông Bòng mỗi khi có việc phải đi qua ngõ nhà ông…
Thản và Hạo đến nhà ông Bòng đúng lúc vợ con ông đang có chuyện to tiếng:
“Bố “chị” đã nói với “chị” rồi đấy! Nếu mà “chị” vẫn cứ cố tình thì thụt đến gặp “nó” thì đừng có trách!”
“Nhưng… “người ta” có gì là xấu?!”
“Thì… (tức quá, mà bà Bòng không nói ra được!)… thế nào mới gọi là xấu nữa?!”
Đúng lúc đó thì Thản và Hạo bước vào. Bà Bòng vội vàng phân bua:
“Chẳng giấu gì hai chú, không hiểu nghe ai mà con khốn nạn nhà này nó lại đâm đầu đi yêu cái thằng không cha, không mẹ…”
Thản buột miệng:
“Anh nào?”
“Thì cái thằng Chổm con nhà mụ “đốp” Ngọt chứ còn ai ở cái làng này nữa”
Cô Chanh lúc này mới sụt sịt:
“Bố mẹ cháu vẫn còn “phong kiến” lắm các chú ạ…!”
… Phải vất vả lắm Thản và Hạo mới dứt ra được cái “mớ bòng bong” nhà ông Bòng.
“Ông ấy ra trụ sở, sao trên đường đến đây tôi với “ông” không gặp?” - Hạo hỏi Thản khi đã ra đến ngõ.
Thản trầm ngâm:
“Bà ấy bảo đi cùng với tổ an ninh, chắc có chuyện…”
Thản và Hạo vội vàng lộn trở lại trụ sở uỷ ban. Từ xa, hai người đã nhận ra ông Bòng và tổ an ninh đang dẫn giải một bọn - lố nhố năm, sáu đứa (trong đó có Chổm) đi tới…
*  *  *
“Bà chị cho em hai bìa đậu với nửa lít rượu…”
“Hôm nay trả đỡ cho chị đi chứ! Gần trăm nghìn rồi!”
“Bà chị thông cảm, hôm qua không biết đứa nào báo, mấy đứa chúng em bị bọn an ninh lột sạch! “Sông có khúc, người có lúc”, khi nào “ăn nên, làm ra” thằng em không bao giờ dám quên những lúc hàn vi đã được bà chị cưu mang…”
“Có hoạ đến ngày xuống lỗ!”
“Bà chị cứ yên chí, người ta giàu nghèo đều có số cả! Chẳng biết đâu, nhưng ai mà được em đến mua cho thì hôm đó cứ gọi là suốt ngày đắt hàng”
“Chỉ được cái “dẻo mỏ”!
… Trên đường về, Chổm mới nghĩ đến số tiền gần trăm nghìn “cắm quán”! Mẹ kiếp! Hình như sáu hay bảy chục nghìn gì đấy chứ làm gì mà những … gần trăm nghìn! Con mụ này là chúa hay tính lận! Nợ của mụ quá vay lãi! Mấy lần rồi hắn đã ngờ ngợ… (?!) Nhưng rồi Chổm lại tặc lưỡi: “Những lúc “viêm màng túi” như thế này ai dám cho mình vay! Mụ bán chịu cho là tốt rồi!”
Lột chiếc chiếu trên chiếc giường tre đã ọp ẹp trải xuống giữa nhà (gọi là nhà cho oai chứ đúng ra là một túp lều), Chổm ngồi xếp bằng, thong thả và trịnh trọng rót rượu ra chén. Lấy luôn miếng lá chuối gói hai bìa đậu làm mâm. Đậu được bẻ ra từng miếng. Thêm dúm muối để một góc. Cũng chẳng cần đến đũa – “sai năm quân”, việc gì phải đũa với bát! Ấy thế, nhưng uống - với Chổm - phải nói là cả một nghệ thuật đã được hắn nâng lên đến mức “tửu đạo”. Chổm chúa ghét kiểu tu cả chai hoặc trăm phần trăm chén một! Theo hắn, chỉ những thằng thiếu rượu - để đủ “đô”, hoặc những thằng ngu mới uống như thế! Và như thế, dù có uống đến hàng lít cũng mới chỉ gọi là uống được chứ chưa phải là đã biết uống rượu…
Dù có cái nhắm hay không, đã uống rượu là phải thong thả đàng hoàng. Cuối cùng, điều quan trọng (mà ít ai giữ được) là phải biết dừng lại khi thấy mình đã đến “ngưỡng”. Chổm tự nhận có phong thái (trong khi uống rượu) của bậc đế vương. Bất giác hắn thấy tự hào với cái tục danh người ta gán cho mình khi nhớ đến mấy câu thơ:
“Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì!
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô”
“Anh Đường! Ăn sáng hay ăn trưa mà dở dang thế này?”
Chổm giật mình nhìn lên. Hắn tỏ vẻ khó chịu vì có người quấy rầy trong lúc đang uống rượu! Hơn nữa, Chổm cảm thấy lạ tai khi được nghe người ta gọi mình với cái tên là Đường (!) Bởi từ lâu lắm rồi, hầu như hắn đã quên, thì hôm nay…! Và Chổm bỗng nhớ ra đấy là cái tên khai sinh của hắn. Nhưng  hắn thấy khó chịu vì nó có vẻ mỉa mai thế nào (!)…
Chổm ngạc nhiên khi nhận ra người đứng trước mặt mình là Thản và sau Thản là cả tay “phó nháy” ngoài phố huyện đang nhăm nhăm chiếc máy ảnh trên tay. Chổm chưa nói gì thì Thản đã tiếp:
“Chúng tôi đến phiền anh để chúng tôi chụp ảnh…”  Chổm còn đang ngồi, Thản đã xua tay – “Không phải đứng dậy! Anh cứ ngồi như thế. Càng tự nhiên” - Lại sợ tay “phó nháy” lau tau lấy cả cảnh dưới chiếu thì bệ rạc quá, Thản quay lại nhắc: “Nửa người thôi nhé!”.
“Anh cứ yên chí!” - Mồm tay “phó nháy” đã méo vì đang điều chỉnh ống kính, lại càng méo hơn khi trả lời Thản.
“Thế, thế, cứ ngồi yên như thế nhé! Chụp này, chụp này! Hai… ba” – tách “khoan!” – tay “phó nháy” tiếp khi thấy Chổm (tưởng xong) đang định vớ lấy chén rượu – tách (lại một tiếng tách nữa) “Xong! Phô nữa cho chắc ăn. Đáng bao nhiêu!” – tay “phó nháy” quay sang bảo Thản.
Thản lại bên Chổm:
“Bây giờ phiền anh hạ bức ảnh của bà cụ xuống để chúng tôi chụp nốt”. Chổm ngơ ngác không hiểu người ta chụp cả ảnh mẹ mình để làm gì? Hắn miễn cưỡng đứng dậy đến bên bàn thờ gỡ bức ảnh bà Ngọt (đã đựơc phóng to) đưa cho Thản.
…Mọi vịêc sau đó diễn ra nhanh chóng. – “Bây giờ thì anh có thể tiếp tục đựơc rồi! Xin chúc mừng anh!” - Thản nói với Chổm khi hai người rời khỏi nhà.
“Chuyện gì thế nhỉ?” - Bất giác Chổm nhớ lại những lời bà Ngọt - mẹ hắn nói với hắn trước khi chết:
“Sai lầm lớn nhất của mẹ là đã không dám đứng ra bảo vệ, là đã để mất … tình yêu của mình!”
*   *   *
… Sau đó, một bức thư (kèm theo hai tấm ảnh) từ Uỷ ban nhân dân thị trấn H đã được gửi sang Mỹ theo địa chỉ của bà Janet Jackson. Đầu tiên, Uỷ ban nhân dân thị trấn H ngỏ lời cảm ơn tấm thịnh tình của bà Janet Jackson đối với địa phương. Về phần mình, Uỷ ban nhân dân thị trấn H cũng cho biết: “… Rất tôn trọng và ủng hộ những đề nghị chính đáng của bà. Trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước Việt Nam (đồng thời cũng là để đáp lại tấm thịnh tình của bà), Uỷ ban nhân dân thị trấn H thấy mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ giúp đỡ - sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để những nguyện vọng đó sớm được thực hiện…” Bức thư cũng thông báo cho bà Janet Jackson biết: “Bà Ngọt đã mất cách đây ba năm. Đứa con của bà Ngọt với ông Dụng là Lê Văn Đường (khai sinh lấy theo họ mẹ) hiện nay đã 28 tuổi”. Chỉ có điều, Đường vẫn sống độc thân nhưng trong thư lại thấy nói: “Đường đã có vợ…”
Ba tháng sau, Uỷ ban nhân dân thị trấn H nhận được một lá thư kèm theo khoản tiền 1.500 USD. Trong thư, bà Janet Jackson đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Uỷ ban nhân dân thị trấn H và đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân thị trấn H công khai thông báo cho anh Lê Văn Đường biết việc được bảo lãnh sang Mỹ.
2. Tạo điều kiện để bà và anh Lê Văn Đường có thể trực tiếp liên lạc với nhau.
3. Cung cấp cho bà những giấy tờ (bản sao) có liên quan đến bà Lê Thị Ngọt và anh Lê Văn Đường.
4. Hướng dẫn, giúp đỡ để anh Lê Văn Đường và vợ hoàn tất càng sớm càng tốt những thủ tục xin xuất cảnh hợp pháp sang Mỹ theo diện sum họp gia đình.
Cuối cùng, bà Janet Jackson cho biết số tiền 3.000 USD được gửi làm hai đợt (1.500 USD còn lại sẽ được tiếp tục chuyển sang). Ngoài ra, bà cũng không quên nhắc lại số tiền 30.000 USD ủng hộ địa phương như đã hứa và mong muốn nhận được  từ phía Uỷ ban nhân dân thị trấn H sự hợp tác tích cực và hữu hiệu hơn nữa trong thời gian tới….
… Tất cả mọi việc sau đó đã tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Những đề nghị của bà Janet Jackson được đáp ứng kịp thời và - về phần mình – bà Janet Jackson  cũng tỏ ra là người biết giữ đúng lời hứa (chuyển nốt cho Uỷ ban nhân dân thị trấn H số tiền 1.500 USD).
Một điều cần nói thêm là sau khi những thủ tục xin xuất cảnh sang Mỹ hoàn tất – trong thời gian chờ cấp giấy phép - một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức để anh Lê Văn Đường vui duyên mới cùng cô Nguyễn Thị Chanh, con ông bí thư Đảng uỷ thị trấn Nguyễn Văn Bòng. Ông Trưởng ban văn hoá của thị trấn được cử đứng ra làm chủ hội hôn hôm đó – khi giới thiệu - chẳng biết lỡ mồm thế nào, cứ tên “huý” của chú rể - Lê Văn Chổm mà réo, làm tất cả những người có mặt như bị thọc lét mà phải lấy tay bưng miệng, hoặc bậm môi, cúi mặt cố nín…