Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÕ QUÊ, NHÀ THƠ KHÔNG THỂ BỊ LÃNG QUÊN

Trần Xuân An
Thứ hai ngày 18 tháng 4 năm 2011 4:19 PM
 
1. Mở tập thơ:
“Thơ một thuở xuống đường” (1) không thể không khiến tôi ngẫm nghĩ lại về những năm cuối thập niên 60, nửa đầu thập niên 70 của thế kỉ XX mới vừa trôi qua được 11 năm. Thơ của nhà thơ Võ Quê đã đánh thức trong kí ức tôi những năm tháng học trò trước Ngày Thống nhất (1975), đồng thời khơi dậy những trang sử xa hơn nhưng cũng đầy hào khí sĩ tử, thời thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta dưới chính triều Tự Đức. Phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh chống chế độ cũ Miền Nam trước và sau khi Võ Quê có mặt như một điểm sáng chắc hẳn vẫn mãi mãi còn đó, không những trong kí ức những người cùng thời, mà đã thành những trang sử đúng nghĩa, tiếp nối những trang sử kia.
Tất nhiên sử không phải là thơ, thơ không phải là sử (2), cho dù thơ của những nhà thơ tranh đấu như Võ Quê là một phần quan trọng của một giai đoạn lịch sử. Đó là lúc thơ thật sự trở thành vũ khí chiến đấu, chứ không phải cách nói tu từ.
Đọc thơ tranh đấu của Võ Quê – thơ của một người rời bỏ các buổi miệt mài chữ nghĩa ở lớp học, giảng đường để xuống đường biểu tình trên đường phố Huế; thơ bật ra trong anh khi lâm vào cảnh bị tù đày tận Côn Đảo cho đến lúc được phóng thích theo Hiệp định Paris 1973; thơ anh viết ở vùng chiến khu Trị - Thiên sau đó –, tôi bỗng muốn quên đi những trang viết của những nhà sử học về giai đoạn này.
Để nhớ lại xem. Có phải thế này không, thời ấy...

2. Tại sao có thơ Võ Quê?
Khởi đi từ những năm phong trào Phật giáo đấu tranh chống Ngô Đình Diệm (1963 trở về trước), trong đó nổi bật lên là những học sinh, sinh viên, phong trào ấy vẫn tiếp diễn mãi cho đến Ngày Thống nhất, với khuynh hướng và danh nghĩa không còn mang màu sắc Phật giáo rõ rệt, mà mở rộng ra với ngọn cờ chủ đạo là Dân tộc. Một khi đã giương cao ngọn cờ Dân tộc, có nghĩa là đã xác định đối tượng của cuộc đấu tranh. Đó là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm...
Đó là thời sôi động “Phong trào Đô thị Miền Nam”, một phong trào bao gồm cả sư sãi, Phật tử, tiểu thương, công nhân, công chức, nhà báo, và cả thương phế binh nữa, thậm chí gồm cả một ít linh mục tiến bộ, nhưng nổi bật vẫn là học sinh, sinh viên. Hầu như những người trong mọi tầng lớp xã hội có chút tâm huyết đều tham dự vào phong trào, và bao giờ cũng thế, tuổi trẻ là năng nổ nhất. Thực chất đó là phong trào chung của nhiều khuynh hướng chính trị - xã hội khác nhau. Có người đòi tự do cho Phật giáo. Có người chống văn hoá lai căng do sự du nhập ồ ạt văn hoá hạ đẳng của Mỹ (3). Có người chống chiến tranh nồi da xáo thịt. Có người chống tham nhũng, bất công xã hội. Có người chống Mỹ xâm lược và nô dịch cùng nguỵ quyền tay sai. Có người kêu gọi hoà giải, hoà hợp dân tộc. Có người đòi thống nhất Nam - Bắc... Nói chung, đó là phong trào với những khẩu hiệu rất đẹp, rất cao cả, thể hiện ước vọng muôn đời của con người, của dân tộc: độc lập, tự chủ, tự do, dân chủ, công bằng, phản chiến, hoà bình, thống nhất, cơm no áo ấm... Tất cả mọi bộ phận, khuynh hướng đấu tranh bấy giờ đều chính nghĩa.
Tất nhiên, trong “Phong trào Đô thị Miền Nam” ấy, cũng có những người hoàn toàn không phải là Việt cộng (chiến sĩ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam) và không biết gì về cộng sản, về Miền Bắc. Họ đấu tranh, thế rồi, bị ném vào quân trường, trở thành những anh lính trơn, sĩ quan nguỵ bất mãn, bế tắc, hay trốn lính, đào ngũ, lại được giác ngộ để trở thành người cộng sản, lên chiến khu, ra Miền Bắc. Đồng thời, cũng có một số người ngay từ đầu đã là cộng sản đích thực, hoạt động dưới những danh nghĩa, vỏ bọc khác nhau, và rồi, bị tách lọc, đưa vào nhà tù, đày ra Côn Đảo. Võ Quê là một trong những người cộng sản trẻ tuổi ấy (4). Và bối cảnh ấy đã tạo nên nhà thơ Võ Quê.

3. Thơ của nhà thơ Võ Quê
3.1. Thơ “xuống đường”:
Là người trong cuộc, và hơn thế nữa, là một trong những ngòi nổ của phong trào, nhà thơ Võ Quê đã nhìn thấy hiện thực với tính chất đa dạng, phong phú, sinh động của nó. Quả thật, cuộc đấu tranh đã diễn ra với nhiều trường hợp khác nhau. Phải chăng đây là một trong những trường hợp đó: Chính phong trào đấu tranh của các tầng lớp ở Miền Nam và sự bắt bớ oan khốc của Mỹ - nguỵ, đặc biệt là chốn lao tù, những nơi vốn được bao người tù biến thành “trường học cách mạng”, đã giúp một số người từ chỗ là nạn nhân không-cộng-sản, thậm chí từ người cầm súng gác tù, được giác ngộ, trở thành chiến sĩ cộng sản. Có lẽ “Thừa Phủ ơi, lòng ta hồng biển lửa” (Huế, 1970; sđd., tr. 13-15), thể hiện quá trình diễn tiến cụ thể đó, là bài thơ xuất sắc nhất của Võ Quê:
“Khi mùa đông rớt xuống vai người // Chiếc lá vàng khô chết hồn vui // Lòng em có đau ơi người tù thiếu nữ (...) // Ngày em đến đây ngờ nghệch vô cùng // Tội tình gì một sáng ven sông // Lũ chúng bạo hành em // Lưỡi lê ghìm đầu súng // Mẹ rên xiết gào lên uất hận // Con tôi! Tội nghiệp con tôi // Hai ơi con đã đi rồi // Vườn không cỏ cháy mẹ ngồi khóc con (...) // Trong khám lạnh lòng càng cao căm phẫn // Em lớn khôn theo chí căm hờn // Em đang mơ ngày bứt xiềng bạo lực // Đời hồn nhiên hoa bướm thong dong (...) // Ơi người tù thiếu nữ trưa nay // Em âm thầm quét lá khô trên đường Lê Lợi // Lòng em đau từng nhát chổi lạnh lùng // Ta biết lòng em hồng biển lửa (...) // Em đang mơ ngày bạo quyền ngã gục // Xác chúng phơi trên ngưỡng cửa đề lao // Kiêu hùng tóc biếc bay cao // Em tung nón rách // Em gào tự do! (...)”.
Nhưng người tù thiếu nữ ấy vốn là ai? “Sau cánh cửa nhà giam // Nụ cười thơm giấy mực”. Và ước mơ của người tù thiếu nữ ấy, khi đã được tự do: “Ngày mai trên những chuyến đò // Có cô con gái học trò sang sông // Áo bay thơm má em hồng // Cờ vươn cao gọi gió // Thừa Phủ ơi! // Lòng ta hồng biển lửa”.
Phải chăng thơ của Võ Quê vốn là thơ của một người cộng sản trẻ tuổi, nên ít nhiều vẫn có nét khác hẳn so với những nhà thơ trong phong trào. Không những viết về học sinh, sinh viên, anh còn có cái nhìn đặc biệt ưu ái đối với tầng lớp dân nghèo thành thị:
“Còng lưng đạp bánh xe đời // Vòng quay oan nghiệt kiếp người bao năm // Mưa khuya nước mắt rơi thầm // Nghe như tiếng khóc người câm tủi hờn” (Người xích lô thành Huế, Huế - 1970, sđd., tr. 16).
Từ bánh xe xích lô với những vòng quay trên đường phố, anh đã khái quát thành bánh xe đời, vòng quay số phận, vòng lẩn quẩn của giai cấp. Nhìn sâu hơn vào những kiếp nghèo, anh vạch ra: “Cái nghèo trĩu nặng bên lưng // Cái giàu chúng vẫn tranh ăn cái nghèo” để rồi, thúc giục họ đấu tranh:
“Vòng quay da thịt quay theo // Thù dâng máu đỏ vỡ trào lên tim // Đạp cho tan bọn bạo quyền // Vòng quay đổi nhịp đời vươn nụ hồng” (Bài đã dẫn).
Nếu bảo rằng, thơ như thế là thuộc về nghệ thuật tuyên truyền, thì không sai, nhưng không thể chỉ căn cứ vào những vần gieo bị cưỡng, rồi cho là bài thơ ấy còn thô vụng, non nớt. Hơn nữa, ở một bài thơ khác, “Gửi em, cô gái quê nhà” (Huế - 1971, sđd., tr. 21-22), Võ Quê tỏ ra rất khéo léo trong công tác tôn giáo vận của Mặt trận Giải phóng, tại thời điểm tạp chí Đối Diện của hai linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan chứa đựng rất nhiều chất lửa đấu tranh:
“Anh nhớ làm sao ngọn đồi đất đỏ // Vườn chè xanh bom Mỹ xới tan tành // Em đã khóc thương giáo đường nát đổ // Chúa lặng buồn đôi mắt bám rêu xanh // Anh nhớ làm sao đường xưa hai ta // Nay là hào sâu đêm đêm chờ giặc // Tim chúng mình: nhịp trống dồn lồng ngực // Mắt em bồ câu ngời lỗ châu mai // Nhốt nỗi đau thương nén tiếng thở dài // Làm tiếng thét xung phong ngày đồng khởi”.
Cô gái trong thơ được anh gọi là “Người con gái Quảng” với những địa danh thuộc về Quảng Trị, một tỉnh Quảng trong dãi đất ngũ Quảng (Ngãi, Nam, Đức, Trị, Bình). Và chính hai chữ “quê nhà” trong nhan đề bài thơ đã khiến rất nhiều người lầm tưởng Võ Quê chính gốc là Quảng Trị. Thật ra, anh chỉ có những năm tháng học trò trung học dưới mái trường Nguyễn Hoàng ở tỉnh ấy. Dẫu vậy, tự thâm sâu trong tâm khảm anh, quê nhà không chỉ là Thừa Thiên (Quảng Đức) mà còn là Quảng Trị thân thương cật ruột. Quê nhà trong lòng anh còn trải rộng ra hơn thế nữa, với chùm thơ “Hát về những dòng sông” (sđd., tr. 17-20), vang lên các tên sông đầy thương yêu: sông Nhật Lệ, sông Thạch Hãn, sông Bồ, sông Hương...
Mảng thơ Võ Quê viết trong những ngày đấu tranh trên đường phố Huế dưới lớp áo sinh viên đã được anh chọn lại không nhiều, nhưng cũng hé mở cho người đọc thấy được tấm lòng anh hướng đến mọi ngành nghề, tôn giáo, đặc biệt những ai thuộc tầng lớp dân nghèo, từ thành thị đến nông thôn, và không chỉ hạn hẹp trong thành phố Huế. Có một điều thuộc vào những nét khác hẳn với những người làm thơ trong “Phong trào Đô thị Miền Nam” cùng thời, ấy là Võ Quê viết thẳng ra những dòng thơ nói về các đội quân du kích, các đoàn quân Miền Bắc vào Nam, quyết đánh tan chế độ cũ và đế quốc Mỹ, chẳng hạn như trong bài “Em chằm nón lá nuôi quân” (sđd., tr. 30-31): “Em chung thuỷ cùng đường kim múi chỉ // Chung thuỷ nuôi quân quê mình dũng sĩ // (...) // Chiếc nón bài thơ son sắt hiệp đồng // Từ hậu tuyến gởi che trời tiền tuyến”; hay ở bài trước đó, anh viết từ năm 1970, “Vang vang đất nở câu thề”: “Giày đinh một sớm qua làng // (...) Trái tim cách mạng là sao dẫn đường...”; lại càng rõ hơn nữa, khi anh viết về sông Nhật Lệ trong chùm thơ nói trên: “Nguỵ trang rợp lá đường vô // Con đò Mẹ Suốt vượt qua bom thù” (sđd., tr.18). Như thế, hẳn đó là những bài thơ không thể lưu hành hợp pháp và rộng rãi, mà chỉ dưới hình thức in ronéo, không giấy phép. Cũng có thể, bấy giờ, cách mạng đã cho phép anh ra mặt công khai, phất cao ngọn cờ lãnh đạo phong trào? Tôi không rõ. Nhưng không thể không nghĩ rằng, chính những dòng thơ ấy đã đẩy anh vào tù dưới chế độ cũ.
3.2. Thơ lao tù:
Tập “Thơ một thuở xuống đường” của nhà thơ Võ Quê còn có một mảng khá nhiều bài viết về chốn lao tù. Trong đó, nổi tiếng nhất, chắc hẳn là bài “Cho người bạn tù sơ sinh” (7-5-1971, trên đường ra Côn Đảo; sđd., tr. 33-34):
“Bé vào tù ngày chưa được nằm nôi // Như chú chuột con đỏ lòm trong tay mẹ // Ngục tù bắt em sống đời nô lệ // Mẹ dạy em sức mạnh quê hương // Bằng bài ca xé nát những bức tường // Cuốn rào kẽm // Chỉ còn hoa tim tím // Hoa tim tím một khung trời rộng lớn // Bé thơ ơi // Đừng khóc để lòng vui // Vắt cơm tù không đủ mặn bờ môi // Bé ngậm đỡ // Ngày mai ta trả lại // (...) Đêm nay mẹ cất tiếng hò // Vẳng trong lời mẹ con đò đưa quân // (...) Gió lộng trăng thanh em lành giấc ngủ // Đợi ba về mở cửa tự do...”.
Đó là một bài thơ tự do có vận dụng thêm lục bát và thủ pháp điệp ngữ trong điệu hò mái nhì, mái đẩy xứ Huế một cách khá nhuần nhị, nên rất dễ đi vào lòng người, khắc vào trí nhớ bao người bạn tù, trong điều kiện không thể có giấy bút, bản in.
Võ Quê có những câu thơ viết về người nữ sinh rải truyền đơn. Dẫu trong thực tế, đó là công tác rất hiểm nguy, nhưng với anh, khi đã vào tù, sao mà thơ mộng quá đỗi, cứ như một giấc mơ đẹp: “Em nhớ Huế, nhớ con đò Thừa Phủ // Áo lụa ngà trăng trắng nón nghiêng duyên // Em nhẹ nhàng vươn mười ngón tay tiên // Bướm trắng truyền đơn trắng trong phố trắng” (Bài học ngục tù; sđd., tr. 36). Phải chăng, đó cũng là một dạng “nàng tiên dũng sĩ”? Và chúng ta hiểu được rằng, không phải nhà thơ thơ mộng hoá, mà chính thực tại lao tù buộc người tù phải thơ mộng hoá quá khứ cam go, để có thể tồn tại, một khi thực tại tàn khốc thế này đây: “Không viết trọn những trang bài mực tím // Cô nữ sinh thành Huế - sông Hương // Tóc sớm rơi trên mặt đất Côn Sơn // Từng sợi biếc - đời lao tù thiếu thốn // Bụng chẳng no cơm, áo chằm phai mảng lớn // Những trang-bài-thực-tế của quê hương...” (bđd., tr. 35). Hơn thế nữa, để tồn tại được trong ngục tù, còn phải thơ mộng hoá cả tương lai: “Ngày em về thành Huế nở mai vàng // Cả nước chào em cô gái tù Côn Đảo” (bđd., tr.36).
Cũng viết về truyền đơn, nhưng không những khi ở Côn Đảo, mà ngay lúc ở nhà tù Chí Hoà tại Sài Gòn, và chỉ có thể với Võ Quê, thơ mới cho người đọc nhìn thấy được hình ảnh này: “Áo em vá mấy màu hoa // Nhìn xa mảnh vá như là truyền đơn” (Người nữ sinh Huế ở nhà tù Chí Hoà, sđd., tr. 74).
Tiếp nối dòng thơ tù Côn Đảo, vốn không ít tác phẩm của các thế hệ trước, nhưng Võ Quê đã cống hiến được một mảng thơ khá đặc sắc về nơi chốn “địa ngục trần gian” ấy. Chùm thơ tứ tuyệt lục bát mười bài có nhan đề chung, nhưng mỗi bài vẫn có nhan đề riêng; trong đó, có nhan đề là những địa danh tại Côn Đảo: Cầu Tàu, Nghĩa địa Hàng Dương, Sở Củi Bến Đầm... “Ma Thiên Lãnh” là một bài tiêu biểu: “Sương giăng lũng thấp chập chùng // Đêm Ma Thiên Lãnh hồn rừng về theo // Xác người xưa đắp chân đèo // Máu tù xưa thắm cờ đào hôm nay” (sđd., tr. 49). Thơ tù Côn Đảo của Võ Quê còn có nhiều bài thể hiện tinh thần đấu tranh đầy dũng khí nhưng khác với lớp nhà nho, anh không có chất khẩu khí, tiếu ngạo mà thơ mộng hoá. Ngẫm cho cùng, khẩu khí, tiếu ngạo hay thơ mộng hoá cũng là cách để chống đỡ với thực tại “địa ngục trần gian” khắc nghiệt. Thơ mộng hoá trong hoàn cảnh lao tù ngặt nghèo, khổ đau ấy ở Võ Quê là một nét đặc sắc. Mặc dù đã dẫn ở đoạn trên, nhưng tôi không thể không trích thêm bài tứ tuyệt lục bát này: “Nhấp nhô lớp lớp mồ xanh // Khói hương là bóng mây lành chiều sa // Chim rừng hót vọng tình nhà // Lời ca chị Sáu mượt mà hàng dương” (sđd., tr. 48). Tôi đoán chắc khi viết bốn dòng thơ ấy, Võ Quê đã nhớ lại hai câu thơ của Phùng Quán về Võ Thị Sáu: “Tóc con giập nát ở đây // Em con mái tóc gió bay đến trường”. Hai câu thơ ấy anh đã sử dụng trong một hoạt cảnh sân khấu thời còn là sinh viên tranh đấu ở Huế.
Cũng trong mảng thơ lao tù, còn có hoạt cảnh thơ “Giọt máu ta một biển hoà bình”. Đó là cuộc đối thoại nẩy lửa của bốn hình tượng nhân vật, chia làm hai tuyến. Đây là một hoạt cảnh dễ thu hút người xem và nghe thơ, mặc dù có dăm bảy dòng e rằng không thật đúng với thực trạng giáo dục ở Miền Nam. Trong sự thật, có thể có nhiều hạn chế, nhưng nền giáo dục Miền Nam không hề gieo rắc mọi loại căm thù, ngoại trừ niềm căm thù giặc ngoại quốc xâm lược như Tàu, Pháp, Nhật...
3.3. Thơ ở vùng giải phóng:
Mảng thơ thứ ba trong “Thơ một thuở xuống đường”, Võ Quê viết khi đã được ra tù sau thời điểm Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực.
Dĩ nhiên khi đã được phóng thích khỏi lao tù, trở về với đồng đội, đồng chí, Võ Quê viết được những bài thơ sảng khoái nhất. Hẳn đây là những tháng ngày anh không phải nơm nớp sống trong tâm trạng bất an, luôn luôn cảnh giác, đối phó, như khi đấu tranh trên đường phố Huế hay phải chịu bao cực khổ ở chốn lao tù. Tuy vậy, ngoài những bài như “Mắt Vân Kiều”, “Tiếng đàn em”, ghi nhận hiện thực ở vùng giải phóng, thơ anh viết về Huế vẫn rất da diết, xót xa. Theo tôi, “Huế” (6-6-1973; sđd., tr.60-63) là bài thơ thấm thía nhất của anh trong mảng thơ này.
“Có sinh ra và lớn lên ở Huế // Mới thấy lòng thương Huế biết bao nhiêu // Huế mưa đông Huế nắng hạ sương chiều // Huế khóc Huế cười Huế vui Huế khổ // Huế hiền ngoan Huế căm hờn phẫn nộ // Huế ngàn năm xưa Huế triệu năm sau // Trước hay sau Huế chỉ một tình đầu // Huế chung thuỷ trong mối tình đất nước”...
Anh viết về Huế như thế, bởi anh đã xác định trong lòng mình về một Huế của những Huế: “Huế cuả dân lành ấp yêu hẹn ước // Mơ Huế bình yên tiếng hát cung đàn // Hồn ca dao mặn mà nhịp phách tình tang”... Huế, theo mắt nhìn của anh, đó là hình ảnh mẹ tìm con trên đường lên Thừa Phủ, Huế của bác xích lô còng lưng đạp mãi, Huế của những người chị nghèo áo rách quần vá, Huế của những người cha công chức với đồng lương không đủ gạo, Huế của trẻ em sống nhờ những gì bươi móc được từ các đống rác, Huế của người lính chế độ cũ tan hoang nhà cửa và tan nát tâm hồn...
“Huế” là bài thơ khá dài, tuy hơi dàn trải, nhưng không vì thế mà loãng mất nỗi niềm rất đỗi chân thành.
Trong một bài thơ khác viết về Huế, “Huế tuyệt vời cùng Trường Sơn giữ đất” (19-3-1975; sđd., tr. 64-67), nhà thơ Võ Quê cũng có những câu thơ rất ấn tượng vì tính độc sáng: “Phong trào bừng dâng sen hồng nở rộ // Hương sen hiền nâng cánh trắng chim câu // (...) // Huế đứng thẳng trên đôi chân người mẹ // (...) // Mỗi nếp da nhăn đẹp mỗi chiến hào!”...
Huế của nhà thơ Võ Quê khác hẳn với Huế của các nhà văn, nhà thơ khác. Đó cũng là sự thể thường tình. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy tiêng tiếc thế nào đó, khi không thấy anh thể hiện ở một dòng thơ nào như Huế trong tâm cảm của tôi: Huế là thành trì tuy vô hình nhưng vô cùng kiên cố trước sự xâm lăng của văn hoá hạ đẳng Mỹ (phân biệt với văn hoá tinh hoa Mỹ) (3), bởi tự trong thâm sâu mỗi người dân Huế đều có một bản lĩnh sâu dày văn hoá Việt đậm bản sắc Huế.

4. Khép lại tập thơ:
Ba mảng thơ ấy đã làm nên tập “Thơ một thuở xuống đường” của nhà thơ Võ Quê. Và tôi nghĩ, đây mới chính là những gì ấn tượng nhất trong đời thơ của anh. GS. Trần Hữu Tá trong lời giới thiệu cũng đã nhận định: “Cũng như các nhà thơ trẻ khác, thơ của Võ Quê sáng tác 30 năm trước, đôi khi thiếu sự cô đúc, lắng đọng; ngôn ngữ thơ có lúc chưa được chắt lọc, trau chuốt. Thời giờ đâu để anh mài giũa thơ mình? Vả lại, mục đích chính của anh đâu phải là chuyện làm nghệ thuật?”. Ông phân vân trong khẳng định (khẳng định nhưng với một dấu hỏi): Lẽ sống của Võ Quê chủ yếu là đấu tranh cách mạng, mà thơ chỉ là vũ khí hữu hiệu của anh? Dẫu vậy, ông cũng cho rằng đây là tập thơ sáng giá (sđd., tr. 9-10). Riêng tôi, tôi muốn bổ sung cho đầy đủ nhan đề bài viết của tôi về thơ anh: “Võ Quê, nhà thơ không thể bị lãng quên vì mãi mãi vẫn còn sử kí”. Nói cách khác, bao giờ người ta xoá sạch lịch sử giai đoạn 1954-1975 ở Miền Nam, bấy giờ mới có thể không ai còn nhớ đến thơ Võ Quê, vì thơ tranh đấu của anh đã là một bộ phận không thể tách rời khỏi giai đoạn ấy, đặc biệt là từ 1969 đến 1975. Tuy nhiên, không ai, không lực lượng nào có thể làm nổi việc số-không-hoá một giai đoạn lịch sử đau thương, hào hùng và quan trọng đến thế trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các nước liên quan.
Tôi chợt có một ý tưởng. Đúng hơn, một mơ ước: Các khẩu hiệu nêu cao mục tiêu đấu tranh trước đây, trong thơ Võ Quê và trong “Phong trào Đô thị Miền Nam”, phải trở nên hiện thực. Nhưng quả thật, những mục tiêu đấu tranh và mơ ước ấy, cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều điều bất như ý, thậm chí có chút gì đó như thể đổ vỡ trong tâm hồn. Phải chăng vì thế, nhà thơ Võ Quê hiện vẫn đang là một nhà thơ với những khúc ca từ, những tứ tuyệt về hoa, những bài thơ bông đùa, một hướng là dịu mềm, một hướng khác là phản kháng. Nếu anh thoả hiệp với những gì trong xã hội hiện nay mà thời tuổi trẻ anh đã hết mình đấu tranh, đấu tranh không khoan nhượng, liệu chúng ta còn quý mến anh chăng?
Cuối bài viết, có lẽ không thừa khi tôi muốn nói thêm một điều về anh trong đời sống thật: Nhà thơ Võ Quê là một người cầm bút thuộc lứa tuổi đàn anh luôn đối xử tốt với nhiều người cầm bút trẻ hơn mình, trong đó có bản thân tôi. Điều đó, tôi đã chứng nghiệm trong 36 năm quen thuộc anh, kể từ Ngày Thống nhất (1975).

Trần Xuân An
09:35, ngày 03-3 HB11 (2011)
Viết xong lúc 9:05, cùng ngày; chỉnh sửa: 6:21, 04-03 HB11

(1) Nxb. Thuận Hoá, 2001, 102 tr., gồm hai mươi chín bài thơ, chùm thơ, một kịch thơ (hoạt cảnh thơ); lời giới thiệu: GS. Trần Hữu Tá; phụ bản: nhiều bức tranh mộc bản của Bửu Chỉ, 5 bản nhạc của Nguyễn Phú Yên, Hải Hà và Trương Thìn; phụ lục: bài viết của Hạnh Phương.
(2) Xin phân biệt với thơ sử. Thơ sử là thơ viết về lịch sử, có bảo chứng bằng tư liệu đã được giám định và bằng khảo luận sử học.
(3) Huế say mê đọc những tiếu thuyết xuất sắc của Ernest Hemmingway nhưng lại phê phán mặt tác hại của phong trào Hippy, tẩy chay tạp chí Playboy...
(4) Xem thêm: Võ Quê, “Lửa đường phố”, hồi kí, Nxb. Thuận Hoá, 2003.