Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MUỐN CÔNG BẰNG, PHẢI CÔNG KHAI

Tường Duy
Thứ tư ngày 23 tháng 3 năm 2011 6:29 AM
 
(Xung quanh ý kiến của nhà thơ Inrasara về việc xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)
 
Từ nhiều năm nay, sau mỗi kỳ Hội Nhà văn Việt Nam công bố danh sách hội viên mới, dư luận lại rộ lên bàn tán về những khuất khúc này nọ xung quanh việc bình xét kết nạp. Dĩ nhiên, thời đại bùng nổ thông tin, người viết thì mỗi người một tâm một tính, một cách nhìn nhận sự việc nên những ý kiến được đưa ra, dẫu nặng nhẹ thế nào thì vẫn bị xem là mang tính chủ quan, ai nghe thì nghe, tin được đến đâu thì tin. “Văn chương tự cổ vô bằng cớ” - cổ nhân đã viết vậy. Thế nhưng, sự việc đến mức như nhà thơ Inrasara tiết lộ trên báo Tiền Phong(bài “Xét vào Hội Nhà văn: Nên khách quan hơn”) hôm 13-3 vừa rồi thì quả là… “sốc”. Không “sốc” sao được khi ông nhà thơ giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam đã phải huỵch toẹt với bạn đọc, bạn viết cả nước một sự thật phũ phàng: “Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, lướt qua bảng danh sách 300 ứng viên thơ, tôi đã làm thao tác bỏ phiếu đầy cảm tính. Đến quá 90% ứng viên trong danh sách kia, tôi chưa có cơ hội đọc họ. Hơn phân nửa trong số còn lại, tôi có đọc, nhưng đã… quên. Vậy mà tôi vẫn cứ bỏ phiếu. Bỏ phiếu dựa trên bảng lý lịch văn học vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật do Ban chấp hành cung cấp. Từ đó nhận định của tôi - và có thể nói hầu hết ủy viên ngồi phòng kia, chắc chắn thế - không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua ký ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận”.
Thật ra, nói về sự “cảm tính”, sự “dựa vào quen biết” để bỏ lá phiếu kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trước đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - với tư cách ủy viên Hội đồng Thơ - cũng đã phải thừa nhận: “Nói chung thì cả nể. Nhà thơ mà. Người nào thích ai cũng thường có những động tác lăngxê trong cuộc họp trước khi bỏ phiếu. Thậm chí có người “gửi gà” lẫn nhau”. Sự việc đến vậy kể cũng là quá ngưỡng…cho phép, song một khi cái sự “cảm tính”, “dựa vào quen biết” ấy lên tới trên 90% như nhà thơ Inrasara tiết lộ (dù có thể chỉ đúng trong riêng trường hợp của ông) thì quả là… nghiêm trọng rồi. Bởi vậy mà sau khi bài viết của Inrasara được công bố, trên một số trang web đã có những lời bàn ra tán vào xung quanh ý kiến này của anh.
Những ai từng quan tâm tới việc bình xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hẳn đều biết qui định trước nhất để một người cầm bút có thể được đưa vào danh sách xét kết nạp: Đó là phải có ít nhất hai cuốn sách được chú ý, phải có đơn xin gia nhập Hội với chữ ký giới thiệu của hai hội viên. Tất nhiên, đây mới là điều kiện để qua được “cửa ải” ban đầu. Vấn đề quan trọng là phải hội đủ số phiếu cần thiết (quá bán) của các thành viên trong hội đồng Thơ, sau đó đến các thành viên trong Ban chấp hành. Mà đây là vấn đề không đơn giản chút nào, bởi với phương thức bỏ phiếu kín thì mọi lý lẽ dù hay, dù chính xác đến mấy hầu như cũng chỉ có tác dụng ở một mức độ nhất định. Ví như, cách đây hơn năm, một anh bạn làm thơ của tôi (hiện công tác ở miền Trung) đã phải một phen… mừng hụt khi nghe ông cán bộ đang công tác tại Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam thông báo anh đã được những người cầm cân nảy mực ở Hội “ôkê”. Rốt cục, khi kiểm phiếu, còn xa anh mới hội đủ số phiếu cần thiết. Thì ra, trong cuộc họp bình xét, khi nghe nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích về thơ anh, về tư cách của anh, mọi người đều gật gù, có vị còn xuýt xoa, ra chiều rất tâm đắc với những nhận xét mà ông Chủ tịch Hội đồng Thơ đưa ra. Vị cán bộ nọ là người được tận mắt chứng kiến cảnh tượng trên thấy vậy, chắc mẩm việc của anh bạn tôi như vậy là… xong, bèn gọi điện… chúc mừng. Ngờ đâu, khi vào cuộc bỏ phiếu, nhiều vị đã lại trở về đúng con người trước đó của mình: Nghĩa là quen biết ai, có cảm tình với ai thì… bỏ phiếu. Chấm hết. Anh bạn tôi không qua nổi cửa ải cuối cùng cũng là vì lẽ đó.
Trong bối cảnh tình hình xuất bản gần như thả nổi hiện nay, rõ ràng việc qui định một người muốn gia nhập Hội Nhà văn cần phải có hai đầu sách đã là điều “nhỏ như con thỏ”. Việc có hai hội viên giới thiệu cũng vậy. Từ sự thật đó, có người nêu ý kiến cần phải trông vào tên tuổi những người giới thiệu để xét kết nạp. Tôi cho rằng đây là một ý kiến ngây thơ, nếu không nói là ngây ngô, bởi Hội Nhà văn có cả trăm nhà văn tên tuổi, làm gì mà một người viết không xin nổi được vài ba chữ ký từ các vị. Các nhà văn vốn cả nể mà. Vả chăng, người nổi tiếng giới thiệu là một chuyện, người có quyền bỏ phiếu có tôn trọng ý kiến đó không lại là việc khác. Tôi từng nghe nói, trong số các đơn xin gia nhập Hội hiện lưu ở Ban Sáng tác, có những đơn được cả nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Hoàng Trung Thông giới thiệu từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, vậy mà người cầm bút đó đến nay vẫn chưa được đứng trong hàng ngũ Hội Nhà văn Việt Nam. Nói vậy để thấy, việc được hai hội viên giới thiệu (dù uy tín văn học đến đâu chăng nữa) cũng chỉ mang yếu tố thủ tục.
Nhà thơ Vương Trọng, trong một lần trò chuyện với người viết bài này về việc xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã nói một ý vui là: “Cứ tình hình này thì giả sử nếu chưa là hội viên, bây giờ mình có làm đơn cũng chưa chắc đã được kết nạp”. Tôi cho rằng đây không chỉ là một lời nói vui mà còn hàm chứa sự thật. Ở đây, tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ: Đó là trường hợp của nhà thơ Đồng Đức Bốn. Mặc dù tài năng của Đồng Đức Bốn được nhiều người thừa nhận, các nhà thơ, nhà văn tên tuổi như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Minh Tuấn, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Phục, Trần Huy Quang… đều có bài ca ngợi thơ anh, vậy mà có đến mấy năm liền, khi Hội đồng Thơ bỏ phiếu, anh chỉ được bốn phiếu (trong khi quá bán phải là 5). Đã có lần, theo như một bài viết của nhà thơ Đặng Vương Hưng in trên An ninh thế giới Cuối tháng, Đồng Đức Bốn đã viết đơn kiện Ban chấp hành Hội, thậm chí anh còn nói toáng lên giữa trụ sở Hội: “Thơ tôi hay. Tài tôi có. Tiền tôi cũng không thiếu! Xét mọi mặt thằng này chẳng kém cạnh ai. Thậm chí còn hơn rất nhiều vị hội viên khác…Vậy tại sao Hội đồng Thơ không bỏ phiếu cho tôi? Tại sao Ban chấp hành không xét kết nạp tôi vào Hội?”.
Tất nhiên sau này, Đồng Đức Bốn cũng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nghe nói, Ban chấp hành Hội đã làm một động tác hơi “ngoại lệ” là “bưng” thẳng anh vào, không căn cứ kết quả của Hội đồng Thơ. Dẫu sao, câu hỏi mà Đồng Đức Bốn thống thiết nêu ra: “Xét mọi mặt thằng này chẳng kém cạnh ai… Vậy tại sao Hội đồng Thơ không bỏ phiếu cho tôi? Tại sao Ban chấp hành không xét kết nạp tôi vào Hội?” là câu hỏi sẽ còn vang vọng trong đầu nhiều người có nguyện vọng được trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay.
Có lẽ quá trăn trở với câu hỏi “khó bề giải đáp” nói trên mà ở phần cuối bài viết của mình, nhà thơ Inrasara đã đưa ra một giải pháp: Đó là chia thang điểm để hội đồng chuyên môn có căn cứ kết nạp. Và theo cách chia của anh thì: Việc một người viết có hai tác phẩm được in được chấm 30 điểm; có dư luận báo chí được 10 đến 30 điểm; có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam được 30 đến 50 điểm; giải thưởng của Hội Liên hiệp được 10 đến 20 điểm; giải thưởng của Hội địa phương được 5 đến 10 điểm; các loại giải khác được từ 5 đến 20 điểm. Cứ vậy, ai hội tụ được chừng 80 điểm thì được kết nạp. Theo ý kiến riêng của tôi, cách nêu ý kiến của nhà thơ Inrasara là hoàn toàn xuất phát từ một sự suy nghĩ nghiêm túc, và ít nhiều cũng có căn cứ khoa học. Tuy nhiên, nếu cứ trông vào một số “thang điểm” do những nơi khác đánh giá thì các thành viên bỏ phiếu xét kết nạp còn “đất” đâu để thể hiện chính kiến của mình? Bởi căn cứ vào thang điểm ấy, nếu tôi “đủ điểm” thì anh phải kết nạp. Vậy việc kết nạp chỉ còn là việc “chuẩn y” chứ đâu còn bình xét nữa? Điều này chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra trong thực tế, bởi chẳng ai muốn mình “hữu danh vô thực” cả.
Chúng ta đã hô hào quá nhiều về việc những người có quyền xét kết nạp hội viên cần phải tinh tường, phải công tâm. Nhưng mọi sự đâu vẫn hoàn đấy, hệt như những điều mà các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Inrasara vạch rõ. Bởi suy cho cùng, cái vướng ở đây vẫn là do những con người cụ thể, với những yêu ghét cụ thể… gây ra. Chính vì thế mà theo ý kiến của cá nhân tôi, khi xét kết nạp hội viên, chúng ta cần thực hiện theo phương thức công khai. Nghĩa là một thành viên trong Hội đồng chuyên môn (hoặc Ban chấp hành Hội) muốn ủng hộ ai, cần phải có ý kiến rõ ràng, cụ thể và những ý kiến ấy cần phải được ghi lại thành biên bản, khi có thắc mắc, dị nghị của dư luận thì công khai cho mọi người cùng biết để đông đảo người viết có căn cứ nhìn nhận, đánh giá sự việc.
Gần đây, tôi có đọc trên một trang web ý kiến của nhà phê bình văn học Phạm Quang Trung về việc bình xét giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam. Theo Phạm Quang Trung thì mọi ý kiến ủng hộ hay không ủng hộ cần ghi vào biên bản và khi dư luận có phản hồi thì công bố để mọi người cùng biết. Tôi tán thành quan điểm này và thực tế, trước đây, thời các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên… làm chánh chủ khảo một số cuộc thi, cuộc bình xét giải, họ đều có bài viết nhận xét rất kỹ, thể hiện rõ lý do tại sao họ đồng ý (hoặc không đồng ý), và đồng ý ở điểm nào, chưa đồng ý ở điểm nào. Việc xét kết nạp hội viên cũng phải như vậy. Chứ cứ tình trạng “úm ba la” như hiện nay, đương nhiên khi xảy ra những phản ứng này khác, ai cũng thể hiện một thái độ “vô can”, kiểu như “chắc nó trừ mình ra”. Và rồi tất cả đều… hòa cả làng thì tình hình chắc chắn sẽ còn nhiều rắc rối, ùm xòa.
Nguồn: Văn Nghệ Công An 148/2011