Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIÊM BAO - MỘT BÀI THƠ TÔI TÂM ĐẮC

Trần Huyền Nhung
Thứ tư ngày 23 tháng 3 năm 2011 5:43 AM
CHIÊM BAO

Chiêm bao cơm nắm, muối vừng
Bao nhiêu trầm tích để gừng đừng cay?
Chim trời thả bóng vào mây
Ngẩn ngơ thả nhớ vào ngày xa em.
Áo lành sợi chỉ buông rèm
Người đi phương ấy mà đem hương về
Trốn vào sau giậu tái tê
Tơ hồng giăng suốt bốn bề lặng im.
Chiều đi bóng đổ im lìm
Hằn trong cõi một trái tim bộn bề.
Ước mình còn được u mê
Tâm tâm niệm niệm mà về cõi dương.
Tàn đêm chạnh phải khói sương
Còn nguyên một chuyến hoang đường với nhau.
Hoàng Đình Quang 

             BÌNH BÀI THƠ “CHIÊM BAO” CỦA NHÀ VĂN HOÀNG ĐÌNH QUANG . 

     Nói về giấc “Chiêm bao” chính nhà thơ Nguyễn Bính thừa nhận” Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…” , để rồi sau khi “tỉnh giấc chiêm bao”  thì lại “gió bay tà áo chiêm bao nửa chừng…”  và chính trong những giấc “ Chiêm bao” ấy, nhà thơ tình của “tương tư” đã vội ghi lại những câu thơ: “  Sắc hương muôn nẻo tuôn trào
                          Tiếc mà chi giấc chiêm bao một mình
                           Anh về viết lại thơ anh
                            Để cho bến mát cây xanh đôi bờ” .
   Trong “Truyện Kiều” thì nàng Kiều than thở “ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” . Trong “Nam Hoa Kinh” ( Trang Tử) hay còn gọi là “ Nam Hoa Chân Kinh”  có một điển tích nói về “chiêm bao”  mà Lý Thương Ẩn đời Đường có câu “ Trang Chu hiểu mộng mê Hồ Điệp”… Từ mộng đi vào văn chương, thơ ca thấm đẫm vào dân gian để khi diễn đạt cái gì không thật thì người ta cho đó là mộng. Không chỉ “chiêm bao” mới có mộng mà ngay khi thức vẫn có mộng như thường, ta hay nói trong trường hợp đó là “mở mắt chiêm bao”. Đức Phật kết thúc bài kinh Kim Cang bằng bốn câu kệ:
“Tất cả pháp hữu vi
Như mộng,huyền, bọt, bóng
Như sương như chớp lóe
Hãy quán chiếu như thế”
   Thế nào là pháp hữu vi? Mọi sự mọi việc như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo… đều là hữu vi. Đó là nói về bên ngoài. Năm uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức; bốn đại, đất, nước, gió, lửa hay sáu căn, sáu trần, mười hai xứ, mười tám giới cũng là pháp hữu vi. Nói là pháp hữu vi vì tất cả pháp do nhân duyên hoà hợp mà thành. Khi nhân duyên hoà hợp gọi là pháp được sinh. Nói như vậy để ta chứng minh được rằng, bài thơ “Chiêm bao” của nhà văn Hoàng Đình Quang nằm trong pháp “hữu vi” mà ta biết rằng chả có giấc “chiêm bao” nào giống nhau cả , từ Nguyễn Du cho đến Nguyễn Bính hay Trang Tử.
     Với nhà thơ Nguyễn Bính thì “Chiêm bao rất nhẹ nhàng” , còn với Hoàng Đình Quang- tác giả ghi lại giấc “chiêm bao” sao mà nặng nề , trĩu nặng suy tư đến thế. Mở đầu cho giấc “Chiêm bao” tác giả viết:
“ Chiêm bao cơm nắm muối vừng
Bao nhiêu trầm tích để gừng đừng cay” .
     Đúng là một giấc “chiêm bao” vô cùng giản dị, chẳng phải là giấc mơ cao sang đầy những cao lương mĩ vị, chỉ là “cơm nắm muối vừng” – mang nét rất đặc trưng của làng quê nông thôn Bắc Bộ, gắn với hình ảnh “hương đồng cỏ nội”, nơi có gốc lúa, bờ tre cùng với hình tượng con trâu đi trước, cái cày đi sau. Ca dao Việt Nam cũng có câu : “ Tay bưng chén muối đĩa gừng/ gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Hình ảnh trong thơ Hoàng Đình Quang rất gần gũi với những câu ca dao, dân ca đầy tính “răn đời” về tình nghĩa mà ông bà ta đã đúc kết thành bài học vô cùng quý báu. Nếu như chỉ hình ảnh “cơm nắm muối vừng” thôi thì giấc “chiêm bao” thật nhẹ nhàng, nhưng vấn đề cần bàn luận lại là câu thơ “ bao nhiêu trầm tích để gừng đừng cay”. Độc đáo nhất của ý thơ Hoàng Đình Quang lại nằm ở sự trĩu nặng cả một cõi lòng với “bao nhiêu trầm tích” đã đi qua. Những vết “sẹo” đời liệu rằng có “lành lặn” được không ? “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”- giá như gừng “đừng cay” thì cuộc đời này hay biết mấy ! “Gừng càng già càng cay” – liệu rằng có thật thế không? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra … nhưng …làm sao tránh được quy luật tự nhiên , cũng như “Ớt nào là ớt chẳng cay”. “Gừng đừng cay” – đọc câu thơ mà ta cảm thấy mắt như đã “cay xè” từ lúc nào. Vị “cay” như cay nồng xuống cả mũi , ta không ăn “gừng” mà cũng cảm nhận sự tái tê… man mác, ngậm ngùi cho nỗi lòng của tác giả bài thơ.
         Nỗi nhớ trong “Chiêm bao” được Hoàng Đình Quang miêu tả cũng rất độc đáo :
“ Chim trời thả bóng vào mây
Ngẩn ngơ thả nhớ vào ngày xa em”
      Hình ảnh cánh chim với bầu trời luôn nằm trong hệ quy chiếu tuần hoàn của nhau trong thơ văn. Một trong những đặc trưng cơ bản của phong cách thơ nghệ thuật là sự kết hợp hài hòa rất tự nhiên giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại. “Chim trời thả bóng vào mây” là lối tả cảnh ngụ tình mang nét cổ điển. Ta liên tưởng tới cánh chim trong “Nhật Ký trong tù” của Bác “ Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ/ cô vân mạn mạn độ thiên không” , cánh chim trong thơ Lý Bạch “ Chúng điểu phi cao tận” , trong thơ Bà Huyện Thanh Quan” Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi “…khác với cánh chim trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “ Chim hôm thoi thóp về rừng” … Ở đây hình ảnh “chim trời thả bóng vào mây” không phải là lối tả thực, mà tác giả chỉ tưởng tượng từ giấc “chiêm bao” nhưng cũng khiến ta cảm tưởng cả một không gian mênh mông, giữa một bầu trời có hình ảnh cánh chim đo cánh, nên mới có “bóng” in vào những đám mây trên bầu trời. Cũng như hình ảnh “bóng” của “em” luôn hiện hữu trong giấc mơ của “Anh”. Nghệ thuật nhân cách hóa trong câu thơ “ Chim trời thả bóng vào mây” thật tài tình . Đồng thời cũng là hình ảnh “ẩn dụ” để làm sáng tỏ trong lối so sánh : chim trời – bóng- mây và ngẩn ngơ – nhớ- em . Trong lời một bài hát có câu “ Đôi khi tình yêu vẫn thế …Yêu nhau chỉ vì yêu nhau…” và có những “nỗi nhớ” đôi khi cũng chẳng biết để làm gì …cứ cảm thấy nhớ và đến một ngày da diết nhớ … vậy thôi . “ Ngẩn ngơ thả nhớ vào ngày xa em” – một nỗi nhớ tưởng chừng như không thể thành được thơ vì không định hình được nhớ như thế nào …thực ra cũng chả có gì để mà nhớ mới lạ chứ. Thế mà rồi ..cũng “ngẩn ngơ” đến lao đao lòng người , “chiêm bao” …để rồi …hóa thành tứ thơ – một niềm trắc ẩn khó thành …
        Chỉ là bốn câu thơ đầu trong “chiêm bao” thôi mà có thể người đọc sẽ thấy được tính sâu sắc, giàu triết lý, mang âm hưởng của thơ đường trong thơ Hoàng Đình Quang. Hai câu thơ tiếp theo, tôi nghĩ rằng rất nhiều người hơi khó hiểu ở ý thơ:
“ Áo lành sợi chỉ buông rèm
Người đi phương ấy mà đem hương về”
     “Ngẩn ngơ thả nhớ vào ngày xa em” – “thả nhớ” chứ đâu có phải “thả dê”, nỗi nhớ như bị bỏ bùa vậy. Tôi mạnh rạn nói ra điều ấy là vì muốn làm sáng tỏ nỗi nhớ trong “chiêm bao”. Thế thì tại sao lại là “Áo lành sợi chỉ buông rèm” ? Sao không phải là hình ảnh cái áo rách hay áo mỏng manh nhỉ? Nhưng nếu nhà thơ dùng “mỏng manh” thì nghĩa quá rõ ràng rồi, câu thơ còn gì là cái hay nữa. Theo nghĩa đen thì ý câu thơ “Áo lành sợi chỉ buông rèm” – chỉ đơn giản là một cái áo lành lặn nhưng thuộc áo mỏng, ta cảm nhận như đó là những “sợi chỉ” nhỏ mỏng manh che lớp da thịt người con gái. Một hình ảnh so sánh thật kín đáo mà hiếm có nhà thơ nào kín đáo khi nói lên được suy nghĩ của lòng mình như tác giả Hoàng Đình Quang. Cũng có thể mùi thơm trên người cô gái đã làm cho tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ có được những vần thơ độc đáo như thế. Câu thơ “Người đi phương ấy mà đem hương về” , “người đi phương ấy” là phương nào vậy? Có thể cô gái ấy đi nơi phương xa và khi gặp lại thì vẫn “áo lành” mỏng manh ấy, vẫn mùi “hương” ấy nơi người thi nhân cảm nhận. “Sợi chỉ” ấy tuy mong manh, bé nhỏ nhưng không phải bị “đứt” mà áo vẫn “lành” lặn . Có phải là nhìn dáng em qua lớp áo mỏng manh, tuy chia xa ….nhưng hình ảnh “em” lại không đi mất trong tâm trí của nhà thơ?. Có thể hình ảnh “em” ấy đã trao trọn vẹn trong trái tim người thi sĩ đa cảm. Hình ảnh thơ quả là quá tuyệt, mang màu sắc lung linh huyền ảo…mênh mang, tình tứ, thật xa …mà lại rất gần .
        Tâm trạng sâu đậm nhất của nhà thơ lại tập chung ở hai câu thơ mang nặng màu sắc suy tư :
“ Trốn vào sau giậu tái tê
Tơ hồng giăng suốt bốn bề lặng im”
    Nguyễn Bính thì có “giậu mồng tơi” , Nguyễn Khuyến thì có “mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” … thế thì cái “giậu tái tê” của Hoàng Đình Quang là giậu gì vậy? Tại sao phải là “trốn vào sau giậu tái tê” ? Mà trò chơi “trốn tìm” đó là một lối chơi dân gian khiến tâm trạng con người ta thoải mái. Với tác giả của “chiêm bao” thì thật là tâm trạng khi “trốn vào sau giậu tái tê” . Thường “giậu” là nơi để ngăn cách giữa 2 khoảng khác nhau, còn gọi là phân chia ranh giới . Nhưng với Hoàng Đình Quang thì “ranh giới tình người đâu dễ phân chia” . “Giậu tái tê” ở đây chính là “giậu lòng” của “chiêm bao”. Sao nhà thơ không “trốn” vào nơi khác nhỉ? Đúng là chọn một nơi để “trốn sau giậu tái tê” quả là khó ra. Ở cái “giậu tái tê” ấy lại bị chằng chịt “tơ hồng” giăng mắc, giống như Đường Tam Tạng sang Tây Trúc lấy kinh bị yêu quái biến hóa thành màng nhện giăng xung quanh, ngó đâu cũng khó thoát ra khỏi cái màng nhện tưởng chừng như mong manh ấy. Hình ảnh “tơ hồng” trong ý thơ mang ý nghĩa duyên đôi lứa, nhà thơ bị bủa vây bởi lưới “tơ hồng” tứ phía. Chỉ có thể đành “lặng im “ trong lúc này, vì không thể biết làm gì được hơn trong hoàn cảnh như thế. Ta cảm thông với cõi lòng ngổn ngang đầy tâm sự trong hoàn cảnh trớ trêu với tiếng thơ Hoàng Đình Quang. Cảm được nỗi lòng tác giả, người bình xin được lấy những vần thơ thay cho cảm nghĩ bằng lời văn xuôi :
Vì sao anh chẳng nói gì?
Bên này hạ cũng xanh rì chờ mong
Nhớ anh! em cháy lửa lòng
Lẽ đâu tình chỉ bằng không hỡi người ?
 
Bẽ bàng trên bến tình ơi!
Anh như cánh gió chơi vơi khó tìm
Dặn lòng khóa cửa buồng tim
Vẫn nghe sóng dậy khắp miền bão giông.
 
Tiết trời vừa mới lập đông
Và anh như bếp lửa hồng trong em .
     Có thể nói :Hoàng Đình Quang ngẫm về đời mình rõ nhất qua hai câu thơ :
“ Chiều đi đổ bóng im lìm
Hằn trong một cõi trái tim bộn bề”
    Từ suy tư, tâm trạng đến cách nhìn đời và “ngộ” ra tuổi xế chiều của đời mình qua “chiêm bao” quả là theo một trật tự logic tình cảm. Trong “Tống Biệt hành” của Thâm Tâm cũng có nhắc tới “cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm” , trong thơ Nguyễn Bính có hình ảnh “lưng còng đổ bóng xuống sân ga” …đều nói về màu thời gian của tuổi tác con người. Nhưng cách nói của Hoàng Đình Quang thật khác, gợi trong lòng người đọc bao suy tư, man mác buồn. Câu thơ “Chiều đi đổ bóng im lìm”- nghĩa đen là một buổi chiều rất “nín gió” nên cây cối mới “im lìm” không một chút xào xạc lá bay. “Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”- hình như nhà thơ Thâm Tâm cũng có một buổi chiều như thế trong “Tống biệt hành”. Đồng cảm với tiếng thơ “chiều đi đổ bóng im lìm” là chút suy tư của người bình “ Chiều đi dâng sóng ngập hồn/ có ai níu chút hoàng hôn cuối ngày…’’( Trần Huyền Nhung). Ta hiểu ý tứ nhà thơ với một nỗi niềm như “ước gì thời gian trở lại” . Biết nói gì được trước “chiều đi” cứ lặng lẽ trôi , đành “im lìm” trong khi lòng còn “ bộn bề ” bao tâm sự… Trái tim ấy vốn đa cảm lắm, những vết sẹo của cuộc đời đã “hằn” sâu trong đó , thử hỏi lòng nhà thơ sao mà nhẹ nhàng, thanh thản được chứ? Trái tim ấy đã từng trải, bao thương tích của cuộc đời “hằn” thành vết “sẹo” …làm sao không đau được chứ ! Thương thay cũng một kiếp người ! ( Nguyễn Du) . Hoàng Đình Quang sử dụng ngôn từ “một cõi” – chỉ là “cõi” riêng của những suy tư thôi , không phải là tất cả với “tái tim bộn bề” ấy. Một cõi là chỉ sự riêng tư , một nơi nào đó để nhớ về …để đồng cảm, để thương vay khóc mướn…để làm giàu cho tâm hồn người thi sĩ vốn nhiều đa đoan.
     
         Thơ Hoàng Đình Quang mang triết lý phật giáo từ trong cả lời viết đến ý tứ thơ. Ta cứ như bị cuốn hút bởi cái “thần” mang hơi hướng phật giáo ấy, thể hiện ngay trong điều “ước” của nhà thơ:
“ ước mình còn được u mê
Tâm tâm niệm niệm mà về cõi dương”
    Niềm mong ước thật kín đáo! Nếu như tác giả nói toạc ra mong ước của mình là được sống trong tình yêu thì câu thơ sẽ nhạt như nước ốc. Cái khéo léo nhất là ước muốn được diễn tả chỉ bằng hai chữ “u mê” thôi. Thường khi yêu người ta hay bị lạc vào thế giới cứ như bị bỏ bùa thì gọi là “u mê” . Thế đấy,Hoàng Đình Quang thật tài tình khi nói được ước muốn, nỗi lòng của mình chỉ bằng hai chữ “u mê”. “Cõi dương” thường dùng trong kinh nhà Phật . “Cõi dương” là cõi của người sống, cõi đời, cõi thế gian. Mong ước của nhà thơ thật đời thường như bao con người khác. Một niềm mong ước thật đáng trân trọng. Nghệ thuật dùng điệp từ “tâm tâm niệm niệm” rất đắc địa. Điều đó thể hiện được tấm lòng của nhà thơ sống rất mực vì chữ tâm.
       Nếu như mở đầu bài thơ Hoàng Đình Quang nhập ngay vấn đề bằng một giấc “chiêm bao” thật giản dị, thì hai câu kết của bài thơ nói rõ thời gian của giấc “chiêm bao” ấy :
“ Tàn đêm chạnh phải khói sương
Còn nguyên một chuyến hoang đường với nhau”
    Thời gian của giấc mơ là “tàn đêm” – nói chính xác hơn là lúc gần về sáng.” Chạnh phải khói sương” chính là nỗi chạnh lòng về giấc “chiêm bao” ấy. Ta liên tưởng tới bài thơ “giây phút chạnh lòng” của Thế Lữ “vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi”, ta nhớ tới những vần thơ trong “Hoa Tiên” của Nguyễn Huy Tự” Khi vui chạnh nhớ bạn hiền…kìa đâu nghi ngút khói sương”…tất cả nói về nỗi “chạnh lòng” trong tâm trạng mỗi nhà thơ. Nhưng “chạnh phải khói sương” trong thơ Hoàng Đình Quang chỉ ngắn gọn bốn từ thôi mà diễn tả được hết nội lòng của mình, bao hàm đầy đủ ý nghĩa: tâm trạng, tâm cảnh, thời gian, không gian. Tứ thơ cứ mờ mờ, ảo ảo giống như cõi thực hư… “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / ai biết tình ai có đậm đà” ( Hàn Mặc Tử). Giấc “chiêm bao” ấy còn “nguyên” vẹn trong tiềm thức nhà thơ , chẳng phải là một “chuyện” hoang đường, là những giấc mơ không có thật. Nghệ thuật dùng từ “chuyến hoang đường” của Hoàng Đình Quang thật sâu sắc. Ta thường nghe người ta kể lại giấc chiêm bao là “chuyện hoang đường” chứ không phải “chuyến hoang đường” như trong “chiêm bao” của tác giả. Tôi đã cẩn thận nhớ lại trong đầu mình để thấy rằng chưa có một nhà thơ nào của Việt Nam dùng được từ ngữ “chuyến” hoang đường trong thơ. Người ta thường nói :những chuyến đi , những chuyến tàu hay chuyến tàu hoàng hôn… Duy chỉ có một Hoàng Đình Quang là sử dụng “chuyến” hoang đường mà trong từ điển tiếng Hán hay tiếng Việt không có “ chuyến hoang đường” . Vậy “chuyến hoang đường” nghĩa là gì thế? Ở  đây tôi không bàn luận tới “chuyện” hoang đường trong mơ . Ta cứ ví như những chuyến xe trong cuộc đời , những chuyến đò ta đã đi qua …thì được gọi là “chuyến” . “Chuyến hoang đường” thực ra ta hiểu ý của Hoàng Đình Quang muốn nói : đó là giấc mơ đã được trải nghiệm từ thực tiễn , từ nỗi nhớ niềm thương …nên đã tạo thành “chiêm bao” mà cả hai cùng ở trong “một chuyến hoang đường” với nhau.
          Tóm lại: Bài thơ “chiêm bao” của thi nhân Hoàng Đình Quang viết trong cảm xúc từ giấc “chiêm bao” mà “còn nguyên một chuyến hoang đường với nhau” mang ý nghĩa thực tiễn là giấc mơ có thật , chẳng phải là “chuyện” hoang đường xa lạ ở đâu rình rập cảm xúc nhà thơ. Dòng cảm xúc trong “chiêm bao” không phải là cảm xúc tuôn trào, mà ta  cảm nhận  dường như người viết có cảm xúc pha trộn lẫn lý trí , suy nghĩ vừa mông lung, vừa nặng trĩu cõi lòng …Tất cả những điều đó đã kết thành những vần thơ lục bát sâu sắc, hàm ý và đặc biệt là mang âm hưởng của đường thi. Cảm ơn nhà thơ Hoàng Đình Quang đã cho bạn đọc thưởng thức một giấc “chiêm bao” tuyệt tác. Tôi cho đây là một thi phẩm có một không ai về nội dung , hình thức và cả nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, nghệ thuật sử dụng ngôn từ …trong thời buổi thi ca đang bị chìm vào quên lãng như hôm nay. Một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hay mà hiếm có một nhà thơ nào trong thời đại nay có được phong cách truyền tải bằng thể thơ lục bát như Hoàng Đình Quang. Một giấc “chiêm bao” không phải nhẹ nhàng mà rất …Hoàng Đình Quang làm trăn trở, thổn thức bao giấc mơ còn bỏ ngỏ …
Trần Huyền Nhung .