Đọc bài viết của giáo sư về những việc cần làm cho một nền giáo dục trung
thực, lành mạnh(xem NGUYỄN XUÂN DIỆN Blog. 21-3-2011) tôi rất trân trọng về những trăn trở như rút gan ruột của giáo sư.
Quả thực, nếu làm được như vậy, thì giáo dục đúng là quốc sách hàng đầu như Đảng và Nhà nước vẫn luôn khẳng định Với bốn vấn đề -đổi mới cách thi cử, đào tạo theo nhu cầu, giáo dục đại học, chế độ tiền lương-nếu được quan tâm như GS đưa ra sẽ là một sự vận động tích cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn không thể đem lại cái cơ bản , cái bản chất cho một nền giáo dục mà GS cũng như chúng ta mong muốn: trung thực ,lành mạnh , hiện đại và phát triển
Giáo sư đã không đúng (hoàn toàn không đúng?)khi cho rằng chỗ nghẽn lớn nhất của sự phát triển xã hội là ở giáo dục, và cũng theoGS , giáo dục là quan trọng nhất. Nhưng tôi cho rằng, ngược lại GD chỉ là thứ yếu, ít ra trong thời đoạn này. Vì nó chỉ là một bộ phận, một lĩnh vực của HỆ THỐNG XÃ HỘI được dắt dẫn, định hướng và “qui định” bởi chủ trương, đường lối và các chính sách …Do đó hệ thống quyền lực chính trị mới là cái đóng vai trò chi phối. Sự tụt hậu về sản xuất , về kỹ thuật, về mức sống; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống( sự giả dối, tham nhũng, mua bán bằng cấp, chức vụ; chuyên quyền, độc đoán…đã trở thành phổ biến) không thể tìm lời lý giải, tìm chìa khoá giải quyết trong lĩnh vực GD, trong sự đổi mới GD được. Ông Lý Quang Diệu và ngài đại sứ Hoa Kỳ có nói về gốc rễ từ trong GD là chỉ đúng với xã hội của họ . Sự áp dụng cái quan điểm ấy vào nước ta chỉ là kiểu “đầu Ngô, mình Sở” mà thôi!
22 trí thức hàng đầu của đất nước trong cuộc hội thảo gần đây (do cựu phó thủ tướng Trần Phương chủ trì), cũng như nhiều chính trị gia khác đã đúng khi cho rằng chính yếu tố lạc hậu của hệ thống chính trị là rào cản lớn nhất của quá trình phát triển đất nước và xã hội. Cái mà cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An thẳng thắn gọi đó là “lỗi hệ thống”. Đây mới là điểm nghẽn , là điểm cần đột phá có tính chiến lược và tính thời đại phải có các phương án giải quyết. Tiếc rằng ông (Nguyễn Văn An) cũng như nhiều chính trị gia khác đã không đưa ra được những dự án tích cực, phù hợp với sự vận động của thực tiễn chính trị nước nhà. Quan điểm về một sự tách bạch giữa quyền lực chính trị với quyền lực nhà nước, cũng như yêu cầu cần luật hoá điều 4 mà ông và nhiều người đưa ra là kết cục của một sự bế tắc, mơ hồ về chính trị…
Tôi cho rằng, hệ thống đóng vai trò chi phối này nếu không được đổi mới mạnh mẽ và triệt để thì những suy tư và mong muốn của GS sẽ là lạc điệu , nếu không muốn nói là kinh viện và giáo điều theo nghĩa tính thực tiễn, tính khả thi rất xa xôi (viển vông). Đừng trách bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trước đây đã không làm được những dự án to tát của mình, và theo tôi, GS cũng đừng trách ai cả. Đó là nỗi buồn của chúng ta. Điều này cũng giống như nỗi buồn còn dài của 2 cháu Thuý và Hằng vậy. Hãy chôn những kế sách của mình vào sâu trong lòng, thưa GS, kiểu người đời lại cho mình là gàn dở.