Tôi vào đại học năm 1968, là sinh viên Khóa 3, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc - tiền thân của Trường Đại học Thái Nguyên bây giờ. Dạo ấy, do trường tôi mới mở, các thầy cô chủ yếu được chi viện thẳng từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chỉ một số rất ít lấy trực tiếp từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong đó có thầy Nguyễn Minh Thuyết. Khi đó, thầy Thuyết còn trẻ lắm. Ấy là so với đội ngũ giảng viên lớp trước với những tên tuổi như Hoàng Nhân, Lương Duy Thứ, Phạm Luận, Trần Văn Bính… Ngay so với lớp sinh viên chúng tôi thầy cũng còn rất trẻ. Nhiều học viên Khóa tôi là cán bộ đi học, tuổi đời thường cao hơn thầy. Vì vậy, xin thú thật, giữa thầy với chúng tôi không thật nhiều kỷ niệm sâu đậm như với các thầy cao niên khác. Chúng tôi chỉ biết vài dòng vắn tắt thế này: Thầy Nguyễn Minh Thuyết là một sinh viên giỏi, chuyên ngành Ngôn ngữ học, học trò “ruột” của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Bẵng đi một thời gian, vào đầu những năm 1980, khi sang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ, tôi biết thầy cũng đang tu nghiệp tại đây. Vì xa xôi cách trở, lại bận bịu với việc học hành, thầy trò chúng tôi ít có dịp gặp nhau, và tôi chỉ lưu giữ lại một vài ấn tượng cũng không thật nổi bật cho lắm với thầy…
Cho đến những năm gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội chuẩn bị kết thúc, tôi được nghe biết nhiều hơn đến tên tuổi thầy Nguyễn Minh Thuyết ở cương vị Phó ban, tức tương đương với hàm Thứ trưởng, nào đó. Tôi trọng thầy như trọng tất cả những người giữ bất kỳ trọng trách nào trong bộ máy công quyền mà luôn làm hết trách nhiệm với dân, với nước lại giữ được phẩm chất cần có ở một con người. Còn nhớ, tại Lễ Khai mạc Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam Lần thứ VIII năm 2010, tôi có vinh dự gặp thầy với tư cách là Đại biểu mời ở tiền sảnh Hội trường. Giữa các nhà văn - đồng nghiệp của tôi, thầy trịnh trọng giới thiệu tôi với người cán bộ trẻ đi cùng. Tôi không quên nhấn mạnh: “Tôi từng được vinh hạnh thụ giáo thầy Thuyết cách đây 40 năm”. Giọng tôi run run. Phải nói là ít khi tôi cảm động đến thế. Bởi, trước mặt tôi không chỉ là một người thầy cũ mà thế hệ chúng tôi buộc phải hàm ơn. Đặc biệt hơn nữa, trước mặt tôi còn là một đại biểu Quốc hội chuyên trách nổi tiếng, ở chỗ, không kỳ họp, thậm chí không phiên họp nào thầy lại không đại diện cho cơ quan lập pháp đưa ra những câu chất vấn thẳng thắn, thấu tình, thấu lý đối với những đại diện cao nhất của cơ quan hành pháp, kể cả Thủ tướng. Trong những buổi họp quan trọng của Quốc hội mà Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp, tôi thường ngồi chăm chú theo dõi ý kiến của các vị đại biểu. Nhiều lời phát biểu thú thật là rất nhạt, hình như nói chiếu lệ, cho qua chuyện. Lại cứ khư khư cầm văn bản in sẵn trên tay. Cứ thế mà đọc liên tục, không ngưng nghỉ, từ chữ đầu cho đến chữ cuối. Chỉ sợ rời văn bản ra là sẽ “nói lạc”, nghĩa là nói thật lòng mình, cũng có nghĩa là đụng chạm đến người khác. Không loại trừ cả những bậc quyền cao chức trọng đang ngồi kia. Nhưng cũng có không ít những lời phát biểu đầy dũng khí, đi thẳng vào vấn đề, với trách nhiệm cao nhất có thể có của một vị đại biểu của dân, vì dân và do dân. Tôi tự hào thấy trong số những đại biểu xứng đáng này có thầy Nguyễn Minh Thuyết của chúng tôi. Hẳn nhiên, trung ngôn tất nghịch nhĩ. Vì thế, tôi biết chắc… nhiệm kỳ này sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của thầy tôi với tư cách là đại biểu của dân. Không thể nào khác được. Bảo tôi có nuối tiếc không ư? Có chứ! Cũng không thể nào khác được. Chỉ không biết là nên buồn hay nên vui đây, thưa thầy!
Nhưng, có điều này thì tôi biết chắc chắn lắm: Sau nhiều năm tạm rời xa giảng đường, thầy sẽ trở về với nghề dạy học với nguyên tư cách và phẩm cách vốn có của một ông thầy mẫu mực trên mọi phương diện mà dân tộc cần lao, thông minh và trung thực này đã sinh ra. Làm người, vậy là đủ mãn nguyện lắm rồi, thầy ơi!
Đà Lạt, chiều 22/03/2011
Học trò cũ của thầy Nguyễn Minh Thuyết
Phạm Quang Trung