Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LONG LANH SỰ SỐNG

Vũ Quốc Túy
Thứ ba ngày 22 tháng 3 năm 2011 10:45 PM
Nhân ngày nước thế giới 22-3

  Những cảnh sắc thiên nhiên từ dòng sông, con suối, ao hồ, đầm phá… đến mặt biển đã làm nên vẻ đẹp lung linh hùng vĩ, huyền diệu và hoành tráng của non sông gấm vóc, đã đi vào nhạc vào thơ, đi vào hồn người, trường tồn với thời gian. Cái đẹp thiên nhiên ban tặng con người làm phong phú đời sống tinh thần là một nhẽ, giá trị duy trì sự sống của vật chất ấy mới quan trọng biết nhường nào. Đó chính là nước, một chất lỏng không màu, không mùi, không vị được cấu tạo bởi hai nguyên tố hoá học là ô-xy và hyđrô. Từ đó, suy cho cùng, nước chỉ có một nguồn duy nhất là nước thiên nhiên. Còn nước ngầm, nước sông, nước suối, nước biển, nước mưa hay nước ao hồ, nói chung là các loại nước có tên gọi khác nhau mà ta có lúc nhầm tưởng đấy là nguồn, chẳng qua chỉ là nơi nước đi qua mà thôi. Nước sạch hay bẩn phụ thuộc vào nơi nó đi qua.  Nước muôn đời cần mẫn, tải đi những tạp chất có hại cho người, vậy mà con người lại vô tình coi rẻ, lãng phí nguồn tài nguyên quý giá ấy thì thật là bạc bẽo. Chính nước là nguồn gốc, sinh ra và duy trì sự sống trên hành tinh này .
  Nước nuôi sống, song cũng có thể giết chết con người nếu như con người không biết bảo vệ nó. Khổng Tử, nhà triết học cổ điển Trung Quốc đã dạy rằng, mềm yếu nhất là nước mà mạnh mẽ nhất, hung dữ nhất cũng là nước. Con người ở xứ ta đã lấy đi, đã phá hoại đi quá nhiều những gì thiên nhiên ban tặng. Phá rừng đầu nguồn tạo ra lũ quét, lũ ống, cướp đi bao nhiêu tài sản sinh mạng con người. Rác thải bừa bãi không qua xử lý làm ô nhiễm nước ngầm gây bệnh tật khôn lường. Chẳng biết vì lẽ gì mà người ta chỉ  chú ý đến đầu vào chứ ít quan tâm đến đầu ra, chỉ nghĩ đến việc khai thác sử dụng nước sạch mà quên đi việc làm sạch nước thải. Nước trong thiên nhiên chẳng bao giờ hết, chẳng mất đi đâu, chỉ biến từ thể này sang thể khác tuần hoàn lên trời, xuống đất. Chính đất nhiều tầng và cỏ cây là bộ lọc khổng lồ vĩ đại nhất tái tạo nước sạch cho con người thì lại bị rác thải xâm lấn, ngáng trở đường đi của nước, rồi giao cho nó tất cả những gì con người thải ra. Những thứ ấy, tất nhiên nước sẽ mang đến trả lại cho con người, con người tất phải lãnh đủ! Thật là kinh khủng nếu đến lúc nào đó không còn nước sạch để dùng. Sẽ là những bệnh tật quái gở phát sinh, không phương cứu chữa. Rồi sẽ phải trả giá vô cùng đắt cho từng ly nước sạch.
  Câu “uống nước nhớ nguồn” là lời răn dạy, là đạo lý đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Để nguồn nước bị ô nhiễm là một tội ác, là tự giết mình. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt, mà đặc biệt là lễ hội… hiện đang thải ra môi trường một khối lượng rác và nước bẩn khổng lồ đã giết dần giết mòn các dòng sông, con ngòi, mương máng… Những dòng sông chết mỗi ngày một gia tăng. Nước thì đen ngòm thối hoắc, các loại rác tạp pí lù nổi lềnh bềnh, tanh tưởi trông đến buồn nôn. Nước muôn đời long lanh sống động nhưng rồi cứ cái đà bị con người huỷ hoại thế này thì sẽ là sự long lanh chết chóc. Bây giờ, cao đàm khoát luận, rao giảng về những giá trị đạo đức dù hay đến mấy mà quên điều bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là nguồn nước thì khiếm khuyết cũng không thể coi là nhỏ . Cách đây hơn nửa thế kỷ có lưu truyền một câu chuyện. Người thầy hỏi trò : Mặt bẩn thì lấy gì rửa? Thưa thầy, lấy nước ạ. Nước bẩn thì lấy gì rửa? Trò chịu cứng lưỡi. Còn bây giờ, nếu được hỏi như vậy, chắc trò sẽ trả lời ngon lành, rằng nước bẩn thì lấy tri thức, lấy khoa học công nghệ ra mà rửa