Kính tặng thầy Nguyễn Minh Thuyết
Về thôi thầy ơi!
Về sống với nhân dân, những người thật lòng kính trọng thầy bởi thầy thật lòng yêu quý họ và hi sinh vì họ.
Về thôi thầy ơi!
Về với những cuộc đời lam lũ, nghèo nàn trong những căn nhà tăm tối nhưng tấm lòng hồn hậu và tâm hồn trong sáng.
Về thôi thầy ơi!
Về với sinh viên, với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước dạy họ biết sống làm người, đổi thay đất nước.
Em với thầy là nghĩa thày trò nhưng tình anh em. Nhấc điện thoại là có thể a lố, à lồ với nhau nhưng em vẫn muốn viết lá thư này gửi đến thầy bởi lẽ em mừng cho thầy lắm lắm. Mừng đến mức chỉ muốn hét thật to lên cho mọi người cùng chia sẻ: May thế thầy ơi!
Em muốn hét to lên “May thế thày ơi!” là bởi kỳ họp Quốc hội trước, thầy đã đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng xung quanh vụ Vinasin (giờ đã có kết luận không kỉ luật ai cả) em đã rất lo lắng cho số phận của thầy. Em lo đến mức dịp tết vừa rồi, đến đền thờ cụ Chu Văn An (ở Hà Nội), em đã thầm cầu Cụ phù hộ độ trì cho thầy. Em còn xin Cụ đưa đường, chỉ lối mách nước cho thầy vượt qua hoạn nạn bởi em thấy sử cũ chép lại rằng thời đó “Các gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính… Dụ Tông ham chơi bời luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là Thất trảm sớ. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy”. Sử gia Ngô Sĩ Liên bàn về Trần Dụ Tông trong sách Đại Việt sử ký toàn thư như sau[1]: Vua biết tôn trọng thầy dạy (tức Chu Văn An), nhưng lại không bàn việc nước với thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên để chỉ làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người vậy.
Chao ôi, thời phong kiến suy đồi, Cụ Chu dâng đến thất trảm sớ đòi chém đầu 7 người quyền thế mà tính mệnh vẫn an toàn để còn được treo mũ về quê thì xem ra Cụ Chu may mắn lắm và thời ấy cũng còn tươi sáng lắm. Nay, thầy cũng được an toàn để về dạy học thì làm sao mà em không thể hét lên: May thế thầy ơi!
Về thôi thầy ơi! Hãy về sống với nhân dân, những người thật lòng kính trọng thầy bởi thầy thật lòng yêu quý họ và hi sinh vì họ.
Về thôi thầy ơi! Về với những cuộc đời lam lũ, nghèo nàn trong những căn nhà tăm tối nhưng tấm lòng hồn hậu và tâm hồn trong sáng.
Về thôi thầy ơi! Về với sinh viên, với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước dậy họ biết sống làm người, đổi thay đất nước.
Có thể thầy và cả em nữa chẳng được chứng kiến ngày đất nước Việt Nam hùng mạnh “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu nhưng cần hi vọng thầy ạ. Bởi chúng ta là những người lạc quan và luôn tin tưởng ở tương lai như câu nói của Nhà văn Nam Cao cách đây 70 năm, rằng: Chúng ta đã hi vọng, đã thất vọng nhưng mãi mãi vẫn còn hi vọng.
Về thôi thầy ơi!