YÊU DẤU ƠI
Có giấc mơ buồn vương tuổi lớn
Ngược về hái biếc trái tinh khôi
Sân trường mỏng nắng xòe ô gió
Mắt liếc dọc mùa - yêu dấu ơi
Tự dưng nụ nhớ ngày xưa lạc
Giờ khẽ bung mình nảy sắc hương
Ta ngỡ thiếp đằm trong cảm thức
Bỗng lật nghiêng đời nghe tim run
Trần Mai Hường.
Lời bình của Đặng Diệu Thoa.
Tình yêu nơi cõi người vốn hàm chứa nhiều cung bậc khác nhau của tình cảm. Không chỉ thế, nó còn khác nhau bởi sức biểu đạt, biểu cảm mang dấu tích giai thời. Chính vì vậy, mà ở mỗi tác phẩm và mỗi khúc đoạn trong cuộc đời, cũng có những ngưỡng mức khác nhau. Song, cái run rẩy thơ ngây, thánh thiện và vương vấn nhất vẫn là tình yêu thủa học trò, dễ có mấy ai chưa từng một lần nếm trải.
Tình cảm thuở đầu đời thơ dại ấy thật thiêng liêng , trong trẻo. Nó vừa nồng nàn, e ấp vừa đắm say, ngọt ngào mê mụ mà ai đã mang nỗi tơ vương cũng không thoát khỏi tao đoạn phập phồng với những buồn vui thầm kín. Và cái tình yêu tươi mơ, non dại của thời trong trắng ấy tưởng đâu theo thời gian khuất lấp, nhòa mờ, thì nay đột nhiên cựa mình hiển lộ đau đáu khi vẳng lên đâu đó từ xa vắng tiếng gọi bồi hồi, tha thiết “ Yêu dấu ơi!” qua bài thơ mà nhà thơ Mai Hường đã mở lòng và ký thác hồn mình trong từng con chữ.
Bài thơ vẻn vẹn tám câu, ngắn gọn, cô đọng nhưng tác giả đã chuyển tải được bao tình cảm và tiếng lòng của chị. Men theo từng con chữ, người đọc như bị ngợp hồn giữa miền cảm thức nào đó,- nơi xưa xa có một tình yêu trong ký ức dội về. Thiết nghĩ, tám câu trong “ Yêu dấu ơi” không có câu nào lạc điệu hay nằm ngoài “từ trường” cảm hứng của bài thơ. Điều này được khẳng định ngay từ cách nhập đề.
“ Yêu dấu ơi!”- Tiếng gọi tha thiết như một âm thanh được cất lên từ đỉnh cao của nồng nàn, lãng mạn mà rất đỗi thân thương, gần gũi đã hút người đọc ngay từ khắc đầu khi chạm bài thơ. Thơ của chị khá hàm súc. Một bức tranh thơ rất ít nét. Với chỉ một vài chấm phá phớt mỏng, nhẹ mà bức tranh không gian hiện lên ở khổ thơ đầu của chị đã khá sinh động.
Có giấc mơ buồn vương tuổi lớn
Động từ sở hữu “có” án ngữ đầu câu thơ thứ nhất đã hướng tâm cảm người đọc vào miền kí ức tươi sáng, thơ mộng. Một không gian đầy ắp kỉ niệm với những ai đã từng qua vòm trời tuổi ngọc . Sau động từ “có” là hàng loạt các động từ với mức độ mạnh, nhẹ khác nhau tạo nên nhiều liên tưởng kì diệu, tạo hiệu ứng mĩ cảm trong thơ cho người đọc.
Người thơ đang sở hữu một “giấc mơ buồn”. Ta tự hỏi: phải chăng, đó là nỗi buồn nghiệp chướng của thi sĩ? Chẳng phải họ vẫn từng mơ mộng, rồi tự buồn, tự hụt hẫng đó sao? Thật hồn nhiên, dịu nhẹ khi ta bắt gặp nỗi buồn “vương tuổi lớn”- lứa tuổi trắng trong và đáng nhớ nhất trong đời. Động từ “vương” nhẹ như sương khói, như vô tình, không chủ động, đặt trước đối tượng mang tính ảo, trừu tượng “tuổi lớn” khơi gợi trường liên tưởng của người đọc trên một giao diện rộng.
Ngược về hái biếc trái tinh khôi
Sân trường mỏng nắng xòe ô gió
Đó là bức tranh tươi sáng mà người thơ đã tạo ra sau khi phác những nét nhẹ, mềm mại, uyển chuyển. Kí ức thần tiên nơi bóng nắng như tấm voan mỏng trải ra một không gian mộng mơ với những vòm cây xòe tán rộng chung chiêng, nơi chốc chốc rộ lên những chuỗi cười giòn tan lách từng kẽ lá, nơi những bím tóc đung đưa trong gió, nơi những cặp mắt nai đăm đắm mơ màng…tất cả, tất cả luôn chấp chới trong tâm tưởng và như tiền đề dẫn ra một hiện tượng minh họa tất yếu, đặng đừng: “ Mắt liếc dọc mùa - yêu dấu ơi!”
Cảnh thanh trang, nét ít, gợi nhiều. gợi nhớ lâu như một sự lựa chọn của tiềm thức vậy. Động từ “ngược về” là một động thái có chủ định đặt trước động từ cụ thể “hái”, những tưởng sẽ có một kết quả nhỡn tiền nào đó. Ngờ đâu, đằng sau đó là một danh từ trừu tượng “trái tinh khôi” khiến ta luôn ngỡ ngàng trước không gian mơ hồ, vừa xác định mà như giả định. Có lẽ vì thế, cái dĩ vãng tình yêu càng da diết, ám ảnh hơn. “Trái tinh khôi” chẳng phải là trái non tơ, trái chín bói ở đời cây mới đơm hoa, kết trái mùa đầu sao? Khi ấy “trái tinh khôi”( nếu không muốn nói là trái cấm) được kết hợp với tính từ “ biếc” chỉ sắc độ khác nhau của màu xanh càng tôn vẻ nõn nường, tươi mới cho một cái gì đó đương thì nảy nở, tích chứa, căng mọng tràn đầy nhựa sống, hứa hẹn mùa dâng hương. Và tình yêu tuổi hồng luôn mang dáng dấp, hình hài, hương vị “trái tinh khôi” là vậy.
Câu thơ “ Mắt liếc dọc mùa - yêu dấu ơi!” bâng khuâng buông xuống kết khổ thơ thứ nhất gợi tả đôi mắt mở to, trong veo với ánh nhìn hồn nhiên mà đeo đẳng và dễ thương biết mấy! Thích thú vô cùng trước cách đặc tả ánh nhìn của tác giả. Ánh nhìn tinh nghịch, hồn nhiên mang vẻ gì đó rất Mai Hường. Ánh nhìn tưởng vu vơ sao mà đằm lắng và mơ mộng thế! Chợt nghĩ: Sao không phải là cái “ liếc xéo” hay “liếc ngang” theo kiểu “Ghé mắt trông sang” của Hồ Xuân Hương nhỉ? Nếu thế, cái nhìn ấy mới chỉ dừng lại ở sự nhìn, dừng lại ở khoảnh khắc nào đó dễ tiêu tan. Sức ám ảnh liệu có được là bao? Cái “Liếc dọc mùa yêu dấu…” gợi cảm giác xa xăm, hun hút theo bao mùa thời gian, mùa chờ đợi cho “trái tinh khôi” nồng chín. Chỉ một ánh nhìn thôi, đủ gợi cảm giác chơi vơi, dịu nhẹ mà đau đáu găm cài trong tâm tưởng, khiến ánh nhìn mãi vương vấn, nuối dõi về chốn thẳm xa.
Những thi liệu sắc sảo, kì công chọn lọc: ( giấc mơ buồn, tuổi lớn, trái tinh khôi, mùa yêu dấu…) luôn là những điểm nhấn tồn tại, lắng đọng trong tâm khảm người đọc. Nhất là những ai đã bước qua tuổi hồng và từng có những khắc khoải luyến thương, iu ấp. Nó là những điểm tựa níu giữ chính xác một khoảnh khắc của cảnh, của một thời đã thuộc về dĩ vãng. Đúng là cảnh của cõi nhớ nên sao mà gợi cảm đến vậy!
Tự dưng nụ nhớ ngày xưa lạc
Giờ khẽ bung mình nảy sắc hương
Khổ thơ thứ nhất như một bản lề tinh tế , đảm trách chức phận“tiền hô” thì khổ thơ thứ hai là sự “hậu ủng” vẹn toàn, ăn ý. Bài thơ dướn lên một đợt thứ hai về giai điệu, lấy lại sự thanh nhẹ, êm ái nhưng không kém phần mãnh liệt của tình yêu tuổi ngọc. Tình yêu tinh khôi, mới chớm, đượm nét khiết thuần và cảm tính ấy được “hậu ủng” bằng “nụ nhớ”, “ngày xưa lạc” thì quả là sự liên tưởng thần tình. Dường như cái nỗi nhớ ngày xưa ấy cũng văn vắt trong và chúm chím, e ấp hệt cặp môi thiếu nữ buổi ngập ngừng, bỡ ngỡ..... “Nụ nhớ” ấy chưa dám hé nở, chưa dám phô túm nhụy nồng nàn hương sắc, mướt mát đê mê, mà ẩn kín đâu đó sau những cánh hoa, nương nhờ sự chở che, bao bọc. Nào đâu dám hé - dẫu chỉ một lần(!)
Người đọc thích thú đến ngỡ ngàng khi chạm sự nối kết uyển chuyển giữa hai câu thơ liên tiếp nhau. Tưởng chừng chỉ là khoảng cách giữa dòng trên và dòng dưới, vậy mà lại chất chứa cả quãng thời gian đằng đẵng của đời người. Quãng thời gian ấy được đặc tả chỉ ven vẹn trong hai từ “ngày xưa” và “giờ” thì quả là đắc địa. Mỗi thi liệu ( nụ nhớ, ngày xưa, lạc, giờ, khẽ bung mình, nảy sắc hương…) lần lượt xuất hiện như những trường đoạn lô gic trong điện ảnh vậy. Sự xuất hiện vừa liên tục, vừa mờ chồng, vừa song hiện thật khéo léo tạo điệp khúc của thời gian.Tiếng thì thầm khe khẽ trong trái tim người thơ đủ sức lay động lòng người, thức dậy miền cảm thức đôi khi tưởng như có những rung lắc chông chênh nhưng thật đẹp đẽ và vững bền.
Cái “nụ nhớ” ngày xưa miên man đâu đó, lặng lẽ ngủ quên trong khu vườn thần tiên đầy hoa thơm, trái ngọt, gió ấm, chim ca. “Nụ nhớ” ấy những tưởng đã “thiếp đằm trong cảm thức”, để rồi một ngày kia, chẳng biết nhờ sự gọi mời của những tia nắng xuân ấm áp hay sự đánh thức của những giọt mưa xuân mát lạ, run rẩy bỗng trỗi dậy niềm khát khao dâng tặng, đón đợi sự chiêm ngưỡng, tận hưởng hưởng của thế giới xung quanh. Sự diễn tả quả tình đạt đến mức độ tinh diệu khi những động từ “bung”, “nảy” và tính từ “khẽ” được kết hợp một cách hài hòa, ý nhị . Cái “nụ nhớ ngày xưa” ấy, qua tất cả những gì đã trải nghiệm, những gì từng thao thức, sau sự “thiếp đằm” miên man kia, giờ chợt “bung mình nảy sắc hương” là một điều kì diệu. Cái niềm yêu xưa đã tự thanh lọc, tích tụ và kết trái. “Trái yêu” ấy đã hẹn giờ. Âm thầm( khẽ) mà quyết liệt, dữ dội( bung mình, nảy).Cho dù sự cưạ mình có khẽ khàng đến mấy cũng thừa khẳng định sức quyết liệt trong ý thức hết mình cho sự tách hé, dâng trao…
Đến đây, thực tình người đọc không yếu bóng vía cũng chẳng tránh khỏi sự dao động về mạch nhịp và huyết áp khi chạm câu thơ cuối cùng. Chiếc chìa khóa của buồng tim xuất hiện thông qua tình thái từ “ bỗng”! Hoảng quá! Phải chăng đây là một sự vỡ òa tột đỉnh của một mối tình sau bao ngại ngùng, kìm nén? Có lẽ, sau sự chờ đợi, tích chứa, dồn nén; rồi sự trỗi dậy đầy phán quyết của tình cảm, lí trí…chỉ còn chờ đợi cái phút chót huy hoàng ấy. Chỉ cần chạm nhẹ vào “nút hẹn giờ” thì “trái tinh khôi” ấy sẽ nổ. Một cái gì đó thật bất ngờ sẽ đến trong sự tích lũy đủ đầy cả về lượng và chất. “Nụ nhớ ngày xưa” sẽ lạc vào mê hồn trận tình yêu của thế giới tự nhiên với bao điều kì thú trong niềm khát khao mọng chín. Niềm khát khao tưởng chừng được nén dồn từ thủa hồng hoang, khởi thủy. Ai mà biết được(!) Nhưng không. Ta thở phào nhẹ nhõm khi tiếp cận toàn bộ câu kết thú vị này. Vâng! “Bỗng!” Nguy hiểm là thế nhưng chỉ “lật nghiêng đời” để “nghe tim run” thôi thì thật không chỉ đáng trân trọng lắm mà còn đáng nể phục nữa kia! Câu thơ cuối thật đẹp, hàm chứa sức khơi gợi. Sau sự đấu tranh, giằng kéo của thế giới nội tâm đầy mẫn cảm, người thơ hướng cảm xúc vào sự vang động của hồn người để lắng nghe từng nhịp con tim yếu mềm của mình đang run rẩy, chông chênh….Chị lắng nghe tiếng lòng đang thổn thức, cảm xúc của mình đang trỗi dậy mơ man. Cảm nhận ở đây vượt xa cảm nhận của các giác quan thông thường. Chị lắng tâm can để cảm nhận được những biến đổi run rẩy, âm thầm mà mãnh liệt tận nơi khuất lấp nhất của lòng mình. Đó là biểu hiện của tình yêu vẹn nguyên chưa một lần sao lãng. Câu thơ cuối bài như một nốt nhạc ngân rung da diết..Ta cảm thấy hình như trong thanh điệu ấy có hơi run rẩy bởi cảm xúc, nhưng lại là điểm sáng huyền diệu nhất của bản tình ca đâu chỉ thuộc về một thời quá vãng.
Bài thơ thực sự là tiếng vọng của tình yêu nơi tâm khảm mỗi người. Trong bài có điểm xuyết nỗi buồn phảng phất, nỗi buồn mơ hồ tiêu tao, dịu nhẹ luôn vương vấn bởi một tình yêu trong sáng, thiêng liêng khởi nguồn từ tuổi học trò trinh trắng. Bài thơ của chị ngắn gọn, chặt chẽ, ngôn từ tinh lọc tránh được những trơn mòn, đơn điệu không hiếm gặp ở nhiều bài thơ viết về tình yêu thủa đầu đời . Bài thơ đưa người đọc đến với cảm giác run rẩy, bồng bềnh tựa lạc vào cõi yêu đương thánh thiện. Cảm giác êm đềm, sâu lắng ấy vuốt ve trái tim đa cảm của ta, đưa ta trở về sân trường ngợp gió, về với cánh cổng trường thanh sạch, vô tư. Bài thơ tựa ca khúc đam mê về tình yêu, dìu ta vào dạ hội yêu thương với bao cảm xúc ngây say, quyến luyến; Gọi ta về với miền yêu dấu, thân thương – nơi bằng lăng vẫn ngăn ngắt sân trường, nơi tiếng trống mãi bập bùng trong kí ức.
Cảm ơn Trần Mai Hường – nhà thơ nữ đa tài với bài thơ tình ngọt ngào đầy phong cách. Đến với thơ tình của chị, ta như được tiếp cận luồng sinh khí mới, một luồng gió ấm mang theo bao đam mê và khát vọng . Nhà thơ đã, đang khẳng định một phong cách thơ tươi mới, ấn tượng mà bạn đọc luôn nâng niu và đón đợi.
Đặng Diệu Thoa
Ninh bình, Đông 2010
ĐT : 0942987979 .