Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÌN MẶT, TẮT TI VI

Trần Đức Tiến
Thứ ba ngày 22 tháng 3 năm 2011 5:23 AM

 Có lần đến nghỉ ngơi viết lách ở Vũng Tàu, cụ Tô Hoài nhờ mình tìm thợ sửa hộ cái radio bị hỏng, rồi nhân chuyện đài đóm, nhà văn cựu trào ấy thổ lộ: cụ chỉ nghe đài với đọc báo, chứ không bao giờ xem truyền hình. Nói xong cụ tủm tỉm cười. Lúc đầu mình cũng thấy hơi là lạ, nhưng sau lại nghĩ chuyện ấy bình thường. Mỗi người mỗi ý. Mình thì chỉ xem truyền hình với đọc báo, chứ không bao giờ nghe đài.
 Nói riêng về chuyện xem truyền hình.
 Báo để đọc, đài để nghe, còn truyền hình thì vừa được nghe vừa được nhìn. Cùng một lúc “đánh” vào cả 2 giác quan, đương nhiên là truyền hình lợi hại hơn. Chả thế mà lâu nay hay nghe những lời than phiền đại loại: giờ là thời văn hoá nghe nhìn (trong đó có truyền hình) lên ngôi, văn hóa đọc xuống cấp.
 Mình là dân viết. Tức là mình thuộc phe văn hoá đọc. Nhưng mình cóc bận tâm về chuyện đó. Thiên hạ có bỏ đọc, nhảy hết sang nghe nhìn thì mình cũng chẳng bi quan hay lạc quan. Nghe nhìn mà thay thế được đọc thì cũng tốt chứ sao? Nó chứng tỏ nhu cầu của mọi người đã thay đổi, mà nhu cầu (bất cứ là nhu cầu gì) cũng rất nên phải thay đổi. Cái gì cũng có lý của nó. Nói cách khác: Trời đã “lập trình” sẵn hết rồi. Nghe nhìn lên ngôi thì cũng là bước đi tất yếu, không thể cưỡng lại trong quá trình tiến bộ (hay thoái hoá) của nhân loại. Nếu 100% nhân loại chuyển sang nghe nhìn, mình vỗ tay hoan hô, xong lẳng lặng đi kiếm việc khác.
 Nói thế để thấy mình không có thành kiến gì với truyền hình. Nhà mình có 2 cái ti vi. 2 cái ti vi dành cho 2 người: mình và bà xã (các con đã ở riêng hết). Cái ti vi của mình đặt ở phòng khách, chủ yếu để xem bóng đá với ca nhạc. Còn cái ti vi bà xã trong phòng ăn, dầm dề phim nhiều tập của Hàn, của Tàu hoặc của ta. Mình có thói quen xem ti vi lúc nào cũng nhăm nhăm cái remote. Tối nào cũng lướt qua đủ 72 kênh truyền hình cáp. Chỗ nào thấy hay hay thì dừng, không hay thì chuyển. 72 kênh mà không phải tối nào cũng tìm được chỗ hay hay. Đi nằm sớm thì không ngủ được, nên phải nghĩ cách “chơi” với cái ti vi cho hết giờ. Cài đặt lại kênh. Thử mọi kiểu âm thanh, ánh sáng. Cuối cùng, có một cách thú vị hơn cả là bấm vào nút câm! Bác học cũng như dân cày, nguyên thủ quốc gia chẳng khác gì anh xe ôm, cứ mất quyền phát ngôn là bình đẳng như nhau tuốt.
 Có lần đang bữa cơm, mình với bà xã xem chung cái ti vi ở phòng ăn. Chương trình thời sự. Bà ấy đang dỏng tai lên nghe tình hình động đất với sóng thần, thì bất đồ mình cầm remote chuyển phắt sang kênh khác.
          - Ông làm sao thế?
          Mình nhăn mặt:
          - Xấu kinh khủng.
          - Cái gì xấu?
          - Cô nàng dẫn chương trình.
          - Ôi trời ơi! - Bà ấy kinh ngạc thốt lên, không phải vì thảm hoạ sóng thần, mà vì … “thằng cha này hết thuốc chữa”.
 Mình biết, với nhiều người xem truyền hình khác, cái kiểu đặt hình thức lên trước nội dung như thế, có vẻ như không bình thường. Nhưng mình thà chịu mang tiếng không bình thường còn hơn là mất thì giờ để thưởng thức cái… không đẹp. Với mình, truyền hình trước hết phải đẹp. Nội dung hay nữa thì tuyệt vời. Nội dung dở một tí cũng chẳng sao. Hay bây giờ  khó lắm. Có thể hạ bớt nhu cầu hay, còn nhu cầu đẹp phải giữ nguyên. Mình có thể xem trọn chương trình dự báo thời tiết, thậm chí thị trường chứng khoán (là thứ mình chẳng hiểu mô tê gì), nhưng dứt khoát hy sinh một chương trình ca nhạc có nhiều “sao” mà MC đã xấu lại còn õng ẹo. Cho nên, không thể không kinh ngạc thi thấy cả cái đài truyền hình H - một đài truyền hình lớn vào loại nhất nhì nước - mà không có lấy một cô MC trông ra hồn (chưa kể khoản ăn nói vụng). Đài này có mấy kênh, nhưng từ lâu  mình đã không để mắt đến bất kỳ kênh nào.
 Đem chuyện xem truyền hình “buôn” với mọi người, có người cười cười, có người nhất trí. Có người lại bảo: việc không thích kênh này chuyển sang kênh khác vẫn còn bình tĩnh tử tế chán! Lắm khi phải xử lý một cách “tiêu cực”, dứt khoát hơn cơ. Ấy là khi trên màn hình xuất hiện những kẻ đạo đức giả, mặt trơ trán bóng, nửa ông lớn nửa thằng hề, nói một đằng làm một nẻo, càng nói càng điêu, nói mà chẳng biết mình đang nói gì… Vừa nhìn thấy những cái mặt ấy là bấm cho ti vi tắt phụt.
 T.Đ.T