Trang chủ » Tản văn

MƯA RƠI TRÊN CẦU BẢO TÀNG

Vũ Xuân Tửu
Thứ bẩy ngày 1 tháng 1 năm 2011 7:12 PM
 Tản văn:
 Tôi cầm ô đứng trên cầu Bảo Tàng, nhìn mưa rơi loang lổ mặt hồ, giữa lòng thành phố trẻ Tuyên Quang, mà lòng bâng khuâng.
 Cây cầu bê-tông này, mới được làm, nối đảo Bảo tàng với đảo Đài tưởng niệm. Mấy chục năm trước, nơi đây vốn là vùng sình lầy đã được cải tạo trồng lúa, ngô và có tới bốn, năm quả đồi mọc lên, xếp thành dãy dài theo hướng bắc-nam. Quả đồi đầu tiên là Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, có cái cột ăng-ten cao một trăm hai mươi lăm mét, mang dáng hình tháp Ép-phen của thủ đô Pa-ri hoa lệ, bên nước Pháp; đêm đêm, trên đỉnh cột le lói ánh đèn đỏ báo hiệu độ cao, tối chủ nhật hàng tuần thì đèn điện rực rỡ chiếu sáng thân cột. Đồi thứ hai, nay là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Đồi thứ ba mới xây Bảo tàng tỉnh. Và cuối là đồi có đền Xã Tắc, nghe nói, khi xưa có đàn xã tắc.
Từ điển Wikipedia, ghi: đàn xã tắc là một trong các loại đàn tế cổ, nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất) và Tắc thần (Thần Nông), hai vị thần của nền văn minh lúa nước.Thuở xưa dựng nước, dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia. Đàn xã tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn xã tắc cũng chính là giữ gìn sơn hà xã tắc. Chốn này, ắt hẳn địa linh. Bây giờ, có một cái đền nhỏ trên đồi mang tên Xã Tắc và có phố Xã Tắc chạy qua. Tôi còn nghe một ông kiến trúc sư nói rằng, xa xưa, Tuyên Quang còn có cả văn miếu nữa, nhưng bây giờ khuất bóng tịch dương cả rồi. Còn quả đồi bên kia nữa gọi là núi Thổ Sơn, nằm trong thành Nhà Mạc. Dưới chân Thổ Sơn, đang xây dựng quảng trường, mang tên Nguyễn Tất Thành.
 Quay trở lại với cầu Bảo Tàng, độ hai chục năm trước, người ta đắp một con đường qua đầm lau sậy, trải bê-tông, gọi là đường Tân Trào, đâm thẳng qua cổng Tây Môn, cổ thành Nhà Mạc, nối với đầu cầu Nông Tiến, bắc qua sông Lô. Rồi ba bề bốn bên đắp đường làm hồ, hai quả đồi này lọt thỏm trong hồ, nghiễm nhiên trở thành đảo. Quanh hồ lát đường gạch khía như múi dứa và lắp lan can, trồng cây bóng mát. Một cái hồ đẹp nhất thị xã khi trước và cũng là nhất thành phố bây giờ. Tôi đứng nhìn, phía đông là đường Tân Trào, phía bắc là đường Hà Huy Tập, phía tây là đường Nguyễn Văn Linh, phía nam là đường Đinh Tiên Hoàng. Ôi, toàn mang những cái tên sang trọng cả: một ông vua, hai tổng bí thư và một chốn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người ta bảo, nếu không có cái công viên này, thì buồn chết đi được, chả biết chơi đâu, dạo đâu.
 Phía bên kia hồ, nơi cây gạo chết đứng, là chỗ các ông về hưu hay tụ tập chuyện trò thế thái nhân tình, cả những điều mà lúc đương nhiệm không nói ra được. Kế đó, là đám các bà tập dưỡng sinh kinh lạc, vẫy tay, đấm lưng, nối nhau như chơi trò rồng rắn lên mây, dường như không bận tâm gì đến sự đời. Thảo nào, các bà thường có tuổi thọ cao hơn các ông! Rồi sát dạt cả một dãy bờ hồ là các quán bia. Chiều nóng, có đến hàng mấy trăm người, tan tầm công sở, ra đây ngồi bù khú trong men bia. Có khi, thấy cả các cô nữa. Cánh đàn ông, khi uống một hồi, căng dạ là ra bậc xuống bến thuyền thiên nga để xả, bất kể các cô liếc nhìn và đỏ mặt lên. Đầu tiên, họ cũng ngượng, trước bàn dân thiên hạ, mà làm cái chuyện vệ sinh giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng cực chẳng đã, rồi quen đi. Có người chê trách, thậm chí còn mang cả máy ảnh ra chụp, máy ca-mê-ra cùng ghi hình, nhưng biết làm sao. Giá mà có mấy cái nhà vệ sinh lưu động thì hay biết mấy, người sử dụng sẽ trả tiền sòng phẳng ngay. Tôi thấy ở chốn phồn hoa đô hội như Hà Nội, hoặc khu nghỉ mát cheo leo trên Tam Đảo cũng có nhà vệ sinh lưu động, rất tiện dụng và văn minh.
 Có lẽ, từ ngày xửa ngày xưa cho đến ngày nay, người đời thường thấy mưa Ngâu rả rích, khác nào Ngưu Lang, Chức Nữ sụt sùi, thỏa nỗi nhớ thương lâu ngày gặp lại. Nhưng bây giờ, tháng Ngâu, trời ngẫu hứng đổ mưa rào, như thể mưa phương nam vậy. Người ta bảo, đó là do biến đổi khí hậu. Băng ở hai cực trái đất tan ra làm nước biển dâng. Ôi, nếu vớt được mấy tảng băng cho dân uống bia thì đã đời.
 Tinh mơ mờ đất, các cô con gái xách máy cát-xét ra bờ hồ, mở nhạc và tập thể dục nhịp điệu, nom như chương trình Thể dục buổi sáng của Đài truyền hình Việt Nam. Thành lệ, cứ sáng sớm và chiều tà là lúc các đoàn đi bộ, đủ cả nam, phụ, lão,ấu, rầm rập tiến bước, nom như thể “du kích thành Tuyên” thuở nào. Tối đến, những con đường quanh bờ hồ, dành cho các cặp nam, nữ thanh niên. Cặp nọ đứng liền cặp kia, hoặc trên xe máy, hoặc vịn lan can, nom giống cảnh đêm Hồ Tây (Hà Nội). Tìm hiểu yêu đương mà đông như chợ. Nếu không có hồ thì không biết trôi dạt về đâu. Có lẽ phải thưởng huân chương cho ai có công xây dựng hồ công viên thành phố mới phải, chắc hẳn sẽ có sự đồng thuận cao, nhất là đám thị dân đi bộ, uống bia và tâm tình… Không, phải tính cả sự đồng thuận của cánh đánh giầy và bán sách báo, băng đĩa nữa chứ. Đó là dân Thanh Hóa, nói giọng đồng bể, mỗi tháng tằn tiện chi tiêu, gửi về gia đình triệu hơn triệu kém.  
 Nhà Bảo tàng và cây cầu này khánh thành đúng dịp thị xã lên thành phố. Đêm hôm đó, từng dòng người lũ lượt đổ về quanh hồ, xem bắn pháo hoa. Người từ các xã, phường nội, ngoại thành, cho tới dân các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, đứng chật như nêm cối, đông đến hàng huyện người. Tất cả cùng ồ lên vui sướng, khi những bông hoa pháo được bắn lên từ đảo Đài tưởng niệm và đảo Bảo tàng, nở tung trên nền trời, muôn hồng nghìn tía. Nhà Bảo tàng, Đài tưởng niệm và cột ăng-ten truyền hình ảo mờ trong khói pháo. Những tia nước cầu vồng ánh lên lấp lóa hai đài phun nước trên mặt hồ. Hôm sau, trời đổ mưa rào, những người tỏ vẻ am hiểu thì bảo, đó là mưa rửa hội!
 Rộn ràng khua dưới chân cầu là tiếng thuyền gõ cá. Người đàn ông ngồi trên thuyền tôn, mỏng manh như chiếc lá, vừa khua nhẹ mái chèo bé xíu, vừa lách cách gõ mạn thuyền và thong thả nhấc lưới. Một chú cá mắc lưới, quẫy xao động lòng thuyền. Khung cầu cong ba nhịp, soi bóng ngoằn ngoèo, nom như hình chuỗi xoắn ADN.
 
Đứng trên cầu, nhìn cây cối ven hồ dường như xanh biếc hơn, sau mỗi cơn mưa. Cây nối cây, nào là keo tai tượng, ban trắng, bồ hòn, rồi tre, trúc và những cây phượng tán lá lòa xòa mặt hồ; đây đó còn sót lại một vài chùm hoa mùa hạ, thắm tươi, như nuối tiếc một thời hoa đỏ ngày xưa. Đài tưởng niệm trên đảo bị che khuất bởi rừng tạp, mọc lên từ những cây keo, bụi tre lòa xòa. Mấy anh em văn nghệ sỹ, ngồi nhìn và ước ao, giá mà thay hết cây tạp, trồng nguyên hoa đào phai, thì đài tưởng niệm không bị che khuất, mà mỗi độ xuân sang, thành phố lại có cả một đảo hoa đào đỏ thắm, sẽ tôn vinh hồ công viên cây xanh đẹp biết nhường nào.
Thành Tuyên, 2010
V.X.T