Trang chủ » Tản văn

SOI LẠI MÌNH

Đàm Lan
Chủ nhật ngày 20 tháng 3 năm 2011 9:29 PM
 
Tạp bút
         Hôm nay, trong một cuộc họp với nội dung xoay quanh chuyện viết, gần cuối buổi, mình đặt một câu hỏi “Bạn có suy ngẫm gì với nền văn hoá Nhật qua sự kiện vừa xảy ra?” Những ánh nhìn ngạc nhiên, như thế mình là một con ngố nào đấy. Và tất cả đều lơ qua một vấn đề khác. Thật không biết phải diễn tả thế nào nữa, thôi thì mình ngẫm thì mình viết thôi, chẳng khơi gợi được gì với những mối tư duy không giống mình.
         Từ khi xảy ra sự kiện kinh hoàng với người dân Nhật, mọi lúc mọi nơi người người đều nói đến. Mình vốn không hay a dua theo phong trào, những gì người ta nói nhiều thì mình thôi không lên tiếng. Nhưng đến lúc này, mình muốn nói một điều gì đó sau những nghe nhìn và ngẫm suốt mấy ngày qua. Trọng tâm vấn đề mà minh nhận thấy là : tinh thần sống và cách giáo dục của người Nhật.
         Trước hết đó là sự chịu đựng. Trong tất cả mọi khả năng khi biến cố bất ngờ ập đến, thì sức chịu đựng là điều cần thiết hơn cả. Vì không thể hoán đổi hay tìm được ngay các giải pháp khắc phục thì sức chịu đựng càng cao bao nhiêu thì tâm thế con người đựơc cân bằng bấy nhiêu. Tâm thế cân bằng thì người ta mới có được sự điềm tĩnh, và từ điềm tĩnh, mới tim ra những bước đi kế tiếp là thế nào, nhờ vậy, hậu quả cũng giảm thiểu ít nhiều.
         Thứ hai là sự nhường nhịn. Trong hoạn nạn, con người phải đối mặt với nhiều thứ nguy hiểm và thiếu thốn. Nếu không biết nhường nhịn nhau ắt sẽ xảy ra sự mất kiểm soát. Càng mất kiểm soát thì sự hoảng loạn và thiệt hại càng cao. Và nhường nhịn cũng đồng nghĩa với sự tương trợ và giúp nhau ổn định tâm lý.
         Thứ ba là tính cộng đồng. Vì sao một đứa bé trong lúc khó khăn thiếu đói, bơ vơ mà vẫn thể hiện được tính cộng đồng. Đó là xuất phát từ nền giáo dục tốt từ hàng bao thế hệ : mình vì mọi người. Và một khi người ta quên bản thân mình vì cộng đồng, người ta mới có thể làm được những việc lớn. Nếu chỉ biết tư hữu cá nhân, hẳn con người chỉ dừng lại trong phạm vi nhỏ nhoi đến bần tiện.
         Thứ tư là sự chịu khó khịu khổ. Xưa nay, người ta vẫn biết nói với nhau rằng, có biết chịu khó chịu khổ mới có thể thành công. Với sự chịu khó chịu khổ, người đang làm ông cũng sẵn sàng tụt xuống làm thằng, miễn là công việc đó đạt được hiệu quả cần thiết. Còn với tư tưởng chỉ thích làm ông trong khi đang làm thằng thì muôn đời vẫn chỉ là một kẻ ngửa tay mà thôi.
         Thế giới nghiêng mình trước người Nhật. Câu nói đó thật xứng đáng. Bởi ngoài những yếu tố đã kể trên thì tinh thân yêu nước của người Nhật cũng là một điều đáng kính nể. Hiểm hoạ phóng xạ ngay trước mặt, nhưng dân bản xứ không hề nao núng và tháo chạy. Họ luôn chuẩn bị tư thế đương đầu và sẵn sàng góp sức khi cần. Sự đền bù cho điều cao cả đó đã được biểu thị qua tình trạng khả quan của lò hạt nhân.
         Trong phạm vi một cá nhân nhỏ bé, tự soi lại mình qua góc nhìn vấn đề. Ít nhất, cũng tự học được đôi điều từ tổng thể ấy