Tản văn
Mấy anh, chị viết văn, làm thơ tự do nhân đầu năm tổ chức đi chợ “mua may bán rủi”. Thâm tâm nhiều người nghĩ, đi không được cái nọ cũng được cái kia. Làm anh nhà văn, nhà thơ thì coi đây là một chuyến đi thực tế. Với lại người ta đồn mãi, viết mãi rồi, chẳng lẽ mình lại không biết. Vậy là rủ nhau đi.
Lục tục hò nhau tập trung từ ba giờ chiều ngày 7 tháng giêng âm. Một năm chợ chỉ họp có một ngày, mà lại vào ban đêm. Sau này ngẫm ra, cái âm hưởng duy nhất còn đọng lại của cái chợ cổ xưa là họp vào ban đêm, còn thì cứ cảm giác nó thế nào ấy. Đại loại là như hụt hẫng, như bị lừa, như bị thế nào ấy...thật khó nói. Chợ Viềng biến đổi với xưa, với những gì đã được đọc nhiều quá.
Bị “sốc” vì lượng xe cộ người ngợm đổ về chợ Viềng, ngay từ khi ở Quốc lộ 1 rẽ về Nam Định. Không muốn đi một cách ì ạch, ngẫu hứng dừng đỗ xe một cách bất kỳ, vậy là chú lái xe thông thạo đường xá, khoát tay lái thêm hai chục cây số để đưa các khách văn đến tận ngã ba Gôi. Tới đây, có thể coi như là khu vực chợ Viềng. Từ ngã ba Gôi đến chợ chính, người lần đầu đi, dỏng tai nghe, mọi người nói là còn ba cây số nữa. Ba cây số đi bộ thì có gì đáng kể, chẳng qua là một chuyến du xuân. Mà đi bộ càng được nhìn nhiều, ngắm nhiều. Đấy lại chẳng là một điều thú vị hay sao. Vậy là khoảng năm giờ rưỡi chiều, khách văn xuống xe và từng đôi, từng toán mạnh ai nấy đi kiếm may bán rủi. Giống như bao người, tất cả bị hút vào dòng người như mắc cửi, cứ theo dòng người mà đi, mặc các bác xe ôm tha hồ chèo kéo.
Phải nói hệ thống xe ôm thường trực đón khách đông vô kể. Có lẽ số xe này đứng sát nhau trên đường cũng kín hết ba cây số. Ấn tượng với hệ thống xe ôm ở đất nước ta nơi bến xe, bến tầu và đặc biệt nơi hội hè không bao giờ tốt đẹp. Hình ảnh đó không bao giờ phai trong tâm trí người đi lễ hội. Một lần và “cạch”. Nhưng làm sao “cạch” được. Vì đất nước mình một năm có đến những gần trăm cái lễ hội cơ mà.
Không thể nói về xe ôm mà không nói một vài số liệu sưu tầm được trên đường đi hội. Một cuốc xe ôm đi từ ngã ba Gôi đến phủ chính (Phủ Giày), 30.000 đồng một người. Hai người 50.000 đồng. Một chỗ gửi xe ôtô loại 16 chỗ mà các nhà văn đi là 200.000 đồng. Trên đường đi bộ, khảo giá thêm, đặt một quán bán cây bên đường, rộng một mét, ông quản lý đường quát 200.000 đồng. Thật vô biên về giá. Lễ hội nước ta là thế! Ăn chơi phải tốn kém là thế!
Trời mau tối. Cảm giác như chợ đã chính thức khai mạc. Người dập dìu ra vào như vậy cho cái cảm giác đó. Ấy vậy mà nghe nói là phải đợi đến nửa đêm, hội chợ Viềng mới chính thức mở cơ. Chẳng hiểu có phải vậy không nhưng mà mới độ 6 giờ chiều thôi, người ra, kẻ vào đã chen vai thích cánh lắm rồi. Dòng người cả hai chiều cứ như nước cuốn, cứ ào ào chảy. Chẳng biết đâu là đầu, đâu là cuối
Mới đi chừng chưa được 500mét, một băng rôn đỏ chữ vàng đã đập vào mắt du khách “Hội chợ Viềng”. Du khách lần đầu đi sững sờ: “Vậy thì may quá, chợ đây rồi”. Cứ tưởng còn phải đi nữa. Nhưng hỏi kỹ, lại không phải. Đây chỉ như một nhánh của chợ Viềng mà thôi. Mà cũng lạ, gọi là đi chợ nhưng hình như đi phủ Giày mới là chính. Phủ Giày là một quần thể, mà bây giờ nếu có hỏi những người đi chợ, đố ai biết cái quần thể ấy như thế nào.
Dọc quãng đường ba cây số, phía bên phải đường từ phủ về, biết cơ man nào quán hàng mở ra. Đa số là các quán bán cây cảnh. Đây vốn là đất nổi tiếng về cây cảnh mà. Cơ man nào là cây và hoa. Nhiều thế. Các loại nông cụ không thấy mấy, lèo tèo có vài ba quán bàn mấy con dao, cái kéo, cái búa, cái xẻng, cái làm cỏ. Đã ngầm bảo nhau, đi chợ là phải mua, dù rẻ dù đắt cũng phải mua. Mua lấy cái may mà lị. Đầu năm ai chẳng muốn lấy được cái may. Lại nghe đi chợ này thiêng. Vậy thì dại gì không mua. Dẫu gì, trong thâm tâm, vẫn cần có một chỗ để mình tin vào một cái gì đó, mặc dù niềm tin đó có xa vời và thần bí.
Đi được khoảng một cây số thì gặp Đền Trình. Vậy là điểm đầu của quần thể Phủ Giày bắt đầu từ đây. Vốn từ đầu không có ý định đi lễ, nên mấy anh em bỏ qua. Một số chị em thông thạo lễ bái, có mục tiêu đi lễ kết hợp đi chợ và đã từng đi nhiều lần, chắc chắn phải vào đây. Vào đây để báo cáo rằng chúng con đã có mặt. Đền Trình cơ mà.
Nhưng đi thêm được một đoạn nữa, lại cỡ 500 mét gì đó, một biển báo giao thông nghiêm chỉnh, rẽ trái 3 km là lối đi Phủ Giày. Vậy mà người, xe cứ nườm nượp đi thẳng, cứ nối đuôi nhau đi. Rẽ trái thì xa và đường thì tối, chỉ thấy vài ba chiếc xe máy lao xuống.. Hỏi Phủ Giày ở đâu, người đi nào cũng ú ớ, chỉ đi thẳng. Thế đấy. Nhưng mà đi vào tối mùng bảy, ngày mùng tám là mọi người đi chơi chợ, đi mua cái may, chứ không đi phủ, đi cầu may. Chẳng hiểu có phải vậy không? Cứ nhìn dòng người đi như một dòng chảy thì có lẽ là thế!
Nhưng có lẽ đa phần đều kết hợp gắn cái việc đi chợ mua may với sự đi xin may mắn. Nghĩa là vừa đi xin lộc, cầu cái may mắn các cụ ở phủ, ở chốn xa xôi linh thiêng vừa đi chợ để mua lấy cái may mắn. Sao mà con người ta tham thế không biết! Không hiểu nơi xa xăm nào đó, những ý nghĩ không thể gọi là lành mạnh của con người, các vị thần linh có biết? Và nếu biết, các cụ linh thiêng đời nào ban phúc, ban lộc cho.
Rồi lại nghĩ, sao mà đời nhiều người như vậy thế? Đấy có phải bản chất tham lam, xấu xa của con người và là nguyên nhân của mọi tội lỗi trên thế gian? Lại lẩm cẩm nghĩ, giá như có những lễ hội tình thương thì liệu số người đi lễ có đông như thế này? Rồi lại tự trả lời, vẫn có những “cái hội” như vậy đấy thôi. Những ngày “Vì người nghèo”, những buổi họp với sự góp mặt của các doanh nhân… rồi hội nọ, hội kia… tất cả đều vì người nghèo cả. Nhưng mà sao vẫn thấy sự gia giả. Hình như đó là những ngày đi bán danh và mua danh. Rồi lại buồn cười, dạo này các doanh nhân đường vòng hoa ôm cổ rất nhiều. Nhiều đến nỗi không thể nào nhớ nổi. Ấy vậy mà hình như nó cũng không có vẻ thu hút như những lễ hội này. Làm thế nào được nhỉ? Bỗng nhớ một câu của Phật “An ủi lớn nhất của đời người là bố thí”. Giá như, lại giá như, mỗi người đi lễ chùa đều nhớ được câu nói đó của Phật.
Trộm nghĩ, một đồng tiền lẻ mọn xuất phát từ tâm chắc là quý hơn bạc tỉ phải tuyên truyền mở những hội nghị đình đám. Đồng tiền lẻ mọn đó sẽ nuôi dưỡng những tâm hồn mang tính “con người” hơn.
Mải nghĩ lẩn thẩn, bước chân lại đưa đến một điểm khác của quần thể Phủ Giày: Đền Đông Cuông. Nhìn thấy người chen chúc vào ra mà ngại. Hương khói và những cây vàng cành vàng lấp loá. Cũng muốn một sự bằng an cho tâm hồn và cho cuộc đời lắm, đứng xa vái vọng và cầu nguyện. Không biết bao lời cầu khấn theo những làn khói hương kia bay lên được với đấng tối cao mà nét mặt người nào đi ra cũng có vẻ thoả mãn như đã làm xong một phần trách nhiệm thiêng liêng.
Vẫn biết trong mỗi góc riêng của tâm hồn, ai cũng có một chỗ linh thiêng của niềm tin. Đừng để bao giờ đánh mất niềm tin là như vậy! Vậy mà hình như, niềm tin vào cuộc sống hôm nay của chúng ta có phần lung liêng lắm. Có phải vì vậy mà bây giờ ta như thấy, dân ta gửi gắm niềm tin của mình vào thần thánh nhiều hơn. Thậm chí niềm tin này còn lấn vào cả giới chức sắc giữ trọng trách trong hệ thống Nhà nước nữa.
Nhưng, bỗng cái nhưng lại xuất hiện, sự xuất hiện vốn có từ lâu mỗi dịp du xuân đi vào các lễ hội. Đó là sự hiểu biết sâu về lễ hội mình đi với cái biển người kia liệu có tỉ lệ thuận? Chắc chắn là không. Người đi lễ có tính du xuân hôm nay không còn thấy sự thuần khiết của lễ hội đầu năm, không thấy sự thanh cao và thư thái nữa. Mọi lễ hội đều như bị pha tạp cái tính hiện đại vào. Thêm vào đó, lễ hội mang tính thương trường và đặt cái lợi của địa phương tổ chức nhiều quá. Thí dụ về cái giá trông xe, giá bán chỗ ngồi, các dịch vụ ăn uống…cả cái giá môi trường ô nhiễm nữa, cho ta thấy điều đó. Không lẽ các nhà tổ chức không thấy mặt trái của lễ hội. “Thấy đấy, một ông nhà thơ nói, sao mà không thấy cơ chứ, nhưng vì lợi, cái lợi nó đè, nó lấn át hết cả”. Một sự thật không phải ai cũng dám nhìn vào. Buồn cho cái lễ hội nước mình là thế!
Đi mãi cũng tới cái địa điểm tổ chức cái chợ cầu may. Ngay cạnh chợ, một sân khấu xổ số vừa mới tan, vé xổ số vương vãi khắp mặt đất. Trên cái chiều dài ba cây số mà đoàn người vừa đi, chỗ nào trống là thấy địa điểm trông giữ xe máy, ôtô. Ngay bên cạnh cái chợ cầu may, sau cái sân khấu xổ số cũng có. Rất nhiều địa điểm và lại có bảo đảm nữa chứ. Quý khách cứ yên tâm nếu có tiền bỏ ra, mọi dịch vụ sẽ chu đáo, hoàn hảo.
Vào chợ, mặc dầu chưa đến giờ khai mạc(nếu như có cái giờ khắc thiêng liêng vào lúc nửa đêm đó), mới chỉ hơn tám giờ tối, lại có cảm tưởng như hội đã tan, chợ đã “chiều”. Dẫu rằng người vẫn nối đuôi nhau đi ra đi vào không biết khi nào dứt. Nhưng mà cái lối đi dành cho người đi chợ cầu may nhỏ quá, hai người đi song song đã phải nghiêng vai. Còn chỗ dành để bán thì nhiều quá. Chẳng thấy mấy người mua, chỉ thấy người ngó, người xem. Chỗ để ngó và xem cũng không có, vậy là chỉ lướt qua thôi, nhanh nhanh mà ra ngoài để hưởng cái sự thoáng đãng của khí trời, tránh xa cái ồn ào chen chúc.
Ra đến ngoài, thấy khoan khoái thật sự. Mắt đỡ căng vì không phải nhìn trong cái môi trường nhoà nhạt, không đủ độ sáng, cũng đỡ nơm nớp cái trò móc túi ở mọi lễ hội. Vậy là cũng chưa mua được cái gì để cầu may. Dạt vào các quán ven đường để ngắm, thấy thoải mái hơn. Cảm thấy vui mắt với một gian bán các loại xương rồng. Tất cả đều xinh xắn, tròn dẹt, cao thấp, nghiêng ngả hoặc nhiều hình dáng khác được trồng trên những cái đĩa, cái bát nho nhỏ, rất đáng yêu. Một cái đĩa trên đó những chục quả xương rồng nho nhỏ, có quả xương rồng đã nở hoa đỏ. Thích quá, mua luôn, quên cả mặc cả. Nhưng không sao, cũng hợp túi tiền anh viết văn nghèo thôi. Vậy là đã mua được cái may. Quên mất cả chuyện phải ghé qua đền chính. Cũng chẳng hiểu có phải là chính hay không. May mà mục tiêu chuyến đi, không đặt cái sự lễ bái lên hàng đầu, nếu không lại vô tình mắc lỗi với thần linh.
Đúng giờ, cái giờ mà nghe người ta nói khai mạc, đoàn nhà văn mệt mỏi lên xe về nhà sau cả tiếng đồng hồ í ới gọi nhau qua di động. Vậy không hiểu những đồ, những cây mua ở chợ Viềng về có còn thiêng. Dẫu sao cũng bật được câu thơ, nghe rất chi là “thơ vườn”: Chợ Viềng lặn lội tôi đi/ đi mà không biết mua gì em ơi/ đành mua cái sự dở hơi/ và mua thêm những nỗi đời âu lo”.
Vinh Anh-11/2/11
Mùng 9 tết Tân Mão