Trang chủ » Tản văn

KỈ NIỆM VỀ MƯA PHÙN GIÓ BẤC

Vinh Anh
Thứ tư ngày 5 tháng 1 năm 2011 9:33 PM
     Tản văn
Mùa Đông, thường nghe đài báo có gió mùa Đông Bắc và mưa. Các cụ  ngày xưa gọi cái thời tiết này là mùa mưa phùn gió bấc. Gió mùa Đông Bắc tràn về thường có mưa đi kèm. Mưa không to. Không phải mưa rào, có những cơn mưa cảm tưởng không biết khi nào dứt, nhiều lúc dấm dắt, quần áo ẩm ướt và lâu khô. Đó là những ngày thỉnh thoảng xuất hiện trong ngày đông buốt giá. Cả hai cách nói đều cùng một ý. Không hiểu sao, nghe cách ngày xưa các cụ gọi, thấy gợi cái gió sương hơn, đầy đủ hơn, nhiều ý hơn. Đặc biệt thấy nó quê mùa, dân dã. Cái thời mà nghe thấy “mưa phùn gió bấc” là như thấy cái sự não nề, thê lương. Bởi não nề, thê lương nên nó cũng kèm theo cái ủ ê, ảm đạm. Vâng, gió mùa Đông Bắc và mưa phùn gió bấc giống và khác nhau là thế.
Có việc phải ra ngoại thành. Thực ra từ ngày sáp nhập thành Hà Nội to, tuy xa nhưng nó có vẻ không xa nữa, vẫn Hà Nội mà. Vèo vèo trên xe máy, một giờ sau đi hết đại lộ dài nhất Việt Nam, hai tay tê buốt, thấy cái “mưa phùn gió bấc” thấm hơn nhiều cái gió mùa Đông Bắc. Lạ thế!
Dừng xe, đưa hai tay xát mạnh lên má, thấy như máu bây giờ mới chảy, thân người lại có cảm giác. Những hạt mưa tạt vào mặt theo gió và bụi đường dính ram ráp trên tay mới thấy cái lạnh tê tái vùng ven đô.
Mưa lay phay, lại thấy miền ngoại ô lạnh lẽo hơn trong phố ồn ào. Những hạt mưa nhỏ rơi nghiêng thấy nó nhẹ nhàng,  trong sạch hơn hạt mưa phố phường. Đứng lặng ngắm quê trong mưa và gió, hít thật sâu luồng không khí lạnh giá rồi thở mạnh, cảm thấy con người sạch sẽ, thanh thoát. Cái buốt giá gần như biến mất. Nỗi lòng ủ ê và đa cảm cũng tan. Có phải cánh đồng quê trải rộng trước mặt kia, gốc rạ ải mục kia, ngọn cỏ may ua úa kia đem lại sự màu nhiệm như thế.
Thường gió mùa Đông Bắc về từng đợt, hai ba ngày, cái lạnh chưa ngấm đã bị cái mặt trời gia nhiệt, làm đất trời ấm lại. Những ngày như thế, bọn trẻ muốn thể hiện sức trẻ vẫn có thể phong phanh áo mỏng. Nhưng nếu liên tục gió cả tuần, mưa dấm dứt cả tuần thì trời lạnh lắm. Cái lạnh cho ta cảm thấy rất cần một tổ ấm để ta trú thân. Ra ngoại thành, về với miền quê, cảm thấy gia đình cần thiết hơn. Hay đấy là sự vương víu với luỹ tre làng?
Quê bây giờ không còn mấy mái tranh, cửa liếp trống chuếnh nữa, ra vào phải khép cổng rồi khép cửa. Thay đổi nhiều so với ngày xưa thời ông bà rồi, nhưng mỗi lần về quê, vẫn thấy hồn cốt, hình bóng ông bà lưu lại. Có phải vì thế mà ta gọi là quê cha đất tổ, mà ta cảm thấy vương vấn khi về làng.
Ngôi nhà mới dù đã xây gạch, lợp ngói vẫn mang cái hồn của mái nhà tranh ba gian thời ông bà còn sống chỉ thấy bàn và giường. Phương tiện thể hiện cuộc sống hiện đại nhất là cái TV cũng vẫn là hàng để trưng bày. Bằng chứng là lớp bụi phủ trên mặt. Hình như thời thông tin số hoá vẫn chưa đến với làng quê. Cái ăn, cái mặc vẫn còn là gánh nặng đáng lưu tâm hơn những bản tin thời sự. Người nhà quê vẫn tất bật tối ngày với những công việc không tên cho đến tận lúc lên giường. Chiếc TV có khi cả ngày không lên tiếng.
               Người đồng đội thân thiết ngày chiến tranh vẫn phong phanh trong bộ quần áo bộ đội. Lòng bỗng đột nhiên đau nhói, ngượng ngùng thấy sự “nai nịt” quá cẩn thận của mình. Mưa phùn gió bấc chỉ có thể quật ngã những người yếu bóng vía. Cuộc sống chưa mấy đổi thay với làng quê giáp ranh thủ đô này, cũng có thể cuộc sống của đa phần cư dân là thế. Để nuôi ba đứa con ăn học, ruộng đồng chỉ là cái cớ để gọi đó là con nhà nông, giữ lấy một nét gì đó của cha ông mà chưa thể vứt bỏ, cũng khó có thể vứt bỏ. Hai ba sào ruộng làm mấy ngày thì hết việc. Những ngày còn lại anh bạn phải cùng làm bạn với chiếc công nông. Công việc đôi khi cần thêm cả sự hỗ trợ của vợ và đứa con lớn. Chiếc xe công nông đầu ngang đã bị cấm hoạt động trên đường quốc lộ kia lại chính là nguồn thu chính của cái gia đình năm miệng ăn. Nó lăn bánh trên mỏi nẻo đường làng. Đi tắt tránh đường, và đừng đụng độ với công an. Cái phương tiện mỗi lần hành tiến nổ vang xóm làng và khói đen mù mịt vẫn tỏ ra có tiến bộ, đáp ứng yêu cầu làng quê hơn chiếc xe cải tiến. Vậy là nó vẫn còn đất hoạt động và nghe chừng xoá bỏ nó không dễ. Dẫu rằng đâu đó, hễ động đến một chủ trương, chính sách, đều hô “quyết tâm chính trị”. Một thuật ngữ của các chính khách!
                Nghe tin có khách ngày xưa cùng chiến đấu lên thăm, anh bạn đánh chiếc công nông chở cô vợ ngất nghểu bên trên về nhà. Cô nàng ngồi vắt vẻo bên anh chồng cháy đen nắng gió trông thật lãng mạn. Cởi bộ đồ “quân phục lao động” trong mưa phùn gió bấc, mặc vào chiếc áo sơ mi và khoác thêm chiếc áo blu-dông cũng màu bộ đội cũ mèm ngày xửa xừa xưa, trông ông bạn thuở chiến trường khói lửa bớt nhếch nhác hơn, nhưng lại gày guộc hơn. Nhìn kỹ, thấy cái dáng phong sương ngất nghểu trên công nông của bạn mình khoẻ và đời hơn.
                Chưa hết phần hỏi thăm và ôn lại ký ức ngày xưa mà bạn bè cũ gặp nhau thường nói, bữa ăn được dọn lên sau khoảng một tiếng cho thấy sự đảm đang của người vợ và cô con gái đầu. Cuộc đời đúng không để cho ai thiệt thòi tất cả. Một bữa cơm mang cả tính hiện đại, cả cây nhà lá vườn và đặc biệt là ấm những tiếng cười kéo dài suốt tiếng đồng hồ chưa xong.
                  Đêm nay cũng gió rét. Anh bạn nói về những đêm mưa rét nằm ngủ ở Khe Sanh. Những câu chuyện mà hầu như vì những mảng bận cuộc sống, tôi đã quên. Những đêm “chiến trường” đó, rét buốt người, đống lửa đốt để lấy hơi ấm cháy đỏ suốt đêm mà vẫn rét. Ngồi hơ tay trên lửa, ước gì có củ sắn nướng. Có đêm vì công việc, hai anh em khoác ni-lông, vừa để che mưa, vừa để che gió, ngồi bên đống lửa, nghe tiếng suối chảy, không thể tưởng tượng ra cuộc sống ngày hôm nay.
      Cuộc đời đổi lại, anh bạn lại có những đứa con học giỏi, đứa đầu sinh đúng đêm mưa phùn gió bấc, nhà xa không có điều kiện đi bệnh viện, bà đỡ nhà quê đã đón nó chào đời êm thấm. Giờ thì hai đứa lớn đã vào đại học, một điều ít thấy ở làng quê. Thấy nơi mình ở, có biết bao cậu ấm cô chiêu, chúng sinh ra và được hưởng khá đầy đủ các điều kiện cuộc sống, chật vật lắm mới vào được đại học. Cũng có nhiều đứa, gọi là vào đại học để đẹp mặt bố mẹ trong cái thời người ta trọng bằng cấp. Ồ, giá như chúng cũng được sinh ra trong mưa phùn gió bấc? Chẳng hiểu sao trong đầu bỗng lại có ý nghĩ đó.
                   Kể lại chuyện chuyến đi về chiến trường xưa. Cố đi tìm cái nơi hai anh em từng ngồi với nhau những đêm mưa rét bên cầu Khe Sanh mà mãi không thấy, không thấy đâu con suối róc rách nước chảy của năm tháng chiến tranh nữa. Thời gian đang xoá dần những dấu vết ngày xưa. Cảm thấy bâng khuâng, hẫng hụt như mất mát điều gì. Tất cả những đêm mưa phùn gió bấc đó chỉ còn là kỷ niệm của hai anh em.
                  Cả hai đều không ngủ được. Thèm ánh lửa bên suối đêm mưa phùn gió bấc. Để nhớ về những năm tuổi trẻ, nhớ về những ngày gian nan.Vậy là một đống lửa bùng lên giữa nhà. Nhà quê không thiếu những gộc tre và gốc cây khô. Ngồi bên đống lửa âm ỉ than hồng, cứ miên man nghĩ về ngày tháng đã qua. Cô vợ đảm của anh bạn đã lúi cúi mang về một rổ sắn tươi. Đất đồi, nơi nào cũng có sắn. Sắn nướng. Không phải vì đói mà là vì những kỷ niệm ngày xưa, những kỷ niệm về ngô khoai sắn. Một thời gian nan và đẹp biết bao! Cám ơn vợ bạn đã thông cảm về cuộc đời người lính. Nhiều kỷ niệm bây giờ đâu dễ nói.
 
 
          Vinh Anh – 4/1/11