Trang chủ » Tản văn

MÙA LỄ HỘI NÓI CHUYỆN TÍN NGƯỠNG

Đàm Lan
Thứ ba ngày 22 tháng 2 năm 2011 8:23 PM
 
Tản Văn

         “Một năm cả nước ước tính khoảng 8.000 lễ hội.”
         Lý do ?
         Đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân ? Chỉ một phần nhỏ.
         Giữ gìn những nét văn hoá truyền thống ? Cũng chỉ là một phần nhỏ.
         Mà thực sự lý do chủ chốt nhất là “tính mưu lợi”.
         Tôi chắc đang có một số cái cau mày. Cau mày không phải vì tôi nói sai, mà là đáng ra không nên gọi tên nó thành câu chữ. Vì không nói thì rõ ràng ai cũng biết, nói ra thêm bất nhã, có khi còn là bất tín và bất kính nữa. Nhưng tôi vẫn muốn nói, phải nói và cần nói. Ít nhất là theo cảm quan của tôi. Và tôi có thể chắc chắn rằng : Tôi sẽ nhần được kha khá sự đồng cảm.
         Hầu hết các lễ hội trên khắp các vùng miền đều đang được thương mại hoá. Mục đích đầu tiên là gợi sự tò mò, nhằm kích cầu ngành công nghiệp không khói. Đương nhiên. Trong phòng trào nơi nơi làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, thì tội gì không tận dụng một hình thái nếu có thể. Không chỉ đem về một nguồn lợi đáng kể, mà còn là dịp quảng bá nét văn hoá địa phương, mà còn là sự suy tôn những nghiệp trạng của cha ông nghìn đời, mà còn là kéo theo hàng loạt những dịch vụ lớn nhỏ, mà còn là gây nên một bầu không khí nhộn nhịp tưng bừng cho cư dân. Nhiều nhiều trong một vậy thì quả là một vốn đến vạn lời, lại còn được khuyến khích từ nhiều phía, mà có mất mát gì đâu nào, chỉ có được và được và được thôi.
         Tất nhiên với tất cả những liên quan trên tinh thần “chỉ có được” vậy thì lẽ ra chẳng có gì đáng chê trách cả. Ừ thôi cứ cho là bên chủ sự có quá nhiều lý do để thực hiện cho dù với mục đích nào đi nữa. Nhưng thành phần tham gia. Đây mới là yếu tố then chốt để duy trì và phát triển những lễ hội lớn nhỏ. Người ta đến các lễ hội không chỉ vì tò mò xem diễn ra thế nào, mà hầu hết đều mang theo ước vọng “cầu lợi”. Oai oái kêu la là chặt chém, là mệt mỏi, là đông đúc quá chỉ người đi xem người chứ chả ra lễ với hội gì cả. Thế nhưng vẫn cứ lũ lượt đổ xô đến. Cứ “nghe nói” chố nào linh thiêng lắm cầu được ăn nên làm ra lắm là lao đến, bất kể bao nguy cơ tiềm ẩn, và cả những nguy cơ thấy rõ. Chắc phải làm một tấm bảng vàng phong thần cho ai là người đầu tên phát ra cặp từ “nghe nói”. Cứ nghe nói là là tin răm rắp, chả biết người nói ấy là ai, nhằm mục đích gì, chả cần xét suy phân tích thực hư hay dở là thế nào cả. Thế cho nên, những kẻ nào muốn tung lên một tin đồn cho một ý đồ nào đấy thì cũng chỉ cần “nghe nói” là vô tư. Chẳng truy cứu vào đâu được. Thế cho nên dù khi có kiểm chứng được sự thất thiệt của tin đồn bất kỳ nào đó, thì sự tổn hại cũng gọi là vô phương đền bồi. Đó là nói về khả năng còn có thể kiểm chứng. Còn trong phạm vi mang tính tâm linh này thì không thể, và không hề có một khả năng kiểm chứng một cách thuyết phục có cơ sở. Bởi khi người ta đến các lễ hội với sự cầu vọng tài lộc, danh vị và sức khoẻ, là một sự cầu vọng hết sức mông lung và trìu tượng. Khi đạt được điều gì đó, người ta quy luôn vào sự linh thiêng huyền ẩn nơi người ta đã gửi gắm niềm cầu vọng, mà không hề nghĩ đến nguồn cội của sự đạt thành ấy. Bởi không có sự đạt thành nào đến một cách ngẫu nhiên cả, mà nó luôn hội tụ nhiều yếu tố cần thiết của khả năng, công sức, trí tuệ, các điều kiện cơ bản hỗ trợ, và một phần nữa của sự may mắn.
         Quy trình cuộc sống cũng như chặng đường đời của một con người luôn có những bước thăng trầm tiếp nối. Lên cao quá thì cũng đến lúc phải xuống, xuống thấp quá thì cũng đến lúc được lên. Ví như một quả bóng tưng trong một kích cỡ cao thấp, khi kịch trần ắt nó phải dội xuống, xuống kịch sàn ắt nó phải nảy lên. Hoặc giao động nhịp nhàng lên xuống trong một lưng lửng. Và vốn dĩ từ ngàn đời con người luôn có những điều chỉnh mang tính công bằng của hệ quả là : sướng lắm rồi sẽ đến lúc khổ, và khổ mãi rồi cũng sẽ đến lúc sướng. Không một ai giữ mãi mãi trạng thái. Vấn đề là tham vọng con người không bao giờ ngừng nghỉ, luôn muốn cao cao và cao mãi. Đành rằng tham vọng luôn là một yếu tố cần thiết cho sự phấn đấu và phát triển, nhưng có nên không khi đem tham vọng của mình ký thác vào một cõi mông mênh vô hướng.
         “Có thờ có thiêng. Có kiêng có lành” Hoặc “Tin thì có không tin thì không có.”
         Đến đây, có lẽ nên dành một đoạn để bàn rộng hơn chủ đề Đức tin hay gọi một cách khác hơn là Tín ngưỡng. Đầu tiên là nguồn gốc sinh ra sự tin ngưỡng.
         Vào cái thuở xa xưa mịt mùng trời đất. Khi con người chưa có nhiều nhận thức về những diễn biến xung quanh mình, không có sự nghiên cứu lý giải tận tường về các hiện tượng thiên nhiên, nên khi bị hậu quả từ những thiên tai, người ta khiếp sợ và cho rằng có một thế lực thần quyền siêu nhiên nào đó chi phối đời sống con người. Trong một đám đông ắt có người nổi trội. Chính từ những người nổi trội này đã lần tìm ra những phương thức khắc chế sự hung bạo, hay tạo một sự dẫn dụ đám đông đi theo một khuynh hướng do mình đề ra. Bằng vào những mục đích cá nhân ấy mà đẻ ra những hình tượng thần linh. Sự tùng phục bắt đầu từ nỗi khiếp sợ những ám ảnh đã dần hình thành nên một sự tôn sùng. Con người chỉ là một sinh thể bé bỏng trong vạn vật. Con người luôn bị chế ngự bằng nhiều nỗi sợ hãi, khi sợ hãi người ta lại luôn tưởng tượng ra những điều không có thật, và những sự không có thật ấy ác nghiệt là luôn mang màu sắc đe doạ. Vậy nên càng tưởng tượng ra nhiều sự đe doạ, nhiều nỗi nguy hiểm bao quanh, con người lại càng có xu hướng tìm vào nơi ẩn nấp, đế được chở che, bảo vệ. Từ nhu cầu đó người ta dựng lên một số hình tượng đấng quyền linh để van vái kêu xin. Bên cạnh đó, ta thấy những vị mang tính biểu tượng cho một tôn giáo như Đức Phật, Đức Chúa Giêsu… và một số vị đứng đầu một giáo chúng, trước tiên họ cũng là những con người. Nhưng đó là những con người có tầm tư tưởng xuất chúng, từ những chiêm nghiệm đúc rút những lý lẽ căn nguyên đời sống, đã lập ra những giáo lý, và sự truyền bá những giáo lý ấy nhằm mục đích cho con người hướng thiện, tìm được sự bằng an cho chính mình, bớt gây những hiểm họa cho cộng đồng. Nói một cách đúng đắn : Sự xác tín này là một điều cần thiết, góp một phần lớn trong việc bình ổn tâm thế con người và xã hội. Nhưng có một yếu tố khiến tính nghiêm chuẩn ban đầu của những giáo lý dần đi quá xa. Đó là sự nảy sinh và biến diện các hình thái từ những mục đích cá nhân được cài xen vào qua dòng chảy các thế hệ và diễn trình cuộc sống qua các thời đại. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta rất dễ dàng nhìn ra những bất cập trong một số hành vị nghi thức trong mọi tôn giáo. Nhìn ra nhưng không dễ thay đổi là bởi do những quan niệm ăn sâu vào truyền thống. Cứ phải làm theo những gì mà người đi trước đã làm thì mới yên tâm, nếu không đúng không đủ lại e sái ý, lỗi lệch. Vậy nên vẫn cứ tồn tại một số tập tục chỉ với một ý nghia là đem lại sự yên tâm cho người thực hiện. Cũng chính từ tâm thế “yên tâm” một cách không cần suy xét này mà sự tín ngưỡng đã bị lạm dụng rất nhiều cho những mê tín dị đoan, và cũng là cơ hội thuận lợi cho những ai muốn tận dụng để trục lợi. Đành rằng với mỗi chính phái vẫn có những rành mạch các phần hành nghi thức, rằng không đồng nhất với những niềm tin xuất phát từ các như cầu công chúng, nhưng phần lớn công chúng không thể hiểu được tường tận các góc độ,mà chỉ biết tin vào tất cả những gì họ cho là có lợi cho mình. Dù đã không biết bao nhiêu người đã phải trả giá cho những niềm tin không đúng chỗ của mình.
         Trở lại vấn đề lễ hội. Hầu hết các lễ hội bắt nguồn từ làng xã. Từ sự tôn vinh những bậc tiền nhân đã có nhiều công tích cho người đời. Có thể hiểu tính chính thống của các lễ hội là sự tưởng nhớ và suy tôn danh trạng của các vị tổ tông, cũng có một số lễ hội mang tinh tín giáo. Tất cả ban đầu cũng chỉ mang một ý nghĩa thuần khiết của sự tôn tưởng, nhưng đến ngày nay thì hầu hết những ý nghĩa ấy đã bị biến thể đi rất nhiều, không ngoại trừ những thêm bớt cho càng đậm đà phong vị huyền bí, càng dễ dẫn dụ sự tham gia của số đông, càng thuận lợi cho những mục đích tư lợi. Nhiều nơi, lễ hội đã trở thành một sự kiện đáng ngại, gây ra rất nhiều vấn đề tiêu cực, tệ nạn, và điều được gọi là sự linh thiêng cũng không còn nữa. Thế nhưng cứ mỗi khi đến thời điểm, thì lại vẫn tiếp tục tiếp diễn, mặc cho bao cảnh báo nhắc nhở. Với tâm thế cầu phúc cầu lộc, người ta bằng mọi giá để với cho được một chứng vật gì đó cho thêm phần củng cố niềm tin của mình, nhưng phúc lộc đâu chưa thấy, chỉ thấy trước mắt bao là hệ luỵ, hệ quả thật dáng tiếc. Sẽ không xảy ra những điều đáng tiếc ấy nêu con người ta có một nhận thức dúng đắn rằng :
         Cuộc đời mỗi người luôn có những được mất, may rủi, lên xuống, và quá trình diễn biến đời sống của mỗi người thế nào là tuỳ thuộc vào khả năng, tính cách, quan điểm sống và một phần là sự tương hỗ của cộng đồng. Bên cạnh đó có một chút chi phối của cái gọi là vận mệnh. Chứ không vì bất kỳ một niềm tin mơ hồ là làm thế này thì gặp may, làm thế kia thì phát đạt, hoặc làm thế nọ thì tốt lành. Nếu cuộc sống mà cứ được chọn lựa như thế thì trên đời này làm gì còn đâu là những cảnh đời lam lũ. Chẳng có sự đạt thành nào từ trên trời rơi xuống cho mà lượm bỏ túi cả. Niềm tin thì cần thiết cho cuộc sống thật, nhưng phải hiểu rằng nên tin vào cái gì, tin đến đâu, và niềm tin ấy đem lại gì cho bản thân. Nếu cứ tin một cách mơ hồ và mù quáng thì chỉ tự biến mình thành những con mồi cho những mục đích trục lợi mà thôi. Bởi tất cả những gì thuộc cõi linh thiêng huyền ẩn đều do con người đặt ra nhằm mục đích giải quyết tâm lý và tình cảm cho những người đang còn hiện tại. Trên thực tế không hề có cái gọi là thế giới bên kia.