Trang chủ » Tản văn

DÔNG DÀI PHỐ SÁ

Trần Trương
Thứ năm ngày 30 tháng 9 năm 2010 6:00 AM
Tản văn

1/Cảm giác theo “Quán tính”
Từ nhà   tôi ở quận Tây Hồ đến cơ quan tôi làm việc ở quận Hoàn Kiếm phải đi mất 20 phút xe máy,có lần đi taxi thấy đồng hồ xe báo 9ki lô mét, nhưng sao vẫn thấy gần, vậy mà bạn tôi đi làm từ Hà Đông ra Bờ Hồ cũng khoảng 10 cây số thôi mà sao có cảm giác xa xa thế nào ấy.Có lẽ trong tiềm thức của anh  vẫn là sự dịch chuyển từ “tỉnh ngoài” vào Thành phố, hay là từ”nhà quê” ra Hà Nội.Thế mới biết cái cảm giác “quê” và “Tỉnh” nó dai dẳng thật, mặc dù Hà Đông bây giờ cũng là một quận của Hà Nội rồi…
2/Văng tục
Đường phố Hà Thành ta bây giờ đông đúc thật.Ngả nào cũng chen nhau mà đi, lựa nhau mà tránh.Đến ngã tư còi xe bóp inh ỏi mà rồi có ăn thua gì đâu. Anh đứng trước nghe còi vẫn coi như “điếc” chả thèm tránh mặc dù xe anh ta đứng chòi sang cả phần đường “Đèn đỏ được rẽ phải” vì thế cái “được” ấy coi như bằng… không, thế là ùn tắc “cục bộ”, cái danh từ ùn tắc”Cục bộ” này cũng được phát thanh viên đài VOV giao thông láy đi láy lại trên loa ô tô, sốt cả ruột, mà rồi có giải pháp nào để giải tán cái “ùn tắc cục bộ” ấy đâu! Bỗng tôi thấy chiếc xe  máy của hai thanh niên đèo nhau không đội mũ bảo hiểm định “Lướt” lên trên tránh anh công an thì “vướng” ngay phải xe của một một ông già vượt lên , xe hai thanh niên phanh khựng lại và một tiếng chửi thề văng ra:Đ.. mẹ thằng già đi kiểu gì thế, ông già ngoái lại,trả lời nhanh cũng ngoa ngoắt:Đố mày biết kiểu gì…Chấp nhau câu nói. Xuýt xảy ra ẩu đả, nhưng may sao anh công an áo vàng đã kịp đến, “Tóm” gọn hai gã thanh niên kia…
3/Vỉa hè “ăn uống”
ÔI chà, sáng ra vỉa hè Hà Nội thật tưng bừng náo nhiệt.Vào phố cổ mới thấy cái sống động của đời thường. rất nhiều các thân cây, cành cây được treo biển “cơ động”.Phở bò, gà, phở gà ta, bún riêu, bún vịt, bún ốc, miến ngan, bánh bao, mỳ vằn thắn và..trứng vịt lộn… rồicà phê, quán nước chè chén đua nhau, chồi sụt,ngồi xổm, ngồi ghế, có nơi chẳng bàn chẳng ghế, đứng nhôm nhổm,bếp than tổ ong, bếp dầu, bếp gas đủ các chủng lao ra lấn vỉa hè. Đủ các loại khách,lịch sự có, buông tuồng có,nam phụ lão ấu cứ xoay lưng ra đường , chổng đít ra hè, lom khom húp húp và và, với âm thanh nhẹ nhàng hấp dẫn.Buổi chiều thì bắt đầu của “sinh hoạt” Bia hơi”, Lan Chín, Hải Xồm, Halida, Bia hơi Hà Nôi, ,mọc lên tua tủa ở các ngã tư ngõ ngách. Dân nhậu ăn vận theo kiểu “bình dân”. Có ông may ô ,quần Sooc , có vị quần lửng, có vị còn sex hơn là cởi trần, tất cả vây quanh quán. Chuyện gì ở đây cũng có. Từ chuyện “cao cấp” như Tầu sắp đánh ta đến chuyện Hoa hậu,và cả chuyện tòa án xử tử hình,hoặc ông chủ tịch tỉnh chơi gái v..v.. và v..v..ở đây có tuốt.Ngã tư phố Tạ Hiện và Đinh Liệt chẳng biết từ bao giờ đã trở thành nơi tập trung của các ông “Tây” bà “đầm”.các vị này hình như đã “Say” với không khí của đường phố rất tự nhiên của ngườiViệt mà đặc biệt là sinh hoạt đơn giản của dân  lành Hà nội.Họ ngồi ngả ngốn, chân dài duỗi cả ra đường đi, cũng bất chấp luật giao thông,họ ăn toàn thứ thịt,tôm,mực nướng ,rán ,xúc xích, lạp xường   cả ốc ,sò, bánh  đa, bánh cuốn, nem chua, chả nhái..tất tật và cái “thú nhất “ để chiêu các món nhậu ấy là và vẫn là món bia hơi rẻ tiền nhưng cũng không kém phần say men hào hứng.Có lẽ sôi động và phong phú hơn là những chiều thư bẩy, chủ nhật, vỉa hè phố Cầu Gỗ đã thực sự sinh động. Đấy là ‘Vùng” của những quán cóc  quang gánh bán món ăn rất hợp với các cô cậu và các bà kinh doanh nhỏ, đó là món cua ghẹ đầy hấp dẫn.Nhìn những ngọn đèn tự tạo thả trên cành cây và cái sào tre dựng ngược, làm sáng bừng lên những mầu sắc hồng hồng của vỏ cua biển , ghẹ tươi. Những món có vẻ bình dân này nhưng coi chừng …giá không kém ở nơi sang trọng đâu nhé.
 Vậy mà ăn gì thì ăn, người Hà Nội sau khi ăn các món ăn nhiều chất đạm với nhiều chua ,cay mặn chát, thì không thể quên cái phố ngang mà đèn đường lờ mờ như buồn ngủ, đó là phố hàng Giầy, nhưng ở đây lại không có một hiệu giầy nào nổi tiếng cả.Mà  nó lại quá nổi tiếng , ấy là quán chè “Lục tào xá”, “Chế ma phù” của nghệ sỹ hài   Phạm Bằng.Khi ông đứng bán hàng thì áo quần rất ngay ngắn và bảnh bao, không hề có “tí” hài nào.Cả gia đình ông sống ở cái quán nhỏ này từ bao đời nay rồi.Gọi là quán chứ thực ra chỗ khách ngồi ăn chè chỉ là cái đoạn ngõ nhà tập thể và lan ra đoạn vỉa hè nhỏ nhoi , khiêm tốn.Không hiểu sao cái bát “lục tào xá” này nó lại ngon và làm mê muội bao cái mồm khó tính,nó có một vị ngọt vừa phải, cái mùi thơm nhẹ nhàng, cái bùi bùi của đậu xanh, ăn xong thấy khoan khoái và tan biến đi cái ậm ạch của no nê, có lẽ đấy là “bí quyết” của món “dessert”của tiếng Tây mà dịch ra Ta gọi là món tráng miệng kia thật ý nhị và độc đáo…Hà Thành.
Vài nét vậy thôi   đã thấy cái phức tạp của đời thường giữa nơi phồn hoa đô hội.Nghìn năm   đến rồi đấy nhỉ, chẳng biết bao nhiêu dự án, công trình to nhỏ mọc lên, nhưng đời thường thì vẫn phải “chen” nhau mà sống.Sự nhộn nhạo, với cái nếp sống “vỉa hè” đã từ lâu người Hà nội quen và chấp nhận nó như một điều tiên quyết.Chính quyền thành phố ra biết bao nhiêu chỉ thị về “văn minh, sạch đẹp” rồi cấm đoán, thế mà vẫn bị cái sức ỳ hay là lối kiếm sống thật giản dị của dân nghèo thành thị cứ lấn át, ồ ạt xô bồ kia “chống” lại.Nhưng thử hỏi khi “cấm” chính quyền thành phố đã có biện pháp gì để vỉa hè chỉ đơn thuần là lối đi?Đã có câu nói cứ như “tiên chỉ”: Giầu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội! phải chăng đó là một mệnh đề của cuộc sống cho dân nghèo?Tôi tin rằng sau nghìn năm Hà Nội sẽ đẹp dần lên, bên cạnh cái Khẩu hiệu :Đường thông hè thoáng thì cũng cần phải bảo đảm cho cuộc sống của  “ Vỉa hè chợ củaNhân dân anh hùng”chứ,và nó cũng còn là một sinh hoạt :”văn hóa chợ”đặc thù của Hà Nội thân thương chẳng xứ nào có cả./.