Trang chủ » Tản văn

NÁT MỘT ĐỜI CÂY

Nghiêm Lương Thành
Thứ ba ngày 12 tháng 10 năm 2010 5:36 AM

Tản văn

Mọi vật đứng trong trời đất đều có một xu thế chung là đứng sao cho “điểm rơi” của trọng tâm càng gần chân đế càng tốt; lý tưởng là trọng tâm rơi đúng tâm diện tích chân đế. Theo cái nhìn của khoa vật lý cổ điển, đó là vị thế bền vững, chắc chắn, ổn định và trường tồn nhất. Độ bền vững này luôn tỷ lệ thuận với diện tích chân đế (Bài viết này tuyệt đối không liên quan gì đến mô típ kiến trúc tân kỳ, đã được tính toán thiết kế theo lý thuyết vật lý hiện đại của Nhà bảo tàng thành phố Hà Nội) và tỷ lệ nghịch với chiều cao trọng tâm - khoảng cách từ vị trí trọng tâm của vật đến mặt đất. Các con vật bốn chân thường có diện tích chân đế lớn hơn những con vật đi hai chân nên ít khi bị ngã hơn. Loài bò sát thì trọng tâm luôn là là mặt đất nên chúng chẳng hiểu gì về cái sự ngã.
Thuận theo tự nhiên, trừ ba cái thứ dây leo tằm gửi, các loài cây đều có xu hướng mọc thẳng. Các nhà giải phẫu học nói rằng sở dĩ số đo vòng cặp đùi của người đàn bà luôn lớn hơn số đo vòng cặp đùi của người đàn ông là cốt hạ thấp trọng tâm cơ thể để những khi mang thai thì sẽ khó bị ngã hơn, an toàn cho mẹ và thai nhi hơn.
Những cây mọc thẳng trong đại tự nhiên là người thày đã vỡ lòng cho ta về khoa kiến trúc; những cây mọc cong queo ở những nơi lưng chừng núi đá khấp khểnh, lồi lõm, khô cằn lại gợi cho ta những ý tưởng tinh thần cao đẹp, quật cường, bền bỉ nào đó. Cái sự cong queo ở đây cũng vẫn là thuận theo tự nhiên vậy; cành mọc ra ngắn dài, to nhỏ là tùy thuộc vào độ bền gốc rễ của cây; cây lượng sức của gốc mà mọc nên vẫn bền vững, vẫn được hưởng ánh nắng và khí trời trong trẻo mát lành như những cây được mọc trong những điều kiện tốt đẹp. Cây mọc trên núi đá chậm phát triển hơn nhưng rắn chắc hơn và gần với mặt trời hơn. Đấy là những cây quý.
Từ những liên tưởng về những giá trị tinh thần cao đẹp khi chiêm ngưỡng những thế cây mọc trên núi đá, những người cao nhã đã phỏng theo mà tạo ra những thế cây như vậy ngay trong nhà mình. Nhưng cây mọc ở vườn, ở sân nhà hoặc trong chậu cảnh, trong một không gian thoải mái mà cong queo khúc khuỷu thì có khác gì Bin-gết cứ khăng khăng sống theo lối của Rô-bin-sơn ngay trong ngôi nhà của mình. Sự vật nào cũng chỉ có lý trong hoàn cảnh của nó. Cây mọc trên núi đá khó có thể thẳng. Các thế cong queo, khúc khuỷu chỉ thực sự đẹp đẽ, hiên ngang, bay bổng khi cây ở trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt của nó. Có phải vì vậy, những bậc hiền minh thời xưa và thời nay thường chọn những nơi núi rừng hùng vỹ, non xanh nước biếc mà ở chăng ?
Cái khúc khuỷu cong queo trong một hoàn cảnh không có điều gì bắt phải cong queo sẽ biến thành cái uốn éo èo uột. Những người chưa hiền minh và những người khôn ngoan thuận thời thì lại nhìn cái uốn éo èo uột này ở một tâm thế khác. Vì thế, giữa nơi đồng bằng không gian thoáng đãng hoặc những chốn đô hội tân thời quy hoạch rộng rãi xênh xang, thị trường cây cảnh vẫn không ngừng phát triển lên các tầm rộng và tầm cao mới.
*
 Đầu tháng mười này, nhân đi công tác ở Huế, gặp ngày cuối tuần, tôi có ghé thăm khu Hoàng Thành. Đến ngôi nhà thờ mười vị vua triều Nguyễn, thấy mé đầu hồi bên phải có một cây thông, chắc là nhiều tuổi lắm rồi. Thân cây xù xì, màu nâu đã ngả dần sang nâu đen, mọc theo thế của một cây trên lưng chừng núi đá, thân nghiêng với mặt đất một góc khoảng 40 độ. Cây có hai cành lớn, chắc là được những người thợ vườn hoàng cung ngày xưa uốn cho chìa ngang về hai phía tể tạo dáng “quân tử khắc khổ thanh tao chi tính”. Cây ở nơi đất bằng, thân mọc nghiêng, cành to và xa gốc nên có nguy cơ bị đổ. Thế là người ta hàn một cái khung giàn bằng thép ống để vừa treo vừa chống đỡ cho hai cái cành lớn, hầu cứu vãn cái cây. Treo và đỡ tại nhiều vị trí, với một vật phi bê tông, sắt thép như vậy, cái cây khó lòng tránh khỏi trạng thái của một dạng dầm siêu tĩnh; sinh thể cũng đau đớn lắm thay (xin xem ảnh của cái cây đó trong hiện trạng của nó).
Khi nhìn bức ảnh này, quý vị có cảm giác như thế nào ?
Có một thực tế như thế này: Nếu bỏ cái khung ống thép đó đi, chắc hẳn, chẳng bao lâu, cái cây sẽ đổ kềnh. Để như hiện trạng thì chưa biết đến bao giờ cây mới đổ, nhưng vướng víu lối đi, bất tiện vô cùng; gặp người đang mải miết, sơ ý, vấp phải những cái thanh chống mà ngã xuống nền gạch thì khổ; phải người lưng thẳng, mắt quen thói không trông ngang, sơ ý, đi mà không luồn cúi, né tránh thì bươu đầu sưng trán là chuyện dễ hiểu. Vả lại, thảo mộc kết hợp với sắt thép, có cái gì đó không phải, nom nghịch mắt lắm, chất lượng nhã cảnh suy giảm, hiền nhân du khách bỗng dưng cạn ráo cả cái thú tiêu dao, học hỏi.
Thế thì cái cây ấy phỏng còn còn tác dụng gì nữa ?
N.L.T - 09/10/2010