Trang chủ » Tản văn

Phố phường ngày giáp tết

Vinh Anh
Thứ ba ngày 25 tháng 1 năm 2011 10:20 PM
     Tản văn
Những ngày cuối năm, rét buốt kéo dài. Đóng cửa ở nhà chống rét. Tưởng vậy là hay mà không phải. Ở nhà một mình thấy cô đơn, lạnh lẽo. Vậy mà ra phố thấy cái hừng hực khí thế cuộc sống, mới cảm nhận cái sự sống thật mãnh liệt. Ra phố mới thấy dòng chảy cuộc đời cuộn trôi như thác. Ra phố mới thấy mình bé nhỏ và thật là … cát bụi.
Con đường ra tới phố đông đâu có xa. Đường chim bay cách khoảng hai trăm mét. Đi vòng vèo khoảng trên ba trăm mét. Vậy mà lâu lâu không ra phố, thấy lạ lẫm với cuộc sống phố phường. Phố phường nhộn nhịp muôn vẻ khiến ta ngỡ ngàng. Nhiều lúc cứ như bị mê đi vì dòng chảy nườm nượp của xe cộ, của người, của hàng hoá và của cả muôn vàn tiếng động.
Còn chục ngày nữa thì tết, vậy mà mình như đã tách rời xã hội, chẳng thấy lo toan vui buồn với tết gì cả. Sợi dây kết nối với ngoài kia sôi nổi, ồn ào cũng như nhiều biến cố, nhiều khát khao là đứa con. Mỗi chiều là mong nó tạt về với bố giây lát. Chẳng nói được chuyện gì hết nhưng thấy nó là còn thấy sự liên kết với cuộc sống hiện tại. Nó phơi phới và tràn ngập cái “không gian và gắn kết với thời đại”. Nỗi mong hàng chiều cũng mong manh. Nó có gia đình riêng. Nó có những lo toan riêng mà mình không thể sẻ chia. Biết vậy để tự an ủi mỗi chiều, vì một việc gì đó, nó không thể tạt ngang qua nhà.
Nhưng hiện giờ đã là gần tết. Không khí những ngày cuối năm cũng đã đổ vào cái phố nhỏ mình sống. Tiếng động cơ xe có vẻ như nhiều hơn và khuya hơn. Cái tất bật cũng làm mình một chút náo nức. Muốn ra ngắm phố phường, hoà vào cái bụi bặm, tất bật và những nỗi lo toan của những người xa quê đang tận dụng những ngày này kiếm thêm ít tiền về quê, muốn nghe  tiếng ồn và cả sự thâm trầm sâu lắng của dòng chảy cuộc đời.
Ngang qua cái hồ đang cải tạo. Cái sự hoàn thiện bao giờ cũng tốn công sức và mới thấy bộc lộ nhiều cái dở của lối làm ăn “chụp dựt” đã nhiễm vào máu dân mình. Những tưởng khuất mắt bỏ qua. Gặp cái thằng “chủ” nước ngoài kỹ tính,  và đúng nguyên tắc, nghe đâu nó phát hiện không đủ khối lượng, vậy là phải làm cho đủ. Hơn tháng trước thấy một cái máy ủi, một cái máy xúc cứ trằn trọc, cô đơn, phành phạch trên cái mặt hồ mênh mông, nạo vét cho đủ độ sâu đáy hồ. Thầm rủa “Đáng kiếp! Cho chừa cái thói điêu toa”.
Ba giờ rưỡi chiều, thủng thẳng mặc cho đủ độ ấm, ra phố. Nghe chừng cái nhẩn nha, rỗi việc của những người như mình không phù hợp với phong cách phố phường. Cuộc sống nơi mặt phố cũng tốc độ như những chiếc xe máy đang vun vút trên đường. Trời đầy mây, những đám mây mênh mông không điểm bắt đầu, không điểm cuối cùng che khuất hết mặt trời nhưng gió đã mòn nhạt đi nhiều không còn sắc nhọn như nửa đêm về sáng nữa.
Trông thấy một bà quang gánh nơi đầu cái ngõ nhỏ nhà mình thông ra phố lớn, ngồi lúi húi với đám hàng hoá tạp nham “chè chai lông vịt”. Một đống những bìa với hộp cát-tông. Thứ giấy dùng để bao gói thải ra. Hai nghìn một ký. May ra cái đống bao bì vất đi đó được chục ký. Ngước nhìn bàu trời đầy mây xám, lòng bỗng bâng khuâng cho mấy ngày năm cùng tháng tận của một năm, mong nó qua mau, chẳng thấy hương vị của tết nữa.
Nơi bãi cỏ úa chưa kịp lên mầu để đón xuân, bởi xuân cũng chưa về đến nơi, túm tụm một tốp toàn các cụ cỡ “cổ lai hy”. Mọi người như yên ắng đang chăm chú nghe một cụ kể chuyện vừa điều trị từ bệnh viện về. Cái bệnh thận quái ác, thêm cái đái đường, cộng với cái tim đau yếu. Tất cả dồn vào cụ. Cụ vẫn bình thản như bao ngày trước, không xúc động, như đang nói những lời cuối của năm (hay đó là những lời cuối cùng ), để chia tay với các bạn già mà cả chục năm lại đây, vẫn hằng chiều gặp nhau. “Còn đi lại được như thế này là tốt lắm rồi… Chẳng biết trời cho sống thêm bao ngày nữa… Một tuần hai lần chạy thận… cũng cố để qua cái tết cho con cháu đỡ vất vả”. Nghe cụ nói, nỗi buồn còn níu kéo nhiều hơn, mây xám trên trời như nặng nề hơn. Vẫn da diết với đời và vẫn thương lũ cháu con nhiều lắm. Cụ như đã xác định được cái ngày “về quê cha đất tổ”. Ở đây, mọi người vẫn nói thế, mỗi lần có một cụ đi xa, họ lại truyền miệng nhau: “về quê rồi”. Dẫu biết đó là lẽ thường, sao nghe vẫn cứ nghèn nghẹn, nao nao.
Chẳng mấy khi rỗi rãi. Đến tận chiều nay, mới đứng trên cầu vượt ngắm nhìn dòng người lại qua. Thành phố mình đẹp và thay đổi nhiều quá. Đã lâu, rất lâu rồi, phố phường không được mình nhiệt tình “chăm sóc, nhòm ngó”, bởi ý nghĩ dường như đã in đậm trong đầu, tất cả những gì xảy ra trên đường phố, đã quá “biết”. Nhưng thật không phải vậy. Mọi sự luôn biến đổi là ở đây. Bộ mặt phố phường đã thay đổi nhiều. Chuẩn bị cho năm mới, nó càng nhiều thay đổi. Mỗi độ xuần về, người ta luôn mong một điều gì đó tốt đẹp với mình, với người thân và với cả người đời. Cứ hy vọng thôi. Một đời người, từ khi biết nghĩ, biết lo âu, sung sướng, người ta đã bao lần đón xuân mới và hy vọng. Có ai đã thống kê, mấy người đạt được những điều mong muốn?
Nét âu lo vẫn là nền chính của muôn mặt cuộc đời. Cái siêu thị ồn ào những lời quảng cáo qua cái loa mở hết cỡ, xô hết mọi người ra xa. Chẳng thấy ai nói. Người ta dễ chấp nhận thật, chấp nhận cả cái điều rất vô lý đã cấm đó. Bởi hình như, có góp ý cũng không có tác dụng. Điều đó đã ăn vào tiềm thức. Biết vậy thì đừng hoài công. Chúng ta đã quá quen với những điều chướng tai, gai mắt và dễ dàng bỏ qua, miễn là nó không ảnh hưởng đến mình! Nhưng cái tiếng ồn quảng cáo ảnh hưởng đến mình đấy chứ. Nhưng nó chỉ thoảng qua thôi, không dài dài. Vậy thì cố chịu một chút. Đường phố đang chuẩn bị đón xuân mà! 
 Năm nay lạnh dài, rét đậm vì thế đào quất chưa thấy mấy. Đầu vườn hoa Găng-đi, vẫn là mấy cành đào rừng, không hiểu có phải mang từ rừng về không. Nghĩ đến hàng hoá, mình cứ hay vẩn vơ nghĩ về đồ thật giả. Nhìn mãi chẳng thấy một cái lá, một bông hoa, chỉ thấy cành khô khốc, mốc meo đâm ra tua tủa. Có lẽ chỉ mấy anh lập di, nhiều của mới chơi xuân bằng những cành đào rừng này. Hỏi thử chơi, một cành một triệu.  Chẳng biết giá cả thế nào là đúng sai, cao thấp. Chả dại mà đụng vào!
 Lên tới gần trung tâm triển lãm Giảng Võ, càng ồn ào hơn, đông đúc hơn. Sao mà người ở đâu dồn về nhiều thế. Ở đây, sự tươi trẻ nhiều hơn. Cái tươi trẻ thể hiện qua thật nhiều sắc thái. Vẫn cảm giác là lạ, không vui. Không thấy không khí của lễ hội cổ truyền, của năm mới Việt, mà chỉ đơn thuần là cái nơi bán hàng, cố sao bán cho được thật nhiều hàng. Giá như nơi đây, trên cái mặt sân rộng rãi trước nhà triển lãm, người ta dựng một cây đu, một cây nêu và mang về đặt ở đây những cành đào rừng, đang tựa tường bên cổng vườn hoa Găng-đi, để phong cảnh mềm đi một chút, có dự vị quê quê một chút. Thành phố vốn đã quá nhiều bê tông và sắt thép rồi. Nghĩ vậy thôi vì biết rằng trăm người trăm ý. Nhưng vẫn thấy cái lương vương, chiều sâu tư duy của việc đón xuân vẫn chưa được đầu tư. Năm này qua năm khác vẫn thế!
 Dẫu vậy vẫn thấy lòng mình có một chút thắc thỏm. Nói là không ưa cái nhộn nhạo thương trường cũng không đúng. Chính cái thương trường làm cho phố xá khởi sắc, nó là một thành phố chứ không có vẻ làng quê như những năm xưa, cái thời khốn khó. Nói nó quá đà ư? Biết thế nào là quá! Nhưng thấy sự đua chen hối hả, ngay trên đường cũng đua chen, hối hả, thể hiện cả trên nét mặt mỗi người, lại thấy buồn. Nếp sống có vẻ buông tuồng, vô cảm quá. Nhiều lúc thấy cách hành xử của con người còn lạnh lùng hơn cả  cái lạnh giá buốt năm nay.
 Một chiếc ôtô tải nhỏ lượn vèo vào góc phố làm một chị bán hàng rong giật mình. Trên xe là một cây quất to vật vã, lúc lỉu những quả vàng ươm. Lộc xuân đã gõ cửa nhiều nhà, nhưng không phải nhà nào cũng có. Cái “nhiễu điều”cũng vẫn phải lựa chọn thời gian thể hiện. Nhưng vẫn cầu mong một mùa xuân mới hạnh phúc, no đủ đến mọi nhà. Mùa xuân nào mà Vinh Anh-24/1/11