Tản văn
Láng Hạ là một đường mới của Hà Nội. To và rộng và nếu có thể… cũng vào loại đẹp nữa. Ở đây tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc cho thuê và tất nhiên đủ loại dịch vụ để phục vụ và kinh doanh kiếm lời. Cả nhà, cả vỉa hè đều có thể kiếm ra tiền. Từng mét vuông ở đây là từng đống tiền.
Đường Láng Hạ có dáng dấp hiện đại. Mấy cái toà nhà cao mười mấy đến ba chục tầng, ngước nhìn mỏi cả cổ. Có trung tâm chiếu phim Quốc gia, một địa chỉ hấp dẫn giới trẻ. Đặc biệt ở Đường Láng Hạ có toà đại sứ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Cái địa chỉ đó cũng làm cho cái phố thêm dễ nhớ.
Tên Láng Hạ nghe có vẻ quê. Một cái tên cổ của Thăng Long-Hà Nội được giữ lại. Cái quê trong thành phố lúc nào cũng như một dòng chảy xiết, cho cảm giác ta được sống chậm lại với kỷ niệm, với hồi ức. Cho ta cái sự thanh thản, bình tâm. Những người lớn tuổi của Hà Nội chắc vẫn còn nhớ những luống rau trên đường Láng. Làng Láng chỉ trồng các loại rau thơm, làm gia vị, vậy mà nổi tiếng, đến cái tên gọi một loại rau thơm bây giờ vẫn có người dùng: húng Láng. Mặc dù cả cái làng Láng giờ đã thành phố xá đông đúc, chẳng còn lấy một thửa trồng rau. Ngày còn chiến tranh và cả những năm sau một chìn bảy nhăm, đạp xe trên đường Láng vẫn thấy những luống rau được trồng và vun xới sạch sẽ, đẹp đẽ như những luống hoa. Nước tưới cho rau được lấy từ nước sông Tô ngay bên cạnh. Trên mặt dòng sông, rau muống mọc đầy, non mướt. Một nguồn cung cấp rau xanh không thể thiếu cho thành phố.
Dọc phố Láng, kéo dài hết Láng Thượng, từ xưa vốn đã có hàng xà cừ rất đẹp. Tuổi của những cây xà cừ trên phố này chắc cũng sánh ngang bằng với hàng xà cừ phố Hoàng Diệu. Cao to và xum xuê tán mát. Bây giờ đường mở to gấp đôi, gấp ba ngày xưa, hàng xà cừ vẫn ngạo nghễ cùng thời gian. Cảm ơn những nhà thiết kế, quy hoạch đã giữ lại những gì xa xưa cũ kỹ đó của Hà Nội.
Láng Hạ là một phố lớn của Hà Nội với hai chiều xe đi, mỗi chiều ba làn xe. Vỉa hè cũng thênh thang như những vỉa hè trên đường Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng ở khu “phố Tây” ngày xưa. Một đầu giới hạn bởi nơi cắt vuông góc với đường Láng. Tiếp theo đó là cây cầu bắc ngang sông Tô, mà sang đất bên đó là một Hà Nội hoàn toàn mới. Đầu kia nối với đường Giảng Võ, bắt đầu cũng là một địa danh nổi tiếng “Triển lãm Giảng Võ”.
Từ sau ngày cúng ông Công, ông Táo lên trời, phố Láng Hạ đã vào những ngày giáp tết. Con đường thênh thang với ba làn xe mỗi bên chật ních những xe. Vỉa hè mênh mông như thế cũng chật ních người và hoa. Hoa cho những ngày đón năm mới từ các nơi đổ về. Những năm trước, những người bán đào, quất chỉ từ Hải Dương, Hưng Yên, Sơn Tây về đã là xa. Không có những vườn quất, vườn đào của các địa phương đó, Hà Nội “chết” vì thiếu hoa. Năm nay có một địa điểm, bán hàng độc hơn, những cây hải đường gốc to bằng cổ chân, được tạo dáng như những chiếc nấm vĩ đại, với những bông hoa đỏ như những hòn lửa được mang từ tận Kiến An, Hải Phòng lên. Hoa hải đường thanh cao và sang trọng, chơi được lâu. Chỉ một cành hải đường không gốc rễ, mang về cắm trên bàn thờ cả chục ngày vẫn tươi xanh.
Những người lớn tuổi, không mấy bận bịu việc gia đình, có thú đi ngắm hoa tết trên phố. Ngắm hoa và chơi hoa là những thú vui không thể thiếu được trong ngày xuân của người Hà thành.
Lách mình qua những cây quất trĩu quả với đủ dáng kiểu, tâm hồn con người như thư thái hơn. Ngắm hoa, con người đã vứt bỏ được những phiền muộn mà cuộc sống đời thường mang lại. Bởi hoa tượng trưng cho cái đẹp mà. Trước cái đẹp, con người gỗ đá nào chẳng xúc động, chẳng muốn nâng niu. Đặc biệt khi đứng trước những cánh phong lan cao sang và duyên dáng. Thứ hoa nguồn gốc từ rừng xanh núi đỏ xa xôi đó cứ như những nàng công chúa, những bà hoàng hậu, các mệnh phụ phu nhân đài các. Chúa của các loài hoa. Nói đến bà hoàng, công chúa, từ nhỏ, trong cổ tích, đã là những nhân vật tuyệt đẹp rồi. Quả thật, qua hàng phong lan, người ta như cũng nhẹ chân hơn. Gian hàng được che kín để không cho gió lùa, để người ngắm hoa được thoải mái. Ở đây, mọi tiếng động đều như được nín nhẹ để cho người ngắm hoa thả hồn thưởng thức những cái đẹp cái kiêu sa. Tự hỏi: nếu ví cái đẹp của hoa như cái đẹp đến thì, lồ lộ toả hương quyến rũ của người con gái, không hiểu đã chuẩn chưa. Rồi tự trả lời: thật chuẩn. Đó là cái đẹp cứ phơi phới, hồn nhiên và tự nhiên với đời, nó là thế!
Cách trưng bày để bán hoa của các nhà vườn hoa phong lan cũng khác. Tất cả mọi cành hoa, chậu hoa đều được nâng niu. Thấy câu “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thể hiện ở đây thật rõ. Chỉ có điều, ít người dám nâng niu như sở hữu thật của mình. Lại nhớ; “cái đẹp là của người ta…” Nó là thú chơi đa phần thuộc về những ông hoàng, bà chúa. Thời hiện đại bây giờ bảo đó là của các đại gia. Còn giới bình dân, cứ thoả sức ngắm hoa với điều kiện, “không sờ vào hiện vật” như dòng chữ được dán khắp nơi.
Bởi vậy, nên đa số người ngắm và xem hoa chỉ dạo trên phố, nơi đó dễ gặp những người cùng cảnh ngộ như bao người. Người mua vô tình gặp nhau, trao đổi với nhau về giá, chỉ cho nhau những cây hoa mà mình ưng ý. Tự dưng thành quen biết, tự dưng được những thông tin quý giá trong thời buổi “thương trường là chiến trường”, thời buổi “đồng tiền mất giá”. Thoáng nghe một ông già buộc cây quất lên chiếc xe đạp: “Tiền thêm trong lương hưu của tháng tết vừa đủ cho một cây quất còi”. Não ruột quá!
Gặp một cô gái tuổi con, tuổi cháu đi xe JIP mới toanh dừng xe bên cạnh mấy cây quất nho nhỏ, xinh xinh đầy những quả xanh và vàng đặt sát hè đường. Sau một vài câu mặc cả, đã thấy cô xuống xe, để người bán hàng buộc cho cây quất trên đệm ngồi. Chả bù cho ông lão ban nãy, ngắm đi ngắm lại mãi, mới mua được một cây. Hỏi sao cháu mua cây nhỏ thế. Đáp nhà cháu nhỏ. Cháu ở với ai, có gia đình chưa? Cháu chưa. Vậy là cô gái mua cây quất chắc để trong căn nhà trọ thuê cho có không khí mùa xuân. Mùa xuân! Ai cũng muốn thể hiện tình yêu của mình bằng một cách nào đó…
Bên những dãy hàng bán quất cảnh, đào thế, còn đôi ba chỗ bán hàng gốm sứ. Từ những chiếc lục bình đồ sộ, cao bằng độ người lớn đến các bộ ấm chén pha trà tí ti, mỗi cốc chắc chưa đủ nửa hụm đều có. Mua đào, mua quất phải có bình, có chậu tương xứng để mới đẹp. Thế nhưng những loại hàng này vắng người mua, thời buổi còn nhiều khó khăn, mọi người phải tận dụng hàng đã mua năm trước, chỉ thấy mấy ông già đứng ngắm. Nghĩ cứ thấy tồi tội cho người bán. Chẳng hiểu với đống đồ dễ vỡ và nặng nề này, một vụ tết, lời lãi bao nhiêu…
Qua một chút nữa là hàng dưa hấu. Loại dưa to, tròn có lẽ mang từ Miền Nam ra. Một quả bổ đôi làm mẫu được che bởi một tấm ni lông trong suốt hờ hững, gió đông bắc cứ bay lật phật. Quả dưa An Tiêm này không hiểu từ bao giờ thành một thứ quà tặng ngày tết và được mời ăn vào ngày tết của người Hà thành. Có lẽ cũng từ Miền Nam ra. Một quả dưa đỏ, ngọt, mát là một điềm lành cho một năm mới nhiều niềm vui ngọt ngào. Ai cũng mong như vậy.
Chiều đông trong đợt gió mùa mạnh, mây xám nặng nề, trời mau tối. Lấp loáng ánh đèn xe và rồi một chốc sau, cả phố đều sáng bởi ánh điện. Ban đêm chắc còn rực rỡ hơn với những đèn xanh, đèn đỏ và tiếng nhạc từ các quán ca-phê hay một siêu thị nào đó bay ra.
Rất lâu rồi, từ khi có cái cầu vượt nối vào cổng công viên Gan-đi, chưa từng bước chân thử qua. Tối nay, đứng với em bên lan can cầu trong mưa phùn lay phay, thấy lòng ấm áp. Những sợi mưa cho ta cảm giác sạch sẽ, tinh khiết. Đó là những dải tơ trời mà. Phía dưới kia là sự nhộn nhạo luôn va đập của cuộc sống đương đại, nhưng trên này là sự trong trẻo, yên lành. Có đứng trên cao mới tự mắt thấy sự ồn ào tấp nập của phố phường. Nhịp sống cuộc đời sôi nổi biết bao. Nhưng sao mình vẫn quý cái khoảnh khắc yên lành này thế. Cảm giác hạnh phúc dâng tràn với mùa xuân.
29/1/11(26 tết)