Trang chủ » Tản văn

CÂY ĐA ÔNG, CÂY ĐA BÀ

Vũ Duy Chu
Thứ hai ngày 12 tháng 4 năm 2010 10:14 PM
 
 
Khi tôi được sinh ra thì hai cây đa xóm Chùa của tôi đã cổ thụ rồi. Gốc đa to đến năm, sáu người ôm cũng chưa giáp vòng. Từng chùm rễ đa gân guốc từ trên cao thả xuống như những bó neo. Giữa hai cây là cái giếng tròn, nước xanh trong văn vắt. Những phiến đá xanh lát bậc lên xuống giếng nhẵn thín. Mùa hạ, bất chợt một hai bông súng phóng lên mặt giếng, xòe cánh tím biếc rung rinh. Thứ hoa ao đầm quen mắt đến dửng dưng sao nhìn trên mặt giếng tự nhiên thấy lạ và đẹp khác thường.
Tháng năm, làng vào vụ gặt cũng là lúc quả đa chín. Quả chín bóng lên màu nâu sẫm, giống quả nhót, chứ không tròn xoe, nhưng nhỏ hơn. Đa chín ngọt lịm, mùi thơm mỏng,  quả xanh hơi chua chát nhưng giòn. Lũ chim sáo, chào mào, chim sẻ chuyền cành ríu rít.Tôi rất thích đứng trên lưng trâu, bám vào những cành la rồi đu người chuyền từ cành vào cây. Cành đa dẻo quèo quẹo. Lũ chim thấy tôi trèo lên kêu hoảng loạn, rồi bay vù sang cây bờ bên kia.
Buổi trưa, những người đi làm đồng về thường dừng lại dưới tán lá xum xuê mát rượi nghỉ ngơi. Họ ngửa nón lá để tôi thả những quả đa chín xuống. Tôi bẻ một nhánh nhiều quả chín thả vào nón cho cô bạn gái xóm trong. Từ trên cao, tôi nhìn rõ hai má bạn tôi ửng lên vì nắng, hai bím tóc nhỏ lúc lắc.
Tối mùa hè, chúng tôi rủ nhau ra ngồi dưới tán đa hóng mát. Rễ đa gồ lên bờ giếng từng tảng lớn, như sống lưng con quái vật. Thân đa nhô ra những u to hoặc lõm vào có thể thả lọt quả bưởi. Trong những hốc ấy có cả lũ bổ củi. Chúng tôi thường thi xem bổ củi của đứa  nào mổ xuống mặt bàn gỗ kêu to hơn.
Có đêm do mải chơi mệt quá, tôi đã ngủ quên ở gốc đa. Người lớn đã bịa ra đủ chuyện ma quái ở gốc đa để hù dọa lũ trẻ chơi khuya. Cũng sợ thật, nhưng đây là chỗ rộng rãi thoáng mát, lại chẳng phiền cho nhà nào, nên cứ chơi, mặc!
Đến khi học lớp mười, tôi được ông Chủ nhiệm Hợp tác xã nhờ phát thanh Chương trình thời sự và các thông báo của ông liên quan đến công việc đồng áng. Một cái loa bằng sắt tây, miệng loa bè ra sứt sẹo. Ông đánh dấu những tin tức quan trọng trên tờ báo Nhân dân rồi dúi vào tay tôi. Tôi leo lên chạc cao nhất của cây đa, hướng loa về hai phía xóm mà đọc. Loa tráng hơi, lại không kín, nên tôi phải lên giọng đến khản cổ. Cô bạn xóm trong lặng lẽ nhìn tôi tụt xuống từ trên cao. Tôi thả loa, thả ngọn đèn bão xuống cho cô cầm giúp. Cô giơ cao ngọn đèn bão, nhặt những con kiến bò trên lưng, trên cổ áo tôi. Tôi nghe rõ hơi thở của bạn tôi gấp gáp, tự nhiên tôi hồi hộp, hồi hộp đến kỳ lạ.
***
Từ chiến trường trở về, tôi không thấy hai cây đa nữa. Cô tôi kể, sau trận bão dữ dội, một cây đã bật gốc, gác ngang lên mặt giếng, ngọn gối lên gốc cây còn lại. Người ta cưa cây đổ rất khó khăn. Họ chèn những con nêm để mở rộng mạch cưa, nhưng nhựa cây cứ trào ra, dẻo như kẹo kéo và đỏ như cốt trầu mới lạ. Mấy tháng sau, một đêm không gió bão cây còn lại đột nhiên vỡ toác từ chạc ba xuống gốc. Sau sự kiện ấy, người ta gọi cây đa ông, cây đa bà. Có người bảo bất chợt vẫn nhìn thấy bóng hai cây đa lồng bóng vào nhau trong đáy giếng.
Tôi đứng trên bờ giếng trơ trọi buồn hiu. Nước giếng cũng không còn xanh như ngày xưa nữa. Không thấy bóng hai cây đa lồng vào nhau đâu cả. Tôi hỏi thăm Hoan, cô bạn gái ngày trước, cô tôi bảo Hoan đi thanh niên xung phong rồi hy sinh đâu ở Quảng Trạch, Quảng Bình rồi…

Một dạo người ta phá đình chùa để làm nhà giữ trẻ, sân đình chùa phơi lúa của Hợp tác xã. Bây giờ người ta lại đua nhau dựng lại đình chùa trên nền cũ. Nhưng không thể có phép mầu nào cho hai cây đa xưa sống lại. Với tôi, hai cây đa ấy vẫn còn nguyên trong ký ức, tỏa bóng xuống tuổi thơ tôi lam lũ…
Ý Yên, Nam Định, 4.2010
V.D.C