Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VIẾT “SƯƠNG TAN” SUÝT BỊ TAN XƯƠNG

Hữu Đạt
Thứ sáu ngày 15 tháng 12 năm 2023 9:42 AM



Trước khi đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) tôi hay chơi với ông Chu Thành, biên tập viên Nhà xuất bản Thanh niên. Chúng tôi quen nhau do có duyên liên quan đến văn chương. Thời đó, tôi có bản thảo cuốn tiểu thuyết “Ngọn lửa tình yêu” viết về Làng kháng chiến du kích Vật Lại, thuộc Ba Vì Hà Tây, sau thuộc Hà Nội. Ông ngâm tiểu thuyết của tôi khá lâu vì ông đang bận đoc một cuốn tiểu thuyết khác viết về trận oanh kích chiến lược của B52 Mỹ vào Hà Nội. Tác giả của cuốn tiểu thuyết này là một người bạn thân với ông và là người ông rất quý trọng. Đó là nhà văn Hoàng Tiến.

Ông bảo tôi:

- Tôi phải ưu tiên đọc cuốn của Hoàng Tiến trước. Anh ấy quá lận đận trong con đường văn chương, bị treo bút mấy chục năm nay rồi.

Tôi hỏi:

- Vì sao vậy bác?

- Vì dính vào vụ Nhân Văn Giai phẩm.

Tôi chau mày:

- Khi còn học ở Khoa văn Đại học Tổng hợp, về văn tôi chỉ đươc nghe các thầy nhắc đến một số tác giả và tác phẩm như “Hai Trận tuyến” của Hà Minh Tuân, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Phá vây” của Phù Thăng. Đó là các tác phẩm “có vấn đề” tuy nặng nhẹ khác nhau. Thơ thì các thầy nhắc đến Trần Dần, Lê Đạt. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in giọng điệu trầm lắng của giáo sư Hoàng Như Mai khi đọc mấy câu thơ bị đánh giá nặng nhất về tư tưởng và nhận thức:

“Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ

Ba mươi sáu phố phường nằm ủ rũ

Nghe trời Hà Nội khóc như mưa”

(Trần Dần)

Đọc xong, giáo sư bình luận: “Viết về ngày giải phóng thủ đô mà như thế thì buồn quá. Nhà thơ không thấy được cái không khí từng bừng của những ngày chiến thắng khi Trung đoàn Thủ đô vừa kết thúc trận Điên Biên trở về”.

Có thể nói, đây là những câu thơ tả về cảnh trời mưa ở Hà Nội rất điển hình. Cho đến nay, tôi đã sống ở Hà Nội trên nửa thế kỷ và nghiệm ra rằng, ở Hà Nội buồn nhất là những ngày mưa. Và, mỗi trận mưa mù mịt như vậy thì phố và nhà đều trắng xóa một màu. Nhưng vì thủ đô mới giải phóng, nhà nhà đều cắm cờ nên nhà thơ mới xúc động thốt lên “Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”. Nếu nói về bút pháp miêu tả thì có thể thấy, đây là những câu thơ thực hay. Nhưng về tư tưởng thì câu kết “Nghe trời Hà Nội khóc như mưa” lại ảm đạm quá. Nhìn nhận chiến thắng bằng con mắt “ảm đạm” đương nhiên bị phê phán tơi bời. Chiến thắng phải là tưng bừng, reo vui, náo nức … đó là những tính từ thường được dùng trong thơ ca thuở ấy.

Trở lại câu chuyện về nhà văn Hoàng Tiến, ông Chu Thành giới thiệu:

- Hoàng Tiến trước cũng học ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp, có cuốn tiểu thuyết khá nổi tiếng là “Sương tan”, nhưng in xong thì tác giả cũng “tan xương” ông ạ. Ông có biết cuốn này không?

Tôi thành thật:

- Không bác ạ. Hôm nay tôi mới được bác giới thiệu.

Ông Chu Thành tuy là cán bộ biên tập nhưng thỉnh thoảng vẫn làm thơ. Thơ ông hóm hỉnh và hài hước, thường đăng trên báo Thiếu niên với bút danh Kháng Sinh. Trong đó có nhiều bài thơ đồng thời là câu đố học trò. Có lần ông bảo tôi:

- Mình suýt giết vợ vì làm thơ đấy ông ạ.

Tôi còn chưa hiểu ra sao thì ông vui vẻ:

- Lần ấy bà xã mình bị sốt cao, bà ấy bảo mình mở tủ lấy thuốc cho bà ấy uống. Vì tâm trạng mình đang còn lơ mơ theo những câu thơ nên lấy nhầm mấy viên thuốc ngủ. Đến nửa đêm bà ấy nôn mửa, rồi xòe bọt mép, tưởng chết. May mà cấp cứu kịp. Từ đó mình lấy bút danh Kháng Sinh để mỗi lần đang làm thơ mà bị sai đi lấy thuốc thì phải cẩn thận.

Ông Chu Thành là người rất hóm nên cách nói “Sương tan” thành “tan xương” là nói theo kiểu chơi chữ. Nó gợi cho ta thấy cuộc đời lận đận của một con người.

Rồi một hôm, sau khi đến thăm tôi ở Mễ trì, ông Chu Thành bèn rủ tôi sang chơi nhà văn Hoàng Tiến. Thời điểm đó, khu lắp ghép Thanh Xuân mới xây dựng nên người ở còn thưa thớt. Hoàng Tiến tiếp chúng tôi ở một quán nước nhỏ ngay dưới chân nhà lắp ghép ông ở. Trước mắt, là một cánh đồng mênh mông, hoang hoải nắng. Tôi nhớ như in đó là vào khoảng cuối năm, trời hơi se lạnh. Thỉnh thoảng nhà văn Hoàng Tiến lại rít một điếu thuốc lào, nhả khói với nét mặt trầm ngâm. Khi ông Chu Thành giời thiệu tôi là giảng viên Khoa Văn ĐHTH, nhà văn Hoàng Tiến vui lắm. Câu chuyện văn chương giữa chúng tôi cứ mỗi lúc một rôm rả dần.

Nghe nhà văn Hoàng Tiến nói, tôi mới biết Hoàng Tiến là sinh viên Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội K3. Cuốn “Sương tan” của Hoàng Tiến xuất bản vào năm 1963, có lẽ vào lúc ông vừa tốt nghiệp, vì thời đó, đại học chỉ đào tạo có ba năm, sau này mới nâng lên thành bốn năm. Một sinh viên mới tốt nghiệp mà đã có tiểu thuyết trình làng là chuyện rất hiếm, chứng tỏ Hoàng Tiến là một người tài năng. Thế nhưng ông không gặp may khi “tiếng trống trình làng” chưa kịp vang lên đã bị phê tơi tả. Cũng giống như “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Sương tan” của ông bị coi là tác phẩm sa vào “chủ nghĩa tự nhiên”. Nói đại khái, chủ nghĩa tự nhiên là thấy gì viết nấy theo nhận thức cảm tính, không nắm được qui luật phát triển của sự vật, hiện thực theo phương pháp sáng tác xã hội chủ nghĩa, một phương pháp sáng tác thịnh hành ở giai đoạn này. Nó cũng là phương pháp sáng tác chiếm lĩnh vũ đài văn học. Khi đề cập đến Phong trào Nhân văn Giai phẩm, tôi được nghe các thầy phê phán “Mở hầm” của Nguyễn Dậu là việt theo chủ nghĩa hiện sinh. Đây là thứ chủ nghĩa tràn vào miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1970 cùng chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Tiêu biểu nhất cho khuynh hướng sáng tác theo chủ nghĩa hiện sinh là cuốn “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng. Thời gian đó, các sinh viên miền Bắc không có điều kiện tiếp cận các văn bản liên quan nên lĩnh hội ý các thầy theo cách thụ động. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1976, tôi được cử hướng dẫn một đoàn sinh viên thực tập vào Huế nên may mắn mua được cuốn “Vòng tay học trò” ở một hiệu sách cũ. Cả buổi tối, tôi đọc ngấu nghiến cuốn sách, lúc sáng tỉnh dậy, người cứ như mơ. Câu chuyện Nguyễn thị Hoàng kể là một mối tình đắm đuối của một cô giáo với cậu học trò tuổi mới lớn. Đúng là cách viết theo chủ nghĩa tự nhiên. Từ những nụ hôn đến các cử chỉ ân ái, nhà văn miêu tả một cách xả láng mà không bị câu thúc vào một lý thuyết nào cả. Đó là thứ văn không thể xuất hiện ở miền Bắc vào giai đoạn bấy giờ.

Sau khi đọc “Vòng tay học trò” và một số cuốn tiểu thuyết xuất bản ở miền Nam trước 1975, đọc lại “Mở hầm” của Nguyễn Dậu tôi nhận ra các chi tiết mà nhà văn bị phê phán chỉ là chuyện bá vai, cầm tay nhau lúc yêu đương. Chuyện cứ như đùa, nhưng quả thực, nhận thức của những người làm phê bình thời ấy nó ngô nghê như thế, nó “hồn nhiên” như thế, nên nhiều tác giả chết oan. Nếu bạn đọc nào từng đọc “Sương tan” cũng sẽ thấy văn của Hoàng Tiến trong trẻo chứ đâu phải là sa vào chủ nghĩa tự nhiên hay “hiện sinh” này nọ. Đặc điểm phê bình văn học của ta gần thế kỷ qua là nhiều người phê bình chưa hiểu đến nơi một thứ chủ nghĩa nào, nhưng anh ta có thể vác ra làm thanh long đao để chém, giống như “Thấy văn cứ chém phứa, thấy thơ cứ chặt bừa”( dựa theo ý thơ Tố Hữu : Thấy Tây cứ chém phứa...). Hoàng Tiến suýt “tan xương” bởi trận đánh tưng bừng của các nhà lý luận tự coi mình là “mac xít’ nhất của thời điểm lúc ấy. May mà Hoàng Tiến có nghị lực và lòng yêu văn chương nhiệt thành nên đã biết chịu đựng nhiều thua thiệt, oan khiên để sau này viết tiếp một số cuốn tiểu thuyết tư liệu (Con rồng thần thoại (1987), Khoảng trời tháng Chạp (1987), Mùa hoa nghệ rừng (1990)), tiểu thuyết lịch sử (Người đàn bà có khuôn mặt trăng rằm (1991), Hồn thiếng sông núi (2010)); và các công trình khảo cứu về Hồ Xuân Hương, về chữ Quốc ngữ (Có một Hồ Xuân Hương khác (1992), Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX (1994).

Năm 1983, đúng sau 20 năm bị treo bút, ông cho ra mắt cuốn “Hà Nội của tôi” là cuốn tiểu thuyết tư liệu viết về trận chiến B52 trên bầu trời Hà Nội tại NXB Thanh niên, nơi ông từng làm cán bộ biên tập và bị về hưu non. Người bạn tâm giao của Hoàng Tiến là ông Chu Thành (nhà thơ Tú Sót) rất chăm chút cho công tác biên tập cuốn sách này. Cuốn sách cùng “xếp hàng” với cuốn “Ngọn lửa tình yêu” của tôi, nhưng “được ưu tiên” để xuất bản trước là hoàn toàn chính đáng. Có lẽ, tôi là một trong các nhà văn ở thế hệ sau đã may mắn được đọc nó từ khi còn ở dạng bản thảo vì có một tình bạn vong niên khá gắn bó với nhà thơ Tú Sót.