Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI, NÉT ĐẸP BÍ ẨN

Elena Pucillo Truong
Thứ ba ngày 12 tháng 1 năm 2021 9:11 AM


Trương Văn Dân(và phu nhân Elena Pucillo) những người tìm lại nửa linh  hồn-Đỗ Trường | ĐỒNG HƯƠNG KONTUM

(Nguyên tác tiếng Ý : Il fascino misterioso di Hanoi)

Cứ mỗi lần đặt chân đến một thành phố lạ là lòng tôi xúc động và có cảm tưởng như mình là một nhà thám hiểm đang đi tìm những phế tích để khám phá một nền văn minh bí ẩn bị chôn vùi.

Đầu thập niên 1990 tôi được đến Hà Nội lần đầu để làm một nghiên cứu cho viện đại học Milano và tôi đã bị mê hoặc ngay bởi cái không gian bí ẩn của cố đô này. Có thể do cái lớp sương mù mỏng manh vào sáng sớm hay những chuyển động phơ phất của hàng liễu rũ bên bờ hồ Gươm hoặc những chiếc cầu vòng xuất hiện sau cơn mưa tầm tã và những tia nắng bắt đầu xuất hiện, đang chiếu qua những vòng cung của đền Ngọc Sơn và chiếc cầu Thê Húc sơn màu đỏ… Nhưng chắc chắn là tất cả những điều ấy đã cho tôi cái ấn tượng Hà Nội là một thành phố đầy quyến rũ và bí ẩn.

Trước đó tôi có đọc lịch sử và đã vô cùng kinh ngạc về sự khác biệt của thành phố nghìn năm văn vật này với những thành phố ở phương Tây. Thí dụ, ở Âu châu, để tránh cạnh tranh, trên cùng một con đường, các chủ tiệm phải bán các sản phẩm khác nhau. Như thế, trong một vùng chỉ có thể có 2 sạp báo. Nhưng ở Hà nội, ngay từ thế kỷ thứ XIII, băm sáu phố phường đã hiện diện, và lạ thay, các chủ tiệm đã chọn một con phố để chỉ bán cùng một thứ hàng.

Tôi còn nhớ là từ khách sạn để ra bờ hồ mình phải đi bộ qua phố Hàng Đồng, và trên đường có chưng bày các loại mâm, lọ hoa, hạc thờ và các loại nồi đủ các kích cỡ… tất cả đều đã được lau chùi cẩn thận nên sáng bóng và phản chiếu ánh mặt trời. Rồi khi đi ngang qua một tiệm thuốc, tôi còn bất ngờ hơn khi trông thấy các hũ kính và bên trong có chứa những con rắn hay tắc kè ngâm rượu. Tôi nhớ là mình đã tròn xoe mắt, dừng lại, và sau đó có mua một chai rượu nhỏ bên trong có con rắn hổ mang để làm kỷ niệm. Nghe hướng dẫn của người bán hàng tôi còn mua thêm một chai khác lớn hơn, để mang về Ý tặng cho bà nội để chữa chứng đau nhức xương cốt. Buồn cười là khi đem về nhà, lúc mở gói giấy bao quanh bà đã hét lên vì kinh sợ. Phải cố gắng giải thích đặc tính trị liệu của loại rượu đặc trưng này, nói mãi, bà mới chịu nhắm mắt uống một ly nhỏ sau bữa cơm.

Trong các món quà lưu niệm, ngoài những chiếc quạt xinh xắn làm bằng gỗ thơm có chạm trỗ như ren hay những chiếc áo chemise bằng lụa mềm mại trên đó có thêu tay những con rồng lấp lánh hay những bông hoa rất đẹp. Tôi đã đi dạo qua những con đường nhỏ, thỉnh thoảng dừng lại, cuốn hút bởi màu sắc hay những tiếng rao hàng líu lo như chim hót. Cũng có lúc tôi bước theo mùi của nồi phở đang bốc khói hay hương vị nhẹ nhàng từ những tách cà phê phin, thoang thoảng bay trong gió khi ấm nước sôi gặp gỡ bột cà phê xay mịn. Hương vị đó bất giác làm tôi có cảm tưởng như mình đang ở Ý vì ở quê tôi, pha cà phê cũng là một nghi thức đặc biệt mà nhiều nhà văn hay nhà thơ đã viết nhiều về tầm quan trọng của cách chọn hỗn hợp và xay trộn như thế nào để có một chất lỏng có độ sánh theo khẩu vị; Ngoài ra còn phải chọn máy pha moka[1] và nước, dường mỗi vùng đều có loại nước pha ngon nhiều hay ít.

Mùi cà phê dắt tôi rảo bước vào một con đường nhỏ, quanh co, và có nhiều cửa tiệm mà lối vào rất hẹp, gần như bị che khuất bởi các loại hàng chưng bày. Tôi gần như bị lạc giữa cái mê cung nhỏ xíu ấy và khi trở ra phải theo dấu tay hướng dẫn của một bà cụ có đôi môi màu đỏ bầm đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm trên một chiếc ghế nhỏ trước hiên nhà.

Thỉnh thoảng có một người nào đi ngang và chào tôi bằng tiếng Pháp, chỉ một chữ “madame” mà âm thanh như còn dính trên môi, giống một lời thì thầm. Rồi cũng có một vài cụ già dừng lại, trao đổi vài lời bằng tiếng Pháp về thời tiết, hỏi tôi từ đâu đến và chúc tôi một ngày tốt đẹp.

Tôi tò mò lắng nghe những tiếng rao hàng, càng lúc càng dày khi ra gần đến đường lớn có đông người và phương tiện lưu thông. “Bánh chưng, bánh giò, bánh gai”, “Bắp đây, bắp nấu đây”, “Xôi cúc, xôi cúc”, những người đàn bà, nón trên đầu và quang gánh trên vai đang bán đậu hũ non nóng và nước mật pha gừng. Đây đó cũng có những phụ nữ đến từ miền núi hay các làng lân cận, đội những chiếc mũ tròn có vành rộng đang chào bán rau tươi và các loại trái cây nhiều màu sắc. Tôi kinh ngạc nhìn các kim tự tháp bằng trái cây đặt trước các cửa hàng bên lề đường, trái nọ chồng lên trái kia, màu sắc chen nhau, như thách thức quy luật thăng bằng.

Đây đó còn có nhiều loại chuối mà trước đây tôi chưa từng thấy, từ loại to lớn, dài hẹp, hay trái nhỏ như ngón chân mà hương thơm thật đậm đà.

Tiếp đó tôi còn khám phá ra các đền thờ, các ngôi chùa có một không gian yên tĩnh và âm thanh duy nhất là tiếng hót của những loài chim. Tôi đã từng đọc các trang sách viết về những nơi này, bị lôi cuốn bởi những huyền thoại và biểu tượng, thế nên có cảm giác như mình vừa quay lại tuổi thơ và đang lắng nghe những câu chuyện cổ tích về những con rồng và các cô tiên, những chiến binh dũng cảm hay về con rùa bí ẩn. Giống như một giấc mơ giữa ban ngày, tôi tưởng mình đang cỡi rồng bay trên thành phố, luớt qua khu biệt thự Pháp và những căn nhà thời thuộc địa được che chắn bởi những hàng rào và cổng vào bằng sắt trang trí theo kiểu Liberty của đầu thế kỷ XX. Tôi muốn mình được bay như một cánh chim vừa thoát khỏi lồng, lơ lửng trên những con đường thuốc, với những dụng cụ chưng cất đang hâm nóng bát thuốc trường sinh hay cỡi trên lưng một con cá vàng bơi dọc theo sông Hồng.

Tôi không còn nhớ là thời gian đã trôi qua bao lâu khi tôi dừng chân để nhìn bức đồ họa trước một phòng châm cứu có đầy đủ hình người với các đường kinh mạch, các huyệt đạo chủ yếu để châm kim và hồi phục sự mất quân bình Âm Dương. Tôi nhớ là có nhiều trường hợp người ta dùng kim châm cứu để giúp sản phụ sinh con mà không đau đớn. Loại Y học truyền thống Đông phương này, trước đây ở Âu Châu người ta thường nhìn nó với sự hoài nghi vì khó có thể tin rằng chỉ cần kích thích một vài huyệt đạo ở gần ngón chân là có thế cắt giảm cơn đau cho một sản phụ.

Tôi đang tích lũy và vận dụng những kiến thức mà mình đã đọc để có thể hiểu thêm về cái thế giới bí ẩn và xa lạ này. Nhưng chắc chắn là mình đã rất may mắn vì định mệnh đã cho mình một cơ hội để đến đây, một xứ sở nằm bên kia trái đất. Dường như tất cả mọi việc đều phải trôi theo một dòng chảy, có lẽ bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu nhưng lòng tôi lại lo sợ là phải chấp nhận nó. Lúc đó tôi còn trẻ, và tưởng rằng chỉ có mình mới quyết định được đời mình. Vì thế tôi không bao giờ xem hay đọc tử vi, không xem bói bài hay tarocchi và từ chối khéo léo nếu có ai đó muốn xem chỉ tay để đoán vận mệnh.

Tôi không thể nào quên cuộc găp với một bà lão bán nhang và các sách tử vi ở góc một ngôi chùa. Tôi có cho bà ấy một ít tiền và bà cụ đã cầm lấy bàn tay tôi ấp giữa hai tay mình, có lẽ để cảm ơn, nhưng bà giữ thật lâu như chưa muốn tôi vội bỏ đi. Lúc sau bà kéo tôi lại gần. Tôi cảm nhận sự va chạm nhẹ nhàng của bà cụ khi bà đưa những ngón tay chạy dọc theo các đường chỉ trên bàn tay phải. Có lẽ bà bị mù. Bà nói vài câu gì mà tôi không hiểu nhưng tôi vẫn an tâm khi nhìn thấy nụ cười hiền hậu trên môi bà. Bà giữ chặt bàn tay tôi, sau đó bà đặt tay bà lên trái tim tôi và sau đó lên trái tim bà. Tôi đón nhận một tình cảm lạ thường, cảm giác mình được ơn trên che chở. Tôi đáp lại nụ cười của bà cụ bằng một vòng ôm thân thiện và từ ngày đó tôi thường mang theo mình cái cử chỉ che chở ấy trong những lúc gặp khó khăn trong đời.

Ngày đó tôi tin chắc là mình không còn cơ hội nào để trở lại Việt Nam và bay ra Hà Nội. Thế nhưng, định mệnh đã muốn là tôi phải trở về, dù sau rất nhiều năm tháng.

Vừa đến sân bay Nội Bài, hiện đại và có tổ chức tôi biết là mình sẽ còn gặp nhiều điều mới lạ. Trên chuyến taxi đi vào thành phố tôi nhìn thấy có rất nhiều cao ốc đang xây dựng ở phía chân trời. Do trời mù sương nên những tầng trên cao như bị nuốt chửng, và tôi chỉ lờ mờ nhìn thấy những xe cẩu ở trên đỉnh với hai chiếc càng dài trông như một loài côn trùng vĩ đại.

Đợi tôi trong thành phố là một sự giao thông hỗn loạn của xe hơi, xe bus, xe pullman chở du khách, nhìn chung là các phương tiện tân tiến đã và đang thay thế các loại xe cổ điển như xe kéo hay cyclo. Tuy vậy trên đường phố không thiếu những nông dân quang gánh trên vai, chiếc nón lá trên đầu và nụ cười hiền hậu thường trực trên môi

Tôi trở lại phố cổ, nơi mà ngay xưa tôi chỉ là một trong vài người ngoại quốc hiện diện, thế mà giờ đây có mặt rất đông du khách đến từ mọi miền trên thế giới. Tất cả hình như đều bị cuốn hút bởi những vẻ đẹp của nghệ thuật, văn hóa và nhất là của thiên nhiên đa dạng trên đất nước này.

Nhiều nhóm du khách đang chụp hình, vài nhóm khác đang tham khảo cẩm nang du lịch để tìm một tiệm bia hay đơn giản ra ngồi trên ghế xếp ở một quán phở ven đường. Chắc chắn là họ sẽ tìm thấy nhiều điều khác lạ, đẹp như tranh, nên đã không ngần ngại đi bộ nhiều km để viếng thăm các di tích, cuốn hút bởi những ngôi đền cổ làm bằng gỗ, hoàn toàn khác biệt với những tòa cao ốc quen thuộc ở nước họ.

Nhưng vẻ đẹp của Hà Nội còn nằm ở những góc phố, nơi những cụ già ngồi phì phèo thuốc lá hay thỉnh thoảng rít một hơi thuốc lào để ngẫm nghĩ một thế cờ tướng dưới bóng một tàng cây hay dưới mái hiên trước một ngôi nhà nhỏ.

Trên những cành cây ở những công viên, thi thoảng người Hà nội còn treo lên những chiếc lồng chim mang từ nhà đến. Tiếng chim hót líu lo, như thể đó là một cuộc hòa âm của thiên nhiên và mọi người vừa ngồi nhâm nhi một ly cà phê hay thưởng thức một tách trà gừng ấm áp. Vào sáng sớm còn có một nhóm người đang tập Thái Cực quyền, tay chân chuyển động nhẹ nhàng như vô trọng lượng nhưng thỉnh thoảng cũng bất ngờ chen vào một tiếng xoẹt từ những cây quạt đỏ cùng lúc xòe ra.

Điều mới lạ mà tôi đã gặp bên bờ hồ Hoàn Kiếm là một nhóm người đang thực hành “yoga cười”, và tiếng cười vui vẻ của họ đã lan truyền đến khách bộ hành và cả chính tôi.

Sự thu hút vẫn còn nguyên khi tôi đi trên phố có những cửa hàng nhỏ hẹp, bước vào phải đi lên một chiếc cầu thang hình trôn ốc mới có thể uống một tách trà đậm hay thưởng thức một món ngon như Chả cá Lã Vọng.

Bước trên con đường quen thuộc ngày nào mà giờ đây tôi như không nhận ra phương hướng vì sự xuất hiện của những cửa hàng bán T- Shirts và các quà lưu niệm. Thế nên tôi rất vui khi nhận ra cửa hàng ngày xưa đã mua chai rượu rắn. Bảng hiệu vẫn như cũ nhưng các bức tường có lẽ mới được sơn phết từ vài năm. Bên cạnh đó là một tiệm thuốc bắc có tủ đựng với rất nhiều hộc, trong mỗi hộc có chứa từng loại cây cỏ quý giá có tác dụng mang lại sức khỏe cho con người.

Ở phương Tây hiện nay những nghiên cứu về y học cổ truyền Đông phương và châm cứu khá phổ biến nên đã có nhiều người chọn lựa phương pháp này để chống stress và những triệu chứng phát sinh từ cuộc sống xô bồ và bận rộn. Và có lẽ đây là một nét đặc sắc và thu hút của thành phố này: Nó cho mọi người cái cảm giác được sống chậm, thưởng thức từng giây phút quý báu của đời sống và những niềm vui nhỏ mà nó mang lại.

Đi đã khá lâu, thế nhưng tôi còn có một nơi cần phải đến: phải tìm lại ngôi chùa và bà cụ bán nhang, chắc chắn là tôi sẽ không gặp lại bà vì gần 20 năm trước bà đã già yếu lắm. Nhưng không gian và sự yên tĩnh ở nơi đây thì vẫn thế. Ở một góc sân có một người đàn bà đang chơi đùa với một chú bé. Đôi mắt bà mở to. Ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi mua nhang bằng chút vốn liếng tiếng Việt. Tôi cầm lấy thẻ nhang và không quên cho thêm bà ta một ít tiền, nói là để mua quà cho cậu bé. Bà cảm ơn tôi bằng một nụ cười rất hiền.

Tôi bước vào chánh điện và đầu óc tôi cứ miên man nghĩ ngợi về bà cụ đã muốn che chở cho tôi từ nhiều năm trước. Tôi thắp nhang và cúi đầu trước tượng đức Quán Thế Âm bồ tát bằng cử chỉ tôn kính và cảm ơn. Khi ngước lên, dường như tôi nhìn thấy bóng một sư cô đang rời chánh điện, nhưng ngoái đầu lại, nhìn tôi. Chỉ một thoáng thôi, nhưng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt mỉm cười hiền hậu, và hai bàn tay chắp lại đặt lên ngực, nơi chỗ trái tim. Trong nhang khói và ánh sáng lờ mờ, có thể đó chỉ là một ảo giác, thế nhưng tôi cảm nhận là lời cảm ơn của mình đã được lắng nghe.

Dù chẳng có kết nối internet.

(Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý : Il fascino misterioso di Hanoi)

Sài Gòn 9-2017



[1] Máy pha ly trích cà phê bằng hơi nước đặc biệt của Ý.