(Đọc Bến văn và những vòng sóng-Hữu Thỉnh. Tiểu luận & Phê bình. Nxb HNV 2020)
***
Bến văn và những vòng sóng là tập Tiểu luận và Phê bình của nhà thơ Hữu Thỉnh in quý I năm 2020. Cuốn sách có thể giúp người đọc nhận ra nhiều mặt tài năng của ông, đồng thời có thể lý giải do đâu ông được rất nhiều người yêu mến.
NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC
Phần thứ nhất của cuốn sách tập hợp các bài “diễn văn”, Chủ tịch Hữu Thỉnh “phát biểu” trước một cử tọa chọn lọc trong các hội nghị. Đó là các bài:
Tổng kết hội thảo 2014: “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay và trách nhiệm của Văn học Nghệ thuật”; Đề dẫn Hội nghị Lý luận Phê bình lần II, Đồ Sơn 3,4,5/10/2006; Khai mạc Hội nghị Viết văn trẻ lần VIII. 2011; Diễn văn kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017); Diễn văn khai mạc Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. 2015; Báo cáo tổng kết Công tác văn học 5 năm (2000-2004); Phát biểu tổng kết hội thảo “Bồi dưỡng chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật trong tình hình mới”. 2012; Tham luận tại cuộc hội thảo giao lưu văn hóa tại Đà Loan; Diễn văn khai mạc Liên hoan Thơ chấu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất 2-7/2/2012 tại Quảng Ninh –Hà Nội; Diễn văn khai mạc Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ III tại Hà Nội từ 2-7/3/2015…Phát biểu tại hội thảo thơ Mai Văn Phấn-Đồng Đức Bốn: Khác biệt và thành công, tổ chức tại Hải Phòng ngày 15/512017…
Trong những hội nghị, diễn văn của nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi ông vừa là nhà thơ, vừa ở cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn (một Hội nghề nghiệp có tiếng xưa nay). Người ta chờ được nghe những thông tin mới, những điều riêng tư mà thông tin báo chí không có. Hơn nữa sức thuyết phục của những “phát biểu” này còn toát ra từ giọng điệu và thái độ diễn ngôn của tác giả. Ông khai thác triệt để thế mạnh của ngôn ngữ nói, lời văn của ông giàu hình ảnh, cảm xúc; ông nắm được tâm lý của người nghe và đáp ứng những mong muốn ở họ. Ông đem đến niềm vui, niềm hy vọng, và trên hết là sự thân thiện, là bạn hữu nhưng người có hoài bão lớn.
Đọc văn bản in giấy (chữ - ký hiệu thị giác), những “diễn văn” của nhà thơ Hữu Thỉnh chỉ còn sức thuyết phục ở nghệ thuật lập luận và nghệ thuật biểu đạt tư tưởng tình cảm.
Bỏ qua những yếu tố có tính xã giao, những “diễn văn” này chứa đựng nhiều vấn để văn học nghệ thuật mà nhà thơ Hữu Thỉnh với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm. Những vấn đề này ông có cách lý giải thuyết phục.
1.Trước hết, nhà thơ Hữu Thỉnh là một đảng viên. Ở cương vị lãnh đạo, ông có nhiệm vụ trực tiếp triển khai nội dung các Nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của Đảng.
Tổng kết hội thảo 2014: “Xây dựng con người VN hôm nay và trách nhiệm của VHNT”, ông nhấn mạnh: “Cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay là bước khởi động…triển khai Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI ‘Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước’”.
Đề dẫn Hội nghị LLPB lần II, Đồ Sơn 3,4,5/10/2006, ông nói rõ mục đích: “Hội nghị lần này là hoạt động mở đầu cho chương trình hành động của toàn giới nhà văn nhằm đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào đời sống văn học” (tr.17).
Ông nhấn mạnh đoạn Nghị quyết này: “Phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo ra những giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật…Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ. Có chính sách trọng dụng các tài năng văn hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của văn nghệ sĩ. Đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.”(tr.21).
Trong bài Văn học với nhiệm vụ đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống (tr.38), ông cũng xác định rõ nhiệm vụ: ”làm chuyển biến nhận thức, quan điểm và tìm các biện pháp khả thi nhầm phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X…” (tr.43)
Trong phát biểu tại Cuộc gặp mặt lần thứ nhất: Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc (tr.444), Chủ tịch Hữu Thỉnh đã triển khai sâu sắc và thuyết phục Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Ông làm rõ truyền thống đoàn kết dân tộc. Ông nhân mạnh nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo quan điểm của Đảng:”Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc mở rộng cánh cửa đón nhận mọi tài năng văn học từ mọi chân trời” (tr.446);”đời sống văn học của cộng đồng người Việt ờ nước ngoài là một bộ phận khăn khít của văn học nước nhà (tr.445); Chúng ta xin gửi thông điệp khẩn thiết này đến tất cả các nhà văn Việt Nam, với tư cách là người cầm bút của ngày hôm nay, bây giờ, ở bất cứ đâu, không kể đến xuất xứ và quá khứ của họ. Trước sứ mệnh của tổ quốc, mọi người đều bình đẳng về trách nhiệm và nghĩa vụ (tr.447).
Nhưng ông cũng xác định rõ những giới hạn: “Chúng ta tôn trọng mọi khác biệt…Nhưng tuyệt đối hóa sự khác biệt thì cuộc sống không còn là cuộc sống.(tr.450); ”viết về chiến tranh cũng cần có cái nhìn đổi mới…nhưng đổi mới thế nào cũng không thể làm biến dạng bản chất chính nghĩa, tầm cao vĩ đại, và phẩm giá anh hùng của nhân dân ta” (tr.447).
Cuộc gặp mặt lần thứ nhất: Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc được tổ chức thành công dù vẫn còn nhiều vấn đề cần thời gian để thu ngắn sự khác biệt. Ở sự kiện này, Chủ tịch Hữu Thỉnh tỏ rõ một bản lĩnh chính trị vững vàng, tài thu phục nhân tâm, tài tổ chức và năng lực ngôn ngữ có chiều rất sâu của văn hóa dân tộc và tầm rất rộng của sự hiểu biết tinh thần của thời đại toàn cầu hóa, hơn thế, còn là một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm trong việc thực hiện quan điểm đường lối của Đảng.
Có thể nói phẩm chất một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là phẩm chất hàng đầu của Chủ tịch Hữu Thỉnh. Ông đã giữ gìn phẩm chất này từ trong ý thức-tư tưởng đến mọi hoạt động, mọi giao tiếp. Xin đọc thêm bài Phép thần diệu của lương tâm (tr. 134), ông kể về chuyến đi Mỹ; đọc phát biểu tại hội thảo thơ Đồng Đức Bốn-Mai Văn Phấn, ông đính chính một chữ của Đỗ Quyên (về Vy Thùy Linh và thơ của nhóm Mở Miệng). Ông nói rõ “…Người đọc bình thường cũng nhận ra ngay thái độ chống đối, vu cáo, kích động của những bài thơ độc địa này”(tr.272).
Hữu Thỉnh đã giữ gìn trọn vẹn phẩm chất Đảng viên cho đến Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam (2020), khi ông rút lui khỏi đề cử vào Ban Chấp hành. Ông nói: là một đảng viên, tôi phải nêu gương chấp hành Nghị quyết của Đảng.
2. Ở phương diện “đối ngoại”, dân tộc và nhân lọai là 2 nền tảng để ông đối thoại
với những vị khách nước ngoài đủ mọi thành phần. Ông không đề cập đến sự khác biệt chính trị, kinh tế giữa các quốc gia. Ông triển khai vấn đề trong tinh thần hòa bình, hữu nghị và hội nhập văn hóa. Ông cho đó là một “lẽ phải lớn”:
“…ở đâu và khi nào thì tiếng gọi của hòa bình, của tình bằng hữu cũng có sức tập hợp to lớn. Đó là một lẽ phải lớn…”(tr.107). “Hòa bình là tài sản vô giá của loài người…Hòa bình là khởi nguồn cho mọi khởi nguồn, là điều kiện của mọi điều kiện…Với thơ ca, hòa bình là một niềm say mê, một cảm hứng sáng tạo vô hạn trong tình yêu con người”(tr.111).
Ông tự hào về lịch sử dân tộc, ông xác định giá trị văn học Việt trong tầm vóc nhân loại. Những câu văn của ông hào sảng, ông khái quát lên tư thế một dân tộc ở đỉnh cao chiến thắng, đỉnh cao lịch sử và chân lý:
“…cuộc chiến đấu cho tự do độc lập trên đất nước chúng tôi cũng đồng thời là cuộc chiến đấu cho văn hóa dân tộc. Đó còn là cuộc chiến đấu cho nhân loại, vì Việt Nam kiên cường chống lại sự hủy diệt văn hóa trên quy mô lớn (tr.93).
“Là các nhà văn bước ra từ chiến tranh, và đi lên từ những vết thương xé lòng, chúng tôi hiểu ánh sáng không bao giờ cũ. Máu không bao giờ cũ. Tình bạn không bao giờ cũ”(tr.95)
Trong bài Vẻ đẹp thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị (tr.107), diễn văn khai mạc Liên hoan Thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất 2-7/2/2012 tại Quảng Ninh –Hà Nội, trước đại diện của 28 quốc gia Chấu Á-Thái Bình Dương, ông nói:
“Chúng tôi được biết rằng, dưới tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và do sự đòi hỏi của cuộc sống, thơ ca của các quốc gia đang cùng có sự chuyển động, tự cách tân mạnh mẽ. Thơ ca của đất nước chúng tôi không nằm ngoài xu thế đó. Hoặc rút vào tháp ngà hoặc là trở thành người đồng hành với nhân dân. Thơ ca của chúng tôi chọn phương án thứ hai. Sự lựa chọn đó là tuyệt đối. Và đó cũng chính là truyền thống của thơ ca Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhờ bám rễ rất sâu vào đời sống của nhân dân, nên thơ ca của đất nước chúng tôi có truyền thống là một trong những loại hỉnh nghệ thuật có khả năng lưu giữ và chưng cất kỳ diệu nhất vẻ đẹp tâm hồn dân tộc…Mở với đời sống. Mở với nhân loại… Đại diện ưu tú nhất về sự kết hợp các giá trị dân tộc và nhân loại là chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà cuộc đời và sự nghiệp đã thuộc về những giá trị chung nhất của loài người...Người đã chứng minh một cách tuyệt đẹp thơ ca là khí phách, lương tâm và danh dự dân tộc”(tr.110)
Ông ca ngợi nền văn học Việt Nam: “…nền văn học Việt Nam có lịch sử lâu đời, độc đáo về bản sắc và luôn luôn phát triển theo xu hướng mở. Đó là một nền văn học thấm nhuần tư tưởng nhập thế tích cực và chủ nghĩa nhân văn sâu đậm luôn luôn gắn bó với số phận con người; chia sẻ, nâng đỡ những bất hạnh trong cuộc sống, không ngừng chống lại mọi cái xấu cái ác góp phần hoàn thiện con người và đạo đức xã hội. Đó là một nền văn học xả thân vì vận mệnh Tổ quốc, rực cháy chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người, kiên cường chống lại mọi sự áp đặt và xâm lược bất kể từ đâu tới…”(tr.126)
Các vị khách nước ngoài nghe Chủ tịch Hữu Thỉnh phát biểu, chắc họ có thể đồng thuận được ở những “lẽ phải lớn”, những tình cảm lớn và những vấn đề lớn mà ông đặt ra. Đồng thời qua ông, họ cũng nhận ra tầm vóc con người Việt Nam trong quá khứ và con người Việt Nam hôm nay. Ở ông, tỏa sáng trí tuệ của dân tộc, cháy bừng lên lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Một tư thế văn hóa Việt, đĩnh đạc bước vào toàn cầu hóa.
Ông nói đến sứ mệnh nhà văn toàn cầu: “Chúng ta sẽ cùng nhau làm tất cả những gì mà một nhà văn có thể làm được để giảm bớt sự qúa tải của những nguy cơ đang đè nặng lên hành tinh nóng bỏng của chúng ta.”(tr.126).
Ông kể về một kinh nghiệm và kêu gọi: “Đối mặt với sợ hãi phải được thay thế bằng đối mặt với hy vọng. Kinh nghiệm này không còn mới. Tồn tại dạy chúng ta điều đó….Nào, chúng ta hãy cùng nhau mở ra những trang mới”(tr.124).
Ông nói đến chân lý và tình người: “…Cuộc sống có thay đổi bao nhiêu thì chân lý và tình người cũng không bao giờ cũ. Trong mọi hình thức giao tiếp, không có hình thức nào giúp con ngưởi bắt gặp chính mình và bắt gặp đồng loại kỹ càng và say đắm như văn chương. Còn có ở đâu, không đi mà vẫn đến, không hỏi mà vẫn biết, không hẹn ước mà vẫn thành tri kỷ như tiếp nhận văn chương (tr.129)… Vì chất lượng cuộc sống mà con người mãi mãi cần đến văn chương. Đó là một xác tín.”(tr.130).
Xét về chính trị, ông đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam hội nhập văn hóa với toàn cầu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Và đây là một kết quả cụ thể: qua sự tác động của trung tâm William Joiner, “nhằm phá bỏ hàng rào cấm vận của Chính phủ Mỹ chống Việt Nam” (tr.116); “…làm thay đổi cách nhìn của ngưới Mỹ với Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam”(tr.118).
3. Làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 4 nhiệm kỳ (2000-2020) nhà thơ Hữu Thỉnh đã làm được nhiều việc cho Hội Nhà văn. Những công việc cụ thể hàng năm ông báo cáo trong Hội nghị công tác văn học, và trong báo cáo cuối mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Những báo cáo này không in trong Bến văn và những vòng sóng. Duy nhất có một Báo cáo tổng kết Công tác văn học 5 năm (2000-2004), và bài Diễn văn kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn (1957-2017), vì thế người đọc không hình dung được cụ thể những đóng góp của ông cho văn học.
Với Những “diễn văn” in trong Bến văn và những vòng sóng, hướng về các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (đặc biệt các nhà văn trẻ), Chủ tịch Hữu Thỉnh đề cập đến nhiều vấn đề văn học. Ông trình bày những nhận thức về thực tại hoạt động văn học, gợi mở những cách hiểu, ông đề xuất những giải pháp hành động. Phương pháp luận của ông là phương pháp luận Marxist, nhờ thế khi trình bày vấn đề văn học trong tương quan với thực tại xã hội, những ý kiến của ông có sức thuyết phục, quan điểm của ông rạch ròi, dứt khoát.
Trước hết ông khẳng định sự đúng đắn của đường lối văn nghệ của Đảng: “Thời gian
đã chứng tỏ sức sống của các Nghị quyết quan trọng của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhưng chúng ta còn nợ nhiều vấn đề quá. Bao nhiêu giải pháp rất hay, nhưng chưa được thể chế hóa. Bao nhiêu hạt giống trí tuệ quý báu nhưng chưa tỏa bóng bát trong hiện thực.(tr.68).
Ông xác định nhiệm vụ cho Hội Nhà văn: “Đại hội Nhà văn lần thứ VII xác định mục tiêu của toàn giới nhà văn là phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật…Đây là nhiệm vụ chính trị số một, quyết tâm số một của tất cả chúng ta”.(tr.21)
Ông khẳng định đóng góp của văn nghệ sĩ: “Sự ổn định của văn nghệ đem đến sự ổn
định chung của đất nước, một dòng chảy lành mạnh của văn nghệ góp vào tính tích cực của xã hội, đó là cống hiến rất quan trọng của giới văn học nghệ thuật nước nhà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta”(tr.64)
Ông nhận định về thành tựu 20 năm đổi mới văn học: “Có thể nói 20 năm đổi mới đi vào lịch sử như một trong những thời kỳ thăng hoa nhất của văn học dân tộc. Đó là thời kỳ phát triển cộng sinh của nhiều phương pháp sáng tác. Đường biên văn học được mở rộng. Tâm lý sáng tạo được giải phóng. Một sự thông thoáng chưa từng có trong lựa chọn đề tài, chủ đề, nhân vật. Đạo đức xã hội trở thành trung tâm chú ý của các nhà văn. Con người được miêu tả như chính nó với thân phận, nỗi niềm những ẩn khuất vừa hiểu được vừa không thể hiều hết, vừa cao cả vừa phàm tục, vừa gần gũi vừa kỳ bí. Những cố gắng đổi mới hình thức diễn ra ở tất cả các thể loại. Những cây vút trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, đem đến những giọng điệu mới. Ưu điểm nổi bật của sáng tác là tính đa dạng” (tr.17-18; Báo cáo đề dẫn Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ hai-Đồ Sơn-Hải Phòng-3,4,5/10/2006)
Tuy vậy, ông cũng thấy rõ vấn đề: “Cái thiếu nhất, theo tôi đối với người sáng tác hiện nay là cơ sở triết học. Ngại triết học, thiếu triết học là một trong những nguyên nhân và hạn chế tầm nhìn, tầm tư tưởng và sự khái quát con người và thời đại”(tr76).
Ông đề xuất: “Lý luận cho nhà văn là lý luận nào? Đó là Mỹ học Mac- xít, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa văn hóa dân tộc” (tr.77); “Nói gì thì nói, và bất luận thế nào, triết học Mác-xít vẫn là đỉnh cao khoa học cuả thời đại chúng ta mà không phải ai cũng có thể chiếm lĩnh. Mỹ học Mác-xít là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào lĩnh vực mỹ học. Ngày nay…chủ nghĩa Mac-Lênin, Mỹ học Mac-xít vẫn là ngọn cờ tiên phong là nhận thức luận đúng đắn nhất giúp cho con người đi tới” (tr.77)
Ông nói về tác phẩm đỉnh cao: “Đó là những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu xã hội của thời đại, thỏa mãn nhu cầu về tình cảm, đạo đức, tư tưởng của con người. Nó mở rộng không gian tinh thần của con người, giúp con người vượt khỏi cá nhân chật hẹp để vươn tới những vấn đề có tầm nhân loại, và đó là những tác phẩm giúp cho bạn đọc vừa cảm thụ văn học vừa tự soi chiếu, tự đối thoại, tự điều chỉnh bản thân mình…Đó là những tác phẩm góp phần tạo nên chất lượng sống của con người và xã hội” (tr.21)
Ông thực sự ưu tư:
“Sáng tạo được tác phẩm hay, có ích là khát vọng muôn đời của nghệ sĩ. Nhưng khát vọng đó hiện nay đang vấp phải một nghịch lý. Tự do sáng tạo, điều kiện sáng tác được mở rộng nhưng chất lượng hiệu quả lại không tương ứng…Văn học nghệ thuật có những mặt suy thoái”(tr.12)
“Tình trạng trung bình, làng nhàng là căn bệnh trầm kha nhất của văn học ta hiện nay không được phê phán đến nơi đến chốn” (tr. 20)
“Đội quân nghệ thuật hiện nay thật đông đảo. Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy chất lượng không tương xứng với số lượng. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X báo động một nguy cơ có thật, đó là tình trạng nghiệp dư.(tr.69)
“Một trong những nguy cơ ấy đã xuất hiện, là số người đọc văn học bây giờ thấp đến mức báo động…
Ông nhận xét về hiện trạng thơ:
Người làm thơ đông hơn người đọc. Và thậm chí dẫn đến cái chết của thơ ca” (tr.42)
“Thơ của ta hiện nay đang có nhiều vấn đề thật. Người làm thơ rất đông nhưng công chúng thơ thì teo lại. Trên báo chí, chúng ta gặp một cánh đồng bất tận những lời khen…”; “Thơ ta hiện nay có 2 trọng bệnh, một là ca hát véo von, hai là xa lông hóa. Véo von là tự bằng lòng, lặp lại mãi giai điệu cũ… Xa lông hóa là rơi vào sự nhấm nháp cá nhân, ngắm vuốt xiêm áo, tuyệt đối hóa hình thức, bịt kín mọi mối giao cảm vớ quần chúng” (tr 270).
Ông nói đến “Những vấn đề có tính muôn thuở”:
“Tài năng là Trời cho nên Trời cũng có thể lấy đi bất cứ lúc nào”(tr.34).
“Tài năng thực sự thời nào và ở đâu cũng luôn luôn hiếm và quý. Đó là câu chuyện muôn một. Tài năng là thiên bẩm, không thể ban phát, không thể vay mượn. Tài năng là sở hữu cá nhân, nhưng lại mang tính xã hội”(tr.54).
“Từ khi Con người trở thành Con người, nó phải đối mặt với 2 sự bất công truyền
kiếp. Đó là sự bất công về tài năng và sự bất công về nhan sắc. Đến một ngày nào đó, mọi bất công xã hội sẽ bị xóa bỏ, thì sự bất công về tài năng và nhan sắc vẫn còn.”(tr.67).
“Nói cho cùng, các trường phái không thể thay thế được tài năng, trong thơ không co1ta2i thì còn làm nên được cái gí? (tr.271)
Đây là quan điểm của ông về cách tân thơ: “Tiếp thu thế giới là tiếp thu các tinh hoa, không nên họ có lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tân hình thức, hậu hiện đại, ta cũng phải lặp lại y chang…cách tân không phải là cắt đứt với truyền thống, mà để nghe truyền thống rõ hơn, nhân cái truyền thống ấy trong hiện đại” (tr. 271)
Ông bày tỏ sự tin tưởng:
“Hy vọng, bằng con đường văn học, các nhà văn chúng ta cùng nhau thiết lập quyết
định luận của trật tự thế giới mới, lấy tình hữu nghị thay thế choi triết lý sức mạnh,lấy văn hóa thay cho vũ khí”(tr.95)
“Châu Á đang chứng minh rằng, người ta có thể xây dựng những thiên đường ngay
trên cõi trần gian”(tr.108)
“Trong sứ mệnh chinh phục con người, thơ ca có những phép màu nhiệm đặc biệt… Thi ca có sức mạnh đặc biệt…Nó làm cho mỗi con người tự tin cất bước trong quyền
năng của cái đẹp và điều thiện. Nó luôn đặt con người trong trạng thái tự do suy tư và chiêm nghiệm. Chừng nào con người còn khả năng tư do duy tư và chiêm nghiệm thì hiểm họa vẫn còn có khả năng được ngăn chặn nhờ những con đê của đạo đức. (tr.109)
“…thơ ca không hề muốn cạnh tranh với tôn giáo, bởi chính thơ ca đã là một tôn giáo. Tôn giáo cuả niềm tôn vinh con người…Vì thế còn con người đúng nghĩa của nó thì còn thơ ca”(tr.109)
Về kinh tế thị trường, ông nói: “Nghệ thuật dứt khoát không thể làm tay sai cho thị
trường”(tr.70). Nhưng ông nói thêm: “Tất cả đã thay đổi. Tất cả đòi hỏi được thay đổi”…”Một khi đã hình thành và được chấp nhận có một thị trường văn học nghệ thuật thì không thể không chấp nhận các thượng đế của thị trường ấy”(tr.75)
Về phê bình văn học, ông nhận định: “Nhiều vấn đề lý luận chưa được tổng kết
nghiêm túc, còn tồn nghi nhiều ngộ nhận. Việc giới thiệu lý luận của nước ngoài làm khá đậm, nhưng đề xuất, kiến tạo, xây dựng lý luận văn học đổi mới của Việt Nam, cho Việt Nam thì chưa làm được bao nhiêu “(tr.19).
Ông cũng đề cấp đến tính hiện đại (tr.35), về “Cái mới” trong văn học (tr.55), về thị trường, về “quyền lực mềm” (tr.70), về chống suy thoái văn hóa…(tr.71). Theo ông, “Quyền lực của văn hóa là quyền lực của lương tâm, của điều thiện” (tr.70).
Ông cũng đưa ra những quan điểm có tính uốn nắn với những sai lầm của sáng tác và phê bình. Chẳng hạn, ông nói về khuynh hướng “Tuyệt đối hóa phương pháp sáng tác”. “Lấy thi pháp thay cho tài năng. Thực chất là tuyệt đối hóa hình thức” (tr.73); “Nếu tuyệt đối hóa hình thức mà có tiền đồ thì nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã thành một dòng thơ lớn tồi. Nhưng nó biến mất và chỉ để lại một tấm biển báo nguy hiểm bên cạnh đường thơ: ‘Chủ nghĩa hình tức, cẩn thận, có mìn’”(tr.272)
Có thể nhận thấy Chủ tịch Hữu Thỉnh đã bám sát thực tiễn văn học, có tầm bao quát
sâu rộng, đứng trên lập trường văn nghệ Marxist ông đáng giá đúng bản chất chính trị-xã hội của các vấn đề văn học và một nhiệt tình bền bỉ thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ. Văn học Việt Nam 45 năm qua (1975-2020) đã đạt nhiều thành tựu trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người góp phần cào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đặc biệt là sự quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Chủ tịch Hữu Thỉnh khẳng định: “Sự ổn định của văn nghệ đem đến sự ổn định chung của đất nước, một dòng chảy lành mạnh của văn nghệ góp vào tính tích cực của xã hội, đó là cống hiến rất quan trọng của giới văn học nghệ thuật nước nhà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta”(tr.64).
4. “Diễn văn” của Hữu Thỉnh có tính hùng biện. Tính hùng biện thể hiện trước hết ở sức thuyết phục người nghe, người đọc bằng cả chiều sâu tư tưởng và tình cảm. Ông phát biểu với thái độ hết sức tự tin. Ông tin vào lịch sử 4000 năm hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, tin vào nền văn hóa có bản lĩnh dung hợp mọi yếu tố từ bên ngoài vào của cha ông, tin vào một nền văn học gắn bó với nhân dân, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo, và căn bản là ông tin vào kháng chiến và cách mạng, tin tưởng sâu sắc đường lối văn nghệ của Đảng, vào chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự tự tin kết hợp với vốn văn hóa, văn học sâu rộng, được soi sáng bởi triết học Mac-Lênin, cùng với khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ, về sự hiểu biết sâu sắc về con người, khiến cho những phát biểu của ông trong bản chất đã đủ tính thuyết phục.
Nhưng không chỉ có vậy. Hữu Thỉnh luôn có những câu văn “đóng đinh” vào trí nhớ người nghe. Những câu văn này chứa đựng những chân lý hiển nhiên và có thể đứng một mình. Nó có sức gây ấn tượng và tạo nên nhiều mỹ cảm (tương đồng với những lời bình ngoại đề có tính minh triết trong Truyện Kiều). Xin đọc:
Ông nhận xét về văn trẻ:
“Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa”.
“Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công.(tr.32)
“Tài năng là Trời cho nên Trời cũng có thể lấy đi bất cứ lúc nào”(tr.34).
Đây là trải nghiệm chân lý:
“Là các nhà văn bước ra từ chiến tranh, và đi lên từ những vết thương xé lòng, chúng tôi hiểu ánh sáng không bao giờ cũ. Máu không bao giờ cũ. Tình bạn không bao giờ cũ”(tr.95)
“Đối mặt với sợ hãi phải được thay thế bằng đối mặt với hy vọng. Kinh nghiệm này không còn mới. Tồn tại dạy chúng ta điều đó”(tr. 124).
Nhìn thẳng vào sự thật:
“Thiếu cá tính sáng tạo có 2 nguyên nhân, một là bất tài, hai là sợ hãi”(tr.65).
Nói về ứng xử văn hóa:
“Ứng xử với tài năng cần một tài năng, ứng xử với tấm lòng cần một tấm lòng” (tr.63)
Nói về phương pháp sáng tác:
“Không cần phương pháp gì cả là một phương pháp cao nhất. Vì thơ đã đụng đến tâm hồn” (tr.121)
Trong nghệ thuật biểu đạt, Hữu Thỉnh dùng nhiều thủ pháp viết văn tác động trực tiếp tâm lý người nghe (bằng cả thị giác, thính giác, cảm giác…):
Sử dụng phép trùng điệp cấu trúc kết hợp với tăng cấp, kết hợp lý trí và cảm xúc, hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ: “Là các nhà văn bước ra từ chiến tranh, và đi lên từ những vết thương xé lòng, chúng tôi hiểu ánh sáng không bao giờ cũ. Máu không bao giờ cũ. Tình bạn không bao giờ cũ”(tr.95).
Lập luận nâng lên và mở rộng dần tầm tư tưởng: “…cuộc chiến đấu cho tự do độc lập trên đất nước chúng tôi cũng đồng thời là cuộc chiến đấu cho văn hóa dân tộc. Đó còn là cuộc chiến đấu cho nhân loại, vì Việt Nam kiên cường chống lại sự hủy diệt văn hóa trên quy mô lớn”(tr.93).
Sử dụng tính từ kết hợp với phép trùng điệp cấu trúc câu tạo nên hiệu quả bất ngờ: “Cuộc sống chào đón họ và có thể nói dành cho họ điều kiện sáng tạo tốt nhất mà
không thế hệ nào trước đó có được. Một không gian tinh thần rộng thoáng, một hiện thực vạm vỡ, mới mẻ đến ngỡ ngàng, một công chúng đông đảo mà dân trí được nâng cao từng ngày, tất cả tạo nên một ‘cánh đồng bất tận’ cho các tài năng trẻ nảy nở và phát triển” (tr.52).
Sử dụng so sánh bằng hình ảnh (gợi âm thanh, cảm xúc, trí tưởng tượng) cũng tạo nên hiệu quả hùng biện của văn Hữu Thỉnh:
“Tuyệt đối hóa hình thức, tách rời hình thức ra khỏi chỉnh thể văn học, chẳng khác nào đập vỡ chiếc cốc pha lê, biến nó thành những mảnh vụn mà tác dụng duy nhất chỉ có thể là sát thương văn học và nhiễm trùng văn học”(tr.37).
Có thể nói “diễn văn” của Hữu Thỉnh vừa hùng biện, vừa tài hoa. Điều này có căn gốc từ sự kết hợp nghệ thuật lập luận với kiểu ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, cảm xúc và giàu sức gợi, tạo nên sự độc đáo của cá tính sáng tạo. Nói cho đúng, “diễn văn” của Hữu Thỉnh còn tập trung toàn bộ thế giới tâm hồn, lý tưởng, vốn sống, tính cách, bí mật của tài năng và sự trải nghiệm của ông.
Nền tảng “Lý luận văn học” ông sử dụng là “lý luận văn học truyền thống”(chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa dân tộc). Không thấy ông vận dụng những lý thuyết văn học đương đại để phân tích những vấn đề của thời đại mới. Phải chăng ông bảo vệ “truyền thống” một cách cực đoan khi ông nói về phương pháp sáng tác: “Không cần phương pháp gì cả là một phương pháp cao nhất. Vì thơ đã đụng đến tâm hồn” (tr.121)?
Nếu vậy thì khó thuyết phục được người viết văn trẻ khi họ say mê đi tìm “cái mới” và ít nhiều họ đã góp phần làm mới văn học Việt hôm nay. Chính ông cũng đã từng phàn nàn về tình trạng cũ quá của văn học Việt: “Còn rất hiếm sự đột khởi táo bạo về ngôn ngữ tiểu thuyết, về cấu trúc tác phẩm, đặc biệt là về triết lý nghệ thuật…Yếu tố thể nghiệm làm mới tiểu thuyết ít được quan tâm. Sau bao nhiêu năm, nhịp điệu tiểu thuyết vẫn chậm chạp, kề cà, rậm rạp, dẫn đến tình trạng số trang thì dày nhưng dung lượng thì mỏng” (tr.73).
MỘT TẤM LÒNG VỚI NHỮNG TẤM LÒNG
Trong Bến văn và những vòng sóng có 34 bài viết về các nhà thơ, nhà văn gồm nhiều thế hệ. Có những bài đọc trong dịp kỷ niệm 100 năm một tác giả trước 1945. Có bài viết về các nhà thơ cách mạng, về những người bạn, người anh trong kháng chiến, viết về các tác giả đương đại. Có cả bài như “điếu văn” trong tang lễ, và bài giới thiệu tác phẩm.
Những bài phê bình tác giả này được viết như một tiểu luận. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói rõ thói quen “Đọc ngược văn bản. Nghĩa là qua thơ, tôi đi tìm tác giả… hiểu hành trình thơ của tác giả” (tr.409). Văn tiểu luận của Hữu Thỉnh có sự kết hợp rất nhuần nhiễn giữa trực giác cảm thụ nghệ thuật tinh tế với cách viết tùy bút, nghiên cứu và phê bình. Ông tạo ra một phong cách rất riêng.
Hữu Thỉnh sử dụng phương pháp phê bình Marxist khi “đi tìm tác giả”. Trước hết ông quan tâm đến bối cảnh lịch sử xã hội của nhà thơ nhà văn. Ông dựng lại cuộc đời của họ trong bối cảnh đó. Rồi đứng trên yêu cầu nhiệm vụ Cách mạng của văn học, ông đánh giá những giá trị văn học mà nhà văn ấy cống hiến. Yêu cầu ấy là: Văn học là vũ khi đấu tranh cách mạng. Nhiệm vụ ấy là, nhà văn là chiến sĩ của Đảng trực tiếp góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tất nhiên là tùy từng tác giả cụ thể mà Hữu Thỉnh vận dụng linh hoạt phương pháp phê bình này.
Nhìn chung, những tiều luận về tác giả văn học của Hữu Thỉnh đọc hấp dẫn và rất thuyết phục. Ông thực hiện nhiệm vụ chính trị bằng cái tâm chân thành, bằng sự trân trọng rất mực đối với người hiền tài và bằng sự thấu hiểu, bao dung nhân hậu đối với những phận người. Những nhận xét của ông vừa có bề rộng của tầm khái quát lịch sử thời đại, lại vừa rất cụ thể, chân tình đến gan ruột, tri âm tri kỷ. Những trang bình thơ như có men say, bay bổng tuyệt vời của một tâm hồn nghệ sĩ. Hữu Thỉnh có trực giác nghệ thuật rất mạnh và rất tinh; Ông phát hiện được ngay cái thần thái tinh anh của tài năng. Ông tỏ ra tài hoa, giàu có và độc đáo vô cùng trong diễn đạt ngôn ngữ, ý tứ, người khác khó học theo ông được. Thế nên bài viết nào của ông cũng đem đến nhiều thú vị cho người đọc.
Thú vị nhất là những kỷ niệm riêng tư của ông với từng tác giả. Ông sống rất sâu và hiểu rất rõ từng người. Ông có cách kể gọn, sinh động, tỉ mỉ và chọn được những tình tiết đắt giá để làm nổi bật cái tình của ông với bạn văn. Nhưng dù là chuyện riêng tư, ông vẫn giữ được sự mực thước chính trị, vẻ đẹp nhân văn và sự chân thành tri kỷ của tình bạn. Phương pháp tiểu sử của ông giúp ích rất nhiều cho những nhà nghiên cứu văn học, những thầy cô giáo dạy Văn. Thế giới văn chương của ông có bao nhiêu là tài năng, bao nhiêu là cái đẹp, bao nhiêu là giá trị trân quý, dù những cuộc đời ông nói đến có chìm nổi, bi đát thế nào thì qua tấm lòng của Hữu Thỉnh, thế giới văn chương là thế giới của cái đẹp, của những con người đẹp, mà đẹp nhất là tình yêu tổ quốc, nhiệt tình cách mạng và sự đồng điệu văn chương.
Đối với những nhà văn tiền bối như Nguyên Hồng, Nam Cao,… ông dành cho họ sự tôn kính bậc thầy. Ông viết: “Nguyên Hồng là một nhân cách văn hóa đáng kính trọng;… ông ở trong một số ít người đã đến gần nhất hai chữ hoàn hảo”(tr.385). Ông gọi Nam Cao là một bậc thầy: “Tên tuổi Nam Cao là niềm tự hào của văn học nước nhà. Các thế hệ nhà văn Việt Nam mãi mãi nhớ ơn và noi theo tấm gương của người thầy lớn Nam Cao” (tr.296)
Với những nhà thơ nhà văn cách mạng như Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Lê Quang Đạo, Hữu Thỉnh khẳng định những giá trị tuyệt vời của cách mạng. Ông viết về thơ của đồng chí Lê Đức Thọ: “Thơ Lê Đức Thọ là thơ trữ tình chính trị…; Lê Đức Thọ là nhà cách mạng làm thơ, ông coi thơ như là một vĩ khí thêm vào các vũ khí, một phương tiện thêm vào các phương tiện để thực hiện lý tưởng của mình…; Tôi đọc thơ ông cũng trên một nhận thức ấy.(tr.312).
Nhận xét về thơ Tố Hữu, ông viết: “Tố Hữu hơn một lần chứng minh rằng, tình ca và tráng ca hoàn toàn có thể và cần thiết kết hợp với nhau để tạo nên hòa điệu đẹp đẽ của lòng yêu nước. Thơ Tố Hữu là cách mạng hóa tình cảm, tình cảm hóa cách mạng…” (tr.163); về phẩm chất nhà thơ, Hữu Thỉnh nhận xét “Tố Hữu chứng minh rằng, nhà thơ chân chính rất cần sự tiên phong về chính trị và tư tưởng” (tr.167)
Với những nhà văn nhà thơ một thời (trước đổi mới) “có vấn đề” như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu,…Hữu Thỉnh với tấm lòng trân trọng người tài đã khẳng định tài năng và đóng góp của họ với văn học nước nhà. Ông không nhắc lại những nặng nề thuở trước, thay vào đó ông làm sáng lên tài năng, nhân cách và những nỗ lực của bản thân nhà văn nhà thơ. Bài viết về Nguyễn Đình Thi (tr.171), về Chính Hữu (tr.194) có chất say đặc biệt.
Ông nói về Con nai đen của Nguyễn Đình Thi một thời bị phê phán: “Vấn đề Con Nai Đen chỉ là vấn đề báo động sớm sự leo thang của cái giả cái ác khi tiếng nói trung thực bị đặt ra ngoài vùng ngoại diên của đời sống công quyền”(tr.179) “. Với Chính Hữu, người viết bài Ngày về, một thời bị phê phán, ông không chỉ khẳng định giá trị của Chính Hữu, mà có cả sự tri ân:“Anh Chính Hữu ơi! Anh là niềm hạnh phúc là may mắn lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của em”(tr.196); Hỡi các anh em Vân Hồ, Nếu không có anh Chính Hữu hồi đó thì chúng mình tan tác chim muông từ khuya rồi”(tr.197)
Đây là những lời chân thành ông viết về Vũ Trọng Phụng: “Có một dạo, trong trạng thái lạc quan có phần hơi thái quá, chúng ta suýt nữa quên mất Vũ Trọng Phụng, tưởng như cuộc sống không cần đến ông nữa.. Chúng ta vui vẻ một cách bồng bột xếp nhà văn họ Vũ yên ổn một chỗ trong quá khứ, trong kỷ niệm” (tr. 292). Cũng may, nhờ “đổi mới”, những giá trị văn học của Vũ Trọng Phụng, và của nhiều nhà thơ nhà văn khác như Phan Khôi, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần… đã được tôn vinh trong nền văn học dân tộc. Hữu Thỉnh đã viết về những nhà thơ nhà văn “có vấn đề” này trong tinh thần “đổi mới” ấy của Đảng.
Viết về các tác giả đương đại (Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn…), ngòi bút của Hữu Thỉnh có đắn đo, rào đón hơn; và không phải là không có lúng túng. Bởi ông không thể tiếp cận họ bằng hệ thống mỹ học và thi pháp truyền thống (phương pháp phê bình Marxist). Ông chỉ còn trông nhờ vào trực giác mẫn cảm của mình, cùng với kinh nghiệm đọc thơ. Và Ông nỗ lực vận dụng ánh sáng lý luận trong các Nghị quyết của Đảng.
Chính ông thú nhận mình phải thay đổi cách đọc, cách tiếp cận khi đọc thơ Nguyễn Quang Thiều: “Trong Châu thổ, còn có những bài thơ ngắn… như tôi nói ngay ở đầu bài viết này, cần phải thay đổi thói quen của sự tiếp nhận để đọc những bài thơ này” (tr.330). Mở đầu bài viết, Hữu Thỉnh xác định vấn đề là : “Thay đổi thói quen để tiếp nhận Nguyễn Qiang Thiều” (tr.320). Ông mơ hồ nhận ra thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ Siêu thực nhưng không gọi tên ra được. Ông viết: “Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một trường thẩm mỹ cho riêng mình, khước từ mọi ước lệ, khước từ mọi véo von nhễ nhại…Nguyễn Quang Thiều huy động tối đa những ngẫu nhiên…”(tr.323).
Đây là khám phá của Hữu Thỉnh về bút pháp của Nguyễn Quang Thiều: “Dò tìm, tôi thử phác ra bút pháp của Nguyễn Quang Thiều (tr.328): “Bắt đầu anh treo lên tường một bức tranh. Rồi anh tháo bộ khung đó ra, bức tường trở thành một bộ khung mới. Rồi đến lượt nó, bức tường cũng bị tháo ra và không gian của bức tranh cứ mở rộng thêm mãi ra hầu như vô tận để cho cái vô tận của thế giới ùa vào. Và bức tranh bây giờ vừa là nguyên gốc vừa được vẽ thêm với bao nhiêu màu sắc lạ. Đã hẳn đây là bút pháp phi tuyền thống, cảm hứng theo dõi dãn nở. Mọi yếu tố vần điệu âm nhạc câu chữ đều bị tháo tung ra thay vào đó là các yếu tố ẩn dụ, biểu hiện, ấn tượng, tân hình thức” (tr.329). Và ông khuyên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Anh nên quan tâm hơn đến cấu trúc. Thơ có thể có yếu tố phi lý, nhưng cấu trúc phải hợp lý một cách có nghệ thuật.”Cách nói của ông thật sinh động. Ông dùng ẩn dụ để tránh nói thẳng vào bút pháp của Nguyễn Quang Thiều, vì biết đâu việc “dò tìm” và “thử sức” của ông chưa đạt tới chân lý?
Thực ra, chủ nghĩa Siêu thực phá vỡ logic, phá vỡ cấu trúc truyền thống, đưa vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên, phi lý, hoang tưởng. Ông khuyên Nguyễn Quang Thiều chú ý đến cấu trúc, chú ý đến tính “hợp lý”, là khuyên Thiều trở về với truyền thống. Dõi theo thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi chưa bắt gặp bài nào Thiều làm theo thể thơ Tân hình thức cả. Nguyễn Quang Thiều đi từ truyền thống đến hiện đại, từ kiểu thơ lãng mạn (Thơ Mới), thơ hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, thơ giàu âm điệu dân gian, đến thơ Siêu Thực. Nguyễn Quang Thiều thực sự góp phần cách tân thơ Việt ở kiểu thơ tư tưởng viết theo bút pháp Siêu thực có ảnh hưởng của F.Kafka và R. Tagore (xin đọc Linh hồn những con bò và bài Dưới cái cây ánh sáng). Điều này Hữu Thỉnh chưa đọc được (?).
Một lần nữa Hữu Thỉnh lại lúng túng trong việc sử dụng hai khái niệm “cách tân” và “đổi mới”. Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ thực sự cách tân nhưng Hữu Thỉnh lại định vị rằng: “Nguyễn Quang Thiều là truyền thống, bởi anh luôn đi tìm những cái mới” (tr.323), và có khi ông gọi một nhà thơ viết theo thi pháp truyền thống là nhà thơ cách tân. Chẳng hạn, ông viết về Chính Hữu: “Chính Hữu là nhà cách tân thơ rất sớm, đi theo một hướng hoàn toàn khác với trường phái “phu chữ” sau này. (tr.211). Ông cũng nhận xét về Nguyễn Đình Thi: “Một quá trình đổi mới từ rất sớm, cách tân không ngừng, đối với Nguyễn Đình Thi, đó là sự cách tân toàn diện về tầm nhìn, về tư tưởng, về nghệ thuật về mài dũa tài năng”(tr.181). Tôi nghĩ Hữu Thỉnh đã hiểu khái niệm “cách tân” khác rất xa với yêu cầu học thuật của từ này.
MỘT TẤM LÒNG TRI ÂM.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng ước mơ: “Tôi luôn coi sự đồng điệu giữa sáng tác và phê bình là một giấc mơ”(tr.66), và ông đã viết tiểu luận phê bình trên tinh thần ấy.
Điều tôi tâm đắc ở ngòi bút phê bình của Hữu Thỉnh là sự chân thành, tính trung thực rất mực trong cuộc sống và trên trang văn. Ông thổ lộ điều này: “Những phút riêng tư đau buồn nhất, tôi luôn có Phật”(tr.373). Tôi hiểu thế này. Kệ viết: Tâm tức Phật/ Phật tức tâm”. Nguyễn Du viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ông nói “Tôi luôn có Phật” tức là sự thể hiện một tấm lòng. Ông chịu khó đọc. Năng lực tổng hợp và trí nhớ của ông thật tuyệt vời. Ông đã đọc lại Nguyễn Đình Thi, “gần 4000 trang tuyển tập và đọc thêm những trang nhà xuất bản để ra ngoài, tôi thức với nhiều ngạc nhiên”(tr.183). Cũng vậy, với Chính Hữu, ông nói:“Tôi dành đọc trọn vẹn tác phẩm (nhiều lần) và tất cả những bài phê bình về thơ anh”(tr.198). Trong Hội thảo thơ Nguyễn Đình Ảnh (tr.352), ông nói: “Tôi nhận thấy mình không đủ tư cách nếu không đọc mà chỉ nói bâng quơ ”(tr.355). Ông không chỉ đọc kỹ, ông còn nhớ từng chi tiết kỷ niệm với mỗi người ông quen biết, dù cách xa đến hàng nửa thế kỷ (tr. 259).
Đọc Bến văn và những vòng sóng, người đọc có thể hình dung ra hành trình cuộc đời của Hữu Thỉnh. Những ngày còn bé, có thể Hữu Thỉnh đã cùng với Dương Thị Xuân Quý đi chợ phiên Phú Vinh-Vĩnh Phúc (tr.386). Những ngày làm lính, ông chờ Phạm Ngọc Cảnh ở nhà số 4 Lý Nam Đế-Hà Nội để được in thơ (tr.348); được Chính Hữu dìu dắt và làm việc chung với ông hàng mấy chục năm (tr.195). Rồi đi học Liên Xô với Nguyễn Thanh (tr.253); vào Tây Nguyên, mặt trận B5 để gặp Thu Bồn (tr.277). Đi học trường viết văn Nguyễn Du, dự những cuộc vui với Nguyễn Quang Sáng ở An Giang, bị kẹt ở BangKok khi sang Hoa kỳ dự hội thảo Mùa hè của trung tâm William Joiner (tr.103;131). Ông ghi lại cả hương vị món bánh có mật ong và hạnh nhân do nhà thơ Martha Collins làm đãi khách…
Sự trân trọng tài năng của ông thể hiện trong mọi việc làm, trong những lời chia sẻ và ở thái độ ứng xử rất mực tình nghĩa. Bởi ông ý thức rất rõ:“Tài năng thực sự thời nào và ở đâu cũng luôn luôn hiếm và quý”(tr.54). Ông là hiện thân của con người Việt Nam truyền thống và hiện đại. Tưởng niệm nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, người đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ lúc mới 28 tuổi, để lại con thơ, Hữu Thỉnh viết:“Tôi đã khóc khi viết những dòng này, và tôi tự hào thấy rằng, trong thế hệ chúng tôi có một người như Dương Thị Xuân Quý…(tr.388). Ông đối thoại với Anh Đức: “Tôi viết những dòng này với lòng cảm phục, thương tiếc sâu sắc và biết ơn anh, một nhà văn đã đạt đến độ trưng cất tài hoa trong tác phẩm…”(tr.319)
Và hơn thế, Hữu Thỉnh xác tín nhiệm vụ “xây dựng một đội quân văn hóa đủ sức chuẩn bị cho nhân dân ta bước vào ngôi nhà của xã hội công nghiệp và xã hội thông tin”.(tr.53). Ông đã điểm danh một đội ngũ đông đảo, hùng hậu tài năng của thi ca Việt Nam (bài Một nền thơ đang chuyển, tr 141).
Nói một lời cặn kẽ, Hữu Thỉnh là nhà thơ tài hoa, một nhà thơ tư tưởng. Ông còn là cán bộ lãnh đạo văn nghệ kiên định lý tưởng, có bản lĩnh vững vàng, giàu tài năng và trải nghiệm. Nghệ thuật ngôn ngữ của ông rất tuyệt. Sức thuyết phục của ông toát ra mạnh mẽ. Nhìn ông bạn bè quốc tế thấy được tầm vóc nhà văn Việt Nam. Những “diễn văn” và những tiểu luận phê bình của ông có nhiều giá trị, cả về lý luận và thực tiễn, về một thời đại văn học rất quan trọng. Đó là văn học thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay) mà ông là người trực tiếp có những đóng góp, những tổng kết, những khai mở.
Trong Bến văn và những vòng sóng, Hữu Thỉnh đã giải quyết nhiều vấn đề văn học của một thời, song có những vấn đề muôn thuở của văn học cần được tiếp tục thảo luận sâu rộng. Bài viết này mới chỉ tiếp cận một cách sơ lược cuốn sách. Kính mong được trao đổi.
Kính chúc nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 2000-2020) sức khỏe, niềm vui và trọn vẹn một tấm lòng tri âm với văn chương.
Ngày 10/01/2021
____________________