Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẠ DUY ANH TRẢ LỜI BẠN ĐỌC

Tạ Duy Anh
Thứ năm ngày 21 tháng 1 năm 2021 8:44 AM


Đất Mồ Côi - Cổ Viên | NetaBooks
Cảm ơn bạn đọc đã ưu ái quan tâm đến tác phẩm mới nhất của tôi. Có vài điều tôi xin nói một lần, thay cho việc phải trả lời riêng từng người (tôi rất sợ bị coi là kiêu ngạo, bất nhã).
Thứ nhất, tôi chưa bao giờ bán cuốn sách nào của mình, vì thế, tôi không thể đáp ứng đề nghị của nhiều bạn đọc muốn mua sách từ tôi.
Thứ hai, tôi kể lại hoặc tóm tắt tác phẩm của mình rất kém, kém đến mức chính tôi cũng thất vọng về mình. Trong khi cuốn sách dày trên 400 trang. Tôi hiểu sự tò mò của bạn đọc cũng chính là tình yêu dành cho văn chương, cho tác giả. Nhưng tôi không thể làm được điều đó.
Tôi xin đăng ra đây LỜI GIỮA SÁCH, (in ở giữa cuốn tiểu thuyết) khả dĩ giúp bạn đọc có chút hình dung nào chăng về vấn đề mà cuốn sách đề cập.
“Tôi đã suy ngẫm từ rất lâu, về một cuốn sách có tên Đồng Bào, lấy điểm tựa cảm hứng từ huyền thoại về chiếc bọc trăm trứng, nhưng cuối cùng tự nhận thấy nó quá sức, so với tham vọng về ý đồ mà mình đặt ra, nên đành cứ gác lại. Nhưng đăm chiêu về ý tưởng của cuốn sách thì chưa bao giờ dứt hẳn. Nhu cầu lớn nhất khiến tôi muốn bắt tay thực hiện dự án, hóa ra lại mang tính vị kỉ rất cao: Tôi muốn biết thực chất những gì bao bọc quanh bản thân mình, một thứ Sinh quyển lịch sử, là nơi khởi phát và nuôi dưỡng những sự kiện cứ luôn không ngừng dằn vặt tôi. Rằng, quá khứ thật của mình trông nó thế nào? Người Việt hiền hay ác? Vì sao người Việt, nhờ nương tựa nhau mà sống sót qua muôn vàn thiên tai, địch họa, nhân họa nhưng lại nồi da xáo thịt nhau liên miên nhiều thế kỉ? Rằng, đói khổ, hèn mọn có phải là định mệnh của dân tộc này? Những câu hỏi ấy bản thân chúng đã là một bi kịch. Chúng khiến tôi không khỏi có lúc nghi ngờ những gì mình đang là. Rằng, truyền thuyết sinh ra từ một bọc, có cái gốc nhân bản hay chỉ là một sự tự lừa dối, dùng để che giấu khiếm khuyết nào đó và lâu dần thành tiềm thức tập thể? Trên thực tế, những trang lịch sử tàn khốc mà nhân vật tham dự đều thuần túy Việt luôn nói với tôi về điều trái ngược, ít nhất là khi so với ý muốn thật sự (có lẽ thế) của người chép sử. Không ít trong số đó cam tâm bẻ cong ngòi bút bởi nhiều lý do khác nhau-tôi tin thế. Nhưng tôi nghiêng theo ý nghĩ phần lớn họ thuộc thành phần yếu thế, buộc phải tận tâm phục vụ theo bổn phận, trước hết để được sống và sau đó thèm khát một sự chính danh. Họ có nghĩa vụ, theo lối trung quân ái quốc, tin vào những gì “được truyền bảo” là duy nhất chính đáng, duy nhất chính thực và nghĩa vụ của họ phải khiến cho sự chính đáng, chính thực ấy ấn tượng hơn bằng các thủ thuật văn chương. Điều đó dẫn đến một sự thật không cần phải tốn quá nhiều sức mới chứng minh được: Nhiều khái niệm bị đánh tráo một cách đáng thương hại. Ví dụ, thứ được ngợi ca là oanh liệt, một phẩm giá cao quý, thì trong nhiều văn bản lịch sử, thực chất nó được “chưng cất” từ loại vật liệu thô có tên tàn bạo. Thậm chí nó trùng khít với tàn bạo! Tôi tin rằng, nếu không muốn tương lai tiếp tục bị hãm hiếp, thì phải dám một lần lột trần truồng quá khứ.
Nhưng là nhà văn, tôi không có khả năng và phương tiện làm điều đó. Tôi chỉ, bằng trí tưởng tượng và chút kĩ thuật vụn vặt, dựng nên những “tình huống” khiến lịch sử có khả năng bị bóp méo, bị làm giả và chỉ với mục tiêu giản dị: Muốn người Việt không lúc nào thôi thao thức về bản thân mình. Truy vấn bản thân, ngay cả khi tâm hồn dường như có được sự thanh thản, là một đòi hỏi mang tính đạo đức. Vấn đề mình xuất phát từ đâu không còn quan trọng nữa. Nhưng hành trình chúng ta đang đi không thể ngẫu nhiên, vô hướng, vô đích, vô tăm tích. Nếu năm mươi người con lên rừng và nửa còn lại xuống biển, thì sự kiện đó nằm ở đâu trong tương lai mà chúng ta bắt buộc phải đến?
Với tôi, qua các trải nghiệm lịch sử, tự thấy có một chút nghi vấn: Hình như huyền thoại đồng bào đang được truyền tụng là một phiên bản đã không còn nguyên bản! Rất nhiều khả năng nó bị lỗi ở đâu đó? Liệu có thể đã xảy ra một sự “thất lạc” nguyên bản ở khúc quanh định mệnh nào chăng? Hay biết đâu, tại một biến cố kinh hoàng đã bị rơi vào quên lãng, nó bị lợi dụng, bị diễn giải theo chiều hướng phục vụ thứ mà người ta hay nói là trò chơi vương quyền? Tôi không biết, không khẳng định điều gì, chỉ nêu lên như một nghi vấn. Nhưng quả là luôn có quá nhiều diễn giải tùy ý, vì mục đích của cá nhân hay một nhóm người, một vùng miền, xảy ra đến tận bây giờ ở khá nhiều sự cố khác của lịch sử, cứ tự là bằng chứng gián tiếp thuyết phục tôi về sự thất lạc (hay thất bản) ấy?
Trong suốt chiều dài hành trình đến với vùng cực nam của núi Ngũ Lĩnh, với điểm phân định co giãn theo thời gian, tôi (rộng ra là chúng ta) không biết mình vắng cha hay thiếu mẹ, trong khi khả năng ấy là ngang nhau? Chúng ta bị tuyên cáo là những kẻ mồ côi từ khởi thủy bằng một cuộc chia rẽ không được báo trước ngày đoàn tụ.
Tôi tự nhủ với mình: Không cần phải có thêm một huyền thoại mới cho sự đùm bọc trở lại của xứ sở này, nhưng người Việt cần tiếp tục sống bằng cái ý thức phải nỗ lực trở về với Nguyên Bản, trở về là Một.
Đó là điều tôi bền bỉ hy vọng, không ngừng hướng tới, mỗi khi cầm bút.
Và cho tôi cảm hứng đặc biệt cũng như sức lực viết cuốn sách này”
TÁC GIẢ MỘT LẦN NỮA CHÂN THÀNH CẢM TẠ!
Bạn, Bùi Công Tự, Vanhoc Saigon và 919 người khác
109 bình luận
23 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ