Dương Quốc Việt
Người Việt đã từng sống trong một thời kỳ, của những cuộc "cách mạng triệt để nhất" hay "long trời lở đất", thời đại của "một ngày bằng 20 năm", những "bước ngoặt", "hiện đại", "đỉnh cao", "thứ nhất", "dẫn đầu", "chưa có bao giờ", "thiên đường" hay "siêu cường" này nọ ..., và còn biết bao những mỹ từ khác-như thể "không đủ ngôn từ để ngợi ca". Ấy là những ngôn từ không chỉ "lời nói gió bay", mà còn đi vào văn chương, và cả những trang sách học trò của nhiều thế hệ. Có thể nói đó là những bước tiến của “thiên thần”, của "người nhà giời"!?
Nhưng sự thực, con người vẫn đã và đang phải sống trên mảnh đất này-"đầu đội trời Việt Nam chân đạp đất Việt Nam", không thể trốn chạy trước thực tế dòng chảy của xã hội loài người (!) Và chắc không bao giờ hết bàng hoàng, xa lạ, ấm ức, bởi giữa cuộc sống cõi thực thế này, mà giọng của thần thánh lại vẫn phán thế kia.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, sự tiến bộ của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, luôn gắn liền với sự tiến bộ về văn hóa và tính cách. Mà sự hỗ trợ đắc lực cho quá trình này, chính là thể chế và giáo dục.
Đành rằng con người ta phải ước mơ và có quyền mơ, nhưng tính hiện thực của nó đến đâu, thì lại rất cần đến tính thực tế. Và hơn tất cả, đó là thực tế về "chất lượng con người".
Vả lại nhìn về tương lai, phải nhìn từ chất lượng con người của hiện tại, chứ còn nhìn từ gì nữa đây !?
Vậy hãy bắt đầu từ chất lượng con người, để cải biến, để hướng tới những mục tiêu khả thi hơn, thiết thực hơn, nhằm mang đến chất lượng văn hóa-chất lượng cuộc sống văn minh và tiến bộ hơn.
Văn minh-tiến bộ không có chỗ cho văn hóa và tính cách vốn còn lạc hậu-bất cập. Mà thay đổi thói quen, thay đổi văn hóa, thật khó biết bao. Mặt khác tự nhiên vốn không ưa nhảy vọt! Bởi thế mà "đi tắt đón đầu", hay "đốt cháy giai đoạn"..., đều không thể không bị trả giá.
Các cụ ta có câu: "Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần"-chớ nên nóng vội. Và hãy nỗ lực để có một thể chế, một nền giáo dục tốt. Rằng đó cũng chính là vấn đề căn cốt của người Việt hôm nay!