Triệu Từ Truyền tên thật là Triệu Công Tinh Trung. Cái tên nói lên ước muốn người đặt rồi hình như nó cũng dính tới số phận. Tinh Trung là tên được cha mẹ rút từ bốn chữ “Tinh Trung Ái Quốc”. Truyền là bút hiệu rồi thứ tư thêm dấu huyền thành ra từ truyền để nói lên ước mơ chữ nghĩa, cuộc sống sống sao để có sức hút như nam châm. Để rồi anh trở thành nhân vật hai trong một con người thú vị ly kì trong mắt anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn cũng thú vị không kém. Ai như cũng nể phục anh, trước cái gọi là đi và về của anh như một tay chơi. Qua tên cha mẹ dẫn lối anh tới cách mạng từ tuổi thiếu niên trở thành cán bộ đoàn trong phong trào SX, HS đấu tranh, hai lần bị từ đày Côn Đảo. Rồi những năm đầu giải phóng lại trở thành phó chủ tịch quận 4, có nghĩa anh có tuổi thơ dữ dội không thua gì Phùng Quán nghĩa là chưa được ba mươi còn rất trẻ đã làm quan. Tên Triệu Từ Truyền nói lên máu văn nghệ đam mê văn học thơ ca như một người tình rồi dấn thân cùng với người tình lúc còn rất trẻ và bền chặt cho tới nay tuổi đã xế chiều. Hình dung có hai mẫu người trong một con người mà sau nầy Triệu Từ Truyền trả lời báo chí phỏng vấn – không hiểu sao tôi chưa bao giờ xung khắc giữa đam mê văn học và hoạt động cách mạng.
15 tuổi anh có tập thơ Tình Phượng đầu tay. Tuổi 18 có một vài bài thơ in báo chưa tiếng tăm đã vội cùng Từ Kế Tường, Nguyễn Tôn Nhạn bạn bè cùng lớp cũng làm thơ đồng trang lứa họp nhau thành nhóm Bộ Lạc Mới chào sân ra mắt công chúng qua tuyên ngôn “Thơ là những ngôn - ngữ - cử - động chứ không phải như ngôn từ xuất phát từ triệu cửa miêng hàng ngày ngôn - ngữ - cử - động có thể chất chứa ý nghĩa hoặc tự nó xuất hiện trong tâm trí con người”. Nhóm hay thi văn đoàn là những người viết có cùng quan điểm cảm xúc họp nhau lại để chia sẻ thông tin cảm hứng. Coi đó là một cuộc chơi góp phần cho đời sống văn nghệ phong phú hơn.
Nếu coi văn nghệ là mảnh đất hằng sống là vườn thơ nhưng bước vô thấy đó chỉ chuyên độc canh một thứ hoa trái tất nhiên không bằng khu vườn với nhiều hoa trái lạ phải nói vậy. Như ta đã biết miền Bắc xưa có Xuân Thu Nhã Tập, Tự Lực Văn Đoàn v.v…Ở Sài Gòn nổi đình đám với Sáng tạo, Quan Điểm, Nhân Loại, Bách Khoa. Để thu hút quần chúng các nhóm đưa ra chủ trương, tuyên ngôn. Để rồi ta cũng thấy các chủ trương ấy sự bế tắc, thành công hay thất bại với nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Nếu đem so thì nhóm Bộ Lạc Mới với tuyên ngôn có phần lớn giọng thì như không mấy ai biết đến. Bởi đây những khuôn mặt của nhóm là những cậu học trò mới lớn đam mê chập chửng viết lách mới có một vài bài thơ, cái truyện đăng báo. Mà báo cũng ngặt đăng cho những tác giả mới đầu tay như để giới thiệu không trả nhuận bút. Nhưng qua Bộ Lạc Mới các gương mặt Triệu Từ Truyền, Nguyễn Tôn Nhạn được quần chúng biết tới tên tuổi. Nhất là Triệu Từ Truyền bắt đầu nổi lên.
Với tập thơ đầu tay của tuổi học trò đầu tính ước lệ theo kiểu cũ thì lúc nầy thơ bắt đầu chuyển hướng rời bỏ ước lệ như bứt phá mặc dù chưa phá chưa tới chỗ. Thêm nữa hiện thực xã hội lúc này đi đâu cũng nghe nói tới chiến tranh, mũi người được cái mùi của các anh lính Mỹ xuất hiện qua đường phố - Chiến tranh như thức trong lòng - Màu than nhuộm đỏ mấy dòng thơ xưa - Mộ con lấp đất cho vừa - Nhà hiu quạnh dọn cơm thừa ẩm thiu. Từ đây như nhiều người nhận xét như nhận xét của Từ Kế Tường - thơ của Triệu Từ Truyền dù là thơ tình cũng thiêng về màu sắc chính trị, đấu tranh. Chính vì vậy Triệu Từ Truyền trở thành tên tuổi, một trong các nhà thơ trong phong trào HS, SV đấu tranh nhất là với tập thơ Đêm Lên Cơn Dài – Riêng tôi cũng nghĩ thơ của Triệu Từ Truyền mặc dù mang màu sắc chính trị nhưng không hô khẩu hiệu mà thiên về suy tưởng chiều sâu ngầm bên trong – Và có gì đó thầm khinh bạc kiêu ngạo. Ngay cả thơ tình cũng vậy như bài “Chưa tới” Tay tôi sao chẳng chịu dài – Giữa khi tình ái những ngày lên cơn – Tuổi thanh xuân vội tủi hờn- Hụt em – núi vói đã mòn sức hơi – Bàn tay chết đuối rã rời- Cỏ hoa xưa đã ngậm lời chiến tranh. Qua bài thơ bạn đọc trẻ lại thấy Triệu Từ Truyền như gởi tới mình, tuổi trẻ phải làm điều gì đó. Tóm lại- Hồi mới giải phóng trong khi anh em văn nghệ sĩ như vây quanh tôi đứng xa xa nhìn Triệu Từ Truyền bởi tôi cho đây là một quan chức dù còn rất trẻ tuổi đời. Phải nhiều năm sau đó đọc lại thơ Triệu Từ Truyền tôi trở lại với nhận xét của mình. Đúng là thơ Triệu Từ Truyền có màu chính trị đấu tranh nhưng rất ít khẩu hiệu lại có nhiều chất suy tưởng. Khi quen với anh thì thấy cuộc sống riêng tư cũng vậy mặc dù anh có tiếng lãng mạng đào hoa nhưng vẫn giữ cho mình những suy tưởng. Một người như vậy không có gì bất ngờ khi nghe tin anh cởi áo quan trường khi chưa hết nhiệm kỳ. Nghe nói anh được đưa ra miền Bắc làm vụ trường gì đó nhưng anh từ chối để trở về với người tình với niềm đam mê văn học. Như là nhiệm vụ đã xong quay trở lại với đam mê làm thơ xuất bản các tập thơ - Bên dòng Măng Thít – Dật dờ trong sương – Đêm lên cơn dài – Mảnh vỡ hồn nhiên – Va chạm hư không – Mắt cõi ngoài – Hạt Sứ giả tâm linh- Truyện dài Tương tác mà phân nữa là nhật ký ghi lại những ngày làm quan cho người đọc thấy đâu là mối tương tác với xung quanh ở bất cứ cương vị nào. Bước vào tuổi thật thập cổ lai hy Triệu Từ Truyền vẫn tiếp tục suy tưởng bước vào lĩnh vực mới gỏ cửa triết học qua cuốn sách mới nhất có nhan đề Những chữ qua cầu tâm lịch”. Cuốn sách được tái bản lần thứ hai.
Cuốn sách là những chiêm nghiệm tư duy tâm huyết trong nhiều năm được ông viết ra và bạn đọc sẽ cùng ông qua sách tiếp tục những ý tưởng nêu ra đi đến tận cùng. Thơ là gì, làm sao có thể viết nên những bài thơ hay để được công nhận đó là thi sĩ. Một câu hỏi ta vẫn thường nghe. Nhưng với cuốn sách trả lời câu hỏi kia như thách thức người cầm bút. Ngay từ trang đầu ông đi thẳng vào vấn đề, có vẻ khắc khe với cái gọi là hành vi sáng tạo. Sáng tạo thơ, trước hết nên biết sáng tạo trong hành vi xã hội của mình. Không sáng tạo ra một thân phận, một cuộc sống có ý nghĩa tự do chọn lựa mối quan hệ với những thực thể, đừng mơ tưởng việc làm thơ vì không sáng tạo được chẳng những khắc khe mà dữ dội nữa hành vi sáng tạo ấy đã trở thành nổi ám. Nỗi ám khoét sâu vào tận đáy tâm linh. Đến đây ta thấy ông đã chạm tới triết học. Những gì bên trong cái được gọi là tâm thức, tâm hồn được nâng cấp thành tâm linh. Ở thế giới này cuộc sống phong phú phức tạp còn hơn thế giới bên ngoài. Mỗi người với một góc trời riêng nhưng cái gọi là tâm lại có mối liên kết từ người này sang người kia. Nhà thơ với độc giả theo ông sự tương tác tâm giao. Nhưng ta như không biết gì nó, ngay cả pháp luật không đưa tay tới đụng nó- chỉ có thơ, thơ phát tiết từ tâm linh và lối đi vào tâm linh phải đi theo ông qua chiếc cầu, mà chiếc cầu ấy – nó bắc vào cõi sống người ta. Đôi khi còn bắc lên tận đỉnh ảo ảnh của ngôi sao đã chết từ trước ngàn năm ánh sáng. Chiếc cầu ấy vừa bền vững vừa mong manh. Chiếc cầu ấy bắc giữa hai bờ hư thực chỉ có thơ nhưng bi kịch của nhà thơ là tự mình không thể đi qua chiếc cầu thân phận kia để hòa nhập vào khách thể. Nhà thơ phải có sức hút lời chữ, tập hợp ngôn ngữ quanh mình, có những chữ cử động băng qua chiếc cầu tâm linh. Có chữ dừng lại trên cầu, có chữ rơi vở giữa không trung. Cho tới lúc chữ dũng cảm chiếm lĩnh khách thể. Chữ cử động là khái niệm rất quen thuộc của Triệu Từ Truyền. Lần đầu tiên nó xuất hiện trong tuyên ngôn của nhóm Bộ Lạc mới của mấy chàng trai tuổi đời rất trẻ “Thơ là những ngôn ngữ cử động…”
Nó quay trở lại để qua cầu tâm linh thì ra Triệu Từ Truyền dù hoàn cảnh sống như thế nào sự suy tưởng chiêm nghiệm về những con chữ vẫn luôn giữ trong đầu suốt bốn chục năm qua. Để đi qua cầu tâm linh viết được bài thơ hay đâu phải chuyện chơi. Cần “tập hợp ngôn ngữ quanh mình”. Người làm thơ thường được là yếu đuối trói gà không chặt nhờ con chữ bỗng trở nên mạnh mẽ “tiêm thẳng vào tủy sống của mình những chữ để sinh ra hồng cầu thơ”
Quan niệm suy tư của Triệu Từ Truyền cho ta thấy hành vi sáng tạo của người sáng tác văn học. Vai trò của tâm linh như chiếc cầu nối tâm thức như phút sáng lung linh lên trong cái tác phẩm của nhiều nhà thơ lớn của VN lẫn thế giới. Ta thấy ông dẫn chứng ra hàng loạt tên tuổi xưa nay Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Trần Nhân Tông, Hoàng Cầm, Tú Xương… Paul Valéry, Yes Bonnefoy, Kenzaburo, Erek Waicott, Tagor. Cho thấy Triệu Từ Truyền khi đưa ra quan niệm ngôn ngữ cử động ông đã đọc và nghiền ngẫm nhiều sách vở để dẫn chứng. Chẳng những riêng cho văn và thơ mà còn có nhạc qua những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Chuyện chữ nghĩa ngôn ngữ thơ nhiều người đã bàn đã viết về nó. Tới những chữ qua cầu tâm linh Triệu Từ Truyền tổng hợp cổ kim đưa ra quan điểm của mình. Tôi phải thú nhận bạn đọc khác chắc cũng vậy như là bị Triệu Từ Truyền vực dậy bởi những lập luận mạnh mẽ, quyết liệt. Thêm một khuôn mặt mới của Triệu Từ Truyền chăng. Theo chỗ tôi biết từ ý tưởng xây chiếc cầu tâm linh với những triết luận có màu sắc triết học anh tiếp tục viết một cuốn sách khác. Thay vì nhịp cầu nối lần này biến thành sự tương tác giữa con người với xung quanh với nhân loại. Từng viết tiểu thuyết có nhan đề Tương Tác, có vẻ Triệu Từ Truyền chưa vừa bụng nên đào sâu ý tưởng qua lĩnh vực triết học. Đúng là mặt trăng mặt trời ai cũng nhìn thấy nhưng mỗi người lại có cái nhìn khác nhau. Tôi tin đến cuối đời Triệu Từ Truyền với nhân sinh quan kinh nghiệm sống của mình lần này anh cũng sẽ làm nóng người đọc lên.