( Cuốn tiểu thuyết kì lạ hiếm hoi trong nền tiểu thuyết đương đại VN)
( Tiến sĩ Văn học Nguyễn Văn Đường- Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội )
Đọc gần 30 tập tiểu thuyết của nhà văn làng Chiện (Trèm) Nguyễn Hiếu, thấy ông quả là một cây viết trường lực với nhiệt hứng sáng tạo, tìm tòi cái mới không biết mệt, không chỉ về nội dung tư tưởng mà còn luôn hăm hở muốn bứt phá trong nghệ thuật thể hiện, trong bút pháp, thủ pháp… hầu như không chịu lặp lại chính bản thân mình. Mỗi cuốn, dù viết về làng Chiện( tên làng Chèm ( Xã Thuỵ Phương, Từ Liêm Hà Nội được Nguyễn Hiếu tiểu thuyết) quê hương hay một chuyến tàu viễn dương, một ông nông dân ra tỉnh, hoặc về kẻ tự bán mình…đều có ít nhiều nét mới, lạ, hoặc về hình thức dựng, kể, hoặc xây dựng hình tượng, hay cách mở, kết, lời văn, hoặc sâu rộng hơn là kết hợp các bút pháp tiểu thuyết tây - đông, xưa – nay… Có lẽ đó là một trong những lý do quan trọng khiến tiểu thuyết Nguyễn Hiếu hấp dẫn bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ chăng? Tất nhiên, không phải bất cứ sự tìm tòi, khám phá nào của tác giả cũng đều thành công như ý muốn. Nhưng cần ghi nhận và biểu dương nỗ lực, khát vọng chân chính và trong sáng, mãnh liệt làm nên cái lõi văn chương nghệ thuật thực sự lâu bền của nhà văn. Trong đám tiểu thuyết ngổn ngang ấy, những người đọc tri âm hay nhắc đến Con ngố và Chuyện tình của người điên, như là những kết quả, thành công nổi bật về sáng tạo nhân vật và thể loại của Nguyễn Hiếu. Nhưng hôm nay, tôi chỉ mới có điều kiện bàn đôi lời về cuốn Chuyện tình của người điên (1989).Một cuốn tiểu thuyết mà theo tôi là đặc biệt vì tính kì lạ hiếm hoi trong cả nền tiểu thuyết đương đại của nứơc ta .
1. Vấn đề thể loại
Chuyện tình của người điên (CT…) là tiểu thuyết. Hiển nhiên rồi! Nhưng đó là loại tiểu thuyết gì thì, với riêng tôi, thật không dễ trả lời!? Phải chăng là tiểu thuyết lịch sử như Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Lý triều Bát đế hay bộ tiểu thuyết về triều Trần (Hoàng Quốc Hải), hoặc như Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Nguyễn Thị Lộ (Hà Văn Thùy), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mông Giác), Tây Sơn bi hùng truyện (Nguyễn Thanh Danh)…? Không phải! Vì Chuyện tình của người điên không dựa vào một vương triều có thật nào trong lịch sử Việt Nam hay thế giới, không tựa hẳn vào 1 giai đoạn lịch sử cụ thể nào để làm bối cảnh lịch sử – không gian nghệ thuật cho tiểu thuyết. Trong mấy chục nhân vật cả chính, cả phụ từ vua Bi Đa đến cô Hồng Tước qua chàng Ly Tri, công chúa Ba Na…đều là hình tượng nhân vật hư cấu 100%. Nghĩa là, không hề có 1 nhân vật lịch sử có thật nào trong Chuyện tình. Về sự kiện, sự việc cũng vậy. Đây là câu chuyện của quốc gia nào, triều vua nào, giai đoạn nào? Những câu hỏi kiểu ấy đều không có câu trả lời chính xác với tiểu thuyết này. Nhưng, đọc kỹ, ngẫm ngợi, liên tưởng, tưởng tượng sâu rộng thì lại thấy những tia hồi quang xa xôi nhưng không hề yếu ớt mà ngược lại, khá rõ nét về một giai đoạn lịch sử chưa xa ở nước ta, và một vài quốc gia láng giềng hoặc tận phiá trời Tây, trời Đông nào đó với những vĩ nhân, anh hùng, lãnh tụ lừng lẫy một thời, thấp thoáng hình ảnh một vài sự kiện lịch sử long trời lở đất, hùng – bi dữ dội, đẫm máu và nước mắt… đã từng xảy ra mà đến nay nhân dân thế giới vẫn còn ám ảnh, kinh hoàng.
Nếu vậy, CT…có lẽ thuộc về tiểu thuyết phúng dụ, ngụ ngôn chăng? Cũng không phải! Vì ở đây, nhân vật không phải là những con vật hay đồ vật (trừ cái bình khủng khiếp của thằng điên Da; nhưng theo tôi, đó chỉ là một hình ảnh biểu tượng duy nhất mượn từ cổ tích, thần thoại) mà chủ yếu là những con người với cả tính cách, tâm trạng, diễn biến hành vi, độc thoại và đối thoại khá phức tạp mang tính xã hội sâu sắc. Nếu căn cứ vào yếu tố tưởng tượng phóng túng về nhân vật và sự việc, tình huống truyện, căn cứ vào giọng điệu kể, tả và ngôn ngữ đối thoại lại có thể nghĩ tới thể loại tiểu thuyết – anh hùng ca (hay bi hùng ca), hay tiểu thuyết - huyền thoại kiểu Trăm năm cô đơn (Macket)? Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy! Tiểu thuyết tâm lý xã hội? Tiểu thuyết gia đình? Tiểu thuyết triết lý? Tiểu thuyết kiếm hiệp? Tiểu thuyết viễn tưởng?... đều không phải! Tôi đã trao đổi băn khoăn này với tác giả. Ông trả lời: - Trong tiểu thuyết này có tất cả những thứ như bạn vừa chỉ ra. Mỗi thứ một ít. Tổng hợp lại, làm thành CTCND của Nguyễn Hiếu! Câu trả lời hóm hỉnh như đùa, thực ra rất nghiêm túc của nhà văn làng Chiện khiến tôi chợt nhớ đến câu trả lời của đại văn haò L.Tônxtôi khi một phóng viên Nhật Bản đến thăm cụ ở điền trang Iaxnaia Paliana, (Nga) về thể loại của tác phẩm vĩ đại Chiến tranh và hòa bình: Đó không phải là tiểu thuyết, cũng không phải là anh hùng ca .. theo nghĩa thông thường của nó. Tôi muốn viết tất cả những nội dung, ý nghĩa và tưởng tượng của tôi, những điều tôi muốn nói đã được viết đúng với hình thức phù hợp với nó. Và cụ ghi ở ngoài bìa bản thảo: Sáng tạo nghệ thuật của bá tước LN. Quả thật, tôi không hề có ý so sánh CTCND với CTVHB về mọi mặt, vì hiển nhiên, chúng ở 2 bậc thang giá trị rất khác nhau. Nhưng riêng về mặt hình thức thể loại thì vẫn có một điểm nhỏ trùng nhau. Đó là sự tìm tòi, sáng tạo, phá cách, đổi mới thể loại của 2 cây bút. Nếu vấn đề thể loại của CTVHB từng gây nên những tranh cãi dai dẳng trên văn đàn Nga và châu Âu suốt nửa cuối thế kỷ 19 với những cách định danh và lý giải rất khác nhau. Cuối cùng tương đối thống nhất với quan điểm của Tômat Man (Đức): đó là tiểu thuyết – sử thi - anh hùng ca. (rút gọn: tiểu thuyết – anh hùng ca; roman - epopei).
Về thể loại của CTCND, có lẽ mới mang lại những băn khoăn của một số ít người đọc hạn chế. Tôi không biểu đồng tình với nhà tiểu thuyết Chu Lai, khi ông xác định Chuyện tình… thuộc thể loại tiểu thuyết dã sử, thần thoại (1). Với riêng tôi, tôi muốn tạm đặt tên thể loại của tiểu thuyết này là tiểu thuyết luận đề. Vì những lẽ sau:
- Chủ đề tư tưởng của tác phẩm chính là vấn đề chủ chốt, trung tâm được đưa ra bàn luận, lý giải, thể hiện, chứng minh, thuyết phục người đọc bằng cốt truyện, hệ thống hình tượng, tình huống, tình tiết và chi tiết nghệ thuật cùng các thủ pháp nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết một cách xuyên suốt, nhất quán, đầy dụng ý và, về cơ bản, đã đem tới hiệu quả nhất định. Đó là mâu thuẫn giữa lý trí và dục vọng của con người; đó là bi kịch của danh nhân - lãnh tụ sau chiến thắng huy hoàng lại rơi vào thóai hóa, biến chất, lầm lạc, thậm chí tội lỗi và đã phải trả giá đắt không chỉ cho cá nhân mình mà cho cả đất nước, dân tộc. Vấn đề lịch sử, xã hội của đất nước và thời đại ấy được nêu và biểu hiện, bước đầu lý giải trong tác phẩm này mang ý nghĩa khái quát sâu rộng. Tất cả mọi nỗ lực cố gắng của tác giả trong hơn 200 trang sách là để thực hiện mục tiêu khó khăn, phức tạp nhưng cũng rất thú vị và hấp dẫn đó.
- Chính từ nguyên nhân và mục đích cơ bản này đã chi phối mọi mặt, tất cả các bình diện, từ khái quát đến cụ thể, từ nội dung đến hình thức lớn, nhỏ của CTCND, tạo nên cái thế giới nghệ thuật riêng khá độc đáo mà Nguyễn Hiếu đã sáng tạo ra bằng tất cả cảm hứng, trí tưởng tượng bay bổng trên cơ sở vốn sống phong phú và nhiệt tình công dân đang độ sục sôi, cháy bỏng của mình.
- Thực ra thể loại tiểu thuyết luận đề, không chỉ có mặt trên thế giới, mà ngay ở Việt Nam, cũng đã xuất hiện từ hơn nửa thế kỷ nay với những tiểu thuyết dài, ngắn của Nhất Linh, Hoàng Đạo và cả Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…Nguyễn Hiếu là người đi sau. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, chọn thể loại tiểu thuyết luận đề sau mấy thập kỷ, liệu tác giả có đem lại điều gì mới mẻ, hấp dẫn hơn cho thể loại tiểu thuyết này?
2. Sức mạnh của liên tưởng và tưởng tượng – linh hồn của hư cấu
Nguyễn Hiếu đã chứng tỏ một sức liên tưởng và tưởng tượng rất dồi dào, phóng khoáng, tự do đến có khi phóng túng trong CTCND. Để nghệ thuật hóa, hình tượng hoá một luận đề lịch sử – xã hội mang tính khái quát triết luận cao, ông đã xây dựng một cốt truyện với những nhân vật hoàn toàn hư cấu mang đậm tính huyền thoại giả tưởng. Ngay những cái tên địa danh, tên nhân vật cũng mang ẩn ý phúng dụ mà tác giả gửi gắm. Chẳng hạn: Bi Đa nghĩa là bịa đặt, Ti Thu: tiểu thuyết, Ly Tri: Lý trí; Ba Na: Bản năng, thằng Da: thằng dại…Cách đặt tên này gây cho người đọc sự tò mò, khó hiểu và khi phát hiện ra dụng ý nghệ thuật của nhà văn thì lại thấy rất hứng thú vì sự phù hợp giữa tên gọi và tính cách, số phận nhân vật. Hóa ra mỗi nhân vật hư cấu đều bắt nguồn từ 1 khía cạnh của luận đề chủ chốt – linh hồn của tác phẩm. Cách làm này thường rơi vào sự minh họa, chủ quan, khiên cưỡng do sự sắp đặt của tác giả. Nhưng với NH, trong trường hợp này thì không và ngựơc lại, đã tạo nên sự hấp dẫn nhất định từ các hình tượng ông tạo ra. Nhưng đến nhan đề của cuốn tiểu thuyết này thì, với riêng tôi, lại thấy không ổn. Chợt liên hệ đến 2 cái tựa đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Bảo Ninh: Nỗi buồn chiến tranh – Thân phận tình yêu những năm 90 thế kỷ trước. Tôi cho rằng Nỗi buồn chiến tranh giản dị, đầy sức ám ảnh và khái quát mới là tựa đề đích thực của tiểu thuyết này. Còn Thân phận tình yêu chỉ khái quát được câu chuyện tình Kiên - Phương một thời bom đạn và hậu chiến, một bình diện của chủ đề tiểu thuyết mà thôi. Thêm nữa, nhan đề này lại rất sến, như nhan đề 1 vở cải lương chào khách và ăn khách! Cũng có thể nói như vậy với nhan đề Chuyện tình của người điên.Và còn dở hơn nữa vì nhan đề này không chỉ rất sến, rất cải lương mà còn không phù hợp với chủ đề - luận đề nghiêm túc và sâu sắc của tác phẩm. Nó chỉ liên quan tí chút đến nhân vật thằng Da điên nhưng đọc kỹ, vẫn không thấy chuyện tình của nó với công chúa Ba Na, từ cả hai phi ái, theo đúng nghĩa của chuyện tình mà chẳng qua chỉ là 1, 2 chi tiết nhỏ liên quan đến bản năng của hai người. Tôi cho rằng chí ít, một cách giản dị nhất, tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu cũng nên là: Chuyện vua Bi Đa, hoặc Bi kịch nước Ti Thu hoặc Bi Đa - Ly Tri – Ba Na…Tôi nghĩ, tuy là 1 hạn chế rất nhỏ và dễ dàng khắc phục nhưng nhan đề Chuyện tình có khi lại là một dụng ý thu hút bạn đọc trẻ thời nay của chính tác giả chăng? Nhưng đó lại là chuyện khác rồi!
Những tưởng tượng của tác giả Chuyện tình … có tùy tiện, vô sở cứ không? Có ma quái, yêu ngôn không? Tôi nghĩ là: không! Ngược lại, đọc kỹ, vẫn thấy rõ cái mạch lạc riêng của một ngòi bút tiểu thuyết rất tỉnh táo, luôn làm chủ đầu óc mình. Chẳng hạn đoạn tưởng tượng phóng túng đỉnh cao loại nhất trong tiểu thuyết này: đoạn tả cảnh công chúa Ba Na mê man, đau xót, nhớ thương cùng cực đến dại tê, đến mất trí, đến cuồng hứng, làm tình với cái đầu và bằng cái đầu người yêu, chàng Ly Tri bất hạnh:
Công chúa rên rỉ thì thầm, nước mắt ròng ròng. Nàng nghĩ đến khi chàng còn sống. Nàng thận trọng đặt chiếc đầu của người yêu dấu trên mặt gối. Công chúa cởi áo choàng ra, thân thể trần truồng của nàng nhấp nhoáng trong ánh sáng run rẩy của ngọn bạch lạp. Nàng bê chiếc đầu lên để cặp môi giá băng lướt trên thân thể nàng nhiều lần. Những vệt máu của chiếc đầu lâu lại đỏ rực như hoa trên khắp làn da trắng mịn của nàng.
Rồi nàng ôm chặt chiếc đầu lâu lăn lộn trên giường. Nàng muốn mình như đang được yêu và đang sung sướng. Nỗi tưởng nhớ và điều ước vọng , sự ăn năn trước tội lỗi và nỗi tuyệt vọng làm công chúa Ba Na quằn quại. Mắt nàng nhắm nghiền, tay nằng ôm ghì lấy chiếc đầu lâu sát vào đầu vú căng cứng của mình. Mãi cho đến khi nàng mệt lử, nàng giơ tay lên và nhìn thẳng vào khuôn mặt Ly Tri. Công chúa Ba Na thấy đôi mắt của đầu lâu mở bừng ra, hai giọt nước mắt nóng hổi từ khóe mắt rơi xuống. Nàng reo lên, và lại áp chiếc đầu lâu vào ngực. Hơi ấm của cơ thể nàng làm đôi môi Ly Tri nóng lên. Nàng áp mãi, áp mãi môi mình vào môi chàng vệ sĩ.
Sáng hôm sau, khi vua và Hồng Tước vào được phòng công chúa, đã thấy linh hồn nàng lìa khỏi xác. Hai mái đầu của Ly Tri và Ba na gắn liền vào nhau nơi hai cặp môi. Sau này, sử gia Li Đa chép lại thiên tình sử này đã hạ câu: Công chuá Ba Na xinh đẹp – người con gái duy nhất của vua Bi đa hùng mạnh đã chết trong hơi ngạt của ái tình vĩnh cửu. (Chuyện tình của người điên; Nguyễn Hiếu – Tuyển tiểu thuyết, tập 4; tr. 661 – 662. NXBHN 2010)
Phải chăng từ từng hình ảnh, chi tiết đến giọng điệu… đều thăng hoa tột vời hướng về một tình yêu bản năng, trong suốt, tự nhiên và thánh thiện bậc nhất nhưng không hẳn là thần thoại, huyền thoại, tiên thoại hay Phật thoại gì mà vẫn bắt nguồn từ những cơ sở sinh lý, tâm lý học đơn giản, dễ hiểu và hợp lý. Sự kết hợp khéo léo và hiếm hoi những yếu tố trái ngược nhau đó tạo nên cảm giác thiêng liêng, ngợi ca của sử thi cổ đại đồng thời nồng đượm, chan hòa một hương vị nhục cảm trần thế rất hiện đại. Riêng câu cuối chép lời sử gia Li Đa thì lại chuyển giọng hài hóm, giễu nhại nhưng không hề tỏ ra lạc điệu, mà trái lại, khiến cho đoạn văn trở nên đa thanh, phức điệu, thú vị lạ lùng. Đó là cái giọng điệu hao hao giọng anh hùng ca cổ đại Hôme trong Ili át – Ôđixê như Chu Lai từng cảm nhận khá tinh tế (1). Chỉ hao hao, giông giống bên ngoài, trên bề mặt thôi. Còn trong bản chất, giọng văn trong Chuyện tình của Nguyễn Hiếu là giọng văn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại với những biến đổi ngữ điệu, ngữ khí linh hoạt, đa dạng, phức tạp hơn nhiều.
Có lẽ đó chính là một đặc điểm của bút pháp tiểu thuyết luận đề – lịch sử – giả tưởng của Nguyễn Hiếu chăng? Và đó cũng là nét khu biệt với bút pháp tưởng tượng của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà… chẳng hạn, trong những tiểu thuyết vừa xuất bản mấy năm gần đây của các tác giả ấy chăng?
Có thể nói 100% sự kiện, sự việc trong Chuyện tình… đều là hư cấu nhưng cũng có thể nói 100% tình tiết, chi tiết ở đó đều là ảnh chiếu, hồi quang xa gần của thực tại gần xa, xưa nay khúc xạ và phóng to hoặc thu nhỏ tùy theo ý đồ nghệ thuật chủ quan của tác giả. Chuyện vua Biđa ban hành lệnh kỳ quái giết vịt chẳng hạn. Người đọc trung bình, đọc tới đây, ai chẳng liên hệ xa gần đến chiến dịch diệt chim sẻ mấy chục năm trước ở một nước láng giềng. Trong tay những cận thần gian xảo, mưu mô hiểm ác hơn cả rắn độc, người cầm quyền tối cao chỉ thấy mục đích thực dụng có lợi cho việc bảo vệ quyền uy chính trị của mình mà hóa ngu tối trước những bình diện thông thường trước mắt và lâu dài khác. Nhưng chuyện nghe Hồng Tước loại bỏ các đại thần sau chiến thắng, cảnh đấu tố, giong giải và hành tội các đại tướng trụ quốc Vu Gia, Than Nga lại chỉ là cái bóng mờ và thô sơ của lịch sử thế giới hiện đại. Nghĩa là chỉ được kể thuật một cách đơn giản, sơ lược. Còn sự kiện xây lăng Cẩm Sa và số phận kiến trúc sư kỳ tài Bá Thông, thì theo tôi, dù không cố ý, nhưng người đọc vẫn thấy quá rõ sự ảnh hưởng của bi kịch lịch sử Vũ Như Tô (1942); (xây Cửu Trùng đài bên bờ hồ Tây, Thăng Long) của Nguyễn Huy Tưởng, chỉ không thấy cung nữ tri kỷ Đan Thiềm. Tôi cho đó là một trong những hạn chế về hư cấu, tưởng tượng trong Chuyện tình, làm giảm sự hấp dẫn với người đọc hôm nay.
Nhưng nhân vật thằng điên Da với cái bình – thì như quả bom nguyên tử – luôn kè kè bên mình, với bài hát ghê rợn, quái đản muốn hăm dọa cả thế gian, có mặt hầu khắp các chương truyện không chỉ như người chứng kiến, người dẫn mối, người báo tin độc đáo mà có khi cũng như 1 nhân vật chính diện tham gia trực tiếp cùng với câu chuyện của những nhân vật khác và đôi khi trong cái cơ thể méo mó, dị dạng ấy vẫn lóe lên những khao khát cháy bỏng, bản năng về tình yêu, tình người (như những đoạn viết về quan hệ của Da với công chúa Ba Na). Đọc Nguyễn Hiếu, thấy thằng Da chẳng qua cũng chỉ là biến thể, dị bản của những lão Cu, con Ngố trong 1 loại hình tiểu thuyết mới của riêng ông mà thôi. Những nhân vật quái dị kiểu này, hình như không thể thiếu được trong các tác phẩm văn xuôi của nhà văn làng Chiện, tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật không phải không sâu sắc, mới lạ. Nguyễn Hiếu tưởng tượng ra cái kết cục bi thảm của cuộc đời thằng điên mang chiếc bình quái dị này, theo tôi, như một ẩn dụ về tương lai. Cái ác mang lại thảm họa hủy diệt cộng đồng, nhân loại sẽ bị loại trừ, có khi bằng chính những hành động quyết liệt đầy thức tỉnh của những nạn nhân một thời vinh quang và lầm lỗi.
Vua Biđa là hình tượng tưởng tượng trung tâm của tiểu thuyết. Về tính cách và số phận, nhìn chung là đơn giản, một chiều trong quá trình từ đỉnh cao vinh quang chiến thắng, trượt dài đến bờ vực thẳm của sự tha hóa, sa đọa, ngu tối bởi sự thao túng của nữ tì Hồng Tước. Tác giả cho thấy nhân vật của ông cũng nhiều phen cố sức tỉnh táo, muốn vùng thoát khỏi vòng vây vô hình cứ ngày càng siết chặt quanh kinh thành, khắp đất nước của ông, trong chính con người ông. Nhưng rồi sự mê muội và quyền lực tối thượng đã ngày càng nhấn ông chìm đắm vào những sai lầm, tội lỗi ngày một sâu, không sao vùng thoát ra nổi. Hình ảnh nhà vua khỏa thanh kiếm đẫm máu xuống dòng sông lớn và đi về phiá núi mờ xa cũng là một ẩn dụ bi đát và bế tắc của 1 vĩ nhân cầm quyền, kết thúc một giai đoạn lịch sử hào hùng và đau thương của không chỉ riêng một đất nước, một dân tộc trên địa cầu những thế kỷ qua. Vượt lên bi kịch khủng khiếp của một cá nhân, vĩ nhân để thành bi kịch của đất nước, dân tộc, lịch sử và thời đại phải và đã trải qua trên con đường phát triển. Tuy nhiên, người đọc chưa thấy thật sự xúc động trước sự dằn vặt, đau khổ, chưa thấy rõ, đậm những biến động trong tâm trí của nhà vua trong quá trình tha hóa và chớm bắt đầu thức tỉnh. Thấy ông vẫn chủ yếu như một nạn nhân thê thảm của Hồng Tước, tất nhiên, cũng là nạn nhân mê muội của chính bản thân mình, tính cách mình, số phận mình như cái khung chung của những vị, những bậc đang từ minh chúa chuyển sang hôn quân, hại dân, hại nước, hại cả chính mình, để cuối cùng trở thành niềm tiếc thương cùng chê cười của nhân dân đương thời và hậu thế (2).
Theo tôi, Hồng Tước là một nhân vật tác giả bỏ nhiều công phu, tâm sức xây dựng với dụng ý tư tưởng - nghệ thuật rõ ràng, trở thành nhân vật còn quan trọng hơn cả vua Bi đa, làm nên mọi chuyện theo ý chí trả thù khùng khiếp của mình. Nàng chết trên ngôi vị Hoàng hậu cao sang, trong sự đắc thắng hả hê vì đã hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ mà đời đời cha ông nàng luôn thất bại. Thế nhưng, xuất phát điểm và sự lý giải cuả tác giả lại có phần cực đoan, phiến diện và có lẽ chưa ổn, khi Nguyễn Hiếu truy nguyên nguồn gốc của Hồng Tước là con đẻ của những oan hồn, những oan trái nhân dân trong nhiều thế kỷ tích tụ lại.Và mục đích đen tối và ghê gớm suốt đời nàng thề sẽ thực hiện bằng được và nàng đã thành công là phá nát đất nứơc Ty Thu, biến vua Bi Đa thành người cầm quyền cô độc nhất! Lẽ nào oan hồn, nạn nhân của nhân dân, lịch sử lại chỉ có 1 cách báo thù độc ác và phản nhân văn như thế?! Tôi cho rằng đây chỉ là tưởng tượng hoàn toàn chủ quan của tác giả. Có lẽ ông cũng bị ám ảnh bởi những người đàn bà từng một tay làm nghiêng nước nghiêng thành, lật đổ cả 1 triều đại trong lịch sử cổ, trung và hiện đại thế giới, để sáng tạo nên hình ảnh này.
Nhìn chung, về chiều sâu tính cách cũng như về nghệ thuật xây dựng nhân vật, Hồng Tước cũng còn đơn giản, sơ lược, nguyên phiến, chưa có gì thật nổi trội, độc đáo so với những nhân vật cùng loại, càng đơn giản hơn so với thực tế cuộc sống.
Trở lên là vài thu hoạch đầu tiên của chúng tôi khi đọc tiểu thuyết Chuyện tình của người điên của Nguyễn Hiếu; với những thành công và những hạn chế về thi pháp tiểu thuyết hiện đại mà ông thể nghiệm. Từ đó, gợi ra một vài đặc điểm bút pháp tiểu thuyết của riêng ông, đặc biệt là vấn đề thể loại và nghệ thuật hư cấu - tưởng tượng.
Thiển nghĩ, Chuyện tình của người điên cùng một số tác phẩm văn xuôi và kịch khác của Nguyễn Hiếu cần được giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại tìm hiểu kỹ càng, nghiêm túc hơn so với hiện nay./.
. ĐV
ĐT: 01666800831
E mail: d0988502105@gmail.com
1. Về thể loại và giọng điệu của Chuyện tình của người điên, Chu Lai viết:
Ở Chuyện tình người điên, Nguyễn Hiếu lại khỏa chân sang một thể loại hoàn toàn khác, thể loại dã sử thông qua một người điên và những mối tình cũng điên loạn của nhân vật chính để tập trung miêu tả một triều đình xa xưa do hoang tưởng mải ngủ quên trên giá trị, chiến tích cũ mà quên đi xã hội xung quanh mình đang còn rất nhiều dang dở, bất hạnh, trái ngang, phi lý, bất công và hàm chứa cả hiểm họa nổi loạn. Ý tưởng thì nghiêm cẩn, nặng nề thế nhưng lại được khai triển theo phong cách huyền ảo, hài hước nên nó thấm vào người đọc rất ngọt, không lên gân, không khô cứng, không rao giảng. Ẩn dưới hình thức tiểu thuyết dã sử, thần thoại mà trong hơi thở nhịp văn hao hao chất anh hùng ca của Hôme nhưng cuốn tiểu thuyết độc đáo không chỉ của riêng tác giả này lại là sản phẩm của sức tưởng tượng lạ lùng của Nguyễn Hiếu. Một vương triều Biđa (Bịa đặt) của xứ sở Tithu (tiểu thuyết) được dựng lên không chỉ mô tả, báo động về một hiện thực khủng khiếp khi dân chúng đang bị trị vì bởi một hôn quân chỉ say sưa với tuyên ngôn của mình mà còn là sự xung đột mang tính muôn đời, nhân loại giữa lý trí (dũng sĩ Ly Tri) và bản năng (công chúa BaNa) trong guồng quay khắc nghiệt, đa đoan của nhân thế…
Văn của Nguyễn Hiếu không bao giờ rao giảng, không làm duyên, không cố tình triết lý triết luận, nó cứ tự nhiên trào lên như nước mạch với tất cả những bụi bặm, trong đục của nó và chính vì thế mà nó rất đời. Có nhiều đoạn Hiếu viết như nhập đồng, như lên cơn, như …kẻ điên. (Võ Thị Hảo, tác giả Giàn thiêu cũng nhận xét như vậy). Phải chăng chính vì cái điên này mà một gã nhà quê như Hiếu tự nhận mới có thể có được những trang viết như bị ma làm như thế. Chợt nghĩ, nếu Hiếu tỉnh hơn một chút, sáng suốt hơn một chút thì chưa chắc đã có được những con chữ nổi mần, nổi cục lên như vậy. Đó là cái mạnh và cũng là cái yếu của Hiếu.
(Chu Lai; Đôi nét về Nguyễn Hiếu; báo Văn nghệ)
- Tham khảo ý kiến nhận xét và so sánh của Văn Chinh về nhân vật vua Bi đa:
Một trong các hình tượng đầu tiên của Nguyễn Hiếu là nhân vật ám thị siêu quyền lực (Chuyện tình của người điên (1989). Trong môi trường chưa phát triển, khi đời sống văn minh còn là thiểu số giữa cái tăm tối hoang sơ, là nơi ẩn chứa nguy cơ những bạo chúa hiện đại ra đời, để rồi, với tuồng tích cũ nhiều khi ngô nghê kiểu chiến dịch bắt chim sẻ. Bạo chúa ngự trị thần dân được mông má đi gọi là công dân cho có vẻ dân chủ. Đọc Chuyện tình của người điên, so sánh với Nghệ nhân Macgarita (Bun ga cốp), thấy cái môi trường của bạo chúa ám thị của Hiếu u u minh minh hơn, mịn màng hơn với rất nhiều huyền tích tuy rằng ngược ngạo hơn hơn môi trường bạo chúa của Nghệ nhân… nơi tác giả phải viện dẫn trò cơ giới của ảo thuật, hô biến cái khăn tay thành chim bồ câu, chẳng hạn. Mặt khác, nếu Nghệ nhân mới chỉ dừng lại trong khuôn khổ 1 thời, 1 nước, thì, với 1 địa danh quốc gia giả tưởng, với 1 nhân vật có hiều hình tích khác lạ, hình tượng siêu quyền lực của Chuyện tình là của chung nhân lọai. Nó có thể tái sinh và biến dạng ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào như 1 loài nấm đã chết khô nhưng cứ có hơi ẩm là từ chỗ tưởng như không còn mảy may dấu vết, nấm lại sinh sôi nảy nở. Nó là tất yếu chăng?
(Văn Chinh: Dòng chảy của hiện thực xô bồ được nhìn thấy bằng tâm tưởng Nguyễn Hiếu (trích bài Tựa Nguyễn Hiếu tuyển tập, quyển 1. NXB Hà Nội, 2010. tr. 13)