Tại hội nghị toàn quốc với Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính cho biết:
“Riêng lĩnh vực quản lý nhà nước công chức, viên chức thuộc hệ thống quản lý nhà nước trong 5 năm qua sai phạm 10% trong tổng số cán bộ được đề bạt, bố trí vào các vị trí”. [1]
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng: “Đây là con số địa phương báo cáo lên, Bộ chưa đi kiểm tra, xác minh. Khi Bộ đi kiểm tra chắc con số này sẽ khác”.
Số liệu Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đề cập là do địa phương báo cáo lên trung ương, thế có nghĩa là con số không thể nhỏ hơn được nữa.
Nếu kết hợp với tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, không ít khi còn là “trên bảo dưới không nghe” thì có thể khẳng định, khi Bộ Nội vụ đi kiểm tra, con số 10% chắc chắn chỉ có thể tăng chứ không có chuyện giảm.
Vấn đề là tăng từ 10% lên đến bao nhiêu phần trăm thì phải chờ xác minh, nói như một vị thuộc “thế hệ trước” là “không vội được đâu”!
Tuy không có con số tuyệt đối chính xác tại từng thời điểm song số liệu thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 2,8 triệu công chức, viên chức - trong đó ngành giáo dục chiếm số lượng đông nhất, khoảng hơn một triệu người, 10% của 2,8 triệu là gần 300 nghìn người.
Chỉ riêng khối công chức, theo phê duyệt của Thủ tướng về biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách trong các cơ quan hành chính nhà nước, tổng biên chế công chức năm 2018 (của các cơ quan, tổ chức hành chính, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài) là hơn 265.000 người, con số này không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.
|
Ảnh minh họa: KT/ VOV |
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu:
“Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”. [2]
Vận dụng cách diễn đạt của ông Nguyễn Phú Trọng, có thể thấy 5 năm qua chỉ riêng cấp huyện, tỉnh và các cơ quan trung ương (chưa kể Công an, Quốc phòng) đã có nhiều “con lươn, con chạch” được “đề bạt, bố trí vào các vị trí” trong hệ thống quản lý nhà nước.
Vậy khối lượng “lươn, chạch” ấy có thể biến thành “củi khô, củi vừa vừa, củi tươi” hay “lươn chạch” mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đề cập là chiến lược cán bộ tương lai, không phải hiện tại.
Nói cách khác “củi” không cùng đẳng cấp với “lươn chạch”, “củi” đốt trong lò nóng là cháy hết, “lươn chạch” khó ở chỗ bắt chứ không phải ở chỗ đốt.
Tỷ lệ 10% địa phương báo cáo lên trung ương là trong vòng 5 năm gần đây, gần trùng với thời điểm một vị lãnh đạo Chính phủ cho rằng có đến 30% cán bộ, công chức được tuyển dụng chẳng để làm gì, có cũng như không.
Vậy nếu chấp nhận tỷ lệ 30% thì số “lươn, chạch” sẽ gấp ba lần 27 nghìn, tức sẽ vào khoảng 80 nghìn người!
Có người bảo con số 30% là chuyện cũ, chuyện nhiệm kỳ trước, còn nhiệm kỳ này với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, minh bạch,… với chiến dịch “lò nóng - củi tươi” đang được thực hiện thì tình hình đã được cải thiện “một bước”!
Muốn biết “một bước” là thế nào, muốn tìm xem “lươn, trạch” chui rúc ở đâu, tức là muốn biết đội ngũ “công bộc” có thực sự là công bộc hay lại là “công cốc” xin hãy đọc tin sau:
“Vừa nhậm chức được 18 ngày, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản xin Ủy ban Nhân dân tỉnh 10 tỷ đồng sửa trụ sở”. [3]
Không biết việc gửi văn bản xin tiền sửa trụ sở có phải là việc “cần làm ngay” của vị Giám đốc sở này sau khi nhậm chức?
Có điều gần như là thông lệ, có nơi lãnh đạo cấp hơi to một tí nhậm chức thì việc đầu tiên là phải dọn sạch những gì mà “thế hệ trước” để lại.
Nhẹ nhàng thì sơn lại tường, xoay lại hướng bàn, trấn trạch cửa ra vào, cao thêm tí chút là mua ô tô mới, xây hòn non bộ phía cửa trụ sở để hợp phong thủy,…
Khắc phục những tồn tại về cơ chế, chính sách, quan tâm đến nhiệm vụ chính trị của cơ quan là chăm lo cho dân chúng là việc cả nhiệm kỳ bốn, năm năm, biết đâu nếu “khéo” có thể còn là vài nhiệm kỳ, việc gì phải vội!
Ở mảnh đất Giám đốc sở cần 10 tỷ đồng sửa trụ sở, thông tin cho thấy:
Đầu 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính xuất cấp hơn 300 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 12 năm 2017.
Đến tháng 5/2018 Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia 387,45 tấn gạo cho tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt (tức là cứu đói).
Cùng với Hà Giang, Thanh Hóa là địa phương có nhiều huyện nghèo nhất cả nước (6 huyện): Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa. [4]
Vẫn theo nguồn thông tin nêu trên [4], năm 2018, trung ương phải cân đối cho Thanh Hóa 14,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 57% ngân sách chi tiêu của địa phương.
Đọc con số “mười bốn nghìn bốn trăm tỷ” (mà trung ương rót cho Thanh Hóa) mới biết 10 tỷ đồng sửa trụ sở chẳng qua chỉ “bé như cái móng tay”, nhất là khi tiền ấy lại do trung ương “cân đối”, đâu phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra mà “của đau, con sót”.
Thế nhưng cũng nên biết, có thời kỳ Sở Nông nghiệp Thanh Hóa ngoài Giám đốc còn có 8 Phó Giám đốc, cộng thêm ông Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách khối nông nghiệp là tròn 10 người. Thế có nghĩa là có một bộ ba con số 10: “10 tỷ, 10% và 10 sếp”!