Nhà
văn Nguyên Hồng chiếm một địa vị khá quan trọng trong văn học sử nước nhà.
Nhưng trên hết, ông chiếm trọn cảm tình của người đọc, và bất cứ ai đặt bút viết
hoặc nói về ông, đều tỏ lòng ưu ái và sự tôn trọng, sự kính trọng đối với văn
nghiệp và nhân cách của Nguyên Hồng.
Với nhà văn Nguyên Hồng, các nhà phê bình văn học và các nhà văn lớp trước, đã đánh giá về ông khá đầy đủ.
Vì vậy, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, tôi chỉ nói một vài cảm nhận khi lần đầu đọc tác phẩm và những quan sát cùng vài kỷ niệm nhỏ của riêng tôi về nhà văn Nguyên Hồng.
Nhớ hồi nhỏ ,đọc “Những ngày thơ ấu” và “Bỉ vỏ”, tôi không nén được cảm xúc, bật khóc nức nở; khiến mẹ tôi hốt hoảng từ ngoài sân chạy vào trong nhà ôm lấy tôi, hỏi: “Con làm sao thế. Con đau bụng à?” Mẹ định bế tôi vào giường nằm. Tôi gỡ tay mẹ. Chợt mẹ nhìn thấy cuốn sách để mở trên bàn học của tôi nhòe nướcmắt. Bà chợt hiểu. Vì đây không phải lần đầu tiên tôi khóc khi đọc sách. Ngay các truyện nôm khuyết danh như “ Tống Trân- Cúc Hoa”, “ Phạm Tải- Ngọc Hoa”, “ Hoàng Trừu”, “ Lương Xích Long” hoặc “ Lục Vân Tiên” và cả “ Truyện Kiều” Vv… mẹ bảo đọc cho mấy bà bạn hàng xóm của mẹ chiều chiều qua nhà tôi nghe. Tôi cũng bật khóc khi các nhân vật lâm nạn. Mẹ lau nước mắt rồi kéo tôi ra sân, xem mấy người đang giúp việc mẹ tôi bổ cau phơi khô, vì đang mùa nắng hanh.
Vậy là cùng với các truyện nôm khuyết danh, các truyện của Bác Nguyên Hồng, không chỉ khai thị mà còn khai tâm cho tôi, một cái tâm bao dong hướng thiện.
Với “Những ngày thơ ấu”, tác giả là một cậu bé 16 tuổi, kể lại cuộc đời của mình một cách mộc mạc, chân thực, có sức lay động lòng người. Còn “Bỉ vỏ”, vừa có bút pháp độc đáo, vừa chất chứa lòng nhân ái và tính hướng thượng đã cuốn hút người đọc.
Tuổi thơ tôi biết đến nhà văn Nguyên Hồng với hai tác phẩm đó. Thật ra, tôi chỉ nhớ tên tác phẩm chứ không nhớ tên tác giả, cho tới khi tôi có ý thức về văn chương, thì tôi khao khát được nhìn thấy tác giả dù chỉ một lần. Cũng như khi đọc “Xóm giếng ngày xưa” và “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, tôi cũng có ao ước đó. Và năm nhà văn Tô Hoài 80 tuổi, cánh nhà văn Hà Nội chúng tôi mời ông lên tận Khoang Xanh (Ba Vì) chúc thọ. Tôi kể lại cảm giác hồi nhỏ khi gặp ông. Ông mỉm cười và hỏi lại rất hóm: “Bây giờ mặt nhìn mặt thì chán quá phải không?”.
Lần đầu tiên được gặp nhà văn Nguyên Hồng vào năm 1962-1963 gì đó. Hồi ấy tôi làm phóng viên báo Vùng Mỏ. Chúng tôi được mời dự cuộc báo cáo những tác phẩm mới sáng tác của các nhà văn Việt Nam gồm:
- Sóng Gầm của nhà văn Nguyên Hồng.
- Vỡ Bờ tập 1 của nhà văn Nguyễn Đình Thi.
- Những Người Thợ Mỏ của nhà văn Võ Huy Tâm.
Buổi báo cáo kết quả sáng tác của các nhà văn Việt Nam tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh, ngay sát bờ vịnh Hạ Long thơ mộng.
Cuộc gặp gỡ thật ấn tượng và long trọng. Các vị lãnh đạo đầu tỉnh như Bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh, Thư ký Liên hiệp công đoàn tỉnh, Giám đốc sở Văn hóa, đại diện báo chí và giới viết trẻ Quảng Ninh cũng được mời tham dự. Mở đầu, nhà văn Nguyên Hồng nói về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Ông nói về cái xã hội phân tầng của thành phố Hải Phòng trước 1945, hoàn cảnh cơ cực của tầng lớp lao động và dân nghèo dưới đáy. Nói tới cảnh ngộ thương tâm của nhân vật trong truyện, ông khóc nức nở như một đứa trẻ. Lúc đó tôi chợt nhớ thuở nhỏ đọc “Những ngày thơ ấu” của ông tôi cũng khóc như vầy. Tự nhiên thấy kính trọng ông và thương ông quá.
Đến lượt nhà văn Nguyễn Đình Thi nói về tiểu thuyết Vỡ bờ” và các nhân vật trong truyện. Ông nói trôi chảy và có duyên nên hấp dẫn. Về bố cục tiểu thuyết, ông học cách bố cục “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoi. Ông giới thiệu vài nhân vật trí thức tiểu tư sản trong “Vỡ bờ” thật sang trọng.
Đến lượt Võ Huy Tâm, nhà văn có nét vụng về, chân thật rất đáng yêu. Ông không gây được xúc động như Nguyên Hồng, không uyên bác như Nguyễn Đình Thi. Ông làchínhông: mộc mạc, thô phác nhưng chân thực với nụ cười hết sức cởi mở. Dường như Võ Huy Tâm chẳng nói được gì đáng kể về mình và tác phẩm của mình. Ông cười hề hề, kết luận: “Thôi các bạn cứ đọc sẽ biết mà”.
Từ bữa ấy, hình ảnh một nhà văn giản dị, sâu lắng và nhân ái từ Bác Nguyên Hồng đã ăn sâu vào trong trí nhớ tôi.
Cho tới khi về Hội Văn Nghệ Hà Nội, tôi thường được gặp bác đến Hội tìm nhà văn Kim Lân, bởi hai ông là bạn thân với nhau.
Bác Nguyên Hồng trong trí nhớ tôi, về mùa hèthường vận bộ quần áo nâu, đi dép lốp, mùa đông, trên người luôn khoác chiếc áo bông màu tím than. Một bên vai đeo trễ túi tài liệu gồm bản thảo và các thứ bác đang đọc. Bên vai kia là chiếc bi đông nhôm, sơn màu cỏ úa. Nó chính là bi đông quân dụng. Bi đông của báckhông chứa nước mà chứa rượu. Ngồi nói chuyện, lâu lâu bác lại nhấp một ngụm. Nếu có dịp về Hà Nội, thế nào bác cũng ghé Hội Văn Nghệ Hà Nội tìm nhà văn Kim Lân. Và rồi ông Kim Lân lại kéo Nguyên Hồng về nhà mình bên số 6 xóm Hạ Hồi trò chuyện bên bàn trà. Và sau trà là cơm rượu. Bác Nguyên Hồng tính vốn giản dị, chỉ cần chén rượu quê, đĩa lạc rang và bát canh rau. Rau tập tàng ông càng thích.
Như mọi người đã biết, sau chiến tranh chống Pháp kết thúc năm 1954, Nguyên Hồng về Hà Nội. Nhưng Hà Nội với ông quá phiền toái và đơn điệu. Nên năm 1958, ông đưa cả nhà lên ở tận Bắc Giang- nơi mà hồi kháng chiến chống Pháp ông đã sơ tán ở đó: xã Quảng Tiến, huyện Tân Yên để khai hoang và sống bằng các sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra.Âý cũng bởi ông là người trọng tự do,nên không chịu lụy phiền.
Nhà văn Kim Lân thường kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện vui giữa hai ông, và đôi khi có cả ông Tố Hữu nữa, hồi kháng chiến chống Pháp ở vùng tự do Phú Thọ. Hồi ấy các ông sống chan hòa, hồn nhiên, đậm tình nghệ sĩ chứ không phân thứ bậc.
Nhưng điều nhà văn Kim Lân băn khoăn nhất là làm sao kéo được ông ấy (Nguyên Hồng) về Hà Nội, chứ ở trên đó xa xôi quá, mà đã cày ruộng thì làm gì còn sức để viết văn. Một mặt bàn với Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi, một mặt thuyết phục nhà văn Nguyên Hồng. Tôi nhớ khoảng đầu năm 1970, Hội nhà văn Việt Nam quyết định ra Tạp chí, lấy tên “Tác phẩm mới”, do nhà văn Nguyên Hồng làm thư ký tòa soạn, nhà văn Nguyễn Đình Thi tổng biên tập. Số 1 có hai truyện ngắn cực hay của hai nhà văn Triệu Bôn và Đỗ Chu là “Ráng đỏ” và “Phù sa”.
Truyện hay là của hiếm, sang số hai, chất lượng sút hẳn. Bác Nguyên Hồng nói với nhà văn Kim Lân: “Ông phải viết đi. Ông vốn là cây truyện ngắn có hạng mà bấy lâu không động bút. Nếu ông không viết, xong số sau tôi lại về Yên Thế”.
Được bạn động viên, vả lại từ sau truyện “Ông Cản Ngũ” viết khoảng năm 1956-1957 gì đó, Kim Lân gần như gác bút. Hình như ông có thử tay viết một kịch bản phim “Cô gái công trường”, nhưng bút lực quá xoàng; đâm nản.
Hồi đó, tôi ở Tạp chí Sáng tác Hà Nội, thấy hai ông Nguyên Hồng- Kim Lân xoắn xuýt lắm. Nhưng Nguyên Hồng luôn thúc bài, mà Kim Lân lại viết rất chậm. Cuối cùng ông Kim Lân cũng đưa cho ông Nguyên Hồng một cái truyện ngắn, mà cả hai ông đều lắc đầu. Tuy nhiên, truyện vẫn in, tôi không nhớ là số 3 hoặc số 4 Tạp chí tác phẩm mới. Truyện có một chi tiết: “Những chiếc xe xích (xe tăng) khua rộn rã trên đường làng”. Tôi hỏi nhà văn Kim Lân: “Anh Kim Lân ơi, hình ảnh xe tăng xuất hiện trong văn chương, là báo hiệu không khí chiến tranh. Sao anh lại dùng từ “Khua rộn rã trên đường làng” cứ như xe tăng là niềm vui, niềm hạnh phúc chốn đồng quê vậy?” Nhà văn Kim Lân sa sầm mặt, vẻ buồn hiu. Giọng ông nhỏ nhẹ: “-Đã bảo không viết nữa, Nguyên Hồng cứ ép mãi. Lòng mình đã khép lại rồi sao còn viết được văn nữa”. Và từ đấy, nhà văn Kim Lân vĩnh viễn khép bút. Còn nhà văn Nguyên Hồng lại trả thành thị cho Thủ đô của Tổng thư ký Hội Nhà văn Nguyễn Đình Thi, về với suối rừng Bắc Giang để hoàn thành bộ “Cửa biển” và in xong tập I “Núi rừng Yên Thế”, tập II vẫn còn là bản thảo dở dang thì ông ra đi vào ngày 2 tháng 5 năm 1982.
Bây giờ, nhà văn chúng ta không phải lo nhiều chuyện áo cơm, chứ các thập niên 70-80 của thế kỷ trước, bác Nguyên Hồng và gia đình kiếm được miếng cơm manh áo ở vùng sỏi đá Bắc Giang, là cực kỳ gian nan. Lo ăn, lo mặc dù khó mấy với bác cũng chỉ là tạm thời; cái chính là lo viết.
Phải nói mỗi chữ trong trang văn của bác Nguyên Hồng, cõng cả chục giọt mồ hôi, đôi khi vài ba giọt nước mắt nữa. Nhà văn đã vắt kiệt sức mình để cống hiến cho đương thời và hậu thế những trang văn nóng hổi tình người.
Ngày nay, ai đó đọc các tác phẩm của Nguyên Hồng mà lạnh nhạt, thờ ơ là mắc tội vô ơn đối với tác giả.
Nhân kỷ niệm Một Trăm Năm nhà văn Nguyên Hồng, điều khiến tôi nhớ nằm lòng và coi như một tấm gương để noi theo đối với bác là lòng nhân ái bao la, lòng xót thương người cùng khổ. Bác Nguyên Hồng là một trong số rất ít người tránh xa được cái bả lợi danh, để thực hiện cho bằng được mục tiêu cao thượng của đời văn. Hơn hết, bác là một người sống rất tự trọng, một người trượng nghĩa tiêu biểu cho cốt cách của bậc sỹ phu thời hiện đại.
Láng Thượng, ngày 22 tháng 10 năm 2018