Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHI THƠ TRỞ THÀNH CẦU NỐI VIỆT NAM - ĐÀI LOAN

Nguyên Hùng
Thứ sáu ngày 16 tháng 11 năm 2018 9:36 AM


Chủ trì Hội thảo (từ phải sang trái): Nhà văn Tan Beng-jin, Chủ tịch Hội Nhà văn Đài Loan; Nhà thơ, GS TS Ngôn ngữ học Chiunn Ui-bun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, Chủ tịch Hội Văn hóa Đài - Việt; (Nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ - phiên dịch Li Oát-hiong); Nhà văn, GS Tenn Pang-tin, nguyên Giám đốc Bảo tàng Văn học Đài Loan.>>>>

- Xin nhà thơ Trần Nhuận Minh cho biết, việc dịch thơ của nhà thơ ở Đài Loan đã diễn ra như thế nào? Có thể cho biết vì sao Đài Loan lại chọn dịch thơ của nhà thơ? Những bài thơ dịch này sẽ được sử dụng ở Đài Loan như thế nào?

.

- Đầu năm 2015, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 tại Hà Nội và một số tỉnh thành có liên quan, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đến dự chiêu đãi và phát biểu chào mừng các nhà văn và các học giả đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Đài Loan. Các bạn đều được tặng một số tập thơ và các tập sách về văn hóa và du lịch Việt Nam, trong số sách này, có tập thơ Hoa ngữ của tôi, Tuyển tập thi ca Trần Nhuận Minh, 163 bài, do nhà thơ GSTS Phùng Trọng Bình và các cộng sự của ông, dịch, Nhà xuất bản Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc ấn hành tại Bắc Kinh năm 2014. Do sự thu xếp của ban tổ chức, tôi được cùng tiếp các bạn Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Ấn Độ… Các bạn Đài Loan cho biết, tập thơ xuất bản ở Hoa Lục của tôi, cũng được bán tại Đài Loan, nhưng các bạn chưa đọc. Ngày 13 tháng 8 năm 2018 vừa rồi, trong cuộc ra mắt tập thơ Đi ngang thế gian của tôi, được Nhà xuất bản Truyền thông quốc tế Asian xuất bản và phát hành ở Đài Loan, tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, nhà thơ GSTS Chiunn Ui-bun, dịch giả, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, Chủ tịch Hội Văn hóa Đài -Việt, đã phát biểu trước các nhà văn, nhà báo Việt Nam và Đài Loan ( đi cùng ông) rằng: Tập thơ Trần Nhuận Minh dịch ra Hoa ngữ, ông đã đọc liền một mạch tại khách sạn ở Hà Nội và khi còn ngồi trên máy bay về Đài Loan, ông đã quyết định sẽ tổ chức dịch và xuất bản “ tập thơ ưu tú” này. Ông có yêu cầu tôi gửi cho ông tập thơ đã xuất bản bằng tiếng Anh 800 trang và tập Tuyển thơ của tôi đã xuất bản bằng tiếng Việt 500 trang, để đối chiếu, tham khảo, và tôi viết ủy nhiệm cho ông và các dịch giả cộng sự của ông, toàn quyền chọn dịch mà không phải hỏi ý kiến tác giả. Sau hơn 3 năm, tập thơ đã ra mắt ở Đài Bắc và Hà Nội. Còn vì sao Đài Loan chọn thơ tôi, ông đã phát biểu trong cuộc họp báo, nhiều báo đã đăng, một số kênh truyền hình ở Hà Nội đã phát, rằng: “ Thơ Trần Nhuận Minh không có biên giới. Vấn đề được phản ánh qua tâm hồn nhà thơ, không chỉ là các nỗi niểm của người Việt Nam, mà còn là vấn đề chung của con người trong thời đại hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới. Và nếu thơ Trần Nhuận Minh được dịch ra ở bất cứ quốc gia nào, cũng dễ được chấp nhận”. Còn sử dụng như thế nảo, theo tôi được biết, thì trước hết là tập thơ được bán rộng rãi, sau đó lưu trong Thư viện Đài Loan, Bảo tàng Văn học Đài Loan, Thi đàn Tế Đông và một số trường đại học, đặc biệt là Trường Đại học Thành Công, để nghiên cứu về văn học Việt Nam và văn học Châu Á nói chung. Tôi cũng đã kí hợp đồng để các bạn toàn quyền sử dụng thơ tôi trong 20 năm, từ 01/ 8/ 2018 đến hết ngày 31 tháng 8 năm 2038.

-- Đã có nhà thơ, nhà văn Việt Nam nào có tác phẩm được dịch ở bên Đài Loan chưa? Việc thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh được chọn để dịch ở Đài Loan sẽ có ý nghĩa như thế nào trong hợp tác, trao đổi văn hóa, văn học, thơ ca...giữa Đài Loan và Việt Nam?

- Theo báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 33, ra ngày 18/ 8/ 2018, thì Tuyển tập thơ của tôi “ là tuyển tập thơ đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu đến bạn đọc Đài Loan bằng tiếng Đài Loan ”. Và Đài Truyền hình Đài Loan, trong chương trình thời sự phát tối ngày 28/ 10/ 2018, kênh tiếng Việt, sau cuộc hội thảo về tập thơ của tôi tại Thi đàn Tế Đông ở Đài Bắc do Bộ Văn hóa và Hội Nhà văn Đài Loan quản lí, đã dành tròn 2 phút để giới thiệu thơ tôi và chuyến thăm Đài Loan của tôi, trong đó nói rằng: tôi là “vị khách đầu tiên của nền Văn học Việt Nam được mời đến Đài Loan”. Trong văn bằng lồng kính tặng tôi, khi tôi rời Đài Loan, các bạn Đài Loan đã ghi, bằng tác phẩm của mình, tôi đã là “Người tiên phong xây dựng nền móng vững chắc cho mối quan hệ giao lưu văn học giữa Đài Loan và Việt Nam”. Còn mối quan hệ giao lưu đó, trong hội thảo thơ Trần Nhuận Minh, tại Bảo tàng Văn học Đài Loan, Đài Nam, ngày 27 / 10/ 2018 và trong hội thảo – giao lưu tại Thi đàn Tế Đông, Đài Bắc, ngày 28/ 10/ 2018, nhân tập Đi ngang thế gian được phát hành ở Đài Loan, Đài Truyền hình Đài Loan đã phát trực tiếp ý kiến của tôi, rằng: “ Văn học Đài Loan được dịch sang Việt Nam còn ít, văn học Việt Nam được dịch sang Đài Loan lại còn ít hơn rất nhiều. Đó là một hạn chế rất lớn và hạn chế này cần khắc phục, càng sớm thì càng tốt”. Tập thơ của tôi, có ý nghĩa mở đầu, sau đó, tôi hi vọng nhiều tác phẩm khác của các nhà văn Việt Nam sẽ được dịch sang Đài Loan.

- Nhà thơ Trần Nhuận Minh có nhiều tập thơ, nhưng Đài Loan chỉ chọn dịch 37 bài. 37 bài này ở trong một tập, hay được chọn lọc từ nhiều tập thơ của nhà thơ?

- Tôi đã được xuất bản 25 tập thơ. 37 bài này, chủ yếu các bạn chọn lại từ 2 tập, đó là Tuyển tập thơ được dịch ra Anh ngữ và Tuyển tập thơ được dịch ra Hoa ngữ của tôi. Các bài đều được in 3 loại ngữ, Việt ngữ, Hoa ngữ và Đài ngữ, vì thế 37 bài thành 111 bài, tròn 200 trang in, giá bán 300 đài tệ. Các bạn chọn thế là vừa phải, tôi nghĩ tập thơ không nên dày hơn.

- Khi dịch, họ có phải tham khảo, lắng nghe, trao đổi với tác giả nhiều không, nhằm dịch vừa sát ý vừa hay, vừa hàm xúc, hay không ?

- Hoàn toàn không. Tôi đã viết giấy ủy nhiệm toàn quyền cho các dịch giả như đã nói trên. Nhưng điều rất mừng, là nghe qua các ý kiến của nhiều học giả quan trọng và một số nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Đài Loan, phát biểu trong 2 cuộc hội thảo về thơ tôi ở Đài Nam và Đài Bắc, do nhà thơ Li Oát-hiong ngồi cạnh tôi, phiên dịch, có ghi trong băng ghi âm, và chép lại thành biên bản để lưu, như nhà văn Tan Beng-jin, Chủ tịch Hội Nhà văn Đài Loan, đặc biệt ý kiến của nhà văn, GS Tenn Pang-tin, nguyên Giám đốc Bảo tàng Văn học Đài Loan, nhà thơ Lim Chong- goan, được coi là nhà thơ hàng đầu của Đài Loan, chuyên sáng tác bằng Đài ngữ vừa tròn 80 tuổi và nhà thơ Li Bin-iong, Giải thưởng Văn học Nhà nước Đài Loan năm 2007, một số học giả, nhạc sĩ và nhà văn nhà thơ khác…, thì các vị đều “rất xúc động”, “câu chữ rất tinh tế, tài hoa”… “ tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và có tầm tư tưởng lớn về số phận của con người”… “có thể xếp vào hàng các tác phẩm ưu tú của văn học hiện đại không chỉ của Việt Nam”, “ có bài đọc xong ngẫm nghĩ không cầm được nước mắt”… vân vân… Riêng nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ Ong Ge-beng đứng lên nhận xét đánh giá thơ tôi chừng hơn 1 phút thì tự nhiên ông bật khóc và khóc khá to ngay trong hội trường, làm tôi cảm động quá, phải bước đến tận nơi để nắm chặt tay ông… Những điều đó chứng tỏ các bản dịch tiếng Đài của thơ tôi đã thành công. Tôi rất biết ơn các dịch giả.

- Vâng, xin cảm ơn nhà thơ.

NGUYỄN HÙNG

PV báo Lao Động thường trú tại Quảng Ninh thực hiện