Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LƯƠNG TÂM

Dương Quốc Việt
Thứ ba ngày 27 tháng 11 năm 2018 8:45 AM
Lương Tâm?

Truyện kể rằng, tại một phiên tòa, người ta đã kết tội một bà cụ vì tội ăn cắp. Bà cụ cho biết, bà phải làm liều vì gia cảnh quá nghèo, trong khi con trai bị bệnh, còn đứa cháu bị suy dinh dưỡng. Thưa bà, pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của pháp luật nên phải xử nghiêm minh, nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho người mất cắp, và nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù hai năm rưỡi-viên chánh án tuyên bố. Bà cụ run rẩy, nước mắt chứa chan. Thế rồi bất ngờ ông chánh án phán tiếp: Nhân danh đại diện của công lý, tôi tuyên phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah-vì cùng sống trong thành phố giàu có và văn minh thế này, mà lại để cho một bà lão ăn cắp vì con-cháu bị đói và bệnh tật. Nói xong, ông cởi mũ đưa cho cô thư ký truyền đi khắp phòng và cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah của ông. Và phiên tòa đã kết thúc trong hạnh phúc của tất cả mọi người.

Câu chuyện cảm động và kết thúc có hậu này, chỉ có thể có được nhờ sự thôi thúc mạnh mẽ của lương tâm. Nhờ lương tâm bừng sáng, mà viên chánh án-người đại diện của luật pháp, đã tìm ra một giải pháp tuyệt vời để cứu bà cụ. Thế gian này, thật cần nhiều lắm tiếng gọi của lương tâm! Và xin hãy lắng nghe lời kêu gọi của một nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami (sinh năm 1949): “Giữa bức tường sừng sững cứng rắn và trứng gà, người trí thức phải luôn đứng về bên trứng gà”. Đến đây còn khiến người ta nhớ đến hiệu triệu mạnh mẽ của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein (1879-1955): “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu bạn”.

Lương tâm tiếng nói của linh hồn

Dù bạn có thể công nhận hay không công nhận, nhưng để đến với sự “thụ tinh thành công”-tiền đề sinh ra bạn, rõ ràng vốn đã là một cuộc chiến tàn khốc, thậm chí nó còn tàn khốc hơn bất kỳ cuộc chiến nào, mà cuộc đời con người sau này có thể gặp phải. Và tôi tin rằng dù sau này bạn có là ai-kẻ sát nhân hay người tử tế, thì nhân loại đều dang tay đón bạn, trong hân hoan trìu mến khi bạn chào đời. Cũng kể từ đó bạn đã được làm người và sống trong thế giới loài người. Rồi bởi con người đều giống nhau ở những ham muốn: sức khỏe và sinh mạng-ăn-ngủ-tiền của-để tiếng lại đời sau-thỏa nhục dục-con cái được mọi sự đầy đủ-được người khác cho là quan trọng, mà đời người luôn là một chuỗi những cuộc chiến với hoàn cảnh, với bản thân, với đồng loại…

Thế đấy! Con người trước hết là sản phẩm của sự sống sót sau những cuộc chiến, là kết quả của sức mạnh và sự may mắn. Dẫu vậy, lịch sử nhân loại hàng nghìn năm qua đã chỉ ra rằng, cái ác, cái phi nhân tính, sớm muộn đều bị tiêu diệt, nếu không nhân loại văn minh sao còn tồn tại cho đến ngày nay!? Dục vọng của con người là vậy-nó nuôi dưỡng cái ác, nhưng may thay con người còn có phần lương tâm, như Jean Jacques Rousseau (1712-1778)-một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới cách mạng Pháp 1789, đã chỉ ra: “Lương tâm là tiếng nói của linh hồn, dục vọng là tiếng nói của cơ thể“.

Luận bàn về lương tâm, nhiều người đồng tình với cắt nghĩa sau đây trong Wikipedia: “Lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân. Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trong suốt quá trình hành động“.

Lương tâm-lẽ sống còn của nhân loại

Lương tâm của con người có được, từ sự lắng đọng của truyền thống và văn hóa, từ trong gia đình và giáo dục, hay tín ngưỡng tôn giáo… Lương tâm là lẽ sống còn của xã hội loài người. Bởi vậy hàng nghìn năm qua, dưới nhiều hình thức và giải pháp khác nhau, loài người tiến bộ luôn đặc biệt chú ý nuôi dưỡng và vun đắp cho cái “phần hồn” tinh túy này! Nhưng tiếc thay, nó luôn có nguy cơ bị phá hủy, bởi những thế lực phản động-ôm dục vọng thống trị thế giới.

Chẳng hạn, nhân loại trong thế kỷ XX đã chứng kiến sự đầu độc tinh thần công chúng của chủ nghĩa Phát xít. Do đối đầu ý thức hệ với nhân loại truyền thống, mà thế lực cực đoan này, đã bất chấp chân lý và lương tri, ra sức đầu độc-nhồi nhét, bằng tuyên truyền và giáo dục công dân của họ, một cách sai lệch.Nước Đức văn minh đã từng bị đầu độc bởi chủ nghĩa bài Do Thái là một ví dụ điển hình.

Thử hỏi nếu một xã hội, khi những yếu tố cấu thành lương tri đều bị phá hủy, hay bị xuyên tạc, lệch lạc, thậm chí bị nhồi nhét cả những tư tưởng bạo lực, giành giật, thì lương tâm con người sẽ ra sao? Chắc chắn, đó chỉ là một xã hội mà số đông dân chúng coi lợi ích vật chất thực dụng là tối thượng mà bất chấp cả nhân cách và nhân tính. Rằng đó còn là một nơi tiềm ẩn những nguy cơ chống lại loài người.

Lương tâm–mục tiêu quan trọng số 1 của giáo dục

Cần nhấn mạnh lại rằng, lịch sử nhân loại, trong mọi thời đại, khi nói đến giáo dục, trước tiên người ta nghĩ ngay đến giáo dục lương tri. Chẳng thế mà ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, nhà triết học và bác học Aristoteles, đã răn dạy: “Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục“. Bởi giáo dục mà thiếu giáo dục lương tâm, sẽ chỉ tạo ra những kẻ mất phương hướng, như danh họa Vincent Willem van Gogh (1853- 1890), đã khẳng định: “Lương tâm là la bàn của con người“.

Theo Sigmund Schlomo Freud (1856-1939)-nhà tâm lý học vĩ đại người Đức, thì “tình dục” và “thị dục huyễn ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng) là hai thị dục căn bản nhất. Còn John Dewey (1859 -1952)- nhà triết học, tâm lý học, và cũng là một nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng: “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”. Chính dục vọng này, cũng đã thúc đẩy tính hiếu danh của con người. Bởi vậy nếu một nền giáo dục, mang nặng bệnh thành tích, coi trọng bằng cấp, giải thưởng, thì sẽ như nuôi dưỡng mặt trái của thị dục này. Và thật nguy hại, khi đó người ta chỉ chạy theo đối phó với thi cử, mà xem nhẹ thực học, cũng như bồi đắp lương tâm

Một trong những khuynh hướng giáo dục khác, cũng xa rời với giáo dưỡng lương tâm, đó là lối giáo dục thực dụng, phiến diện. Điều này thật nguy hại, như nhà bác học vĩ đại Albert Einstein (1879-1955) đã từng cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thức 2007, trang 48).

***

Lương tâm dường như là một thước đo cho cái thang bậc tiến hóa nghiệt ngã của loài người. Là vũ khí quyết định sự thành bại trong cuộc chiến giữa “phần người” và “phần con” trong mỗi con người. Biết bao tấm gương hy sinh, bao nghĩa cử cao đẹp, bao áng văn, vần thơ, những lời răn dạy…, chẳng phải đã nhằm giáo dưỡng-vun đắp cho cái phần hồn cao quý này sao!? Không những thế, nó còn là một dấu hiệu, một thông điệp, báo hiệu về sự tồn vong của một cá nhân, một gia đình, thậm chí một chế độ. Và nếu như vì dục vọng bất kham, mà con người đến với tội lỗi, thậm chí hủy diệt, thì cũng vì lương tâm, mà con người dám hy sinh, gắng hết sức mình, tiễu trừ cái ác, cái phản động-bất lương, nhờ thế mà nhân loại liên tục phát triển, ngày một văn minh và tiến bộ hơn. Lương tâm quả là một năng lực cao cả của con người! Cũng có người bảo lương tâm, còn là ánh sáng tâm hồn đến từ tiềm thức sâu thẳm của nhân loại, mà nó luôn cần được thức tỉnh.