Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIỀU DÀI MỘT ĐỜI

Vũ Từ Trang
Thứ sáu ngày 2 tháng 11 năm 2018 11:27 AM


Hẹn hò mấy lần không thành. Bất chấp mưa gió lây rây của tháng bảy mưa ngâu, tôi đến gặp anh. Vừa đến cổng, anh chống gậy bước vội từ trong nhà ra đón. Một con người nhanh hoạt, mà bây giờ đi đứng phải tựa vào chiếc gậy chống. Đã năm năm chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Lại vừa trải qua cơn phẫu thuật mổ xẻ kéo dài 6 tiếng. Lại hóa trị, xạ trị đến mười mấy lần, làm sao mà khỏe ngay được. Chúng tôi không muốn hỏi han nhau về bệnh tật, mà cứ trò chuyện huyên thuyên về cái thưở ban đầu hăm hở đi vào nghiệp văn chương.
Ngày ấy, những năm của thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước, phong trào viết lách ở Hà Nội hình thành một đội ngũ đông đảo các cây bút trẻ viết về đề tài công nghiệp. Ấy là Tạ Vũ, Lưu Nghiệp Quỳnh, Đoàn Trúc Quỳnh, Đỗ Bảo Châu, Trần Dũng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn và Tô Hải Vân... Không đi theo thứ văn chương đề tài, mô tả công việc lao động sản xuất, Nguyễn Mạnh Tuấn bứt phá bằng hai cuốn tiểu thuyết phê phán cái xấu, cái kém của xã hội. Đó là Đứng trước biển và Cù lao chàm. Không khí đất nước đổi mới, hai cuốn sách của Nguyễn Mạnh Tuấn được nổi như cồn. Tô Hải Vân và Nhật Tuấn sớm mở ra một giọng điệu mới cho những trang viết. Chiều dài một ngày và Trang 17, của hai nhà văn này, đã gây ấn tượng cho độc giả hồi ấy. Đấy là lối viết mổ xẻ tâm trạng nhân vật. Đề tài lao động sản xuất chỉ là cái cớ, để Tô Hải Vân và Nhật Tuấn chuyển tải nghĩ suy của mình. Những nhân vật trong truyện của hai anh, hầu hết là đội ngũ tri thức, họ có nhiều suy nghĩ, trăn trở trước cuộc sống. Bằng giọng văn mới mẻ, những truyện ngắn của Tô Hải Vân khi ấy, đã trở thành tâm điểm cho cánh anh em viết trẻ, gặp nhau thường bàn tán, trao đổi. Vinh quang sớm đến với anh. Tập truyện Chiều dài một ngày được Giải thưởng của Tổng Công đoàn Việt Nam, năm 1978. Tập truyên ngắn Những niềm mê say, được Giải nhì, Hội Văn nghệ Hà Nội, năm 1982. Ngày ấy, một cuốn sách ra đời, một giải thưởng văn học, gây xôn xao trong anh em viết lách. Khác hẳn không khí văn chương hỗn tạp bây giờ.
Những giấy khen, bằng khen còn tươi dấu mực, Tô Hải Vân đùng đùng tuyên bố với bạn bè, rằng chán không viết văn nữa. Văn chương, theo anh, không thiết thực. Anh muốn tung hê hết. Đang cơn say viết hừng hực, bất ngờ anh bỏ hết. Không viết, không đọc, không giao lưu bạn viết. Tô Hải Vân trốn vào công việc giảng dạy ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Sứ mệnh người thày giáo Trường Đại học, cho anh niềm vui riêng. Rồi tu nghiệp, nạp thêm kiến thức, Tô Hải Vân trở thành Tiến sĩ, Phó Giáo sư. Đang là một thày giáo uy tín của trường đại học, Tô Hải Vân lại được cơ quan cấp trên điều sang làm Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Ấy rồi lại kiêm nhiệm phụ trách tờ báo “Khoa học và Phát triển”, tạp chí “Sách và Đời sống”. Anh cười thoải mái, khoe rằng, 17 năm làm quản lý xuất bản sách, báo, không vướng một phạm quy bài vở. Đã thế, cơ quan ăn nên làm ra trông thấy. Hàng năm, tiện lãi, tiền thưởng khấm khá, đời sống anh em trong cơ quan được cải thiện. Điều bất ngờ, công việc quản lý bận rộn, thì niềm đam mê viết lách lại trở lại. Con người nhà văn tưởng ngủ quên, bỗng bừng thức. Truyện ngắn Nhạc công ống nước của Tô Hải Vân xuất hiện trên báo, giới viết lại túm tụm bàn tán. Truyện chiếm giải ba, cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ, năm 2003-2004. Năm 2007, tập truyện ngắn Bỗng nhiên có một ngày ra đời, bạn đọc nhận thấy sự bứt phá hướng viết mới của Tô Hải Vân.
Khi vừa nghỉ hưu ở Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, có một nhà xuất bản lại mời anh về làm Giám đốc. Đó là Nhà xuất bản Dân Trí. Máu mê làm xuất bản còn say sưa, anh nguyện về làm sách cho bạn bè và dành thời gian cho trang viết của mình. Năm 2012, nhà xuất bản Văn Học in tập truyện ngắn Bán sách và bán giày của Tô Hải Vân. Năm 2014, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in tập Truyện ngắn Tô Hải Vân. Lúc này, Tô Hải Vân đã xin rút chức Giám đốc Nhà xuất bản Dân Trí. Anh tập trung chữa bệnh và dồn sức viết cho xong mấy cuốn sách mà anh hằng thai nghén. Ba tiểu thuyết của Tô Hải Vân lần lượt ra đời: Người thứ hai, năm 2015. 6 ngày, năm 2017. Khởi đầu là mèo, năm 2018. Cả ba cuốn, đều do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản và phát hành. Người thân chóng mặt với sức làm việc của anh. Anh viết, như chạy đua nước rút trước phác đồ điều trị căn bệnh quái ác. Người đọc, như thấy một Tô Hải Vân mới. Với bút pháp mới, đề cập những vấn đề mới của lớp người tri thức trước thời cuộc
Sự quyết liệt với con chữ của nhà văn Tô Hải Vân, được giới văn chương đánh giá đúng. Tiểu thuyết Người thứ hai, đạt giải nhì, cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015, Hội Nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết 6 ngày, in năm trước, năm sau Nhà xuất bản cho tái bản ngay, vì độc giả yêu cầu. Lập tức, sách đạt giải thưởng văn học 2017, Hội Nhà văn Hà Nội. Nhiều bạn viết thấy anh tươi cười lên hội trường nhận giải thưởng. Họ chúc mừng anh. Nhưng không mấy người biết anh vừa vượt qua cuộc chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Đâu ngờ, tác phẩm anh viết trong lúc điều trị cam go nhất.
*
Đến khi phải nằm bất động trên giường bệnh, nghe những giọt hóa chất- những giọt chất độc ghê gớm, lặng lẽ theo đường truyền, chui vào cơ thể, tấn công tế bào ác tính, tàn phá tế bào lành tính, thì mọi ý nghĩa công danh tiền bạc như trò phù du. Năm tiếng, sáu tiếng, có khi mười tiếng đồng hồ liền nằm như xác chết, cho một ca truyền thuốc. Lúc ấy, chỉ còn âm thanh im lặng của những giọt hóa chất, từng giọt, từng giọt theo đường ven chui vào cơ thể. Rồi nó tung hoành mọi ngóc ngách. Trong phổi, trong tim, trong gan, trong thận, trong dạ dày... rồi nó chui lên cả bộ não của anh. Con người đang khỏe mạnh, bỗng mềm oặt. Bắp chân cường tráng bỗng vữa nhẽo. Cánh tay lực lưỡng bỗng đơ ra. Cặp mắt tinh khôn bỗng thành vô hồn. Mái tóc dầy, bỗng vuốt rụng như làm lông gà. Anh không còn là anh nữa, thân thể bã bời, ý chí mù lòa. Cho dù cố gắng mấy, bản lĩnh mấy, thì cuộc chiến đấu này, anh có thể đau đớn nhận phần thua cuộc. Một nỗi chán chường xâm chiếm. Anh thấm thía ý nghĩa của thời gian.
Cái vô lý và cái có lý, tranh giành, đảo lộn. Ngày ấy, viết Chiều dài một ngày với tâm thế nào nhỉ. Sau đợt điều trị, mình còn viết được không? Sẽ viết tiếp thế nào? Nằm bê bết trên giường bệnh, từng giọt từng giọt hóa chất lặng thầm gậm nhấm. Cái sống cái chết. Tình yêu và thất vọng. Hưng phấn và chán chường. Đan chéo, hành hạ. Có lúc anh như người không trọng lượng. Vô hồn vô cảm. Trôi tuồn tuột vào cái vũ trụ trống rỗng không đáy.
Có lâm vào cảnh ngộ hiểm nghèo, có đối mặt với căn bệnh mà cái chết báo trước, mới hiểu, mới thông cảm cho nhau. Bao giờ xong phác đồ điều trị? Bao giờ được ra viện? Cái tán cây vẫn ríu rít bên ngoài cửa bệnh viện. Cái nắng vàng như reo ca trên hàng cây rờn xanh dọc phố. Hẳn anh cũng có lúc bi quan, nghĩ rằng khó được trở về cùng cái tán cây xanh rờn, ngập nắng vàng tươi kia nữa. Tiếc nuối và uất hận. Sao số phận lại đẩy mình tới cảnh ngộ này. Mình còn được trở về với cuộc sống đời thường? Để lại bù khú với bạn bè vại bia sủi bọt. Để lại bàn cãi về một truyện ngắn hay vừa in trên báo. Để lại viết tiếp những trang sách dang dở. Để lại được sống cùng những nhân vật dở khóc dở cười. Văn chương, niềm vui xa xỉ, đày đọa, hay cứu rỗi mình?
Ba tiểu thuyết của Tô Hải Vân ra đời trong bối cảnh quyết liệt như thế. Người thứ hai, 6 ngày, Khởi đầu là mèo. Ba tiểu thuyết tưởng chừng rời rạc, độc lập, nhưng xuyên suốt ý tưởng. Phải chăng những con chữ, những trang viết, như song hành cùng những giọt hóa trị, đã cứu anh, đã đem lại sự sống cho anh. Số phận nhân vật trong trang sách, thấp thoáng như âm bản con người anh, bạn bè anh. Một lớp người tri thức đi tìm chỗ đứng trong xã hội. Đi tìm lại bản thể chính mình. Một xã hội hỗn độn, phận người tri thức tồn tại ra sao? Liệu có bị ô nhiễm trong cái mớ bòng bong, tạp nham, đầy cám dỗ? Đọc bộ ba tiểu thuyết của Tô Hải Vân, người đọc luôn có cảm giác hoang mang, cô đơn, lạc lõng. Có lúc tưởng chừng tuyệt vọng. “Bỏ hết đi anh!” Câu nói của nhân vật Nguyệt trong tiểu thuyết 6 ngày, thức tỉnh người yêu, mà như nói với chính người đọc. Con người lâu nay bị đánh mất mình. Nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, kéo con người đi xa với chính họ. Trở về với chính mình, thực khó khăn. “Lúc này, không có gì, không có gì, không có gì, tôi nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra, đúng là không có gì, không có gì, không, đúng ra, rất có gì. Tôi quên hết mọi phiền nhiễu, mọi rắc rối, mọi câu hỏi, mọi cách trả lời” Tâm trạng giằng xé của nhân vật trong tiểu thuyết 6 ngày, như một chiêm nghiệm, như một chất vấn đầy hoài nghi, vô âm sắc. Con người vốn đầy mâu thuẫn. Trải qua nhiều ham hố, tranh cướp, giành giật. Rồi lại mong được trở về chính mình, hãy “Bỏ hết đi anh!” Bỏ hết mọi ham hố. Nghĩa là, tự hoàn thiện nhân cách, để trở về bản thể của mình, thưở nguyên khai của mình. Sự non tơ và trong sạch. Mà khó khăn làm sao!
Những giọt hóa chất vẫn âm thầm gậm nhấm cơ thể. Những trang văn xanh rờn tình yêu cuộc sống lại lặng lẽ ra đời. Chúng tôi thêm nể trọng nghị lực của anh. Có sự hối thúc nào đấy, tôi hình dung anh làm việc gấp gáp hơn. Điều rất mừng, giọng văn Tô Hải Vân như tươi trẻ hơn. Anh đã bỏ xa cái ước lệ văn chương đề tài “văn học công nhân” thưở nào. Với thủ pháp giả định và huyền ảo, giọng văn trẻ. Trẻ trong tư duy và cách thể hiện. Câu văn ngắn, chuyển động nhanh. Một bút pháp hiện đại, cập nhật những mâu thuẫn của xã hội thời hiện tại.
Một bữa, Tô Hải Vân điện thoại cho tôi. Anh nói, nhớ Nam Ninh. Nỗi nhớ bất chợt. Nguyên do có đọc bài tôi viết về những ngày cuối của Nam Ninh trong bệnh viện. Nam Ninh gánh bệnh K. Nằm trên giường bệnh, anh từng thốt lên, tiếc còn bao truyện chưa kịp viết. Số phận bắt anh ra đi quá nhanh. Nhà văn Nam Ninh, bạn thân của Tô Hải Vân và tôi, một nhà văn cốt cách và có tài, phải bỏ giữa chừng cuộc chơi văn chương khi đang độ viết sung sức. Thoáng cái, đã hơn bốn năm trời. Đấy, trong giới văn chương, bao nhà văn, nhà thơ tài danh đã phải ra đi vì bệnh K, như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khắc Phục, Yên Đức, Võ Thanh An, Thanh Tùng... Bệnh tật, có chừa ai đâu. Tô Hải Vân nói vui, mình cũng như những người đồng bệnh khác, vô tình đi ngoài đường, không may bị con chim trên trời ỉa một bãi trúng đầu, thì chấp nhận, chứ biết làm sao được. Số phận mà. Chúng tôi giật mình và thấy mọi điều như chả có gì quan trọng nữa. Chỉ biết cắm mặt vào trang viết. Cố viết nốt những gì muốn viết. Hàng cây bên đường vẫn non tươi quá. Nắng vàng vẫn reo ca trên những ngọn cây. Ấy nhưng có thể cuộc chia tay ập đến. Buồn đấy, chấp nhận đấy, nhưng phải gạt đi, phải lạc quan để sống. Có phải ba tiểu thuyết đầy đặn của anh ra đời trong cái tâm trạng ấy không? Tôi thấy những con chữ trên trang sách của anh, đang ríu rít muốn nói một điều gì ngoài nó.
Và tôi biết, những con chữ anh viết ra, bằng cả chiều dài của đời anh.

Ảnh: Chân dung nhà văn Tô Hải Vân