Trang chủ » Truyện

CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI THÍCH ÔM RƠM

Y Mùi
Thứ tư ngày 4 tháng 10 năm 2017 2:16 PM

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến*
Thơ Hoàng Nhuận Cầm
Sau gần một tháng bị em “tra tấn” bằng những cuộc gọi và tin nhắn, em cũng có mặt tại phòng mạch của tôi.
Một buổi sáng, trời mưa lất phất bởi vẫn còn rơi rớt cơn bão số ba. Gió vẫn đủ mạnh làm rụng nốt những chiếc lá cố tình bám trụ trên những cành cây đã quá mệt mỏi, xác xơ chỉ sau một đêm bão về.
Con bệnh hành em không phải chứng đau em cảm thấy, nhưng tôi khó nói ra, vì động lòng thương hoàn cảnh của em mà muốn giúp. Tôi khẳng định bệnh của em chữa được. Tất nhiên, kết quả điều trị còn phụ thuộc vào em. Tôi chỉ cố gắng nói những gì làm cho em thêm vững tâm khi em đã chọn nơi tôi để gửi gắm cái ngọc thể và tâm bệnh của mình.
Tôi bảo hai chị em sẽ cùng thử. Sau một tuần điều trị mà không kết quả gì thì bye bye em, sẽ không lấy tiền chữa bệnh. Nếu bệnh của em chữa được thì chỉ lấy công bằng nửa so với mọi người.
- Giá tiền dịch vụ ghi trên thông báo từ hai ngàn mười dán trên kia. - Dừng lời, tôi hướng em về phía miếng ván thưng bên cánh tủ dụng cụ y tế kê ở góc phòng.
Em đưa mắt nhìn bảng giá dịch vụ y tế đánh máy cỡ chữ khá lớn theo hướng tay tôi chỉ.
- Chị vẫn thu như thế đến bây giờ.
- Tiền nong thì không quan trọng chị ạ, chỉ cần khỏi bệnh. Nếu khỏi bệnh thì em không tiếc tiền.
Người quê gì mà ăn nói khéo thế! Em nói cứ như đúng rồi. Ý nghĩ ấy chỉ nằm im thin thít như thịt nấu đông trong đầu tôi.
Em lại bảo có họ hàng ở đây. Em trai công tác ở thành phố này, nhưng em khó nhờ cậy vì nó cũng bận đi làm cả ngày. Gia đình người cậu ruột của em ở một quận trung tâm. Ông cậu mất lâu rồi. Bà mợ đã cao tuổi, thần kinh không bình thường. Trước khi đi Hà Nội em có liên lạc, định về đó ở nhờ nhưng bà mợ đã không nhận ra em là ai nữa.
Em bảo thế thì tôi biết thế, không hỏi gì thêm vì những điều đó chả liên quan gì đến việc chữa bệnh cho em.
Tôi có nhận một số bệnh nhân từ tỉnh xa về nhưng chưa ai làm khó tôi như em. Em nhờ tôi tìm chỗ trọ nhưng giá phải rẻ. Tôi đã mặc cả được phòng trọ ở một nhà nghỉ rất rẻ, nhưng em lắc đầu, bảo không có tiền. Em muốn chỗ ở chỉ khoảng hai mươi ngàn một đêm ngủ như xóm trọ gần bệnh viện Bạch Mai. Trời ạ! Quanh khu nhà tôi lấy đâu ra nhà trọ giá đó? Tôi hỏi mấy cô bán hoa quả ở trọ trong một ngõ rất gần nhà tôi nhưng không có giá như em muốn.
Cuối cùng tôi kiếm được cho em một chỗ trọ không xa phòng khám với giá tám trăm ngàn một tháng. Nước thì dùng khoán năm mươi ngàn một tháng. Tiền điện tính theo “công - tơ” riêng.
***
“Xuống xe khách em chuyển xe buýt đưa địa chỉ cho phụ xe dặn cho xuống ở điểm đỗ gần nhất là ok. Khi nào xuống điểm đỗ xe buýt em alo chị ra liền”. - Tôi dặn em cẩn thận vì biết người quê không quen đường nên di chuyển ở Hà Nội rất vất vả. Đôi khi tốn kém oan do xe ôm và taxi dù lừa tiền.
Nhận cuộc gọi, em bảo đã ở đầu ngõ, tôi vội cầm chiếc ô ra đón khách.
Em xuất hiện thật tươi tắn, một tay kéo chiếc va li du lịch nhỏ, một tay xách chiếc túi thời trang, giả da rẻ tiền với những phụ kiện trang trí bằng kim loại mạ màu vàng - trắng rất long lanh. Trời vẫn đang lất phất mưa. Tôi che ô đi chung với em. Cả hai cùng bước nhanh nửa chạy, nửa đi để tránh những hạt mưa không đúng lúc.
Đến cửa nhà tôi em bảo:
- Nhà chị cũng dễ tìm nhỉ?
- Ừ, em vào nhanh kẻo ướt. - Tôi mở cửa, tránh sang một bên, nhường lối cho khách vào nhà.
Ngay sau khi bước chân vào nhà, em nhanh chóng ngả chiếc va li du lịch nhỏ có bánh xe kéo, mở khóa lôi ra ba gói chè đóng ép chân không rất chuyên nghiệp, bao bì vàng cam kim tuyến trông đẹp mắt. Em đưa tôi:
- Em biếu chị này. Chè em đặt hàng người quen, ngon lắm đấy chị ạ.
- Ừ, chị xin. - Tôi đón quà, ngầm đoán chắc khoảng một lạng mỗi gói.
- Ba gói là ba lạng đấy chị ạ.
- Ừ, cảm ơn em.
Em lại tiếp tục lục tìm trong cái va li nhỏ chứa đầy đồ đạc tư trang, lôi ra một túi ni lông khá to đưa tiếp cho tôi:
- Em mua ít na chín cây biếu chị để thắp hương.
- Ừ, chị xin. - Tôi lại nhận quà, bảo em để đồ đấy vào ăn cơm.
- Không, em ăn rồi. Chị đưa em vào nhà trọ luôn được không?
- Chị đang chờ em đến cùng ăn trưa mà. Buổi trưa ở nhà chỉ có một mình chị. Mọi người đi hết, tối mới tập trung về.
Em nhất định từ chối. Tôi kiên quyết kéo em vào mâm cơm đạm bạc đã dọn sẵn với món thịt bò xào cải ngọt, cá bống om rau sắn chua, quà quê từ Phú Thọ.
Hai chị em vừa ăn vừa trò chuyện. Em bảo định lẽ ra đã xuống Hà Nội từ lâu rồi, ngay sau khi kết thúc lớp học ít hôm, nhưng trên đó mọi người bảo bệnh của em không chữa được bằng châm cứu.
- Em phải dùng thuốc ngủ thường xuyên bốn năm nay. Sau mỗi đêm mất ngủ là toàn thân lại đau rát, tay chân tê buốt. Sáng ra người mệt mỏi như vừa qua trận cảm mạo không muốn động vào việc. Trước đây em đã bị trầm cảm. Bây giờ bị suy cả thận nữa. - Em thành thật khai báo bệnh tật, cả bệnh em tự tưởng tượng ra.
Tôi biết đó chính là những dấu hiệu của người mắc chứng trầm cảm hay còn gọi là bệnh tâm thần phân liệt. Là bác sỹ nên đôi khi nhìn da dẻ, dáng vẻ, hình thể của ai đó tôi đã có thể suy đoán trong cơ thể họ có gì bất ổn, bất an. Sau vài câu chuyện làm quen ở lớp tập huấn tôi biết ngay là em bị suy nhược thần kinh rất nặng, tuy nguyên nhân tôi chưa xác định được do đâu.
Nhớ lại những ngày đầu lớp học mới khai giảng, đến lớp tôi tìm một chỗ ngồi đủ kín đáo, đủ riêng tư, đủ yên tĩnh để nếu muốn tôi có thể quan sát được tất cả học viên, muốn nghe giảng có thể nghe giảng, muốn nói chuyện riêng với ai đó cũng không ảnh hưởng đến mọi người trong lớp học. Tôi tò mò kín đáo khám phá dáng mạo, dung nhan của tất cả học viên trong lớp. Đó cũng có thể là một thói quen, là bệnh nghề nghiệp của tôi. Em là người làm tôi chú ý đầu tiên. Trong số các học viên, người tứ xứ tập trung về, em là một học viên chưa cao tuổi nhưng cũng không còn trẻ. Tại sao em cứ ngồi lì một chỗ, không giao tiếp với ai. Giờ giải lao em không ra bàn nước như số đông học viên làm thế mỗi giờ nghỉ giải lao. Tôi nghĩ em này khi trẻ cũng xinh đấy. Đến lớp học tự nguyện, không ai bắt, thích thì tham gia nhưng sao em lại kém vui, dáng vẻ thì mệt mỏi, chậm chạp trong mỗi cử chỉ như thế! Em ngồi yên lặng, không ghi chép gì và đôi khi thấy em nhắm mắt ngả người ra lưng ghế. Tôi tò mò chủ động bắt chuyện làm quen với em. Vào giờ giải lao buổi học thứ ba sau hôm khai giảng tôi đến bên em hỏi: “Em không khỏe à? Đứng lên thay đổi không khí tí đi. Chị là Đào. Em tên gì?”. Mấy câu xã giao chỉ thế thôi rồi tôi và em thành đôi bạn tâm giao, ngồi kề bên nhau cho đến khi khóa học kết thúc. Em bảo một chị cứ rủ em đi cho vui nhưng đến đây thấy chả có gì vui. Chỉ học được nửa buổi là em phải bỏ về phòng khách nằm. Tối em bị mất ngủ, ban ngày rất mệt. Ngồi nghe giảng em đau đầu nên phải nhắm mắt lại…
Thoắt cái sự tươi tỉnh biến mất, em ngồi trước mặt tôi đầy lo âu sầu não khi nói về bệnh tình, mà thực ra chả có gì ghê gớm. Em bị chứng rối loạn tinh thần kinh, nói cách khác là “xì - chét”. Chờ em trình bày xong, tôi hỏi:
- Sao em biết là bị suy thận?
- Em đi tiểu nhiều lắm, nhất là ban đêm.
- Tiểu tiện nhiều và đi nhiều lần ban đêm đâu đã là suy thận?
- Thì đi khám một ông thầy đông y, ông ấy bảo tỳ vị can thận của em bị suy yếu hết rồi.
Tôi chưa kịp nói gì thì em hỏi:
- Đau toàn thân thì châm cứu vào đâu hả chị?
- Em yên tâm, nhiều chỗ để châm cứu lắm. Trên cơ thể con người có cả ngàn huyệt vị để châm.
- Em thì em tin chị. Em tin chị nên em mới về đây, nhưng… - Em giãi bày: khi em quyết định đi Hà Nội chữa bệnh mọi người bảo sao không hỏi xem hết nhiều tiền hay ít. Theo em thì quan trọng là có tìm được đúng thầy đúng thuốc hay không chứ không phải vấn đề tiền nong. Em đi chữa ở nhiều nơi, gặp nhiều bác sỹ nhưng chẳng ai giải thích cho em giống như chị. Nếu chị chữa được bệnh cho em thì em sẽ theo chị suốt đời. Hôm gặp chị ở lớp học, em thấy chị chỉ hỏi mấy câu mà đã bắt đúng bệnh của em. Cũng không thấy chị có ý lôi kéo hay quan trọng hóa bệnh của em như những thầy thuốc em đã gặp nên em càng tin chị hơn. Chỉ tại mấy người quen trên quê cứ bảo bệnh của em không chữa được bằng châm cứu…
Em nói rất nhiều. Cái mặt lại tươi như hoa. Câu nào cũng rất chuẩn như sách. Người quê đấy. Đang bị thần kinh mà nói khôn thế, chả câu nào thừa, chả câu nào hớ hênh. Tôi vừa ăn vừa bảo em cứ tự nhiên ăn cho no. Tôi ăn ít nên nhẩn nha, “câu giờ” để chờ cho em ăn no bụng, nhưng em cũng bỏ đũa bát sau tôi đôi ba phút.
Sau bữa trưa, tôi đưa em vào gặp bà chủ nhà trọ tên là Tỵ, một bà già cao niên nhỏ thó, gầy đét mo nang, người cũng đã hơn một lần từng là bệnh nhân của tôi. Tôi đánh đáo lưỡi trình bày với bà chủ nhà trọ rằng em hoàn cảnh lắm, có thể làm phúc cho em ấy miễn phí nước sinh hoạt không.
Chắc như cua gạch, bà Tỵ từ chối:
- Không được. Mọi người thuê nhà đều thế cả.
- Thôi được rồi, em chi khoản tiền nước cho cô ấy. Cô ấy sẽ thuê nhà của chị cả tháng luôn để chữa bệnh. Nhưng nếu xảy ra phương án không ai mong đợi, sau bảy ngày mà bệnh không chuyển biến thì cô ấy sẽ về quê. Chị chỉ tính tiền nhà những ngày cô ấy ở thôi nhé. - Tôi tiếp tục cuộc mặc cả, nài nỉ bà bệnh nhân cũ, người luôn được ưu ái giảm giá dịch vụ tại phòng mạch tư của tôi.
Bà Tỵ vẫn tỉnh queo, mặt lạnh tanh:
- Không được. Thuê nhà là phải trả tiền cả tháng luôn. Sau đó có ở mấy ngày cũng thế thôi.
- Thôi được, nếu cô Loan không ở hết tháng thì em sẽ chịu tiền thuê nhà thay cho cô ấy. - Tôi tin mình sẽ xử lý được chứng bệnh trong em nên nói như vậy với bà Tỵ như vậy.
Hoặc giả, khả quan hơn khi em Loan không cần ở hết cả tháng mà bệnh đã đỡ, em ấy về quê, trả nhà để bà Tỵ cho người khác thuê thì tôi sẽ lấy lại tiền số ngày em chưa sử dụng hết theo hợp đồng.
Trong vụ cò kè bớt một thêm hai, mặc cả ngã giá với bà Tỵ ít nhất cũng có hai người vui, còn tôi thì thấy hơi lo lắng trong lòng một chút. Nhỡ tôi không chữa được chứng bệnh của em thì tôi sẽ không chỉ bị thiệt về kinh tế mà còn sẽ mất cả uy tín. Thật ra, tôi đã gặp một số trường hợp giống như em và đã giải quyết rất tốt không mấy khó khăn và cũng không mất nhiều thời gian, chỉ cần bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị và làm theo đúng những gì tôi tư vấn. Trong thâm tâm, tôi rất muốn giúp em, như giúp một người em, giúp một người cùng giới không gặp may trong cuộc đời. Thần kinh của em lại quá nhạy cảm nên em đã mắc bệnh trầm cảm, biểu hiện là chứng mất ngủ và những cơn đau toàn thân do rối loạn thần kinh thực vật. Ngày nay, trong y văn gọi là chứng rối loạn thần kinh tự chủ.
***
Em ra Hà Nội mới được tám ngày, bệnh tình bắt đầu thuyên giảm khá nhanh thì em xin về một ngày rồi ở nhà luôn không quay lại nữa. Buổi sáng ấy em đến rất sớm, châm cứu xong thì ra xe về quê bảo chỉ nghỉ một ngày và hẹn chiều hôm sau xuống, tối sẽ tiếp tục châm cứu. Như vậy, em không bị gián đoạn điều trị ngày nào. Nếu em không quay lại để tiếp tục chữa thì sẽ rất phí công em, công tôi…
Buổi tối, quá giờ hẹn vẫn không thấy em. Tôi gọi điện hỏi thì em bảo chưa đi được, lý do là khách hàng của em đang làm ầm lên vì em làm lỡ việc của họ. Tôi bảo tùy em. Nghỉ một vài ngày giải quyết việc nhà rồi ra ngay để điều trị tiếp cũng không sao vì chữa bệnh bằng châm cứu không giống như dùng thuốc tây y. Nghỉ một vài buổi rồi tiếp tục liệu trình vẫn không ảnh hưởng gì đến kết quả điều trị. Đó là điều tôi nghiệm ra sau gần cả cuộc đời cầm cây kim châm cứu chữa bệnh cho mọi người. Nhiều khi bệnh đang thuyên giảm, vì lý do bất khả kháng mà phải dừng châm cứu ít ngày, có khi bệnh cứ thế lui rồi khỏi. Con người là một cỗ máy sinh học lạ lắm. Đôi khi chỉ cần tác động như một cú hích nhẹ thôi các rối loạn bất bình thường trong cỗ máy sinh học ấy sẽ lại đâu vào đấy, nhưng phải là một tác động chuẩn…
Hôm mới xuống, em bảo ngày hai mươi bốn tháng này em phải về họp tổng kết lớp đi thực tế rồi lại xuống.
- Ừ, cũng được sáng sớm trước khi về em ra chị châm cho em. Ngày hai mươi nhăm em xuống thì tối lại đến châm cứu thế là không phải bỏ ngày nào. - Tôi gợi ý một phương án tối ưu hoàn hảo để điều trị liên tục cho em.
Sáng ngày hai mươi bốn. Hẹn em bảy rưỡi nhưng sáu rưỡi sáng đã bấm chuông. Tôi nghĩ em sốt ruột trở về quê nên thông cảm, mở cửa tiếp em. Em mang theo va ly và xách theo cái quạt tôi cho em mượn dùng ở nhà trọ.
- Chị ơi em đưa chìa khóa phòng cho bà Tỵ rồi. Em mang quạt ra trả chị luôn, hôm nào xuống em lại mượn. Quạt của chị tốt lắm, chạy rất khỏe, để trong nhà trọ sợ mất chị ạ.
- Ừ, cũng được.
Em về. Tôi lại cuốn vào công việc của mình. Không có em thì tôi cũng đã quá đủ việc để làm rồi. Có em tôi bận thêm nhưng nếu giúp được em thì tôi cũng sẽ rất vui vì việc làm của tôi không vô ích.
“Mỗi ngày châm cứu hai lần có được không chị? Em muốn nhanh hết đợt điều trị xem kết quả thế nào?”. Do câu hỏi ấy mà tôi nghĩ ra một phác đồ chữa bệnh tăng cường cho em, lần đầu tiên áp dụng. Mỗi ngày tôi châm cho em hai lượt. Buổi tối, tôi bảo em nằm ngửa và dùng các huyệt trước thân. Buổi sáng, em nằm sấp và tôi dùng các huyệt sau lưng. Là bác sỹ tây y nhưng tôi đã có duyên nợ với cây kim châm cứu. Tôi đã học một chuyên ngành chả liên quan gì đến lâm sàng, chả liên quan gì với châm cứu, nhưng từ bốn mươi năm nay, kể từ khi rời ghế giảng đường đại học tôi đã hành nghề châm cứu. Tôi đã tự học chữa bệnh bằng châm cứu trong sách vở trước khi tìm học thầy, học bạn. Liên tục hành nghề và học hỏi gần bốn mươi năm nay, tôi là một thầy thuốc thành công với cây kim châm cứu. Tôi đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm trong quá trình hành nghề chữa các chứng đau thần kinh, xương khớp và một số bệnh nội khoa khác bằng châm cứu.
***
Kể từ ngày Loan xuống Hà Nội đến hôm em về là tám ngày với mười bốn lượt châm cứu. Kết quả điều trị rất khả quan. Chỉ sau hai ngày với ba buổi chữa bệnh, em đã ngủ ngon, sáng quên cả dậy, bị muộn giờ hẹn với tôi. Ngày thứ ba, đến giờ hẹn vẫn không thấy em đâu, tôi hơi sốt ruột, nhưng không thể nghĩ là em ngủ quên. Nhưng sự thật lại đúng là em ngủ quên như hôm trước.
Tôi cũng thấy bất ngờ, không thể nghĩ kết quả điều trị cho em tốt đến thế. Em bảo chứng đau toàn thân thì gần như hết, cảm giác kiến bò, tê bì cũng hết, ngủ vẫn ít nhưng dậy không thấy mệt mỏi, chỉ còn hắt hơi và chảy nước mũi lúc ngủ dậy thôi.
- Ngủ ít nhưng ngủ quên sáng không biết đường dậy, thế là tốt lắm rồi.
- Chị có tiêm thuốc giảm đau cho em không đấy? Chị có tiêm thuốc ngủ cho em không?
Em hỏi liên tiếp như vậy. Em nghi ngờ tôi đã tiêm gì đó cho em mà không phải là B12 như tôi nói nên đã ngờ vực như vậy. Dù bị em nghi kỵ nhưng tôi không giận. Đôi khi thầy thuốc phải khuyến khích cho người bệnh nói ra hết những lăn tăn lòng trong họ, tạo niềm tin tuyệt đối của họ với phương pháp chữa bệnh thì mới tốt, giúp quá trình phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Đặc biệt, chữa bệnh bằng châm cứu thì thái độ cởi mở của thầy thuốc với bệnh nhân có vai trò cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp, tích cực đến quá trình khỏi bệnh. Khi bệnh nhân tin tưởng vào thầy thuốc, tin tưởng vào cách thức chức bệnh mà thầy thuốc áp dụng đối với họ thì hiệu quả điều trị sẽ rất cao. Họ nhanh chóng thoát khỏi những vấn đề sức khỏe, những khó chịu khi đến tìm thầy thuốc.
Nghe em hỏi như vậy tôi tực nghẹn cổ họng nhưng nén lòng, nuốt cơn bực mình giải thích:
- Nếu dùng giảm đau và thuốc ngủ mà khỏi được bệnh của em thì em đã khỏi cách đây bốn năm từ khi em về khoa tâm thần kinh của bệnh viện Bạch Mai chữa chứ, còn đâu bệnh để bây giờ phải đến chị chữa.
- Em thấy yêu đời lắm chị ạ. Muốn đi dạo hồ Tây rồi. - Em cười tươi như chưa hề hỏi một câu làm phật lòng thầy thuốc, người đang dốc lòng hảo tâm chữa bệnh cho em với mục tiêu từ thiện, thương một người dưng.
“Đúng là đồ dở hơi cám hấp trên vung”. Cái đầu tôi muốn hót thành lời như vậy lắm nhưng chỉ nói:
- Ừ, thế thì đi ngay đi, nhớ mang theo ô nhé, trời đang muốn mưa đấy. Yêu đời rồi thì làm thơ đi. Em đi dạo ở đường Thanh Niên chắc sẽ có thơ về hồ Tây đấy.
- À, em vừa làm bài thơ tặng chị này. - Như sực nhớ ra, em đưa tôi tờ giấy xé vở học sinh trung học cơ sở, trên đó bài thơ viết tay đề tặng tôi.
Bàn Tay Hoa
Kính tặng chị Đào
Xung quanh khách sạn nhiều sao
Căn phòng em trọ khác nào nhà tiêu
Số nghèo bệnh trọng đời xiêu
Tứ phương vái cả những điều vu vơ
Đội trời quá sức thành “đơ”
Thần kinh tê buốt câu thơ tím bầm
Em nằm dưới ngàn mũi châm
Chị ngồi dụ được tử thần lùi xa
Bàn tay cũng thịt cũng da
Trở thành bất tử - Bông hoa giữa đời.
N.H.L.
Loan là nhà thơ một hội địa phương đã từng đoạt giải cao của tỉnh. Bài thơ em viết tặng tôi ở trên cũng chỉ ở tầm thơ câu lạc bộ. Câu chữ, ngôn từ em ca tụng tay nghề của tôi, tuy hơi quá lời nhưng thú thật, tôi đã thấy rất sung sướng, khoái trí còn hơn cả khi được tiền.
Bình thơ với em xong, tôi bảo em:
- Đang hứng trí yêu đời thì ra hồ Tây chơi đi và làm thơ về Hồ Tây đi nhé.
Tôi không quên dặn em đi dạo thì không được làm quen với ai gặp dọc đường; không bắt chuyện; không đứng gần; không trả lời dù ai hỏi gì.
- Em mà bị bắt cóc là chị không đền được cho vùng đặc sản chè một hội viên sáng giá đâu nhé. - Tôi đùa.
Em lại cười tươi. Em vui và tôi cũng vui. Cả hai như địa chủ được mùa. Chả biết tôi và em ai vui sướng hơn ai.
Những ngày em làm bệnh nhân của tôi thì tôi tất bật hơn rất nhiều so với những ngày thường khác, chả thấy hơi tiền nhưng mà vui. Tôi có bị chập mạch không nhỉ?
Em ngược và không quay lại. Tôi lại cuốn vào công việc. Không có em tôi cũng chẳng được nhàn hơn bao nhiêu.
Sáng. Vừa mở mắt ra bà Tỵ đã đến hỏi, cô Loan xuống nữa hay không mà bảy ngày rồi không thấy, hôm về đã cho số điện thoại cũng không nhắn tin hay gọi gì.
- Cái ngón tay thì mười ngày nay lại đau, sau khi tiên chỉ đỡ mấy hôm, không khỏi được, mỗi lần muốn duỗi ngón ra thì phải bẻ, nó kêu “khịch” rồi mới duỗi thẳng ra được. - Tiện thể, bà Tỵ phàn nàn về ngón tay đau tôi đã tiêm thuốc tại chỗ.
- Em nói rồi, đó là viêm gân cơ duỗi ngón tay. Cũng là chứng đau quanh khớp nhưng không chữa được bằng châm cứu, chỉ chữa được bằng cách tiêm thuốc chống viêm thẳng vào bao gân. Đó là cách chữa hiệu quả nhất chứng “ngón tay lò so” hiện nay. Hôm tiêm cho chị, em đã bảo có thể chỉ tiêm một mũi sẽ khỏi, có thể phải vài lần tiêm cách nhau mười hay mười lăm ngày mới ổn. Chị theo dõi nếu cần tiêm tiếp thì lại đến…
Tôi lại giải thích, lại thêm một lần mỏi mồm với bà bệnh nhân cũ cùng khu dân cư.
Hóa ra em Loan bảo với bà Tỵ là về nghỉ ba bốn hôm, có khi sẽ ở nhà luôn. Trong khi tôi lại tin lời em nói là em chỉ về một ngày họp hành gì đó rồi sẽ xuống tiếp tục chữa bệnh.
Hai ngày nữa trôi qua. Bà Tỵ lại đến tìm tôi, hỏi xem cô Loan có xuống nữa hay không để còn liệu. Mấy người hỏi thuê phòng nhưng bà ấy không dám đưa chìa khóa cửa vì sợ cô ấy xuống bất thình lình.
- Tôi cũng bảo rồi, nếu thấy đỡ thì phải chữa liên tục đi. Bệnh lâu rồi khỏi làm sao được ngay. - Bà chủ nhà trọ buôn thêm.
Tôi thông báo cho bà Tỵ là đã gọi điện hỏi em Loan, thấy bảo lại mất ngủ và đau nhừ khắp người lại phải uống thuốc ngủ và dùng thuốc giảm đau.
- Mấy hôm ở đây thấy cô ấy ngủ suốt cả ngày, cả đêm. Có mỗi đêm hôm đầu, cô ấy bảo do uống nước chè nên mất ngủ thôi. Đi chữa bệnh mà cứ nhấp nha nhấp nhổm như ngồi phải tổ kiến lửa, vừa xuống đã chồm về quê thì khỏi bệnh làm sao được. Mất ngủ mà mới chữa mấy buổi đã ngủ quên, sáng bạch nhật vẫn không biết còn muốn gì nữa. - Dừng một lát lấy hơi, bà chủ nhà trọ nói tiếp: cô Loan chập mạch lắm nhưng mà khôn ra phết. Sáng hôm về cô ấy dặn đi dặn lại đừng nói với cô là cô ấy về có thể sẽ không xuống nữa…
Xem chừng bà Tỵ chưa muốn kết thúc cuộc tám chuyện. Không có thời gian buôn dưa lê, tôi nói cắt ngang câu chuyện:
- Nếu cô Loan dặn chị thế thì có nghĩa là cô ấy không quay lại đâu. Chị xem cho thuê nhà đi để em lấy lại số tiền thuê nhà còn thừa vì cô Loan chưa thanh toán tiền chữa bệnh cho em.
- Tôi nói rồi, đưa tiền cả tháng là phải ở cả tháng, không ở tiếp nữa tôi cũng không trả lại tiền đâu.
- Thì ai đến thuê phòng chị cứ cho họ thuê. Chị lấy tiền của họ và trả lại cho em số tiền nhà em Loan còn chưa ở hết.
- Không được. Tôi đã giao hẹn rồi, tiền phải trả tháng một lần, đưa ngay lúc đến nhận chìa khóa, ở hết cả tháng hay không cũng mặc.
- Nhưng trong vụ này chị đâu có thiệt gì, nên em mới đề nghị với chị như vậy.
- Sao cô khôn thế? Cô Loan không quay lại là tôi mất luôn một suất tiền điện và tiền nước đấy. - Giọng bà Tỵ vẫn kiên quyết như lần tôi mặc cả thuê nhà.
Thật chả còn hứng thú gì để tiếp tục câu chuyện vô bổ với bà chủ nhà trọ khôn lỏi đến khô quắt cả người.
“Mình lại ôm rơm nên bị rặm bụng rồi”. - Nghĩ vậy, rồi tôi bảo bà Tỵ:
- Em phải đi thăm bệnh nhân đây.
Tôi chợt nghĩ, hình như mình vừa buông một câu khiếm nhã giống như là đuổi khách?!