Trang chủ » Truyện

MIỀN TẤN PHONG CHÚA ĐẢO (6)

Kim Chuong
Thứ năm ngày 26 tháng 10 năm 2017 9:34 PM




PHẦN VI

Ở trại



I

Đêm đã khuya. Có tới bao lần như thế, Đắc đứng lặng trên bờ biển vắng. Mắt mở căng, nhìn xoáy vào khoảng tối mông lung. Phía ấy, những con sóng đang chồm lên dữ dội rồi ngủ lặng trong tiếng réo xa vời.

“Ai nói nhỉ ? “Biển rộng bao la. Biển chỉ có một bờ.” Ừ. Đất trời vô biên, vô tận. Nhưng, với Đắc, sao thấy mình ngột ngạt, chật chội đến nỗi, anh đã bị “văng ra” chỗ vô thiên, vô địa. Đắc làm lính. Làm thủy thủ. Đắc yêu nước. Yêu nghề. Nhưng gần hai mươi năm máu xương, nước mắt, công chẳng nên công. Tội không ra tội. Đắc sống, chiến đấu, lao động hết mình. Đắc luôn chân thành, hướng thiện, nhưng bây giờ anh đã bị vứt vào xó xỉnh, thành vô dụng, “vô thừa nhận” ở đời. Ngước nhìn ngả nào, trước mặt Đắc cũng là ngõ cụt, tối om. Bế tắc và không còn con đường nào khác. Đắc phải tìm đường vượt biển ra đi …”

“Biển trời, quê hương ơi. Đất Mẹ. Tổ quốc Việt Nam ơi! Lạy Giời. Lòng Đắc chỉ mở với thương yêu, không một chút hận thù, ai oán. Vài ba năm nữa đã bước vào cái tuổi “tứ thập bất hoặc.” Đã gần bốn chục tuổi đầu, Đắc vẫn nhẹ nhõm, hồn nhiên, chẳng chuốc hận và chẳng coi ai là “tình địch” với mình.

Làng xóm Đắc sinh ra. Bố mẹ, anh chị em ở đó. Sao thù ghét ?

Tổ quốc, nơi tổ tiên bao đời truyền cho Đắc từ sắc máu, hơi thở, tình cảm, ngữ ngôn, phẩm tiết…Sao không yêu? Sao không lắng thấm trong mỗi mạch nhỏ tế bào ?

Nhưng, là Đời. Cõi trần ai, nhiều bi thương lắm chứ. Hơn hai nghìn năm trăm năm về trước, ông Phật đã dạy. Tránh sao khỏi cảnh lẫn nhòa, mất bóng. Cái đẹp. Rồi lẽ phải, có không ít thời khắc đã bị câm lặng, chìm khuất, thậm chí chịu thất bại, dập vùi. Đắc nghĩ. Mình là thứ chẳng may dạt trôi, bị cuốn trong vùng xoáy độc địa như thế. “Con người và tồn tại,” Cặp phạm trù này không thể giản đơn.

Trong lúc bí quẫn, năm tháng này, nhiều thuyền nhân ven biển Thủy Nguyên đã tổ chức vượt biên. Vậy thì, nhân cớ này, Đắc cũng phải ra đi. Phải chạy trốn gầm trời đã hết phương cứu Đắc. Vì cuộc sống. Vì một chỗ dung thân. Vì miếng cơm, manh áo. Thật đơn giản thế thôi. Đắc đi. Đắc vượt biển. Đắc giã từ quê hương, đất Mẹ…

*

Từ bờ biển Lập Lễ, bao đêm rồi, Đắc đứng lặng, phóng hồn mình và tầm mắt qua đại dương với bao nhiêu ý nghĩ phiêu diêu. Ướm lòng vợ. Mấy lần kín hở nói ra điều ấy. Vợ Đắc sợ, giẫy lên. “Em không thể. Anh đi đâu thì đi. Em và các con nguyện sống chết với đất này.”

Thảo, vợ Đắc lo. Thảo liền mách bố mẹ. Bố Đắc nói với Thảo. “Để nó đi là chết. Là mất chồng. Là làm mồi cho cá biển, con ạ - Ông bày kế - Báo công an bắt Đắc, nhốt tù. Đi tù, bị nhốt lại thì còn người. Đi tù, khổ. Còn hơn là chịu đoạn tuyệt.

Bị bố dọa. Đắc bắt đầu im lặng thực hiện mưu kế riêng mình. Đắc lựa chọn, huấn luyện vài người làm tài công, mấy lần chạy thử ra khơi tới đảo Bạch Long Vĩ, có lần tới gần đảo Bắc Hải.

Đang chờ cơ hội “một đi, một chẳng quay về,” bỗng một người mời Đắc làm tài công với mười lăm nghìn đồng và hai chỉ vàng giao kèo, ứng trước. Như “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Đắc nhận lời. Anh viết một lá thư dài “ly biệt,” căn dặn Thảo nhiều điều. Đắc nghĩ. Sẽ chẳng còn ngày nào gặp lại nhau nữa. Một mất. Một còn. Trốn đi nước ngoài sẽ bị coi là kẻ phản bội Tổ quốc. Nếu không trót lọt. Đắc sẽ phải ngồi tù.

Năm 1983. Vào một đêm đầu hạ. Như thường lệ, những lần đi đánh cá trên sông Bạch Đằng. Đêm nay, chỉ Đắc mới biết. Đây là đêm cuối cùng Đắc làm cuộc biệt ly.

Nghe tiếng Biền, bạn chài gọi, Đắc giữ vẻ bình tĩnh, nhưng hai chân anh bỗng bủn rủn, trống ngực đập rộn lên thình thịch. Nhìn bóng vợ lặng thầm, dịu nhẹ. Nhìn đàn con nằm ngổn ngang trên giường đang say sưa giấc ngủ, Đắc thầm thì gọi. “Các con bé bỏng, thương yêu của bố ơi. Ngàn vạn lần cho bố nói lời xin lỗi. Hãy cảm thông và tha thứ cho bố. Bố không còn con đường lựa chọn nào khác. Vạn bất đắc dĩ phải dấn thân vào cuộc mạo hiểm này - Đắc thấy đôi mắt mình cay cay. Anh nhìn vợ rồi vừa đi vừa se sẽ gọi - Thảo ơi. Vợ yêu dấu của anh ơi. Thế là, từ nay đôi ta ly biệt. Thôi. Tha thứ cho anh. Đôi ta, đành biệt ly, em nhé …”

*

Đắc và Biền. Hai cái bóng đen bước bập bõm trong đêm. Tới Dương Quan, Thủy Nguyên, sương đêm ướt đầm và lạnh. Trời tối đen như mực. Hai giờ sáng, Đắc và Biền tìm gặp chủ thuyền. Sau khi bàn thảo, cam kết, giao nhận đủ tiền, Đắc phóng ra quốc lộ, bắt xe đi Hòn Gai đón mẹ con cô gái, tên Liên. Chuyến thuyền được tổ chức ở ngay bến Hòn Gai. Thuyền của Hùng, anh cô gái. Có chút trục trặc, Đắc bỏ chuyến này, giành cho người anh họ làm tài công. Biết Đắc đi một mình, Hùng gửi Liên cho Đắc, hy vọng, sau này hai người sẽ gắn kết, lấy nhau.

Chưa biết, hôm nay rồi mai sau sẽ ra sao. Đắc không nghĩ gì chuyện ấy. Anh đi tìm cậu em người cô ruột gửi mười nghìn đồng và hai chỉ vàng về cho vợ. Đắc tin. Số tiền này sẽ giúp Thảo ở nhà trang trải bớt khó khăn. Nhưng, mãi sau Đắc mới biết. Thảo, vợ anh ở nhà không nhận được. Khi tìm hỏi người nhờ cậy, vợ Đắc còn bị người mình nhờ gửi “ăn quỵt”, đe tố cáo “chuyện vượt biên.”

Đắc dắt mẹ con Liên đi xe qua phà Bãi Cháy gặp người em con ông chú là công an đang trực ở Hòn Gai. Đắc nói thẳng, mình sẽ vượt biên. Đắc đã có số tiền gửi Phụng cầm về nhà cho vợ anh, là Thảo.

Đắc bắt xe về Hải Phòng. Qua phà Rừng, qua đập Minh Đức, Đắc khoe với Liên. “Quê anh đấy. Đẹp quá. Yêu quá. Vậy mà… Đành tạm biệt nhé, quê hương …”

Đắc gọi thầm. Tiếng cuối cùng, Đắc chỉ nói cho riêng mình nghe. Đến Dương Quan, Đắc dẫn Liên tới nhà chủ thuyền. Buổi tối, mọi người gặp gỡ làm quen, kiểm tra lại lần cuối rồi hẹn nhau tập kết ở Minh Tân.

*

Đêm. Màn tối đen đặc. Hai mươi sáu người lớn bé, nhưng chẳng mấy ai biết ai. Trời lặng gió. Thuyền buồm, dài 32 thước. Lúc này nước đang xuống mạnh. Từ bến Minh Tân, thuyền buông xuôi. Tờ mờ sáng, thuyền tới Phà Rừng. Đắc đứng ở phía lái, đề phòng có chuyện xảy ra, Đắc sẽ nhảy xuống sông, lặn một hơi chuồn thẳng. Thuyền vẫn đi. Mọi người ngồi im ắng trong khoang, không ai được ra ngoài, để tránh bị lộ.

Biển yên ả. Bỗng, gió bấc. Có chút gió heo may nổi lên. Thuyền nhẹ lướt qua Cửa Nam, Đình Vũ, Cát Hải, Cát Bà, Ba Hòn… Bốn giờ chiều, thuyền tới Long Châu Đông. Gió tắt lặng. Ở Long Châu có trạm quan sát, sợ bị phát hiện, thuyền quẩn quanh chờ tối sẫm mới tiếp tục ra đi.

Từng làm “lính thủy thủ”, suốt hai năm liên tục đi về trên tuyến biển này, Đắc thông thuộc như lòng tay mình. Trên thuyền, Đắc duy nhất là người biết cầm lái. Đắc chủ động dựa theo dòng nước để buông thuyền vượt biển.

Qua một đêm dong duổi. Sáng hôm sau, thuyền đi ngang qua phía Tây, Đắc ngắm nhìn đảo Bạch Long Vĩ chỉ nhỏ mờ giống như một chóp nón. Đất Việt Nam đã cách xa. Bốn ngày sau thuyền của Đắc đã đến luồng giữa Đảo Hải Nam và bán Đảo Lôi Châu. Từ eo Lôi Châu tới cửa Trạm Giang rất nguy hiểm. Đắc vẫn nhớ những lần khi còn làm lính Hải Quân anh đã gặp nhiều tình huống phức tạp.

Khoảng một giờ đêm, thuyền đến Cảng Tú Oanh, gặp hai tầu đánh cá Trung Quốc, Đắc cho thuyền neo lại. Sáng, nhân lúc lặng gió, Đắc tranh thủ huấn luyện cho mọi người biết cách chống sào và kéo hạ buồm. Khi trời hiu hiu gió nồm Nam, con thuyền lại nhằm hướng Trạm Giang chạy tiếp.

Giữa mênh mông bể sở, những người ngồi trên con thuyền thấy mình thật mong manh, bèo bọt. Chỉ bất ngờ gặp vùng xoáy độc. Một trận cuồng phong. Một cơn sóng dữ…Con thuyền sẽ tan tác. Mỗi người sẽ vùi trong bọt bể tan tành. Ai nấy, nhìn nhau. Nhìn vào Đắc, nhìn trời cao biển rộng mà luôn mồm kêu trời, khấn Phật. Đắc hóa thành linh hồn của con thuyền, linh hồn của rủi may, mất còn cứ căng lên mỗi ngày lênh đênh trước bốn phương mịt mờ biển nước.

Đã qua hai mươi ngày vượt thoát, từng hiểm họa luôn đe dọa cái chết, của gió, của sóng, của cảnh nhịn đói, nhịn khát. Cảnh tù túng, khổ ải. Cảnh chen nhau khi ăn nằm, ỉa đái. Một đêm, nghe thấy tiếng ồn ào, cãi cọ nhau ở cuối thuyền, Đắc nghi, chỉ chuyện vặt. Khuya, trời rạng chút trăng thanh. Gió lặng. Đắc thả thuyền buông trôi, mấy cậu độc thân kéo Đắc, rỉ tai. “Chúng em muốn giết gia đình chủ thuyền vất xuống biển, anh ạ.” “Không được - Đắc giật mình, hỏi “Tại sao.” - Mấy người thở than - “ Chúng em phải đóng cho nó nhiều tiền quá. Đau quá.”

Hơn nửa tháng trên biển, là người cầm lái, Đắc không hề có một người thân, ngoài mẹ con Liên. Mấy tên “nổi loạn” nói với Đắc điều này, hẳn họ hiểu và coi trọng Đắc. Cầm chắc, trên thuyền không một ai biết lái, Đắc giở giọng nói mạnh. “Không được giở trò ấy. Nếu các cậu muốn giết họ, trước hết, hãy giết tớ đã - Rồi, Đắc làm căng hơn - Các cậu muốn làm loạn. Cả con thuyền sẽ nổi loạn. Họ chết. Các cậu cũng chết. Con thuyền sẽ xóa sổ. Tất cả sẽ chôn vùi vào biển cả này…”

Sau một hồi cuộc đấu khẩu bốc lên rồi hạ xuống. Nắm được “thóp,” Đắc hết lên giọng đe, rồi lại dịu xuống làm lành. “Các chú biết không. Ở đời, tiền quý thật. Nhưng, tiền rồi chúng ta sẽ kiếm được. Hãy tha cho họ. Đưa nhau đến được nơi này rồi, đừng chấp. Điều bây giờ mọi người đang mong đợi, làm sao tất cả chúng ta sẽ cập bến an toàn. Đời còn dài. Chưa hết. Hãy đem lòng xử đẹp với nhau thì hơn. Các chú hãy nghe anh…”

Đắc vừa dứt lời, ba bốn người “rắp tâm nổi loạn” vội ôm lấy Đắc, đầu cúi rạp vẻ như tạ lỗi, miệng lắp bắp. “Thôi. Xin tuân lệnh đại ca. Coi như xong. Vui vẻ. Chúng em xin vui vẻ…”

Thuyền lại lênh đênh vượt từng sải đại dương. Qua đi vài đêm, nhóm đàn em đã được Đắc khuất phục lại túm lấy Đắc, vẻ phẫn nộ. Họ hỏi Đắc.

- Cô tên Liên có phải vợ anh không ?

- Không. Người nhà. Nhưng, cứ coi như vậy.

- Nếu vậy thì đểu cáng quá. Cho tụi em ném nó xuống biển.

- Liên. Nó, có chuyện gì ?

- Chuyện gì à ? Anh không biết ư ?

- Không.

- Nó tầm bậy. Nó. Một con đĩ, anh ạ.

- Đĩ ư ?

- Nó vỗ mặt anh. Đêm nào cũng làm tình với một thằng nhãi. Chúng chỉ đắp lên người một vuông vải mỏng. Để em chọc tiết nó. Giữ làm gì loại bẩn thỉu ấy.

- Thôi.

- Sao lại thôi.

- Chú tha cho nó - Đắc nói. Vẻ tỉnh bơ.

- Tha à ?

- Ừ. Tha.

- Tha thế nào được. Sao chán anh thế nhỉ.

- Chán mình ư? Chấp làm gì loại đĩ, thèm đực. Nó khát sự khoái lạc. Cho nó ăn. Nó từng làm “con phò, con phạch” ở Hòn Gai. Quyền thể xác của “phần con” riêng nó. Hãy tha tội. Tha. Vì, nó còn đứa con nhỏ mang theo, chú ạ.

Lần thứ hai, tụi ngỗ ngược muốn giết chủ thuyền không được lại muốn giết Liên. Chúng đã nghe lời Đắc.

Đắc biết. Đắc đã được mọi người trên thuyền kính nể.

*

Dọc đường tới Hồng Kông, Đắc cho thuyền ghé một số nơi anh từng đi qua để lấy nước, hái chút rau má ăn cho đỡ nhiệt. Trên thuyền, thiếu thốn nhiều. Người nào cũng mắc bệnh đi kiết. Một buổi, liều, Đắc ghé thuyền vào một Cảng Hải Quân Trung Quốc xin nước. Họ giúp. Nhưng, thuyền của Đắc bị khám xét rất kỹ. Họ lục tìm xem có cất dấu vũ khí gì không. Đắc biết nói đôi chút tiếng Bắc Kinh nên con thuyền được tiếp tục đi qua.

Thuyền qua Ma Cao rồi tiếp tục hành trình. Thật may mắn, cả chuyến đi đẹp trời. Không sóng to. Không bão gió. Hai mươi sáu ngày đêm lênh đênh, con thuyền vượt đại dương của Đắc đã tới Hồng Kông.

Có tiếng la lên “Hồng Kông kia rồi. Đã đến Hồng Kông. Hồng Kông đang hiện ra trước mặt chúng ta.”

Mọi người bỗng thức dậy, hét vang. Ai nấy sung sướng quên cả mệt nhọc. “Ôi. Thế là thoát chết. Thế là chúng ta đã sống”.

II

Đắc chăm chắm nhìn tốp cảnh sát Hồng Kông ùa đến kiểm tra và kéo những “con thuyền tị nạn” buộc vào phao nổi. Dân vượt biên khá đông. Mươi, mười lăm phút, nửa tiếng lại có một chuyến. Thuyền to, thuyền nhỏ. Thuyền vài chục người. Thuyền hai ba người. Người Bắc, Trung, Nam. Người Hoa. Người già. Thanh niên, nam nữ, cả trẻ nhỏ cứ nối nhau ập đến.

Vượt trùng dương. Bao chặng đường bão táp. Những cái chết từ những cuộc đâm chém, cướp giật lẫn nhau trên biển. Những trận tử nạn do bão giông, thuyền nát, sóng vùi. Chết chìm, chết đuối. Rồi, chết đói, chết khát. Chết ốm đau, tật bệnh…Trong những cuộc vượt biên, Đắc biết, với hàng mấy trăm người đã từng bị chôn vùi tang thương nơi biển dữ, “Lạy Giời.” Thiên địa đã cứu anh và hai mươi sáu con người trên chiếc thuyền đi qua gần một tháng trời trót lọt trong sóng yên, bể lặng.

Hôm ấy, vào ngày mồng Một, tháng Năm, năm 1983, Đắc bước lên cái phao khổng lồ chứa tới vài ngàn người đang bập bênh mặt biển.

Trước mắt Đắc, khoảng 300 người đang nối nhau xếp hàng vào trại. Sau khi cảnh sát khám xét, từng tốp người mắt nhắm tịt, hai tay giơ cao, lần lượt đi qua “cơn mưa thuốc” trắng xóa. Thuốc phun phòng dịch, phòng chống bệnh lây nhiễm.

Trút bỏ quần áo cũ, ai nấy được phát quần áo, chăn mền mới và thực phẩm, đồ ăn theo từng hộ.

Mọi người thực hiện khai báo. Từng cặp vợ chồng khai riêng. Hộ độc thân khai riêng. Nghe nói, “là hộ gia đình” sẽ được đi định cư sớm hơn, nhiều người vội khai bừa. Họ chẳng yêu đương, chẳng vợ chồng nhưng nhận nhau chồng vợ để được hưởng chế độ.

Theo lời khai ban đầu, Đắc và mẹ con Liên (cô gái mang theo) được coi là một hộ. Vừa lạ nước lạ cái, nơi đất khách, quê người, tạm thời, Đắc chịu cảnh sắp đặt như vậy. Không hiểu sao, giữa lúc này, nỗi thương vợ, nhớ con trong Đắc lại bỗng dưng trào lên mãnh liệt. Đắc im lặng quay về khoảng xa lắc xa lơ, phía quê mẹ Việt Nam, khẽ cất lên tiếng gọi mẹ, gọi cha, gọi vợ, gọi tên những đứa con trong nước mắt.

Đắc hiểu. Tình yêu của Đắc và Thảo phải đổi bằng khổ đau, bằng máu. Đắc và Thảo đã có năm đứa con ngoan, hiếu thảo với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Mười mấy năm sống với nhau đói nghèo, ra tù vào tội. Bao cảnh ngộ trái ngang, đau xót, vợ chồng Đắc vẫn đùm bọc, thương nhau. Thảo, vợ Đắc, lúc nào cũng là một phụ nữ trung hậu, đảm đang. Đời Đắc đã không chọn nhầm một người vợ ngàn năm đáng yêu tin như thế. Vậy mà, bây giờ đôi ngả. Nỗi nhớ thương đang làm anh đứt từng khúc ruột.

Anh đã bị người đời quy là kẻ phản bội tổ quốc. Ngày mai ư, đâu dễ có ngày về.

Hai mươi sáu ngày đêm quần nhau với biển, Đắc mệt mỏi nhấc từng bước một. Trước mặt Đắc là trại Chimawan. Những dãy nhà tôn lúp xúp nằm nối nhau. Những gian buồng dài dặc với hai hàng giường sắt, ba tầng. Đắc ngắm nhìn những người đang nằm chờ la liệt để đưa trả về nước. Họ là dân Trung Quốc. Họ trà trộn, giả mạo là dân Việt Nam, mong vượt biển, định cư ở nước nào đó sướng hơn.

Ít ngày sau, cảnh sát gọi Đắc lên lấy cung, lập hồ sơ. Họ yêu cầu kê khai rành rọt từ khi rời Việt Nam. Những căn nguyên, lý do, nguồn gốc, tất cả phải trung thực. Nếu phát hiện man trá sẽ bị đánh. Trước một người Hoa làm phiên dịch, Đắc khai báo tất cả sự thật. Họ không tin Đắc, khi con thuyền vượt biển nhỏ bé, chỉ với 27 thước, tương đương mười mét mà 26 người lại có thể đi nổi. Đắc nói mãi. Cuối cùng, Đắc dùng giấy vẽ sơ đồ, minh họa. Đắc thuyết trình thời tiết từng ngày trong suốt thời gian hành trình trên biển, cảnh sát hiểu và chấp nhận lời anh.

Sống giữa trại tập trung, đủ thứ hạng người. Không ai biết ai. Hàng ngày diễn ra bao nhiêu chuyện phức tạp.

Nhà trại cấp cho mỗi giường vài mét vải nylon để ngăn các giường nằm, nhất là những đôi vợ chồng khi cần “hú hí”, họ chỉ kéo tấm vải mỏng để che.

Trời nắng nóng, phía ngoài sân, nền xi măng bốc hơi ngùn ngụt. Giáp mái trần nhà, những cái quạt thông gió to cồ, kêu vù vù chạy suốt ngày, suốt đêm không mỏi. Tiếng quạt máy, tiếng gió thổi ầm ầm. Tiếng hàng ngàn con người lúc nào cũng như chợ vỡ. Rồi tiếng chửi bới. Tiếng trẻ con khóc, nghe âm thanh thật hỗn loạn.

Nhiệt độ bên trong trại lúc nào cũng giống như một cái lò nung.

Phía nhà tắm chung, người chen chúc, chật cứng. Ở dưới nhà chia cơm có vẻ rộng hơn nhưng mái tôn thấp tè. Mùi mắm muối lúc nào cũng bốc lên nồng nặc. Mọi người giống như cá trong chậu, sắp sôi lên ngột ngạt. Đàn ông bận chiếc quần xà lỏn, mình trần như nhộng. Bọn đầu gấu, lưu manh mình mẩy xăm đầy rồng phượng. Chúng “coi trời bằng vung”, vẻ phớt đời, chẳng có ai để sợ.

Cảnh sát Hồng Kông chỉ đứng canh coi bên ngoài. Bên trong hàng rào là trại. Chúng mặc xác cho tụi giang hồ bụi bặm hoành hành, thả sức đánh đấm, chém giết lẫn nhau.

Giữa cảnh nhộn nhạo tranh tối tranh sáng, tụi trộm cắp không ngủ, đêm xuống lùng sục, rình mò. Trộm cắp chán, chúng đi rình những đôi vợ chồng để “xem trò con heo.”. Có những đôi đang ôm nhau rú lên cơn sướng, chúng vạch màn té cứt vào giường, mùi thối bốc lên kinh khủng.

Trong trại cấm, những cô gái độc thân được xếp ở tầng ba. Trên tầng cao ngất, họ không mắc màn gió. Trai gái vớ được nhau, chơi chán lại lăn ra ngủ. Trên tấm thân trần truồng, không một mảnh vải che.

Trại cấm không tiêu bằng tiền. Mọi giá trị được đánh giá, đổi chác bằng thuốc lá. Cuộc sống bên ngoài bị cách biệt. Thân phận giam cầm. Tương lai luôn diễn ra cảnh mịt mờ, vô vọng. Đẩy tới “bước đường cùng”, nhiều kẻ bất cần đời không nghĩ tới ngày mai. Họ tranh giành, cướp giật, chém giết lẫn nhau. “Xưng hùng xưng bá.” Người Việt ức hiếp, đè nén lẫn nhau. Cảnh sát Hồng Kông phủi tay “làm ngơ,” họ mặc xác chúng bay giết nhau, luật pháp không can thiệp.

Nằm trong trại cấm Chimawan, nhiều đêm thức nhìn về phía thành phố, đèn điện Hồng Kông sáng trưng một vùng trời. Tiếng gầm rú của những chiếc máy bay như rung trên nóc các dãy nhà tôn mỏng mảnh, Đắc vắt tay lên trán nhủ mình. “Đắc sẽ khác mọi người. Đã tìm đường vượt biển, Đắc không tuyệt vọng. Sớm muộn, sự vật sẽ xoay vần, đổi khác. Đắc sẽ không tự giết, tự làm hại thêm chính mình ở giữa cơn bĩ cực. Đắc phải vượt lên, lấp đầy khoảng trống nhạt, vô vị, dễ làm mình chết thêm lần nữa.”

Nghĩ vậy, Đắc không lãng phí thời gian. Đắc vẫn không quên nếp sống những ngày còn là lính ở trong quân ngũ. Đắc duy trì cho mình một lịch trình hoạt động riêng.

Mỗi sớm, Đắc thức dậy lúc năm giờ. Chăn màn gấp gọn gàng, Đắc chạy bộ vòng quanh trại khoảng năm sáu cây số. Ăn sáng xong, Đắc vùi đầu vào học tiếng Anh. Trưa ngủ dậy, chiều lại lên lớp, học tiếp.

Kiểu sinh hoạt lặng lẽ mà nề nếp của Đắc làm một số đầu gấu, nhất là dân phương Nam (người Nam bộ) nghĩ Đắc là sỹ quan cao cấp của Bắc Việt thuở nào. Họ nhìn Đắc vẻ ngứa mắt, thù hận. Họ bảo.

- Chắc chắn, “Nó,” tên nòi, Việt cộng đấy. Cứ nhìn hắn là biết. Dấu sao nổi. Hắn từng hét ra lửa, chả bỡn. Tội ác hẳn tày trời. Công cán với “Cộng quân” vậy, sao bây giờ phải chui đầu vào xó xỉnh chết thối này ?

Từ cái nhìn hiềm khích, đố kỵ đến nỗi, ai sinh hoạt nền nếp, giữ gìn, chỉn chu…Đấy, cộng sản ! Ai nói năng mô phạm, sống nghiêm chỉnh, “cũng Cộng sản”. Thậm chí người khoác lên chân đôi dép nhựa “Tiền Phong,” đấy, cũng loại “Cộng sản đáng ghét.”

Một tối, Đắc bị nhóm người bỗng dưng quây chặt. Họ thét lên. “Thằng cộng sản. Chúng bay. Cho nó một trận. Nhanh. Ra đòn…”

Trong chớp mắt, Đắc bỗng thấy ào ào những tay đấm, chân đá nhằm túi tụi vào đầu, vào mặt. Đắc nhanh lẹ chống trả. Tìm vị trí thế thủ, Đắc gạt từng tên ngã lăn ra đất. Khi nghe tiếng anh Hương, người Đà Nẵng, một sỹ quan của chế độ Việt Nam cộng hoà, nhóm cầm đầu người Nam quát lên. “Không được đánh Đắc. Chúng bay. Dừng lại, kẻo toi mạng.”

Phút chốc, bọn xông vào đánh Đắc vội cuốn gói, tản mát bỏ đi.

Ở trại, người tứ xứ, giống như ở ga tầu, bến xe, không ai muốn biết ai. Cảnh bất cần đời, không biết đến ngày mai, đã đẩy họ luôn coi thường cái chết. Mâu thuẫn đủ đường. Phe cánh nổi lên ức hiếp, trấn lột nhau. Từ chức buồng trưởng, buồng phó khi A-sề, (cảnh sát) đến chứng kiến việc phân công, bầu bán. Bọn đầu gấu được thể phanh trần, khoe tấm thân “rằn ri”, khoe các “chiến công” chém giết, ra tù vào tội, để tranh cướp “cái chức” dù mạt hạng, để sẵn sàng có dịp đi hành hạ kẻ khác. Rồi, mâu thuẫn giữa tỉnh này, tỉnh nọ. Mâu thuẫn giữa người Bắc, người Nam. Họ thiển nghĩ. Một thời, hai chiến tuyến khác nhau. Bên cộng sản. Bên Quân lực Việt Nam cộng hòa. Họ đâu hiểu hai thế lực đối mặt trong cuộc chiến. Một cuộc chiến tranh chính nghĩa trước một cuộc xâm lăng của những tên “Sen đầm quốc tế” đã đem quân đi đánh chiếm nước người.

Đắc im lặng. “Tự thức” trước mình. Đắc tự hiểu và tự nhủ mình, lặng lẽ xác lập cho mình một ý thức, lối sống.

Đắc soi gương. Anh giật mình, không nhận ra mình nữa. Người Đắc gầy tọp. Gương mặt vêu vao. Đôi mắt thâm quầng, trũng sâu. Da nhợt tái. Cặp môi thâm xám. Tóc dựng lên xơ cứng.

“Mình không thể chết. Đi. Để tìm đường, tìm nguồn sống và tồn tại kia mà.” Đắc thiết lập thật vững những gì anh đã nghĩ thấu. Bởi vậy, ngay từ buổi cùng Liên, mẹ con cô gái nhập trại, được ở cùng một hộ. Liên là kẻ “đói tình,” cô vật vã, cào xé, đòi hỏi Đắc được uống cho cạn kiệt cơn cháy khát đang thiêu đốt trong Liên. Nhưng sức mạnh tinh thần ngự trị thật ghê gớm. Con tim Đắc lạnh băng. Đơn giản là Đắc không thích. Cái nghĩ của Đắc là sẽ “gắng làm người.” Không xấu xa, vô ích. Dù còn chút mầm xanh yếu ớt, Đắc cũng sẽ vượt mình, đứng dậy mà trở thành cái cây, mà đơm hoa, kết trái.

Đắc nằm trơ ra như khúc gỗ. Chính Đắc cũng không hiểu vì sao anh lại giống một cái xác chết, nhũn mềm.

Liên mệt bã người, toát mồ hôi, một mình vần vò Đắc. Rốt cuộc, chịu thua. Liên căm giận, giở trò gây lộn rồi cuốn áo bỏ đi.

Đắc đã kê khai lại hồ sơ, hộ khẩu, toàn bộ vợ con anh đang còn ở Việt Nam. Đắc lên tầng ba sống một mình với những hộ độc thân. Sự cách chia với thời gian đi qua dần lắng lại. Rồi sự ngọt lành không hiểu tự lúc nào, nó có từ chút dính líu xa cũ. Một ngày, Liên đã “bẫy” và buộc được Đắc hàng tuần, làm thỏa mãn dục vọng cho những cơn cuồng nhiệt của Liên. Đắc bỗng tỉnh. Chạy trốn.

Điên. Liên ra mặt trả thù Đắc.

Một đêm, khoảng hai giờ sáng, Đắc đang thức “nghiền” bài “ngữ văn,” tiếng Anh. Một cô gái người Đà Nẵng chạy lên tầng ba tìm Đắc. Cô nói. “Liên đang làm tình với một người đàn ông và bêu riếu Đắc. Liên bảo, Đắc chỉ là tên tài công mà Liên là bà chủ thuê Đắc mà thôi.”

Đắc không ghen. Nhưng, “láo quá. Liên đã xúc phạm danh dự của một thằng đàn ông, như Đắc.” Quẳng sách xuống bàn. Đắc lao xuống tầng Hai. Đắc quắc mắt nhìn chàng trai mặt rỗ đang quằn quại cùng Liên, hai cơ thể như hai con rắn xoắn xít. Thấy Đắc, chàng trai sợ tái mặt. Đắc xua tay, bảo. “Xin lỗi. Mai, tôi sẽ nói chuyện với cậu.” Chàng trai vội ôm quần áo lủi đi. Bị “mất mồi,” Liên uất quá, gào lên. Đắc nhẹ giọng. “Cô câm miệng để cho mọi người ngủ. Đừng giở thói “gái đĩ già mồm.”

Liên không chịu. Liên xấn xổ, túm lấy Đắc giằng xé. Đắc vẫn bình tĩnh, nói. “Này. Mày đực cái, đĩ bợm mặc xác. Nhưng, tại sao, mày dám nói “là bà chủ thuê tao làm tài công ? Trong khi, tao cưu mang, cho mày đi không mất tiền. Vậy mà dám dựng đứng chuyện đểu. Tao cảnh cáo lần cuối. Còn lặp lại, tao sẽ bẻ răng, cắt lưỡi, hiểu chưa ?”

Đắc đưa tay bóp nhẹ cổ Liên. Sợ. Ngạt thở, Liên ôm chầm lấy Đắc, khóc ré lên, van xin. Đắc trừng mắt bỏ đi. Từ bấy, trừ khi có chuyện gì liên quan tới Liên, tới luật pháp…Và. Cho tới mãi sau này rời trại tị nạn, Đắc mới tìm gặp, chia tay Liên, người con gái ấy.

Còn, chàng trai mặt rỗ, thấy Đắc vẻ “anh hùng, kẻ cả,” sau đêm trốn chạy đã gặp Đắc “tạ tội” rồi cùng Liên “ngựa quen đường cũ,” thường xuyên diễn ra chuyện “thì thụt ái tình.” Có điều, hắn tự nguyện “làm luật” thật đẹp với Đắc. Mỗi ngày, hắn thường “cống” cho Đắc “6 điếu thuốc lá, 2 ca chè đỗ đen” vào các buổi sáng và chiều.

Đắc mải học. Không giống các chàng trai khác. Đắc tránh xa mọi chuyện. Nhưng, một đêm đi đốc gác. Khuya. Hầu như mọi người đang ngon giấc. Đắc đi ngang qua dãy giường dài dặc. Một bàn tay thò ra, kéo Đắc gục xuống bên giường. “Thì ra, Phích. Cô gái ghé sát vào mặt Đắc, hôn lấy hôn để, giọng cầu khẩn :

- Anh Đắc. Anh nằm xuống đây ngủ với mẹ con em. Người đâu mà tệ thế. Anh không biết à ? Anh hờ hững thế sao. Em thật khổ vì đã mang lòng yêu anh đến vậy.

Đắc biết. Phích, người con gái đã thầm yêu trộm nhớ Đắc nhiều. Hàng ngày, Phích ân cần chăm sóc, cất dấu nỗi khát khao có được “người bạn đời” như Đắc. Nhưng, Đắc không thể. Nỗi canh cánh bên lòng, thương vợ, nhớ con là một lẽ. Nhưng cái lý, bao nhiêu ngày ở trại, nhìn thấy cảnh những người tới đây, làm những cặp vợ chồng chắp vá, gây xáo trộn, chuốc thêm đau xót vào mình. Đắc lạnh nhạt, quên đi. Phích không chịu. “Không tính đến ngày mai. Không biết đời còn mất, là gì. Chỉ biết. Lúc này Phích đã bắt được Đắc. Trời đã đem Đắc đến. Miếng ngon đã kề bên miệng. Phích không buông tha. Không thể để Đắc đi được.”

Thế là, lần nữa, đêm sâu đã chùng xuống, làm vạn vật mờ ảo, mềm đi. Đắc đã ngã lòng. Nhìn dẫy giường bên, vợ chồng đứa em cùng thuyền dẫn nhau đi bệnh viện Hồng Kông, bỏ trống. Đắc tặc lưỡi, nằm lại. Và, một đêm “mưa gió đời người” đã diễn ra những gì, Đắc cũng không biết nữa.

Cho đến mãi sau này, thi thoảng, Đắc vẫn còn phảng phất cái nhớ. Phích. Một cô gái có thân hình cân đối. Da trắng như tuyết. Dưới ánh đèn nê-ông mập mờ, huyền ảo, Đắc mặc kệ cho người con gái yêu mình, thả sức âu yếm, ngụp lặn trong cơn điên đang nhập vào cái sinh linh bé nhỏ. Đúng là, miếng ăn vụng thường ngon và khó lòng quên được. Sau ba đêm, Đắc mới gỡ được mình, chạy trốn.

Bị xử tệ, vội “rút ván,” ghẻ lạnh. Đắc không ngờ, Phích đã khóc. Cô chửi Đắc “Ngu”. Anh già rồi mà còn ngu mãi. Gìn giữ ư ? Để làm cao. Để lột xác mà mang đi được à ?”

Đắc nhăn mặt cười trừ. Lặng lẽ làm người phụ bạc.

Chuyện Phích. Đắc đã quên đi khá lâu. Lần gặp lại, Phích đã cặp với một chàng trai Hải Phòng. Chẳng biết sự thù hận với Phích còn không, khi Đắc đã thay lòng, đổi dạ. Nhóm bạn cũ ra sức “kích” Đắc, đố Đắc làm quen, bằng cách, ôm hôn Phích trước mặt mọi người. Đắc biết, bệnh đói tình là “máu” khó thay của Phích. Rồi, chuyện tình của hai đứa “ngày xưa,” Phích cũng hiểu, không bao giờ vượt xa hơn được nữa. Có thể, Phích không còn giận hờn. Nhưng, “hôn Phích,” để lại dính vào chuyện vẩn vơ, chỉ vì “mười bao thuốc và năm gói trà” đang đặt ra trước mặt để “treo thưởng” Đắc?

“Được. Các ngươi bày trò hả ? Ta cũng bày trò. Một, thử Phích. “Giải hòa” với Phích. Hai, lĩnh thưởng, cho bọn chúng “trắng mắt.”

Đắc kín đáo gặp Phích nói rõ ngầm ý. Phích chối đây đẩy, gắt lên rồi mỉm cười, hai gò má dậy hồng, chín ửng. Biết cầm chắc phần thắng, Đắc giục bọn em. “Đắc nhất trí thử chơi. Các cậu tổ chức đi. Hãy gọi Phích đến đây xem sao. Thua, Đắc sẽ chịu phạt gấp đôi.”

Cuộc thách đố hấp dẫn. Mọi người liền tụ tập uống nước và cho gọi Phích đến. Và, Phích bỗng xuất hiện. Đắc đứng dậy cúi chào lịch sự rồi kéo Phích ôm hôn thắm thiết.

Sự việc xảy ra suôn sẻ. Đắc chiến thắng. Phần thưởng được trao đúng “giao kèo.” Mọi người được bữa vui liên hoan trà thuốc thật thú vị.

Đắc ham vui, không cảnh giác. Chuyện tếu với Phích vừa xong. Đắc lại bị kẻ xấu, “quàng” vào chuyện Tựa.

Tựa, vợ Điệp, một phụ nữ đáng kính. Tựa dịu dàng, nết na, đôn hậu. Vợ chồng “Điệp Tựa” từng thân quý, tặng Đắc đồ dùng và quần áo. Trong một chuyến ra ngoài chơi bài, Mỹ Nhuần cùng là người ở trong trại cấm đi theo Đắc. Do ghen tức, tài năng và uy tín của Đắc, Nhuần dựng chuyện, phao tin Đắc cặp bồ với Tựa, vợ Điệp. Điệp nổi khùng vác dao nhẩy vào chém Đắc.

Chuyện “lòng lang dạ sói” của Nhuần bị vạch mặt. Chính anh em ruột thịt nhà Điệp rất đông ở trại đã chứng minh sự trong sáng của Đắc. Đắc cũng xin phép Điệp được gặp gỡ, đối mặt. Điệp và Đắc đã có dịp thông cảm, hiểu nhau. Sau này, vợ và những đứa con Đắc gặp vợ chồng Điệp ở trại đã được Điệp quan tâm, chăm sóc hết sức chu đáo. Mỹ Nhuần, kẻ dựng đứng chuyện ác lẩn trốn, không bao giờ dám gặp Đắc nữa.

Từ chuyện Mỹ Nhuần gây “tai bay vạ gió”. Đắc nhớ. Vào những ngày còn làm công nhân ở Công ty Hằng hải. Có thời gian Đắc vô tình, không hiểu từ đâu cứ liên tục bị buộc vào chuyện nhùng nhằng “trai gái.” Bây giờ, chuyện vớ vẩn ấy lại diễn ra như “cái dớp” khó tránh kia sao ? Hết chuyện Liên. Chuyện Phích. Rồi, chuyện Kiên, cô gái, Đắc có chút cảm tình, nhưng chưa bao giờ đi quá ranh giới của “chuyện tình khuất tất.” Kiên từng là một chiến sỹ Hải Quân, con nuôi của một vị Đại tướng. Đắc và Kiên mến nhau, cả hai thầm giữ vẻ ý nhị của nỗi niềm : “tình trong như đã, mặt ngoài còn e.”

Một buổi, Đắc và Kiên đang ngồi ở giường uống với nhau cốc bia, trò chuyện thân mật. Bỗng Đỏ, cô gái người Cát Hải xông đến, gây xích mích, cãi cọ. Đỏ túm lấy Kiên, cả hai bỗng làm trận ẩu đả. “Thì ra, Đắc không hiểu. Hai cô đã ghen nhau “vì Đắc.”

Thấy “cuộc chiến” sắp dẫn tới cao trào dữ dội. Mấy người xung quanh được thể vỗ tay, ủng hộ vụ đánh lộn. Đắc vội can. Đắc ôm lấy hai cô, miệng thầm thì câu gì chẳng rõ. Đỏ và Kiên tự buông nhau ra. Chừng như, chưa hết cơn giận, nhưng hai cô im lặng, bỏ đi ...

III

Ở trại Chimawan một thời gian, Đắc chuyển về trại Heilinhchau. Trại khoảng ba nghìn người. Dân tị nạn quá đông.

Trại Heilinhchau rộng, thoáng mát. Nằm trên một hòn đảo giữa biển. Xung quanh là những hàng rào thép gai bao bọc. Đắc mang số thẻ 152, người trong chuyến đầu tiên được chuyển đến.

Được Liên Hợp quốc đầu tư, trại Heilinhchau tổ chức nhiều lớp học. Nhiều phương tiện, dụng cụ tập luyện như bóng đá, bóng chuyền, xà đơn, xà kép…Hàng ngày, Đắc lao vào học ngoại ngữ và luyện tập thể thao nhiều hơn.

Buổi sáng, Đắc thường chạy một vòng quanh trại, khoảng mười kilômét. Thời gian còn lại, Đắc vùi đầu vào học tiếng Anh.

Sự yên tĩnh được thiết lập ở Heilinhchau tốt hơn, nhưng chẳng được bao lâu. Thời gian mỏi mòn chờ đợi, mọi người có cảm giác “tháng ngày chỉ còn lại đêm đen, ngõ cụt. Cuộc đời đã tuyệt vọng, chấm hết.” “Nhàn, cư vi bất thiện.” Chẳng có việc gì làm. Bọn đầu gấu thi nhau nổi lên, chia thành bang phái, đánh đấm, thanh toán lẫn nhau.

Gay cấn nhất vẫn là chuyện Bắc Nam. Chuyện ám ảnh từ hai miền Bắc Nam đi trong cuộc chiến với hình ảnh, tên gọi : “Cộng sản”. Có thể, chỉ từ chuyện rất nhỏ, bỗng hóa thành chuyện lớn. Do tri thức thấp, người Nam toàn là dân ở vùng biển Đà Nẵng, họ hiểu cách mạng rất mơ hồ, nhưng sức đối kháng thì thật mãnh liệt. Còn dân Bắc, phần nhiều là phần tử từng ra tù vào tội. Nhưng, chọc gậy bánh xe và “nhóm lửa,” lại chủ yếu là người Nam gây nên. Từ già tới trẻ, người Nam đều nguyền rủa người Bắc là Cộng sản ở bất cứ nơi nào.

Cách sống của Đắc được coi là Cộng sản, không khác chi “cái gai” chọc vào mắt mọi người. Ở trại Chimawan, vì “tội này,” một lần, Đắc đã bị quây đánh. Về trại Heilinhchau, một chiều, lên lớp học tiếng Anh, Đắc đến sớm và chọn chỗ ngồi phía trước. Lập tức, một nhóm người liền xông đến gây chuyện. Họ vặn vẹo :

- Thằng Cộng sản. Mày muốn tiên phong, gương mẫu hả.

- Biết điều, cút xuống ghế dưới.

- Cút !

Đắc đứng dậy, giọng nhẹ nhàng, hỏi lại :

- Bàn ghế của các cậu à ? Các cậu mang từ Việt Nam sang đây phải không ?

- Đ…mẹ. Đéo lý sự với mày. Chúng bay. Cho thằng Cộng sản này “bài học.”

- Đánh !

Đắc nhanh chóng đứng né sang bên. Một nhóm xông vào định “làm thịt” Đắc tại chỗ. Đắc đập mạnh cái ghế. Chiếc ghế gẫy tung. Một hai tên ngã vật. Nhìn “công lực” và thần thái mạnh mẽ của Đắc, mấy tên im lặng lủi dần.

Thầy giáo xuất hiện.

Học viên vào lớp.

Tiết học êm đẹp diễn ra.

Sau phút tan trường, buổi ấy, Đắc chủ động tìm xuống hàng ghế cuối “xin lỗi và làm quen với nhóm người vừa xảy ra ẩu đả.” Phương châm ứng xử mềm, gắng thêm bạn, bớt thù của Đắc đã biến người thù hằn thành bạn bè thân thiết. Những ngày sau này, nhóm người ấy đã làm nên một tổ, bỏ qua thù hận, luôn trao đổi kinh nghiệm, cùng Đắc đoàn kết, giúp đỡ nhau học tập.

*

Vẫn ở trại Heilinhchau.

Chiều muộn. Buổi ấy, Đắc vừa ăn cơm về phòng, đặt lưng nghỉ tạm. Bỗng, mấy đứa em sống cùng quẫy chạy toán loạn, miệng la hét ầm ỹ :

- Ới anh Đắc ơi. Nguy to rồi. Họ đang giết anh Biền. Ới anh Đắc ơi. Cứu nguy. Nhanh. Cứu nguy !

Đắc hỏi :

- Tại sao ?

- Không hiểu. Nhưng…

- Nhưng, gì nữa. Nó ở đâu.

- Ở nhà ăn. Biền đang bị quây chặt.

- Vậy à - Sao chúng mày ngu thế.

Đắc nói. “Nhanh. Đồ ngu. Giải y, y thoát.”

Mọi người nhao nhao :

- Đ…mẹ. Phải làm thế nào, nhanh lên ? Bây giờ, anh vẫn còn ngồi mà nói chữ à ? Làm thế nào. Nhanh lên.

Đắc bật dậy, cho ba cặp trai tráng xông vào nhà ăn giả vờ cùng gây lộn, đánh nhau. Không khí nhà ăn bỗng trở nên nhốn nháo. Sự lộn xộn làm đám đông không định thần được. Lợi dụng lúc rối rắm, Đắc tìm cách giải thoát, kéo Biền trốn được ra ngoài.

“Đúng là bậc “lưu manh cao thủ”. Mọi người nhìn, thán phục kiểu “hỏa mù kế” của Đắc.

Kéo được Biền trốn thoát. Khi cuộc nổi loạn đã lắng xuống, bình yên. Đắc kéo Biền ra, hỏi tội. “Vì sao, mày bị đánh ?”

Biền khai.

- Biền cầm đầu nhóm, cướp vàng.

- Cướp vàng ? Cướp của ai ? Cướp bao nhiêu ?

- Nhà kia. Một cây hai vàng ạ.

- Bây giờ chúng mày để đâu ?

Đắc tra. Biền khai thật.

- Chúng em cất kỹ rồi ạ.

- Phải mang trả họ ngay. Trò đê tiện.

Đắc quyết định. Bọn đàn em sợ hãi, quát :

- Anh điên hả. Họ sẽ giết.

Đắc nói, giọng lạnh tanh :

- Không sợ. Có gan ăn cắp, phải có gan chịu đòn. Chúng mày sợ ư ? Mang về đây, tao sẽ vác mặt đi trả.

Đắc đem lời phân tích, giảng giải. Bọn đàn em đã chịu nghe lời nhưng ý chừng vẫn sợ. Đắc vạch ra phương án để lường trước mọi chuyện có thể xẩy ra. Quả tình, ăn cướp không dễ. Nhưng trả lại “cái đã ăn cướp” cũng không thể dễ dàng.

Đắc xuất hiện. Tay cầm vàng. Giọng thề bồi, xin hoàn lại người bị mất. Nhưng, thật khó tin. “Làm sao lại có chuyện lạ đời ấy. Chắc là bọn “ma quái” lại lập thêm mưu mô gì nữa. Phải tìm cách giết chết Đắc và đồng bọn, cướp lấy từ tay hắn.”

Ở tình huống này, mềm cũng không được. Phải xử “rắn” với nhau à ? Thế cùng, Đắc chọn chỗ đứng, dõng dạc tuyên bố :

- Tao không ăn cắp. Bọn đàn em “chúng” phạm tội. Tao đại diện tới đây thành khẩn, xin trả lại và xin tha cho cho tụi hắn. Được không ?

Đắc chưa nói dứt câu, có viên gạch nhằm mặt Đắc ném thẳng. Đắc né người lấy tay gạt được. Một cú đá song phi lao tới. Đắc nhẹ nhàng cho đối thủ ngã sấp.

Biết không thể thắng nổi. Một lúc, người bị cướp vàng liều mạng chạy ra, hai tay giơ cao xin giải hòa, tiến thẳng đến trước mặt Đắc. Đắc khẽ cúi đầu, hai tay chắp ngang bụng, giọng mềm mại :

- Xin tha tội. Xin rộng lòng lượng thứ.

Đắc nắm lấy bàn tay một người đàn ông, thành khẩn trao trả “khổ chủ” từng chỉ vàng bị mất. Hai bên bỗng vui vẻ, cảm ơn nhau rối rít.

Với nghệ thuật ứng xử “lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường.” Lấy nghĩa cử cao đẹp của kẻ giang hồ, nghĩa hiệp, không dấu diếm tội lỗi của mình, hành động của Đắc được số đông những người chứng kiến nhất loạt tung hô. Lần nữa, họ gọi Đắc là “bậc thủ lĩnh” đáng nể.

Đêm ấy, mãi tận khuya. Ba người đi theo “ông chủ,” nạn nhân bị cướp vàng, mang theo trà thuốc xin gặp Đắc nói lời cảm tạ.

Đắc thường lặng lẽ, dấu kín mình, nhưng từ vụ việc này, ở trại Heilinhchau nhiều người biết Đắc giỏi võ thuật nhưng không bao giờ dùng uy lực để ức hiếp, trấn lột mọi người. Từ thù địch, họ trở nên thân nhau. Nghệ thuật ứng xử của Đắc đã làm nên uy tín để xung quanh nể trọng. Từ bấy, ở trong trại, có việc gì xẩy ra, dù tốt hay dở, mọi người đều gặp Đắc, xin ý kiến và nghe Đắc chỉ giáo.

*

Ở trại Heilinhchau, mỗi ngày, mâu thuẫn giữa thanh niên hai miền Nam Bắc càng xảy ra những cuộc đụng độ mạnh mẽ.

Hàng tuần. Rồi hàng chục ngày. Nửa tháng. Ở trại, những cuộc ẩu đả thỉnh thoảng lại ầm ầm sôi lên như những trận động đất. Tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch. Tiếng la ó, chẳng khác nào bạo loạn. Quy mô “cuộc chiến” không còn bó hẹp trong một nhóm người. Cuộc chém giết đẫm máu có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở hai phía Bắc Nam.

Nhìn vào các cuộc giương oai, diễu võ. Hai phái đều luyện tập, trang bị vũ khí cho tất cả mọi người. Họ tổ chức canh gác. Tìm cách khiêu khích, đe dọa. Nhiều tình huống thương vong. Nhiều trường hợp cấp cứu xảy ra. Bắc Nam, mỗi bên đều thành lập cái gọi là “Chính phủ lâm thời,” chuẩn bị cho “cuộc chiến.”

Miền Bắc, Thực, người Hải Phòng làm trưởng ban. Mạc, Trà Cổ. Đại, Cát Hải. Thanh, Hải Phòng...trong “ban tác chiến.”

Không thể đứng ngoài cuộc phân chia chiến tuyến, Đắc được phân công làm Phó ban. Hai bên Bắc Nam đều đã ra lời “hiệu triệu,” phát động cuộc chiến “một mất một còn.”

Nắm chắc tình trạng lộn xộn đang đẩy tới nguy cơ nguy hiểm nhất. Nhằm trúng điểm nút “ngọn lửa” có thể bùng cháy. Liên Hiệp Quốc. Nhất là Anh quốc. Rồi, cả một tiểu đoàn cảnh sát Hồng Kông đã ập tới bao vây xung quanh trại.

Sau bốn ngày giới nghiêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đại diện Cao ủy Liên hiệp quốc và Cảnh sát Hồng Kông đã nghiên cứu, đưa ra một “giải pháp đàm phán.” Họ chọn mỗi bên sáu mươi người. Lấy phòng G làm nơi “nghị sự.” Một người Anh thay mặt điều hành. Qua tranh luận, sự thật được phơi bày. Người Bắc, thực sự không muốn có cuộc “huynh đệ tương tàn” này. Cuộc đụng độ với họ là chuyện bất đắc dĩ. Mọi cuộc châm ngòi, gây hấn đều bắt đầu từ người Nam gây ra.

Trong “diễn đàn” được mở ra tối ngày. Hầu hết người Nam đều vin vào mâu thuẫn vặt. Họ đổ cho “dân Bắc là Cộng sản.” Người qua, tiếng lại. Hai bên đều căng, không bên nào chịu xuống thang. Phải nén đợi bao nhiêu hờn căm được trút ra cửa miệng của nhiều kẻ hiếu chiến, Đắc mới đứng lên đại diện phía người Bắc phát biểu. Đắc bộc bạch tâm tình từ gan ruột những nghĩ suy, cảm nhận của mình.

Đắc nói.

- Thưa các anh, các chị. Tất cả chúng ta ngồi đây, tôi khẳng định không mảy may một ai mang trong nhau một hận thù gì. Bởi, chúng ta đều có chung hoàn cảnh, rời quê hương, bỏ Tổ quốc ra đi. Phía “xuất phát” làm đời ta không trụ nổi, không gắn kết được nữa, đã dồn đẩy chúng ta “làm cuộc chia ly,” đến với ngõ cụt này. Mâu thuẫn nằm ở đấy. Hận thù nằm ở đấy, nếu có. Vậy, cùng thân phận. Cùng cảnh ngộ. Cùng “hội cùng thuyền”, hà cớ gì chúng ta lại đem lòng thù hận, chém giết lẫn nhau, gây khổ đau cho nhau lần nữa. Chúng ta cùng có chung dòng máu của dân tộc Việt. Có chung ngôn ngữ, có chung truyền thống “trong làng,” “đất nước.” Rằng, “Lá lành đùm lá rách.” Rằng, “bầu ơi thương lấy bí cùng.” Vậy, tại sao, giữa nơi cô đơn, cùng khốn này, chúng ta lại bỏ rơi, không biết đùm bọc, bảo ban nhau ? Một đôi dép nhựa Tiền phong, chỉ là vật vô tri vô giác, tại sao, ai đó lại gọi nó là Cộng sản. Lẽ tự nhiên, một người sinh ra ở xứ sở nào, xã hội bất kỳ nào, người ấy phải tuân thủ luật pháp của chế độ ấy. Tỷ như, người sinh ra ở miền Bắc, họ là lính Cụ Hồ. Người sinh ra ở Sài Gòn, họ sẽ gọi, đấy là lính ông Diệm. Còn, người sinh ra ở Hoa Thịnh Đốn, mũi lõ mắt xanh, họ được gọi là lính Mỹ.

Mỗi người có thể, có quan niệm, suy nghĩ riêng trong hành động, trong ước mơ, trong khuynh hướng và lý tưởng sống của mình. Nhưng, cái “khuôn” chung của cái nền, cái gọi là thể chế, xã hội…Anh ở nơi nào, không thể đi ngược “bánh xe lịch sử” của nó.

Thưa các anh, các chị. Những điều tôi nói có đúng không ? Vấn đề trọng yếu của chúng ta đang cần một giải pháp lúc này là gì ? Các nhà chức trách có thẩm quyền của cơ quan Quốc tế và Hồng Kông làm sao mở ra cho chúng ta có “lối thoát nhân ái.” Phía ra đi không hận thù ta. Còn, nơi ta đến sẽ giúp ta trở thành người công dân hữu ích…

Đắc say sưa thuyết trình. Đắc nói bằng con tim khối óc, bằng tình yêu những người cùng chịu chung “cảnh khổ.”

Có tới, gần một tiếng đồng hồ, Đắc mới dừng lại. Thì ra, mọi người từ chỗ xôn xao, có tiếng gào lên chửi rủa “Không nghe, không tin thằng Cộng sản.” Đến lúc, cả “hội trường” lặng đi. Những mái đầu gật gù, tán thưởng. Rồi, tiếng vỗ tay rộ lên kéo dài từng đợt.

Đắc chắp hai tay lễ phép đáp từ mọi người rồi thư thả bước xuống hàng ghế ngồi phía dưới.

Sau buổi “đàm phán,” người Bắc và Nam được chia ra hai khu vực, ở riêng. Tình hình trại cấm ổn định hơn trước. Qua cuộc chia trại, người Nam bỗng tan rã. Họ thích gây rối, chẳng có chính kiến gì. Bỗng dưng, họ không còn gắn kết với nhau như trước. Sự tan rã của họ làm mọi người bỗng liên tưởng đến không khí 30 tháng tư, năm 1975 của những cuộc di tản, trốn chạy.

Người Nam đi. Riêng ở buồng L còn sót lại một gia đình ông già với ba cô gái. Họ ở lại gắn bó với người Bắc. Thấy nhóm thanh niên Bắc phẫn nộ, đòi cưỡng hiếp mấy cô gái. Đắc đứng ra ngăn chặn và bảo vệ.

Ở trại, Luật lệ không rõ ràng. Không ai bảo được ai, cánh tù tội quen lối sống lưu manh, một lúc khó đổi thay.

Lúc này, Đắc đang được “bầu” làm buồng phó buồng K. Buồng có hơn 300 người. Đắc vẫn im lặng duy trì việc đầu tư cho thời gian học tập. Vậy mà, “cây muốn lặng, gió chẳng muốn dừng.”

Một hôm, vừa đi chơi về tới cửa phòng, người đàn bà có tên Sửu, nhằm vào Đắc chửi té tát. Thôi thì, đủ thứ lời lẽ tục tĩu, bẩn thỉu. Sửu buộc tội : “tổ sư thằng mặt chó, mày đã đổ cứt vào gường tao một cách hèn hạ thế à ?”

Thì ra vậy. Đắc nghe và hiểu. Đắc ôn tồn nói với Sửu. “Thưa chị. Em không bao giờ làm thế.”

Nhưng, dường như được thể, Sửu càng lên giọng, rống lên chửi Đắc thậm tệ hơn. Không có cách nào xoa dịu, giải thích được, Đắc ngậm đắng nuốt cay, bỏ về giường nằm ngủ. Hôm sau, cả buổi sớm và buổi chiều Đắc chủ động xin gặp và trình bày sự thể, Sửu nhất định không nghe. Sửu càng chửi mạnh hơn.

“ Được. Chỉ sợ “mi” không chửi được mãi thôi. Mềm không ưa. Thích rắn hả.” Thế là, mấy ngày liền, cứ ngớt tiếng chửi, Đắc lại gặp Sửu “gây sự”.

Bây giờ, Sửu chỉ còn như con vật bị động kinh đang giẫy lên từng cơn. Sửu mất tiếng. Miệng ú ớ, ngắc ngoải. Không chịu Đắc, ba tên : Hoài Con, Quế Cóc và Tuấn Trắng, mỗi tên mang theo một thanh sắt mài nhọn xông vào áp đảo Đắc. Chúng tra khảo. “Mày đổ cứt vào giường bà Sửu phải không ? Có nhận tội không ? Chúng tao sẽ giết mày tại đây !”

Biết cả phòng đi xem phim, gian buồng vắng. Đắc đang ngồi học bài với một đứa em. Tình huống phức tạp, nhưng Đắc ngước nhìn, vẫn giữ vẻ bình tĩnh. Đắc nói : “Tôi không đổ cứt. Không có tội gì. Ở đây, có một mình nhỏ bé. Ba cậu tha cho thì “phước.” Nhược, nếu các cậu đánh, tôi đành phải chịu đòn…”

Không để Đắc nói hết câu, một tên lao đến đấm thẳng vào mặt Đắc. Đắc né được cú đấm. Đắc bảo đứa em bình tĩnh, rồi gạt cậu bé sang bên. Ba tên lại nhất loạt lao vào, đánh Đắc tới tấp. Chờ ba tên ngã gục đang lần lượt đứng dậy, Đắc tuyên bố. “Tao không có tội gì. Chúng mày đã lần lượt đánh tao. Bây giờ, xin lỗi, đến lượt tao đánh chúng mày, được chứ ?”

Vừa nói xong, Đắc nhằm từng tên hạ chúng nằm vật xuống sàn nhà. Liền lúc đó, Chung Ma ở đâu tới. Chung Ma chửi đổng. “Đ...mẹ chúng mày, sao dám đánh anh Đắc ?”

Chung Ma có vóc người lớn, mắt lác, trông thật dữ. Chung Ma và Đắc biết nhau từ khi còn làm ăn ở Việt Nam. Chung bênh Đắc. Rồi, tự nhiên lúc ấy, toán đàn em ở đâu đông đúc kéo về. Lúc này, Đắc lại phải tìm cách giải thoát cho ba tên ra khỏi gian buồng, sợ chúng sẽ bị đám đàn em đánh chết. Bị ngăn cản, bọn đàn em giận Đắc, quát to. “Tại sao, anh lại tha. Tại sao, anh không để tụi em đâm chết chúng nó, tại sao ? Tại sao ?

Đắc không giải thích, anh yêu cầu tất cả giải tán. Thực tình, Đắc không muốn to chuyện. Đây là trại cấm, cũng như ở trong tù, không ai oai phong, anh hùng gì giữa chốn này. Hãy gắng nhẫn nhục. Gắng thêm bạn, bớt thù.”

Mọi người giận Đắc, nghĩ Đắc chịu nín nhịn, sẽ dễ bị khinh nhờn. Nhưng, không ít người đã phục Đắc. Bởi, ngay sau đó, Sửu, người phụ nữ vừa sợ, vừa hối hận đã quỳ trước mặt Đắc tự thú.

Sửu điều trần, “bọn thù Đắc, muốn hất cẳng Đắc ra khỏi chân “buồng phó” để chúng nắm quyền. Chúng đã đổ cứt vào nhà Sửu, mượn Sửu dựng lên trò ấy.

“Chao ơi. Thì ra, “quyền chức ? Ở nơi này vẫn diễn ra trò tranh quyền, cướp chức vậy ư. Đắc đâu cần cái chức “buồng phó” kia chứ. Ba trăm người bầu Đắc, giao cho Đắc “ngôi vị” ấy chứ. Mấy ai biết, ngày còn ở quân đội kia, hai lần đơn vị ra nghị quyết kết nạp Đắc vào Đảng. Có cả chỉ thị của tướng Đinh Đức Thiện, nhưng Đắc vẫn chối từ. Lại nữa, khi từ giã quân ngũ trở về, Đắc xin hạ chức mình từ một viên Thiếu úy xuống chân Thượng sĩ quèn. Chức “buồng phó.” Ôi. Bổng lộc là vài điếu thuốc lá với đôi ba ấm trà cống nạp.

Nhìn mấy tên “phe phái” đi theo Sửu cầm đến 10 điếu thuốc lá với lời xin lỗi chân thành, Đắc vui vẻ, tự xóa đi không khí thù hận. Bọn đàn em vẫn ấm ức, không được mở phen “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau cho hả.

Đắc nói. “Máu chưa đổ, ta chưa phải trả bằng máu. Chúng ta nên rộng lượng cho qua. Đắc giục mọi người nói lời xin lỗi rồi bắt tay nhau làm thân.

IV

Một ngẫu nhiên. Đó cũng là lẽ tất nhiên của thời khắc với mâu thuẫn đã chín muồi phải đẩy tới lối thoát như thế. Cả trại cấm Heilinhchau đã thống nhất “Sẽ cùng nhau tuyệt thực.” Bởi, những ngày giam cầm đã quá dài. “Con đường hầm” chỉ thấy sâu hút một bóng đêm tăm tối. Thế rồi, từ một ý kiến ai đó. Người nọ mách người kia. Cuối cùng, một “Ban khởi xướng và lãnh đạo” đã ra đời. Họ nhiều lần bàn kín rồi công khai tổ chức những cuộc họp trong phòng, hay trước cửa sân phơi quần áo trại cấm. Người được phân công tìm hiểu qua báo chí, qua kinh nghiệm của những người tù ở những cuộc đấu tranh cách mạng.

Người được phân công gửi thư cho người thân ở nước ngoài, phản ánh tình hình bi kịch ở trại cấm. Người nhờ những cây bút viết, đăng tải trên báo chí, kêu gọi các nhà báo đến với trại những ngày người tị nạn tuyệt thực.

“Chương trình tuyệt thực” được chuẩn bị chu đáo. Từ băng biển, khẩu hiệu bằng tiếng Việt, tiếng Anh, “đòi tự do, đòi định cư” đến phương án lo trước cho trẻ em, người già những ngày đói khát đều được tính đến.

Cuộc đấu tranh đòi quyền con người, quyền sống, bằng cả trại tị nạn cùng nhau “tuyệt thực” đã tới phút bắt đầu.

Ngày đầu tiên diễn ra. Một số đầu gấu bị trại thúc ép đã cưỡng bức, lùa một số người tới phòng ăn. Tuy chệch choạc, nhưng không khí đồng lòng, thống nhất đã gây nên sức ép và dư luận khá mạnh.

Ngày thứ hai, một tiểu đoàn cảnh sát Hoàng Gia Hồng Kông, được trang bị dùi cui, súng ống với đầy đủ vũ khí, kéo đến trấn áp, bao vây xung quanh trại. Rất may, không có cuộc cưỡng bức, xô sát nào xảy ra.

Ngày thứ ba đi qua. Không khí bắt đầu căng thẳng. Sáu mươi người. Bảy mươi người. Rồi, tám mươi người lần lượt ngất xỉu, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Ngày thứ tư, trong không khí đã khá căng thẳng, một phụ nữ đại diện Liên Hiệp Quốc xuất hiện, đề nghị được gặp người đại diện tỵ nạn để nói chuyện.

Mọi người ngồi lặng, không ai dám lên tiếng. Đắc không nằm trong “Ban khởi xướng” việc tuyệt thực. Đắc chỉ góp vào bảy tiêu chí hết sức cụ thể cho công việc tổ chức tuyệt thực. Nhưng, anh Tòng gặp Đắc và yêu cầu. “Vì mọi người, yêu cầu Đắc phải xuất đầu lộ diện. Đắc biết tiếng Anh. Khẩu ngữ. Rồi khoa lý luận, hùng biện cũng tương đối khá. Đắc phải đối mặt có ý kiến, và đề ra yêu sách.”

“Đúng là khôn ngoan đến cửa quan mới biết.” Đắc đại diện thay mặt cho trại đối thoại với các nhà chức trách. Đắc yêu cầu ghi băng. Đắc mời thêm anh Thúy, người Bắc, anh Hoàng, người Nam cùng nghe và làm phiên dịch. Cùng với phiên dịc̣h của tổ chức Liên Hiệp quốc, cuộc gặp mặt của Đắc được tổ chức ghi âm và được lập thành biên bản.

Mặc dù, Đắc và mọi người đều lả đi vì đói. Nhưng ai nấy như được tiếp thêm sức mạnh vì cơ hội tốt có thể sẽ đến với mọi người trong trại.

Câu đầu tiên, bà La-San, đại diện Cao ủy Liên hiệp quốc, nhìn Đắc, bà chụp mũ :

- Xin chào ông. Nếu ông là người có thế lực ở trại này, ông hãy kêu gọi bà con đi ăn cơm chiều nay.

Đắc trả lời :

- Thưa Bà. Tôi không có thế lực gì cả. Tôi là một tị nạn như mọi người đang tỵ nạn ở Hồng Kông hôm nay. Nhưng, hiện thời, còn có chút sức lực, xin được phép thưa với bà một điều thật hệ trọng. Bởi, nó liên quan đến thân phận mỗi con người như chúng tôi đang có mặt trên trái đất. Đó là quyền con người. Quyền tự do sinh sống và mơ ước …

Đắc cà kê kể lể về nỗi thống khổ của những người “vạn bất đắc dĩ” phải từ giã Tổ quốc ra đi. Rồi, hai năm trời vùi dập đời mình, sống trong cảnh không khác gì hình ảnh của cái chết trong trại tị nạn. Rốt cuộc, Đắc xin được đặt ra ba yêu cầu mà mọi người mong bà La-san cùng tổ chức Cao Ủy Liên Hiệp quốc can thiệp.

- Một. Hãy kêu gọi chính phủ Hồng Kông tạm thời cho chúng tôi, những người tị nạn được tới một nơi nào đó để lao động, mưu sinh. Tự lo lấy cuộc sống bằng bàn tay lao động thực sự. Vì chúng tôi, những người còn đủ sức lực và trí tuệ để cống hiến. Chúng tôi không muốn mình là kẻ “ăn không, ngồi rồi’, sống trên mồ hôi và nước mắt của người khác.

- Hai. Hãy kêu gọi các nước trên thế giới, mở lòng thương yêu, cho phép chúng tôi được định cư bất cứ nơi nào.

- Ba. Hai điều kiện trên, nếu không được, xin hãy trả phương tiện cho mỗi chúng tôi đi theo sự suy nghĩ của mỗi người mà tự làm lấy một cuộc sống mới.

Bà La-san tự giới thiệu là người PhiLipine. Vẻ thân mật, cảm thông, bà đồng ý với những yêu sách mà Đắc đề đạt. Đắc cũng đại diện xin hứa sẽ vận động mọi người dừng tuyệt thực.

Vậy là, “tuyệt thực” đã trở thành “kế sách,” bước đầu đem lại niềm hy vọng tốt đẹp cho những người tị nạn.

Buổi chiều hôm đó, ở trại Heilinhchau, ai nấy vẻ vui mừng trong không khí khác biệt. Họ thông báo tới tất cả các buồng để mọi người lưu ý. Bởi, đã ba ngày nhịn đói, nhất thiết không ai được ăn nhiều, sẽ dễ bị “bội thực,” chết no.

Sau thời gian không xa, Cao ủy Liên Hiệp Quốc tổ chức gặp gỡ, đối thoại. Tiếp đó, phái đoàn các nước liên tục tìm đến trại tị nạn làm việc. Không khí như ngày hội, ai nấy tỏ ra phấn khởi, sống hồn nhiên, gần gũi nhau hơn.

Thế rồi, một hiện thực đã được đem đến mà những người tị nạn bỗng ôm nhau, reo lên sung sướng. Cuối năm 1984, đợt đầu tiên, một số người tị nạn được gọi xuất cảnh. Các tổ chức của nước ngoài đã ưu tiên những hộ bị rớt vợ, rớt chồng và hộ ít người trong danh sách đi trước..

Đắc được gọi đợt đầu. Đắc mừng rơi nước mắt. Anh ra trại Argye chờ bay. Mọi người đi và người còn ở lại chờ đợi, ai ai cũng vui, mặt mày vẻ tươi tỉnh.

Ở trại Argye một tuần, Đắc gặp Mạc, người Trà Cổ. Đắc và Mạc rất thân từ những ngày còn ở trong trại cấm.

Mạc có nhiều người quen sống ở Hồng Kông. Mạc thường kéo Đắc cùng Hiền Đen, bạn thân của Mạc vào các rạp, xem phim.

Hiền Đen với Phú Bề Bề là người có tên tuổi trong giới giang hồ. Hiền dẫn anh em Đắc say sưa, vùi mình vào các cuộc “chơi bời, đập phá.” Mọi tiền bạc, chi tiêu, ở Hồng Kông được Hiền Đen bo cả.

Ở Hồng Kông, Đắc vô tình gặp được rất nhiều người Dương Quan, người cùng làng, cùng huyện. Đắc có dịp liên hệ về quê, biết tin tức gia đình, vợ con. Những người “đồng hương” ở đây thay nhau mời Đắc về nhà riêng ăn cơm. Đắc không ngờ, chuyện bố đẻ ở quê, chuyện yêu đương, tù đày của Đắc, lại được những người bạn từ xứ sở Hồng Kông này biết đến. Họ thi nhau kể lại với Đắc bằng niềm cảm phục và quý trọng. Rồi, tai tiếng của Đắc ở trại Heilinhchau. Họ tự phong cho Đắc là “thủ lĩnh.” Họ chúc mừng Đắc, lo cho Đắc từ đôi giầy, bộ quần áo đến chiếc valy, cả tiền bạc chuẩn bị cho chuyến bay sắp tới.

Nhưng, Đắc lo, anh không biết sẽ mang vào trại bằng cách nào.

Ở Hồng Kông, chơi lang thang bên ngoài cùng “Hiền đen” một tuần. Đắc và Mạc phải tìm đường về trại.

Tối. Thành phố bỗng lên đèn. Cả khoảng trời Hồng Kông bỗng sáng lên rực rỡ. Đắc và Mạc dừng lại. Cả hai, thoáng một chút lúng túng. “Sẽ về trại bằng cách nào ? Ngỡ chỉ có hai người. Ai ngờ quá đông. Cảnh sát đang lởn vởn đi lại. Họ sẽ bao vây. Nếu bị bắt, chắc chắn bị phạt, sẽ không được bay nữa. Làm thế nào bây giờ. Các lối vào đều bị chặn gác. Mọi người cụm lại, không biết tính sao.”

Rất nhanh, Đắc bàn với Mạc. “Ta dùng kế nghi binh.” Đắc phải cứu. Phải giải thoát vụ này. Đắc bảo. “Mình sẽ leo lên cột cờ, đánh lạc hướng, nhử bọn cảnh sát bao vây. Nhân lúc đó, Mạc đưa mọi người vào lối “bí mật” đã được mở từ trước. Chả là, cánh tị nạn đã khôn khéo cắt đứt bức tường được chắn bằng tôn để thỉnh thoảng rủ nhau thoát ra ngoài “chơi phố.”

Nghe Đắc nói. Mạc gạt đi. “Làm vậy. Mình Đắc chết à ? Đắc. Hãy tạm lánh đã. Ta sẽ tính kế sau.”

“Tính gì nữa. “Mần” ngay. Cứ thế. Ta “đánh” kiểu “nghi binh.”

Đắc đẩy Mạc “vào việc.” Nhanh như sóc, Đắc leo lên cột cờ, cố tình làm cho cảnh sát phát hiện và tập trung truy bắt. Quả nhiên, Đắc vừa trèo đến lưng chừng, cảnh sát đã hô nhau chạy rầm rập gào toáng lên đe dọa.

Trúng bài Đắc đã tính. Khi cảnh sát sao đãng, mải lao về phía cột cờ để bắt kẻ nghịch tặc, Mạc nhanh chóng mở cửa “bí mật” cho mọi người chui hết vào trong.

Nghe tiếng Mạc hét to : “Mọi người vào hết rồi,” Đắc vội tụt xuống khu nhà vệ sinh, nơi có dây thép gai bùng nhùng và bóng tối nhập nhoạng.

Thấy hai bàn tay đầy máu. Áo rách toạc. Đắc vội chui vào nhà nhà tắm, trút hết quần áo, xả nước, giả vờ đang tắm giặt. Một lát, bỗng hai cảnh sát lục soát, xông vào ra lệnh bắt Đắc. Nhìn Đắc trần tuồng, lại nghe Đắc nói giỏi tiếng Tầu. Đắc kiên quyết chống lại. Đắc vặn vẹo, lí sự rồi đòi hỏi tang chứng, vật chứng.

Bị cự tuyệt mạnh mẽ. Trong phút chốc nghi ngờ, hai cảnh sát ngơ ngác rồi bỏ đi, tiếp tục lùng sục nơi khác. Đắc nghe hai cảnh sát nói với nhau. “Quái nhỉ. Có người leo cột cờ rõ rệt mà. Hay quáng điện. Chả lẽ, lại có ma ư ?”

Đắc nhanh nhẹn mặc quần áo lủi vào nhà. Thế là, thoát nạn. Tối ấy, mọi người quây lấy Đắc vặn hỏi. “Tại sao Đắc liều lĩnh đến vậy ? Tại sao, Đắc hy sinh, nhận tội chết một mình. Đắc không sợ sẽ bị tù, sẽ bị xóa chuyến bay, nằm lại trại cấm hay sao ? ...

Nhìn Đắc xua tay, cười vui. Mọi người cảm ơn, tung hê Đắc đã “vì tất cả mọi người” mà hành động. Vì mọi người mà “hành xử” thật dũng cảm và cao cả. Họ coi Đắc như vị thần “cứu tinh” đã giải thoát cho họ một tình huống đã “mười mươi lĩnh đủ án chết.”

Thực ra, việc cứu số đông anh em “vô kỷ luật,” trốn trại, trở về trót lọt, Đắc không có thời gian tính toán thiệt hơn chi li đến vậy. Con người Đắc là thế. Khi “Tình huống dồn đẩy. Mưu trí bật dậy. Hành động bùng nổ…Một thắng, một thua. Đắc lao vào chịu trận.”

Đắc nhớ. Ngày Đắc mua ba mươi cân bột mì của cánh ăn cắp, bị bỏ tù rồi vào miền Nam làm việc cho tầu Vàm Cỏ 17. Một buổi, cùng ba người Châu Đốc đang ngồi nhậu trên tầu, nghe phía cảng Bạch Đằng bỗng vang lên tiếng súng. Nhìn mọi người nhốn nháo. Một thanh niên chạy lộn nhào xuống sông rồi ngắc ngoải bám lấy con tầu.

- Phải cứu hắn - Đắc quyết định rồi giục ba người đang ngồi cùng bàn nhậu - Các cậu. Hãy nhanh chóng vớt hắn lên tầu.

- Không được. Chúng là tụi cướp giật, thì sao. Nguy hiểm, anh ạ.

- Hãy cứu hắn đã - Rất nhanh. Đắc thoáng nghĩ - Đời Đắc đã từng gặp rất nhiều oan trái. Bất biết. Bây giờ hãy cứu hắn, tội trạng sẽ tính sau.

Đắc vội buông dây cáp thả xuống, miệng ra lệnh : “Leo lên, chúng tao cứu”.

Nghe Đắc nói giọng Bắc, gã chìm nghỉm, hai tay đang chới với dưới sông vẫn nghi ngờ, lo sợ. Hắn hỏi như kêu khóc : “Các ông bắt tôi ư ?.” Đắc quát : “Đù mẹ. Mày hãy leo lên đã.”

Dường như, không còn đường lựa chọn, gã thanh niên bám dây leo lên. Đắc dúi vội bộ quần áo khô cho hắn rồi giục ba người bạn Châu Đốc cùng vã nước lên đầu cho ướt rồi ung dung cùng ngồi vào bàn nhậu. Đắc bảo. “Các cậu cứ bình tĩnh. Để mặc tớ xử lý.”

Đúng lúc ấy, hai cảnh sát ập tới. Mọi người sợ hãi. Riêng Đắc, vẻ bình thản, kéo mọi người đứng dậy nâng cốc, miệng hét lớn : “Nào, chúng bay. Dzô ! Dzô !”

Người cảnh sát giơ súng, hỏi :

- Ai ? Ai là người vừa dưới biển lên đây ?

Đắc vờ không nghe thấy. Người cảnh sát bỗng giậm chân, hét : “Tên nào ? Tên nào vừa chạy trốn tới đây ?”

Đắc trừng mắt : “Cậu định giở trò gì. Xin lỗi. Hãy bỏ súng xuống. Ai, có tội ở đây ? Nói. Cậu hãy nói tôi nghe.”

Đắc giơ lên một khẩu AK vừa khoác ở thành tầu, dọa lại : “Cậu có súng. Chúng tao cũng có súng. Cớ gì dọa giết nhau. Thật vô lý. Tao làm chủ tầu này. Chúng tao ngồi nhậu ở đây đã gần nửa ngày trời. Tại sao cậu đến đây gây sự ?

Hai cảnh sát vẻ lúng túng, không biết xử lý thế nào. Đắc đổi giọng : “Xin lỗi, nếu muốn vui, tôi thành thật mời các cậu cùng nâng chén ngồi nhậu. Còn, không thích hả ? “Biến !”

Đắc giữ vẻ tỉnh bơ. Không biết làm thế nào, hai cảnh sát bực tức, đành quay gót bỏ đi.

Cảnh sát vừa bước đi khỏi tầu, gã thanh niên được cứu nói với với Đắc : “Các anh ơi. Em sợ quá, vãi đái cả ra quần rồi. Xin các anh tha tội.”

Lúc này, Đắc mới hỏi tội gã .

- Mày tội gì ?

- Em cướp xe máy ạ.

- Đù mẹ. Vậy mà cũng đi ăn cướp. Vậy, Xe đâu ?

- Chưa cướp được. Bị công an phát hiện đuổi bắt ạ…

Đắc chửi đổng : “Lần sau, chừa, nghe không.”

Gã thanh niên cúi đầu lễ Đắc như tế sống.

Tảng sáng hôm sau, khoảng chục thanh niên kéo đến, nhảy lên khoang tầu tìm hỏi tên Đắc. Lại có chuyện gì vậy. Tụi nào muốn gây sự gì nữa chăng. Đang phân vân không hiểu chuyện gì. Thì ra, gã thanh niên được Đắc vớt dưới sông hôm qua dẫn đầu một bang cướp Thủ Thiêm tìm gặp Đắc tạ lễ.

Trong chuyện này, Đắc chưa kịp dừng lại nghĩ tường tận cái đúng, cái sai, “cái nên” và cái “không nên” trong hành động của mình. Nhưng, Đắc có thể đã có một nhóm là “đầu trộm đuôi cướp” “phục” mình. Con dao hai lưỡi trong quan hệ đấy. Một ngày nào, ở những việc làm tốt, Đắc có thể sai khiến được họ .

Sau vụ trèo cột cờ về trại Argye. Một tuần nằm chờ, Đắc được gọi đi xét nghiệm sức khỏe trước khi bay. Một tin buồn, Đắc bị nghi “bệnh phổi,” phải trở về trại cũ điều trị.

Nằm chờ ở phòng H. Hàng ngày, Đắc phải uống hàng vốc thuốc. Anh em ở trại thưa vắng dần. Đắc la cà, dạo chơi lang thang hết buồng này đến buồng khác.

Cứ hai tuần, Đắc lại phải ra phòng khám kiểm tra bệnh. Nghỉ ở trại tù Victoria, Đắc gặp Mạc, cùng ở một phòng trị bệnh. Đột nhiên, có tiếng người vào tìm hỏi hai người. Đắc giật mình nhìn người lạ mặt. Tự dưng, người đó xưng em. “Ôi. Hắn là Phú Bề Bề. Đắc và Mạc đã nghe, Phú Bề Bề từng là một người hùng ở Hồng Kông. Vậy, tại sao Phú Bề Bề ở đây ?

Đắc thấy Phú cởi mở, tâm sự. “Em từng nghe tên tuổi các anh ở trong trại. Nay xin phép được tới thăm.” Rồi, Phú kể. “Em có chị gái là Thành, là nhân viên Bách Hoá Tổng Hợp, ở ngã Năm, thành phố Cảng. Chị em từng kể, hai anh rất thân với chị em phải không. Nếu được, xin các anh coi em như người nhà.”

Ôi. “cuộc hội ngộ” thật hay. Anh em mình còn có duyên được gặp nhau ít ngày trước khi rời trại, bay đi các miền xa lạ.

Đắc và Mạc chứng kiến, Phú đang là phạm nhân nhưng gặp hai người thân, Phú đã sai khiến được cảnh sát Hồng Kông mang cafe vào cho mọi người cùng uống.

Lúc này, nom Phú Bề Bề hiền dịu, đáng yêu. Thì ra, con người ta đã biến mình thành những gì khác mình, khi hoàn cảnh và những mối quan hệ đã bị đổi khác.

Buổi ấy, Phú bắt tay rất chặt rồi ôm hôn Đắc và Mạc trong phút giây “cả ba người” cùng làm cuộc biệt ly.

Sáu tháng sau, đi kiểm tra, đã khỏi bệnh, Đắc cầm số bay đi Canada.

Một tâm trạng bâng khuâng. Đắc sẽ bước từng bước nhằm hướng tới sân bay. Một chút gì dồn lên trong Đắc nỗi vui buồn lẫn lộn.

Vui, vì một ngày của cuộc đời đã bắt đầu đổi khác. Buồn vì gần hai năm mỏi mòn với bao nhiêu đợi chờ, khổ đau, chua xót.

Hai năm trời, cái “chớp mắt” của một cuộc-đời-người.

Và, cuộc đời người, có bao nhiêu cái “chớp mắt” trong lộ

trình, trong cuộc vật vã, “mình đi tìm chính mình” như vậy ?