Trang chủ » Truyện

MIỀN TẤN PHONG CHÚA ĐẢO (5)

Kim Chuong
Thứ năm ngày 26 tháng 10 năm 2017 9:29 PM





PHẦN V

Mộng Vosco – Ước vọng và bi kịch

I

Phút cảm hứng, bất chợt, Đắc nhớ tới câu thơ của thi sĩ Nga, Evghenhi Vinokurov, ông luận về thế kỷ hai mươi, một thế kỷ riêng biệt ? Hay ông đã tổng kết mọi thế kỷ, mọi kiếp người ?

“…Thế kỷ hai mươi ai lang bạt trên đường

Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ

Làm thú vật, làm thánh thần thật dễ

Nhưng chỉ làm người, khó biết bao nhiêu…” (2)

Ôi. Quả là vậy. Câu thơ thật tâm huyết dường nào. Có phải, chỉ thế kỷ hai mươi hay mọi kiếp người đều giống nhau vậy đó. Làm một con người sống trên cõi đời này khó thật. Có thể, bao mùa, “Tay ta gieo hạt thơm, nhưng mùa đến chẳng gặt gì/ Ta đi tìm hoa lan lại gặp hoa mướp đắng”, kia sao(3) ? Bao thực hư, bao giá trị đảo lộn. Người ta từng gặp những con người đã biến mình thành thú vật. Bởi, có đứa con đã đâm đơn, kiện cha về đất đai, về chuyện dưa nhau nuôi dưỡng khi bố mẹ tuổi già, sức kiệt. Rồi, hai anh em ruột thù hằn, đánh lộn nhau trong ngày cưới. Người bố dượng cưỡng hiếp đứa con riêng của vợ mình khi nó chưa đến tuổi thành niên…

(2) Bằng Việt (dịch)

(3) Thơ Kim Chuông

Còn, làm thánh thần ư, cũng đâu khó ? Gã chưa học xong lớp bảy bỗng mua được bằng cử nhân, tiến sĩ. Kẻ ngu đần, có tiền, nghiễm nhiên “chạy” được cả chức tước ở Sở nọ, Bộ kia.

Ngoài ba mươi, cái tuổi “tam thập nhi lập,” chưa trải nghiệm nhiều, nhưng cũng không ít lần Đắc đã biết “mở to con mắt nhìn đời.”

Đắc không sợ. Nhưng anh không muốn mình “cạnh” lên để dễ bị người đời đố kỵ. Đắc chỉ muốn mình lặng thầm như hạt cát hay giọt nước trong êm ả dòng trôi.

Tháng 11 năm 1979, được ra khỏi quân ngũ, sau gần thập niên khoác trên mình áo lính, đi qua hòn tên, mũi đạn. Đắc vui, được trở lại đời thường. Đắc vui, vì đã chạy chọt, lo cho xong cái lý lịch của mình từ một viên thiếu úy xuống thành một “lính quèn,” thượng sĩ.

Đắc đã được chuyển ngành, chính thức biên chế vào Công ty Vosco, theo học lớp bồi bàn 18 tháng. Ước mơ đã trở thành sự thật. “Ông trời sinh ra Đắc từ biển. Đắc lại được về với biển.” Được quần nhau với sóng gió đại dương để kiếm kế sinh nhai.

Lo được chân vào Vosco, không dễ. Từng làm “thủy thủ trưởng” con tầu, nhưng phút “ngã ngựa” này, Đắc yên bề nằm tịt dưới đất, đi học “chân phụ bếp.”

Vốn thông minh, nhanh nhẹn, Đắc lại trở thành nhân vật “trội” lên trong số đông, lại được “đóng” vai trò lớp phó.

Với 50 học viên, Đắc phải chịu trách nhiệm liên hệ với các cửa hàng ăn uống gửi học viên vào các cơ sở thành phố thực tập. Hằng ngày, vừa thực tập, vừa tự túc theo học lớp tiếng Anh. Vào các buổi tối cuối tuần, Đắc “guồng” 20 cây số xe đạp, từ Lập Lễ về thành phố học bài. Vừa làm việc, vừa học thêm, vừa tranh thủ lao xuống tầu cùng công nhân bốc xếp, “đánh” những “quả” để kiếm thêm thu nhập.

Đắc kiên nhẫn chờ đợi, mong có ngày được xuống tầu làm việc.

Một chiều cuối tuần, Đắc được nghỉ về nhà. Vừa dựng chiếc xe đạp cà tàng vào gốc cây bên vại nước, Đắc đã nghe tiếng bước chân Thảo chạy vội. Vợ Đắc từ trong nhà đi ra, dúi vào tay Đắc ba mươi đồng bạc. Thảo giục chồng :

- Nhà hết gạo rồi. Anh ra Cống …

- Đong gạo hả ?

- Không.

- Vậy làm gì ?

- Nghe nói, họ đang bán bột mì đấy. Anh mua lấy một bao nhá - Thảo giải thích - Về độn vào cơm, hoặc luộc, chấm mắn cho con ăn đỡ đói. Anh đi đi. Nhanh, kẻo hết.

Đắc dắt xe, phi thẳng tới chân Cống đầu làng. Bên mép nước, một đám người đen kịt đang bâu lấy con thuyền. Họ chen lấn, tranh cướp. Ai nấy, khuân khuân, vác vác, tỏa về các ngõ.

Tiếng í ới gào lên loạn xị.

- Tôi, một bao. Ba mươi đồng hả ?

- Này. Tôi. Hai bao. Sáu chục, đủ chưa.

- Này, tiền đây.

- Này. Cho tôi bao nữa…

Đắc len vào đám đông trả tiền. Anh vác lấy một bao đặt lên “pooc-pa-ga.” Đang định đạp một mạch về nhà. Bỗng một nhóm dân quân ập tới vây bắt. Mọi người chạy tản mát. Tiếng loa mê-ga-phôn và tiếng cảnh sát khu vực :

- Nghiêm ! Tất cả mọi người hãy dừng lại. Không ai được phép tiêu thụ hàng của kẻ ăn cắp. Thuyền đã bị bắt. Tất cả hãy để nguyên tại chỗ…

Đắc đã về tới nhà. Tưởng việc trót lọt. Vài hôm sau, cảnh sát khu vực có giấy mời Đắc lên Uỷ ban làm việc. Đắc không ngờ, một bao bột mì kia lại hệ trọng như vậy. Họ khép tội, Đắc đã tiêu thụ “tài sản xã hội chủ nghĩa” của kẻ ăn cắp. Lệnh đã ban. Nhiều người đã mang trả. Nhưng, Đắc bị quy kết. “Anh đã cố tình chống lại chính quyền, ăn cướp tài sản.”

Đắc kiên quyết chống lại. Đắc lý sự. “Tôi không ăn cướp. Tôi đã trả tiền. Tôi mua. Tôi không hiểu lai lịch nguồn hàng. Ai đã ban lệnh. Tôi không nghe thấy. Tôi không nghe rõ điều này. Cần, tôi xin hoàn lại hoàn toàn…”

“Đắc cãi lý. Nhưng, đã quá muộn. Đắc đã chót nhúng chàm. Quyền lực nằm trong tay “nhà chức trách”. Đắc cay đắng đứng im nghe “lệnh bắt khẩn cấp.”

Đắc bị cảnh sát còng hai tay dẫn về đồn công an Minh Đức hỏi cung. Đắc không khai được gì ngoài mấy câu “Anh đã mua bột mì mất ba mươi đồng, nhưng không biết, đấy là hàng của thuyền ăn cắp.”

Cảnh sát không chịu. Người lấy cung xô ghế, đặt súng lên bàn, dọa nạt. Đắc cũng đập bàn, quát lớn. “Tôi là người vô tội”.

Thấy đôi bên cãi cọ, thách thức, vị “đồn phó” vẻ lịch thiệp đến hỏi han, động viên Đắc thành khẩn khai báo để dễ được khoan hồng. Đắc vẫn nói “ Tôi vô tội”. Đắc không ký.

Không có án.

Đắc bị giữ ba ngày. Bảy ngày nữa nằm ở đồn công an Núi Đèo. Vẫn không có án. Đắc bị đưa về trại giam Trần Phú, thành phố Hải Phòng.

Qua cổng nhà tù, vừa xuống xe, bị tống vào buồng giam “L”. Bốn tên đầu gấu quây lại, ý chừng muốn ăn thịt Đắc. Chúng hỏi :

- Mày tội gì ?

- Tội gì ?

Đắc im lặng, quắc mắt. Hai vầng lửa nóng ran ngỡ cháy rực con ngươi. Bốn tên đầu gấu gây chuyện, chửi bới tục tĩu, Đắc chồm dậy, gầm lên :

- Tao giết người. Chúng bay cần gì nào ?

- Giết người. Đ...mẹ. Giết người à?

Nhìn đôi mắt bốc hỏa với thái độ hung dữ của Đắc, bọn đầu gấu im lặng, vẻ lưỡng lự, chùn bước. Cùng lúc ấy, Đắc ngẫu nhiên gặp Trường Long, buồng trưởng. Rồi, Lê Chí Ngọc, vốn là trật tự viên cùng cơ quan cũ. Bọn đầu gấu lảng đi.

Buổi tối, Đắc tìm đi “nhà mét”, vệ sinh. Lúc trở về, mất điện. Một tên đầu gấu lừa, ngáng chân, Đắc bất thần mất đà, ngã vập. Ba tên lợi dụng trời tối, định “ủ lò,” đánh Đắc trận phủ đòn. Vốn cảnh giác, Đắc rất nhanh trong phản xạ tự nhiên, anh bắt được một chân của tên đầu gấu. Gót chân Đắc đạp chặt vào bộ hạ của hắn. Đắc cao giọng. “Đã là thằng tù rồi. Anh hùng gì nữa, ở đây. Thằng nào cựa quậy, tao cho chết tại chỗ. Nào. Thằng nào dám dở trò đểu cáng. Chúng bay, đứng lên. Tao không xá. Chơi hết …”

Tiếng kêu xin, tha tội của mấy tên đầu gấu. Đắc cho qua. Đoán chừng, bọn chúng ngầm nuôi hận, chưa chấm dứt ý định trả thù. Để đánh phủ đầu, không cho diễn ra cái cảnh bọn đầu gấu tác oai, tác quái, bắt nạt xung quanh, Đắc chủ động khẳng định mình, “thiết lập lại trật tự.” Một sớm, Đắc tuyên bố với bọn đầu gấu. “Là thằng tù với nhau. Chúng bay thích đánh lộn phải không. Bây giờ, tao chấp.”

Cả buồng tù vang lên cổ vũ. Hình như, giữa cay đắng, hận đời rồi bất cần chi nữa. Đánh giết nhau là thú vui của bọn tội phạm chăng ? Đắc cảm thấy điều ấy. Nhưng, không để “mầm họa” bất ngờ gieo xuống đầu mình, Đắc mẩm đoán phần thắng và anh không ngại ngần thách thức.

Đắc tìm thế thủ thân cho bốn tên đầu gấu ra đòn. Nhanh như chớp, Đắc vừa khỏe lại có chút võ thuật. Trong nháy mắt, mọi người quây lại hò reo, xem Đắc đo ván từng tên. “Đấu trường” diễn ra thật nhanh. Ai nấy, ngỡ như mình chưa kịp thấy gì xảy ra trước mắt.

Nhìn bốn tên, trong giây lá đã sõng xoài, nằm chết dí trên đất, mắt đờ đi. Miệng lập bập câu gì không rõ. Nhiều tù nhân chẹp miệng. “Nào, quen thói, cá lớn nuốt cá bé nữa đi. Tưởng cao thủ, ai ngờ, lại gặp cao thủ hơn.” - Có kẻ bình luận - Thế đấy. Bậc cao thủ đích thực, họ khác. Họ đàng hoàng, “quân tử,” đâu có kiểu “ngựa non háu đá.” Nom bề ngoài, họ mát mẻ như không. Mà, “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn là thế. Không hiểu Đắc phạm tội gì mà bị bắt vào đây. Này. Đắc nổi tiếng đấy. Hắn đã từng đánh gục hàng chục tên gây gổ, định “diệt” hắn ở gần nhà máy Chai dạo nọ. Hắn ở đội “thanh niên cờ đỏ,” từng triệt phá nhiều ổ tội phạm rồi mà …”

Từ buổi Đắc dạy cho bốn tên đầu gấu “bài học”. “Buồng giam L” và xung quanh yên ả. Không ai bắt nạt ai. Những người tù bỗng mến Đắc. Họ thấy Đắc là chàng trai khiêm cung, đang gánh chịu nỗi oan ức nào đó. Đắc chân mộc, dịu lành. Không lên gân, gây sự. Một con người đạo đức, gần gũi, thương yêu tất cả anh em.

Đắc bị đưa về huyện Thủy Nguyên xét xử trong phiên tòa sau hai tháng giam cầm. Bản án luận tội Đắc chỉ quẩn quanh vài nét. “Tiêu thụ hàng của kẻ ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa.” “Mà ăn cắp đâu chứ. Ba mươi đồng tiền mua, Đắc trả đủ người bán. Bao bột mì chở về cũng đã bị dân quân bản xã vào tận nhà tịch thu, lấy đi. Tiền mất. Mì không được ăn. Đắc đã ngồi tù hai tháng.

Trước đó, một phụ nữ, Viện Phó Viện Kiểm sát huyện Thủy Nguyên vào nhà tù gặp Đắc. Chị mang cho Đắc lạng chè, hai bao thuốc lá và một gói thuốc lào. Người Viện Phó nói chuyện với Đắc như một cuộc tâm tình. Chị không hỏi cung. Trong câu chuyện, dường như, chị đã hiểu ngọn ngành, sự thể. Điều hé lộ ở câu hỏi nghi vấn của chị làm Đắc bỗng day dứt, không ngờ. “Thì ra, có kẻ xấu nào đã vu khống, khép tội : “Đắc dùng bạo lực cướp tài sản xã hội chủ nghĩa. Bọn thù hận muốn phá, không muốn cho Đắc được chuyển về Vosco làm “thủy thủ viễn dương. Đắc mang máng biết được kẻ muốn giết Đắc là ai. Đấy là lũ nhỏ nhen, độc ác đã bắt bố mẹ Đắc giam lỏng khi anh đi chặt củi ở rừng. Chúng vu Đắc trốn lệnh tòng quân. Rồi, chuyện Đắc lấy Thảo, bị chúng đánh phủ đầu.” Đắc không đề nghị chị Viện Phó cho đối chứng, vạch mặt, chỉ tên, người cáo buộc tội mình để giở trò trả thù hèn hạ. Đắc im lặng, gánh chịu, tự nuốt đắng vào mình.

“Trời. Đắc tài tình chi lắm để đất trời nổi ghen tuông cơ chứ.

Nhưng, đời là thế. Oan khiên vẫn ngập trời. Kẻ nắm quyền không anh minh, không bám vào đạo đức, nhân tâm, họ hại ai, bỏ tù ai, chả được. Nguyễn Thanh Niên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quỳnh Hoa, Thái Bình kia. Năm 1983. Đang vô cớ, bị công an Ninh Bình tràn vào nhà bắt. Hai tháng tù, ra hầu tòa. Hỏi tên, Nguyễn Thanh Niên, đúng. Hỏi, quê Thái Bình, đúng. Nhưng. Lai lịch. Cha, không phải. Mẹ, không phải. Nghề nghiệp, không phải. Sự việc, không phải…

Thì ra, đấy là, “tên” Nguyễn Thanh Niên, khác. Bị trùng làng, trùng họ, trùng tên. Thế là, chết một đời.

Rồi, cô Hiên, bán nhà cho cậu cảnh sát. Giấy biên nhận để mất. Tiền mới nhận hai chục, nó nói, đã giao đủ “trăm tư”. Cậy thế, cô Hiên bị khép tội. Nhà mất. Hiên bị gọi lên công an làm việc cũng là lúc chịu lệnh bắt giữ, đi tù.

Bốn năm ngồi “nhà đá,” không án. Được tha, vô tình, Hiên tìm được dưới bát nhang tờ biên nhận năm nào. Nhưng, than ôi. Bốn năm giam cầm, “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại,” Đời Hiên “được vạ,” “má đã sưng rồi.”

Đắc bị án tù một năm, nhưng sau phiên tòa, mới đi qua sáu tháng, tám ngày, Đắc được lệnh tha bổng. Nguyễn Văn Canh, Chánh án phiên tòa nắm tay Đắc, vẻ bộc bạch. Canh nói. “Trong đời, ngồi “ghế xử,” Canh chưa bao giờ gặp vụ án như thế. Bởi, một bao bột mì. Chuyện liên quan chỉ đôi ba ý nhỏ. Nhân chứng, vật chứng rặt qua người luận tội. Rồi, lời khai, lời phán quyết “ông chẵng, bà chuộc,” không ăn khớp, thậm chí ngược nhau.”

Đắc được ra tù. Nhưng, với Đắc, thế là hết. Thật “họa vô đơn chí.” Đứa con gái thứ tư của anh vừa đột ngột mất, do đói nghèo. Ốm, không có tiền chạy chữa, thuốc thang.

Liệu có qua cơn bĩ cực này không ?

Đắc về nhà. Một mái đầu cạo trọc lốc. Đôi chân lê từng bước bủn rủn. Tới bến Máy Chai, ngồi đợi đò, nhìn chiếc áo tù với dáng khổ hạnh, người đàn bà ân cần hỏi Đắc.

- Cậu về đâu ? Nông nỗi nào, khổ vậy.

- Em bị tù chị ạ.

- Cậu mắc tội gì ?

- Đói.

- Đói là “nỗi khổ” chứ. Còn, “tội” kia mà ?

- Vâng. Vì đói. Em đi mua bột mì cho vợ…

- Mua bột mì?

- Vâng. Mua. Nhưng, họ bảo, mua của tụi ăn cắp.

- Chà …

Người đàn bà nhìn Đắc không dấu được nỗi cảm thương nơi hai tròng mắt. Hình như, là người có học, người đàn bà ngắm Đắc, thở dài. “Thân phận người khổ vậy. Cậu biết không. Giăng Van Giăng trong “Những người khốn khổ” của Victor Huygo chỉ vì mẩu bánh mì mà chịu án chung thân. Cậu mua phải bột mì của kẻ ăn cắp. Đói. Nheo nhóc, khổ lắm. Mà, “tứ tử trình làng” rồi à ? Thời buổi này, nuôi được chúng, thật khủng khiếp. Mà, một cháu vừa mới mất ư ? Tội tình quá …”

Người đàn bà bỗng nghẹn lời. Chị quay đi dấu giọt nước mắt vừa lăn trên gò má. Chị lấy trên ghi đông xe một nải chuối đưa cho Đắc, miệng bật khóc.

- Em cầm về cho cháu, giúp chị. Đừng ngại. Em cầm lấy. Kẻo chị còn khóc nữa đây này…

Đắc vừa đi, vừa giơ tay vuốt từng giọt nước mắt đang rơi xuống đôi môi mặn chát. “Thì ra. Ở đời. Nhiều kẻ xấu. Nhưng cũng còn nhiều người tốt vậy.” Đắc cầm nải chuối, nhìn theo người đàn bà không quen. Đắc nghĩ. “Ôi, nải chuối ... Nải chuối của người chị cho Đắc lúc đói lòng. Nó có giống nhau và khác nhau “quả cà thiu” của Lưu Bình được Dương Lễ tặng không ? Quả cà thiu của bạn làm Lưu Bình đắng cay, ngộ ra sự nhục nhã để đúc hun ý chí, tự vượt lên, có được công thành danh toại. Còn, quả chuối là “niềm ân”. Là sống mà nhớ lấy “tấm tình người.” Mà đừng quên, buổi hàn vi này mà ngước lên, mà đi tới mai sau…”

Năm giờ tối về tới nhà. Bố mẹ, vợ con ùa ra ôm chặt lấy Đắc. Sung sướng làm sao. Nhưng, khổ đau đến thắt lòng. Đắc không tin vào mắt mình nữa. Bố mẹ Đắc già đi nhanh quá. Vợ Đắc gầy, teo tóp. Gian nhà xiêu vẹo. Tường rách, vách nát. Cánh cửa mọt gẫy. Trong nhà gió lộng, chẳng khác ngoài trời. Một cái giường để nằm, không có. Đống ổ rơm với manh chiếu rách và một tấm mền chăn vá chằng vá đụp. Mùi khai thối của lũ con nhỏ đái ỉa còn bốc lên ngột ngạt.

Thật khác chi cảnh chị Dậu trong “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố. Đời Đắc có lẽ đã kết liễu ở đây. Tệ nữa, chính lúc này, người tên Nam, ngỡ Đắc đang yếu thế khi đã bị dìm xuống “bể chết”. Nam dương oai, đến “tróc nợ,” đòi ba nghìn đồng bữa trước, Đắc vay để mua thuyền.

Nhưng, sự thể, khi bị cầm tù, Nam đã đến nhà lừa Thảo, vợ Đắc lấy số tiền đó. Nam bảo, “tiền” này, sẽ “chạy” cho ra Đắc ra khỏi nhà tù. Trò “bịp bợm” của Nam bị Đắc vạch trần. Đắc vỗ nhẹ vai Nam cảnh cáo. “Bây giờ, mày là kẻ nợ tao rồi đấy.” Nam bẽ mặt, tự đánh “bài chuồn.”

Đắc đã buồn. Lại buồn thêm. Đêm ấy, được ngồi ăn bữa cơm cùng bố mẹ, vợ con. Khuya. Đắc tắm rửa, chui vào ổ rơm ôm lấy vợ và một lũ con thơ. Nghĩ về ngày mai, Đắc không sao chợp mắt. “Ngày mai, Đắc sẽ quay về Công ty Vosco trình diện. Dĩ nhiên là vậy. Nhưng, không thể sống ở đây được nữa. Chốn nương thân đã hết. Đất dụng võ không còn. Đất mẹ Lập Lễ, Hải Phòng sinh ra Đắc, nhưng “Người” đã ném Đắc vào bể khổ đau. Đắc sẽ đi. Đắc lại sẽ bắt đầu cho công cuộc “mình tự cứu lấy chính mình.”

II

Đắc rụt dè bước từng bước qua cửa thường trực của Công ty Vosco. Vừa tới phòng tổ chức, anh em nhìn Đắc, reo lên.

- Tai qua nạn khỏi rồi hả. Đơn vị đã hiểu hết. Chúng mình thông cảm, sẻ chia thôi. Mà, Đắc ngồi chữ gì nhỉ ? Năm nay bao nhiêu tuổi. Vận hạn đời người đấy. Biết mặt thằng “xưng xuất bán tơ,”(4) vu oan, buộc tội giết mình chưa ? Có “ăn miếng, trả miếng” hay “quên đi.” Tha tội cho hắn.

Đắc gượng cười. Ngồi im lặng, không nói.

Thấy mọi người đã hiểu mọi việc, Đắc không dấu diếm, anh kể lại ngọn ngành về “bao bột mì” và quá trình bị quy thành tội phạm. Ban tổ chức và nhiều anh em quen biết cảm thông. Họ bàn bạc, lo cho Đắc chuyển hồ sơ giấy tờ vào làm việc ở các tỉnh phía Nam.

“Vậy là, trong họa lại chồi lên mầm phúc”. Đắc lại được chính anh em đơn vị cứu mình.

(4) Nhân vật trong truyện Kiều Nguyễn Du

Rời Phòng tổ chức, Đắc vội vã về nhà chuẩn bị cho chuyến đi vào thành phố Sài Gòn. Đắc nghĩ. Chị gái Đắc đang cư trú ở đó. Đắc còn một số anh em người miền Nam tập kết ra Bắc là bầu bạn kết thân. Anh rể Đắc là cán bộ miền Nam vừa trở về Sài Gòn làm Giám Đốc và Phó Giám Đốc các Công ty ven biển.

“Vào Sài Gòn. Nhưng, kiếm đâu ra số tiền lộ phí ? Nhà cửa của cha mẹ, sao bán được. Đắc đành bán lúa non trên chân ruộng Hợp tác xã giao cho. Lúa sắp được gặt. Có được 3.500 đồng, Đắc liên hệ tầu Thống Nhất đem hai vợ chồng và mấy đứa con vào trước.

Chuyến lên đường may mắn. Bầu bạn ở tầu giúp Đắc lo toàn bộ thủ tục. Đắc không phải mất tiền.

Hơn ba ngày đêm ngồi trên tầu thủy, từ Cảng Hải Phòng, vợ con Đắc đã vào tới Sài Gòn. Anh chị Đắc và bạn bầu đã có mặt đón sẵn, chở mọi người từ cảng Bạch Đằng về quận Phú Nhuận. Đắc về nhà chị ở số 38/9 - Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Một hai ngày ổn định, Đắc tìm gặp anh chị em quen biết, giúp đỡ việc hộ tịch hộ khẩu.

Đắc nhận việc trên con tầu Vàm Cỏ 17. Con tầu từng bị đắm, nay vớt lên sửa chữa. Đắc gặp Võ sỹ Tâm và Võ sỹ Sáu. Là võ sỹ quyền anh, Võ sỹ Tâm có bố là cán bộ tình báo. Anh là thuyền trưởng sà lan mích dầu tự hành. Có lần, Tâm đã bán cả sà lan dầu rồi đánh đắm, phi tang. Tâm bị tù sáu năm, nhưng chỉ hai năm được thả nhờ người anh là thứ trưởng Bộ ngoại thương giúp đỡ. Khi miền Nam giải phóng, Võ Sỹ Tâm đủ tiền mua con tầu Vàm Cỏ 17, thành lập công ty Công tư hợp doanh, chuyên đi tuyến Hồng Kông. Trên tầu Vàm Cỏ 17, anh rể Đắc làm thuyền trưởng. Đắc làm thủy thủ trưởng. Con trai anh rể Đắc là máy trưởng. Thủy thủ tầu đều là chỗ anh em đã quen biết lâu năm. Đắc yên lòng với việc làm và mức lương khá tốt.

Phần mình, coi như tạm ổn. Đắc lo cho vợ về nông trường Cầu Sáng trồng cây thơm và trồng mía. Dần từng bước, sẽ chuyển vợ con về cả nội thành. Đắc mua căn nhà giá ba mươi ngàn tại Cầu Ba Lát, trên trục lộ Nguyễn Viết Xuân. Bấy giờ, nhà cửa ở Sài Gòn lo dễ dàng, thuận tiện.

Ở Sài Gòn thời gian chưa dài. Thảo, vợ Đắc luôn buồn bã, nhớ nhà. Thảo không dễ quen nhập. Từ lời ăn, tiếng nói đến phong tục tập quán, Thảo luôn tự thấy trơ ra côi cút. Thảo chưa quen cuộc sống nơi đô thị bao giờ. Thảo nằng nặc đòi quay về miền Bắc.

Đắc nói với Thảo :

- Em ra Bắc. Nhưng với anh, “cóc chết ba năm, không thể quay đầu về núi” được.

- Em đành chịu vậy.

- Em về Bắc. Có quê hương, cha mẹ, xóm làng. Nhưng, không có chồng.

- Em cũng đành chịu vậy.

Chỉ có thể giữ được người ở. Không thể giữ được kẻ muốn ra đi. Đắc bó tay. Thu xếp cho vợ trở lại quê nhà. Đắc xin phép Ban quản lý tầu được ra Bắc một tuần.

Về tới nhà, lại một phen ngao ngán. Đường xa. Giở đi mắc núi, giở lại mắc sông. Kẻ Nam, người Bắc. Vợ chồng ly tán. Thân phận đàn bà, Thảo ở nhà không chèo lái trụ cột. Nơi xa, mình Đắc buồn tẻ, lông nhông. Bạn bè đàn đúm, nhậu nhẹt, tiêu khiển thời gian xa xỉ. Đồng lương còm, hỏi sẽ còn gì ?

Lại một phen cắn răng, đứng nhìn “cái mất.”

Đắc bỏ việc. Từ giã Vosco. Đắc buông xuôi đôi tay, mặc cuộc đời trôi dạt.

Hàng tháng trời nằm vắt tay lên trán nhìn ngoài hiên “con tạo” chuyển vần. Nhìn bố mẹ tảo tần dầm sương dãi gió, trông coi cống bến cho hợp tác xã để “chấm điểm lấy công.”

“Nhàn. Cư vi bất thiện.” Có người “chài,” rủ Đắc kiếm sổ lương của số người làm việc cho Pháp lấy tiền. Rồi, “mộng” buôn đồng đen, bột thuốc B12. Rồi, buôn bán gỗ thông mua từ những kiện hàng bến cảng. Có người rủ Đắc ra Cửa Giứa, Hòn Gai làm cai đầu dài đánh hàng từ các tầu lớn … Thôi thì, đủ kế. Cả việc bán các loại hàng như kíp mìn, thuốc nổ để phục vụ te lưới. Mục đích kiếm tiền này, không ổn. Sẽ đứng cạnh con đường tội lỗi. Sẽ phạm pháp. Sẽ ném thân vào cuộc tù đày.

Bỏ Vosco rồi. Không muốn làm người xấu. Nhưng, làm người tốt để sống giữa đời này, thật khó. Làm thế nào nhỉ ? Làm thế nào để tồn tại trong ý nghĩa được coi “là hữu ích. Là giá trị.” Đắc ngửa mặt nhìn trời cao, gân cổ thét lên. Anh đã hỏi nghìn câu. Nhưng, vẫn một tiếng lạnh tanh trong thinh không vô vọng.

Mộng Vosco, những ước mơ, khát vọng, đâu còn.

Đắc hoa mắt, ngỡ mình đang chìm dần trong bể sâu bi kịch.