Trang chủ » Truyện

TẢN MẠN MONGO (KỲ VI-KỲ CUỐI)

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 22 tháng 10 năm 2017 6:13 AM






 

Kỳ VI- Anh về em ở lại đây
Cỏ thơm đôi ngọn vật này làm tin



Con đường từ Orkhon về Ulanbato gần 500 km. Đường không rộng lắm nhưng vắng nên xe đi cũng thoáng. Vẫn là con đường cũ khi đi nhưng hình như nhiều nhà lều hai bên đường hơn. Có những nhà lều có cả ô tô đỗ bên cạnh. Thì ra dân thành phố kéo về nghỉ hè. Người Mongo dù định cư ở thủ đô nhưng vẫn nhớ đồng cỏ phóng khoáng, vẫn nhớ ngủ nhà lều nên mùa hè là về cắm trại. Giữa thảo nguyên một mái nhà lều, một cái ôtô trông rất lạ, vừa dân tộc vừa hiện đại. Lạ thật xe cứ để phóng sinh phóng địa như thế mà không mất trộm. Tôi thắc mắc hỏi Dat:

- Xe cộ để giữa thảo nguyên mà không mất à, Dat ?

- Không đâu, chả ai lấy. Dân Mongolia có một tập tục rất hay như thế này: Trên thảo nguyên ngôi nhà lều không bao giờ đóng cửa. Trước khi ra khỏi nhà, chủ nhà bao giờ cũng chuẩn bị đầy đủ thức ăn, sữa uống. Thậm chí người ta còn cẩn thận xếp củi vào bếp, diêm lửa để bên cạnh. Ai đi qua đói mệt cứ việc vào nhà ăn nghỉ, nhóm bếp nấu nướng như nhà mình. Người chủ nhà không sợ bị người qua đường lấy trộm và người qua đường không bao giờ tắt mắt. Chính vì như vậy mà xe cộ, cừu ngựa đầy ra mà không ai lấy của ai. Giả sử có một người vô nghề nghiệp, không nơi nương tựa thì cứ đi nhà này sang nhà khác quanh năm không bị đói.

Chúng tôi nghe Dat kể thế mà tưởng như thời Nghiêu Thuấn. Trời ơi, biết đến bao giờ ngôi nhà của chúng ta không phải đóng cửa. Ở Hà Nội đến cái ban công hóng gió còn phải rào như chuồng nuôi thú để phòng mất cắp, đến cái nắp cống bằng gang họ cũng lấy bán đồng nát kiếm dăm ba ngàn. Không những ở trong nước, khi đi nước ngoài người Việt ta xuất khẩu cả cái tính xấu đó. Nghĩ mà buồn lắm thay !

Con đường tít tắp băng qua thảo nguyên trong nắng loá. Ngồi trong xe mặc dù máy lạnh mở nhưng vẫn có cái hanh hao khó chịu. Chúng tôi tán chuyện cho vui thôi đường. Phục Bạch Đầu bảo ta về mỗi anh viết một vài chương tiểu thuyết theo kiểu chương hồi về chuyến đi Mongolia. Thế là sôi nổi bàn luận, trước hết là đặt tên nhân vật. Thuý Toàn họ Hoàng thì gọi là Hoàng Đại Nhân, Tô Đức Chiêu thì là Tô Kỳ Hiệp, Phục họ Nguyễn lại bạc tóc thì đặt là Nguyễn Bạch Đầu, Nhương họ Trần thì gọi là Trần Tác Nghiệp, Tường họ Hoàng mà ít tuổi nhất thì gọi là Hoàng Tiểu Tử. Tôi thắc mắc sao tên mình lại là Trần Tác Nghiệp ? Phục bảo thì đến đâu ông cũng máy móc lằng nhằng, hết chụp đến quay như một phóng viên thực thụ thì gọi là tác nghiệp quá đúng. Rồi sau nghĩ thế không ổn vì phải giải thích lằng nhằng vì cái tên nhân vật, ta cứ gọi đích danh tên cúng cơm chứ không gọi họ. Thế là chúng tôi chốt tên 5 nhân vật là : Toàn Đại Nhân. Chiêu Kỳ Hiệp, Phục Bạch Đầu, Nhương Tác Nghiệp và Tường Tiểu Tử. các chương hồi cũng được vạch ra, đại loại như: “Chiêu Kỳ Hiệp giữa Nội Bài mất rượu 5 chai / Phục Bạch Đầu tại Bắc Kinh biếu thịt 3 hộp…” . Nghe trục trặc, lủng củng nhưng tạm thế đã. Chúng tôi cười phớ lớ người thêm ý này kẻ góp chuyện kia suốt dọc đường.

Cười vui như thế mà Toàn Đại Nhân tin tưởng ngả hẳn vào vai Phục Bạch Đầu ngủ tít. Tường Tiểu Tử hình như chỉ chờ có thế để sả cái tiếc rẻ tối qua. Gã nói thầm vào tai tôi:

- Bác xem Toàn Đại Nhân ngủ trả bữa. Đêm qua chắc cụ có tí ti.

Tôi cười, nhìn anh Thuý Toàn ngủ ngon trên vai Phục:

- Không đâu bác là người lớn, nghiêm như cột điện đâu có léng phéng như chú.

- Thì em cũng tin như thế nhưng thấy bác ngủ trên xe thế này em hơi nghi nghi…

Bỗng Dat bảo ta kể chuyện tiếu lâm đi, đường xa nghe chuyện cười đỡ sốt ruột. Tôi đề nghị Dat kể chuyện tiếu lâm Mongolia trước. Dat đồng ý. Anh ta kể:
Có một người đàn bà goá chồng còn trẻ. Một đêm có con cừu khó đẻ, cô nàng cuống lên đành phải nhờ ông hàng xóm đến giúp. Ông hàng xóm từ lâu đã muốn cô em nhưng tán mãi không đổ. Hôm nay lại được cô vời sướng rơn. Anh chàng hăng hái vỗ vỗ, đạp đạp giục con cừu cố dặn để đẩy cừu con ra. Anh ta mặc quần đùi, trong lúc vật lôn với cừu thì cái của nợ lõng thõng ra ngoài. Cô nàng sốt ruột dờ tay xem cừu con ra chưa. Lúng túng thế nào lại nắm vào cái của nợ của anh hàng xóm. Cô kêu lên:

- Hình như cái đuôi ra trước, mà làm sao nó lớn nhanh quá bác ạ…

Cả xe cười rũ. Thì ra tiếu lâm nước nào nó cũng gần giống nhau. Cô Hoa cứ đấm bùm bụp vào lưng Tiến sỹ Dat.

Chúng tôi về tới Ulanbato đã gần 22 giờ.

….

Ngày 10-8-2007 chúng tôi đi thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Mongolia. Nhà bảo tàng không lớn và các trang thiết bị không hiện đai. Chúng tôi thật ra chỉ chú ý tới thế kỷ XIII là thời gian quân Nguyên Mông 3 lần đánh ta. Nguyễn Khắc Phục đang viết tiếp bộ Thăng Long ký nên anh quan sát và hỏi tỷ mỷ. Những bộ áo giáp của kỵ binh Mongo rất lạ, bên trong có lưới sắt đan dầy như kiểu dây đeo chìa khoá can liền vào nhau. Bên ngoài giáp sắt là giáp da ngựa. Da ngựa được ngâm trong nước đái ngựa nên cứng và dai. Các cây cung thì làm chúng tôi ngạc nhiên hơn vì rất dài đến cả sải tay, tên đồng cũng to như cây nứa tép. Không biết ngày ấy lính Nguyên Mông to lớn thế nào mà sử dụng được cây cung to dài như vậy. Chúng tôi dừng xem bản đồ vẽ lãnh thổ đế quốc Mông Cổ. Trên đó tô màu vàng hồng chạy suốt lục địa Á Âu, toàn bộ cả lãnh thổ Trung Quốc bây giờ. Màu vàng hồng đó không lấn vào được bản đồ nước ta. Mũi nhọn nơi Lũng Cú vẫn hiên ngang chọc thẳng lên phía Bắc. Trên tấm bản đồ đó, từ phía Trung Quốc có vẽ 3 mũi tên cắm vào lãnh thổ nước ta. Tôi thấy mũi tên thứ nhất ghi 1283, mũi thứ hai ghi 1285 và mũi thứ ba ghi 1292. Đó là ba lần quân Nguyên Mông xâm lược nước ta. Họ còn ghi một dòng chữ nói rằng nước ta là nước chịu thần phục. Về lịch sử thì họ cũng thừa nhận chưa bao giờ Nguyên Mông chiếm được Việt Nam nên bản đồ chỉ dừng lại nơi biên giới. Các nhà học giả Mongolia cơ bản công nhận thất bại nhưng họ có lý giải là do khí hậu và địa hình Việt Nam làm cho những kỵ binh và ngựa thảo nguyên không bộc lộ được sức mạnh. Nguyễn Khắc Phục phân tích thêm: Thực ra khi đánh xuống Vân Nam Trung Quốc thì lực lượng quân Nguyên Mông đã vơi đi nhiều. Họ bắt lính vùng Vân Nam bổ sung lực lượng nhưng không thể thiện chiến bằng quân Nguyên Mông lại gặp thời tiết, địa hình phức tạp của nước ta nên thua là chắc.

Đó là ngày xưa. Trong kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ thì nhân dân Mongolia đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Tôi nhớ hồi ở Trường Sơn gặp những chú ngựa thồ từ Mongolia viện trợ cho ta. Một thời cứ chiều chiều các bếp ăn tập thể và nhà dân thơm nồng mùi mỡ cừu rán đậu. Khi ấy số dân Mongolia chưa đến 2 triệu người nhưng bạn đã giúp đỡ ta rất nhiều. Nếu bình quân theo đầu người thì Mongoia là nước giúp ta cao nhất.

Ngày nay quan hệ hai dân tộc ngày càng gắn bó. Trong lĩnh vực giáo dục bạn đã cử nhiều sinh viên sang học các trường đại học của ta. Ngay trong chuyến đi này chúng tôi đã có hai người vốn học tại Việt Nam hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều. Tiến sỹ Dat nói với tôi: Năm nào số sinh viên Mongo sang Việt Nam học cũng đủ số lượng mà hai bên thỏa thuận nhưng phía Việt Nam thì rất ít sinh viên sang Mongolia học tập. Chúng tôi nghe thế hơi thẹn lòng nhưng mình không phải những người có trách nhiệm trong việc này.

Chúng tôi chỉ có một buổi chiều 10-8-2007 tự do để đi mua quà. Tôi và Nguyễn Khắc Phục mệt nên không đi chợ. Anh Thúy Toàn, Tô Đức Chiêu, Hoàng Minh Tường rủ nhau đi chợ.

Buổi tối Đại sứ Uông Huy Thanh mời cơm anh em nhà văn để chia tay. Cuối cùng thì ông bận công việc đột suất nên chỉ có vợ chồng Bí thư thứ nhất Phan Ngọc Khuê tiếp chúng tôi. Cô Vân, vợ anh Khuê nấu thịt cừu, thịt dê theo kiểu Việt Nam rất ngon.

Đêm cuối ở Ulanbato ngắn như chỉ một gang tay. Tôi nôn nao không sao ngủ được. Ngày mai tôi đã rời xa nơi này, xa những đồng cỏ, xa những bạn bè và cả những người chăn cừu, nuôi dê vừa gặp. Tất cả, tất cả họ để lại trong lòng mình bao nhớ nhung, bao kỷ niệm. Nhớ mãi những ngôi nhà lều không biết đóng cửa, cài then, nhớ mãi những ngọn cỏ thơm nức trên thảo nguyên mà mình đã đầm mình như đồng đất trung du quê tôi. Xa Mongolia mà ngày trở lại chưa dám hẹn bao giờ nhưng chắc chắn nỗi nhớ Mongo thì vẫn thao thức trong lòng.

4 giờ sáng ngày 11-8-2007 chúng tôi đã dậy để lát nữa lên xe ra sân bay. Tiến sỹ Dashtsevel (Dat) và cô Hoa đến tiễn chúng tôi. Con đường hơn hai mươi cây số ra sân bay ngắn đến nỗi như trong chớp mắt. Chúng tôi làm thủ tục gửi hành lý xong định quay ra chào tạm biệt Dat và Hoa nhưng nhân viên không cho ra nữa. Chúng tôi nhìn nhau qua gương kính và vẫy tay tạm biệt hai người bạn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tôi.

Khi chiếc máy bay Bô-ing cất khỏi đường băng, tôi biết rằng đã chia xa đất nước của Thành Cát Tư Hãn, chia tay với những tấm long chân thực như cổ tích…
27-8-2007
Ảnh: 1- Ngôi đình do công nhân VN giúp trùng tu
2- Bà huyện trưởng tặng tranh cho đoàn