Trang chủ » Truyện

TẢN MẠN MONGO (KỲ V)

.Trần Nhương
Thứ năm ngày 19 tháng 10 năm 2017 11:25 AM



 

.


TNc: Thắm thoắt đã 10 năm chúng tôi gồm Thuý Toàn, Nguyễn Khắc Phục, Tô Đức Chiêu, Hoàng Minh Tường và Trần Nhương đi thăm Mông Cổ. Trong 5 người giờ Nguyễn Khắc Phục đã đi xa, Tô Đức Chiêu thì ốm vật vã. Kỉ niệm 10 năm, trang nhà đưa lại tản văn viết trong những ngày lang thang trên thảo nguyên Mongo

Kỳ V : Vừa đó mà đã đến đây
Áo len bò tót cầm tay ngỡ ngàng



5 giờ sáng mặt trời đã lên gần con sào. Thảo nguyên non mỡn như một nàng trinh nữ. Sau một đêm gội đi bao bụi bặm vó ngựa, lốt cừu thì bây giờ thanh sạch, tươi non thẫm đẫm với sương đêm. Ánh nắng buổi mai như một chàng si tình cứ vuốt ve, cứ vồ vập trên tấm thân kiều diễm của nàng. Ấy là tôi cứ tưởng tượng như thế. Một anh nhà thơ khi viết văn xuôi cảm thấy mình nghèo hình ảnh để miêu tả, để ví von.

Bất giác tôi nhớ đến câu thơ của Tiên Điền ; “ Cỏ non xanh rợn chân trời / cành lê trắng điểm một vài bông hoa “. Trong lúc này tôi xin phép Tố Như “chế tác” câu thơ như sau: “ Cỏ non xanh tận chân trời / Nhà lều trắng điểm một vài bông hoa”. Câu thơ chế tác không được tao nhã cho lắm nhưng cảnh thực thì hoàn toàn như vậy.

Đồng hồ sinh học của mấy văn nhân đất Việt không chịu điều chỉnh theo trời đất gió mưa xứ Mongo, nên cứ 5 giờ sáng là thức dậy. Người Mongo thì bây giờ đang là lúc ngon giấc nhất. Tôi ra bãi cỏ trước nhà làm vài động tác thở hít không khí trong veo ban mai. Tôi tranh thủ hít cái thanh sạch mà ở Hà Nội không bao giờ kiếm được. Vạt cỏ phía trước nhà đẹp mê hồn trong nắng sớm. Tôi bấm máy ghi lại vài hình ảnh. Tôi ngoảnh lại thì thấy Hoàng Minh Tường mặt xanh như đồng cỏ, thở hổn hển, nói không ra lời :

- Bác Nhương ơi, cứu em với, con chó này nó đuổi em…!

Tôi thấy chú chó mực to như chó sói thè lưỡi thở như người nó vừa đuổi. Tôi tỏ ra thạo đời bảo Tường Tiểu Tử :

- Nó quý chú đấy, nó theo chú ra đồng cỏ đinh ninh kiếm được bữa sáng.

- Em càng chạy nó càng đuổi, chạy nhanh thì nó đuổi nhanh, chạy chậm nó đuổi chậm.

Tôi buồn cười quá. Cái anh chàng lên bờ xuống ruộng đã từng mà hoá ra nhát thấy mẹ. Đẻ chứng minh con chó quý người, tôi huýt sáo và đưa tay vẫy vẫy. Quả nhiên con chó xà vào lòng tôi nũng nịu. Tôi gãi đàu nó rồi ôm ngang người chú mực. Chú ra vẻ khoái quá, đuôi ngoáy tít.

Lúc này Tường tiểu tử mới hoàn hồn. bát chước tôi gọi con mực đến và hai “tên” quấn quýt bên nhau. Tường bảo tôi bấm cho gã mấy kiểu ảnh vì đây là một kỷ niệm mà gã nhớ đời. Bây giờ gã mới miêu tả kỹ lúc nãy trên đồng cỏ gã đã phải vận dụng bằng hết trí thông minh như thế nào. Hết chạy ngoằn ngueò lại giả vờ ngồi xuống lấy đá ném, lúc lại hét lên doạ nó mà nó không buông tha. Thật ra đay là con chó nuôi của khu nhà lều, nếu là chó hoang hay chó sói thì hôm nay Tường Tiểu Tử da ngựa bọc thây rồi. Tôi đoán chú mực quen mui sáng sáng theo người đi “đại bác” ngoài bãi cỏ. Ở thảo nguyên thì làm gì có toalét bán vé như ở Hà Nội, cứ tương “đại bác” vào chỗ nào chẳng được . Hôm nay gặp ông khách từ Việt quốc sang đây nó cứ nghĩ một cách hết sức máy móc như thế, nào có biết đâu ông ta đi tập thể dục…

Trong khi tôi và Tường tắm nắng thảo nguyên ban mai thì mấy ngài Toàn, Chiêu, Phục vẫn ngủ. Chiêu thì ngủ cho lại sức cú “ làm nũng” tối qua, còn anh Toàn và Phục là hai người có chỉ số “ ngủ” nhất đoàn

Sáng nay chúng tôi tham quan một cuộc đua ngựa. Toàn các chú tuổi mười, mười lăm gì đó vừa bay trên thảo nguyên vừa cất tiếng hú vang. Tôi thấy một người đàn ông trên lưng ngựa, đằng sau một đứa tre chỉ độ 3 tuổi. Thằng bé được buộc vào bố nó giống như ta đèo trẻ con trên xe máy. Ông ta qua chỗ chúng tôi một đoạn rồi ghì cương cho ngựa phi nước đại. Thằng bé bám lưng bố còn nghiêng cổ ra nhìn phía trước. Tôi thây hãi quá hỏi Dat, Dat bảo quy luật của thảo nguyên mà, trẻ con trên lưng ngựa từ tấm bé, đứa nào chịu được thì lớn lên là kỵ sỹ. Thảo nào vừa rồi tôi thấy toàn các cậu độ hơn 10 tuổi gì đấy đua ngựa. Cỡ ấy ở ta thì có khi mẹ còn đút cơm cũng nên.

Cuộc chia tay nào cũng lưu luyến và bịn rịn. 12 giờ ngày 8-8-2007 chúng tôi rời huyện Parum Panưng để đi sang tỉnh Orkhon. Cuộc chia tay với 4 vị chủ tịch huyện và ông bí thư huyện uỷ ngay tại bãi để xe ngoài cổng khu nhà lều. Bà chủ tịch huyện xinh đẹp nói : Muốn giữ các bạn ở đây lâu hơn nhưng đồng cỏ còn rộng mà vó ngựa chưa chồn. Hẹn gặp lại. Ôi bà chủ tịch huyện nói hay quá khiên tôi rưng rưng . “Hẹn gặp lại” là những mong như thế nhưng làm sao có thể, Mông -Việt cách nhau ngàn trùng dễ gì quay về thảo nguyên lần nữa. Bây giờ bà chủ tịch mới cho chúng tôi danh thiếp, bà còn tặng mỗi người một tờ lịch có in hình ảnh chùa Getgui Ovot. mấy ông chủ tịch các huyện lần lượt bắt tay và theo chúng tôi ra tận xe. Người Mongo có cái gì đấy rất giống chúng ta ở sự nồng hậu và mếm khách nhưng họ hơn chúng ta ở lòng chân thành và mở ra hết cỡ.

Bánh xe thiên lý lại dong duổi nhằm phía bắc lao đi. Thảo nguyên cao dần nhưng độ bát ngát thì như khôn cùng. Khi đến địa giới phân chia hai tỉnh Selinge và Orkhon chúng tôi dừng lại. Bên mái đồi bên cạnh đường một biểu tượng vút cao trên bầu trời, trên đó là logo của tỉnh sắp tới. Thông thường bên ta thì là tấm biển “Kính chào quý khách” có chêm mọt câu tiếng Anh “si-ô-gên” gì đó. Tôi leo lên bục tầm biểu tượng đó và gọi một chú mục đồng đén làm kiểu ảnh. Phía trên một chút là một Obôn, chác là thiêng lắm nên trông rất to, rất uy nghi. Tôi và mấy anh leo lên thấy một người phụ nữ đang múc từng cốc sữa hắt lên đống đá cao chừng 3mét. Tiến sỹ Dat giải thích đó là tưới sữa cho Obôn để ngày càng gia phúc gia lộc cho nhân dân. Lại nói về Obôn đẻ các bạn hiểu thêm về một tín ngưỡng của người Mongolia. Obon là bất kỳ một cây, một đống đá mà người ta cho là linh thiêng, ai qua đó cũng buộc khăn Kha dắc hoặc đắp thêm một viên đá. Dần dần Obon cao to lên, nếu là cây thì dày thêm khăn Kha đắc. Tôi có cảm tưởng gần gióng như tích thờ thần linh, chúa đát bên ta. Hầu như dọc đường rất nhiều Obon, những tấm khăn Kha đắc bay phấp phới trong gió. Ở nơi Obon chúng tôi đang đứng người ta còn có một lan can bằng dây xích, ai qua đây cầu may, cầu phúc lộc thì nắm dây đó và cứ đi vòng quanh càng nhiều vòng càng tốt. Mấy nhà văn Việt Nam chúng tôi đi mấy vòng để cầu chúc cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió.

Cuối chiều chúng tôi đến thành phố Orkhon. Nếu mát ga một chút nữa là đến nước Nga. Ông Phó chủ tịch tỉnh tên là Zorigt tiếp chúng tôi tại nhiệm sở. Khi đi qua sảnh của của trụ sở uỷ ban tỉnh chúng tôi thấy trên tủ bày kỷ vật có một lôgô thành phố Hồ Chí Minh. Tại văn phòng của ông Phó chủ tịch tôi lại thấy cách bài trí của cơ quan công quyền, có quốc kỳ Mongolia như bất kỳ cơ quan nhà nước, địa phương nào. Đó là một quy định hay của họ. Ông vừa gặp chúng tôi vào phòng đã nói ngay : Vừa thấy các bạn trên TV mà đã đến đây rồi. Chả là Đài truyền hình Mongolia vừa phát tin đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Mongolia. Kể cũng oai, đến thăm các bạn có mấy ngày mà đài báo cũng thông tin ghi hình như mấy ngài quan chức. Ông phó chủ tịch giới thiệu khái quát về tỉnh của ông về thành Erdenet xinh đẹp. ở đây có mỏ đồng lớn vào cỡ tốp 10 thế giới , có nhà máy len liên doanh với Thuỵ Sỹ. Tỉnh Orkhon đóng góp tới 30% kinh phi cho nhà nước. Ông mời chúng tôi lưu lại Orkhon và ngày mai đi thăm mỏ đồng. Ông và trưởng phòng hành chính đang ngồi bên cạnh đẫ đén thăm Thành phố Hồ Chí Minh. Ông khen thành phố Sài Gòn đẹp và người Việt Nam rất mến khách. Chụp với ông một kiểu ảnh rồi chúng tôi về khách san Eden là nơi chúng tôi nghỉ lại đêm nay.

Bữa ăn tối trong một phòng đèn mờ, lung linh những ngọn nến. Đường xa thấm mệt và hơi đói nên bữa tối ngon miệng. Có một món ăn như bánh gối của ta nhưng hấp chín chứ không rán, nhân là thịt cừu tẩm gia vị ăn rất ngon. Mỗi người một đĩa như thế, riêng tôi chỉ ăn thứ bánh này đã no chưa kể các mó còn mang ra tiếp theo. Anh Thuý Toàn bấm tay tôi, nói nhỏ : Này nhân thịt cừu đấy, để xem tên Chiêu có ăn không. Một lúc Chiêu vào. Sau cú mệt tối qua, về đây ngài được tắm táp nước nóng xem chừng tươi tốt hẳn ra. Tôi bảo Chiêu; Mời cụ bá xơi bánh. Tên cụ bá là Chiêu thích thế, coi mình như cụ lý, cụ bá thời phong kiến đế quốc. Bao giờ ông cũng coi bọn chúng tôi ăn uống lăng nhăng cừu, dê, ốc, ếch là loại thứ dân, chỉ ông xơi gà, lợn mới là đẳng cấp bề trên. Chiêu tiên sinh vừa bỏ miếng bánh vào mồm đã tấm tắc: Ngon, ngon giống như khẩu vị quê mình. Anh Thuý Toàn lại bấm tôi cái nữa, cười.

Ăn vôi ăn vàng Phuc Bạch đàu đã giục tôi đi quán nét. Ở thành phố này thì thế nào cũng nhiều quán nét. Cô Hà đi theo sợ mấy anh lạ nước lạ cái. Ba chúng tôi đi vai ba phố thì đến một quán. Hà hỏi giá xem bao nhiêu một giờ thì được biết 400/giờ. Không sao có net là tốt rồi. Tôi và Phục mỗi anh một máy. Tôi muốn dùng con laptop của mình để có font tiếng Việt nhưng cô gái trông nét nhất định không cho. Thôi thì đành biết làm sao. Cô bé Hà ở lại xem trang web của tôi và Phục một lát rôi về khách sạn trước. Tôi đành post tin tức chuyến đi không có dấu tiếng Việt và đưa mấy cái ảnh hoạt động của đoàn hai ngày vừa qua. Thực tình không phải để khoe với bạn đọc là chúng tôi đang du hý nước ngoài mà chính là thông tin cho gia đình tôi và gia đình các thành viên của đoàn biết tin mà yên tâm. Chúng tôi biết ở bên nhà ngày nào cũng vào web của tôi nhiều lần đẻ xem chúng tôi thế nào. Càng đi xa càng thấy ích lợi của công nghệ thông tin, của mạng internet là vô cùng lợi hại.

Có một chuyện vui không kể thì tiếc mà kể thì sợ bạn đọc cười. Ấy là khi chúng tôi đến khách sạn Eden thì họ phân cho đoàn 3 phòng, tôi và Phục Bạch Đàu thì vẫn ở một phòng, còn ba vị kia được những hai phòng. Lúc đầu anh Thuý Toàn cùng Chiêu Kỳ Hiệp vào một phòng, chú Tường Tiểu Tử nghiễm nhiên một mình một phòng. Nghĩ một lúc Tường Tiểu Tử xách va li sang phòng ở với Chiêu Kỳ Hiệp. Tường bảo ai lại để trưởng đoàn ở chung, chỗ không có điều kiện thì thôi, đến đây có là chơi đúng nghi thức đối ngoại. Anh Thuý Toàn đành sang ở một mình một phòng.

Sáng hôm sau vừa dậy Tường Tiểu Tử đã sang phòng tôi vừa nuốt nước bọt vừa nói: Tiếc quá các bác ạ, tối qua em lại nhường phòng cho trưởng đoàn ở một mình. Tôi hỏi gã thì làm sao. Tường nói không ngờ đêm thiếu phòng hay sao ấy, ông Dat lại bảo em Hà sang ở cùng phòng với bác Toàn. Thế có chết không chứ lỵ. Tôi cười: Thôi chú ạ, người ta tính toán cả đấy, chỉ có bác Toàn là chỉ số an toàn cao nhất, cụ 70 xuân rồi chứ cỡ 60 như chúng mình vẫn “hoàn toàn thanh niên” thì toi à.

Chúng tôi được tỉnh cho đi tham quan mỏ đồng Erdenet . Đến công bảo vệ mặc dù có điện trước nhưng bảo vệ còn điện vào nhà máy hỏi chán rồi mới cho vào. Trong khi ngồi chờ tôi quan sát một nữ cánh sát rất đẹp, chỉ phải cái hơi hoành tráng. Cô ăn mắc bộ quần áo rằn ri, đội mũ kiểu lưỡi trai, tay cầm dùi cui. Cô có đôi mắt to sáng, môi tô son, da trắng hồng. Cô hay nhìn tôi hình như cô phát hiện ra tôi có cái máy ảnh. Mấy lần cô ra hiệu cho tôi không được chụp ảnh. Tôi không dám chụp đàng hoàng nhưng tôi lên xe bấm trộm mấy kiểu ghi lại hình ảnh nàng.

Mỏ đòng lộ thiên, trữ lượng khá lơn. Đay là mỏ liên doanh với Nga mà phía Mongolia chiếm 51%. Mỏ thành lập từ năm 1978 do Nga giúp đỡ nên công nghệ khai thác bây giờ lạc hậu. Nhưng ở nơi điều hành trung tâm thì tôi thấy khá hiện đại. Trên 2 màn hình ông kỹ sư theo dõi đến từng cái máy súc, từng xe ô tô. Nếu xe, máy nào đã hoạt động quá giờ quy định và vượt định mức lập tức trên màn hình báo đỏ. Cứ theo thông báo đó mà người điều hành cho ngừng hoạt động . Rời chỗ khai thác chúng tôi vào nhà máy sán xuất đồng. Công nghệ cũ nên tiếng ồn khá lớn, cộng với mùi hắc của công nghệ phân giải đồng nên rất khó chịu, mùi xộc vào mũi gây tức ngực. Tôi lấy lọ dầu xoa lên mũi cho dễ thở. Lúc này lại không thấy Chiêu Kỳ Hiệp, thì ra ngài khôn ra phết thấy mình đang yếu mệt thì đứng ngoài ngắm cảnh.

Khi chúng tôi sang công ty Erdmin liên doanh giữa Mông-Mỹ-Trung thì khác hẳn. Không thấy tiếng máy, một công nghệ khác hẳn. Nhà máy này mua lại của mỏ đồng cái đất đá bốc đổ đi rồi dùng hoá chất gì đó phân giải lấy đồng. Tổng sản lượng một năm cỡ 3000 tấn, giá bán cho khối EU khoảng 7000-8000 USD một tấn phôi đồng. Phôi đồng đổ ra từng tấm như thép lá, vàng óng.

Chúng tôi còn thăm nhà máy sản xuất thảm len. Cũng là công nghệ Nga ngày xưa. Bây giờ nhà máy đang tiến hành đổi mới thiết bị. Chỉ có một điều chúng tôi thấy là họ dệt rất nhiều tranh thảm chân dung Thành Cát Tư Hãn. Có thể nói đến Mongolia là đến với Thành cát Tư Hãn, người đã làm thế giới nghiêng ngả một thời nên nhân dân Mongolia tự hào về ông là đúng.

Có một đặc sản của Orkhon mà hiếm nơi có đó là hàng len. Dat dẫn chúng tôi vào một cửa hàng bán áo len. Đây là loại len nổi tiếng liên doanh với Thuỵ Sỹ. Ban đầu thì tôi cũng dửng dưng vì len bên nhà ta thiếu gì và giá rất rẻ nhưng khi Dat giới thiệu là loại len lông tơ bò tót thì tôi ngỡ ngàng. Tôi hỏi lấy đâu ra bò tót mà lấy lông làm len. Dat giải thích rằng Mongolia nuôi rất nhiều bò tót, nuôi bò tót như nuôi cừu, nuôi ngựa. Đúng thật, khi qua thảo nguyên tôi thấy lẫn trong đàn ngựa, đàn dê có một loại con lông đậm, dài, trông khệ nệ, oai vệ đó chính là bò tót. Dat bảo len này làm bằng lông tơ bò tót nên nhẹ và rất ấm. Tôi và Phục chọn mua vài thứ. Tôi chỉ dám mua một áo len cho bà chủ cai quản phần dạ dày của mình. Ồ áo len nhẹ thật, mỏng tơi mịn như nhung. Phục loay hoay chon váy áo, ướm đi ướm lại nhưng rồi hình như sót tiền nên không mua gì. có một điều lạ là gã ở trong cửa hàng lâu lắm...

Chiêu Kỳ Hiệp và Tường Tiểu Tử ra ngoài ngôi dưới bóng cây từ lúc nào. Tôi xách túi áo len ra ngồi cùng. Tôi bát đầu mở chiến dịch "kích hoạt" hai lão này:

- Đã đến đây mà không có cái quà gì cho bà xã thì còn là cái thằng chồng hay không. Nhất là chú Tường, cái người phương nam lo cho chú đủ thứ mà không có cái áo len bò tót cho nàng thì không thể chấp nhận được.

Tôi nắm thóp được chú Tường vì hôm chú từ Sài Gòn ra chú đưa trả tôi tiền chú đã phải khai nhà tài trợ chính rồi. Tường và Chiêu lúc này nóng máu hỏi bò tót thật à. Tôi vênh lên, chứ lại không, ông Dat không nói bậy bao giờ, các ông thấy ông và cô Hoa mua nhiều không. Chả biết thế nào cứ mang về bảo vợ đây là len lông tơ bò tót mua tại thành phố giáp Nga các bà ấy lại chả chảy nước mắt ra ấy à. Nghe có vẻ bùi tai, hai gã rủ nhau quay vào cửa hàng. Quả nhiên mỗi anh một cái áo len xách ra với vẻ mặt hơn hở hiếm thấy. Quả này nếu ở nhà là tôi đòi cửa hàng chi cho phần trăm tiếp thị nhưng ở đây thì chịu vậy. Thế là năm anh nhà văn già anh nào cũng có quà cho vợ hoặc người tình. Ai bảo mấy anh văn nhân này không quan tâm hậu phương vững chắc của mình…

Bữa trưa hôm nay chúng tôi ăn kiểu cơm Tây. Phuc Bạch Đầu ngồi gần Chiêu Kỳ Hiệp. Phục gắp cho Chiêu hai miếng thịt nạc mầu hơi sẫm, nói: thịt bò đấy, tôi nhường ông. Chiêu Kỳ Hiệp: thank you ! Tôi ý tứ nhìn Phục thầm hiểu ý Phục. Chính hai miếng thịt đó là thịt cừu, lừa Chiêu Kỳ Hiệp để khảng định ngài ăn được thịt cừu. Anh Thúy Toàn nói: đừng nói gì vội, để về đến Bắc Kinh hãy công bố.
12 giờ ngày 9-8-2007 chúng tôi tạm biệt Orkhon trở về Ulanbato. Chỉ còn hai ngày nữa là chúng tôi về nước. Thời gian nhanh như vó ngựa Mongo phi trên thảo nguyên

Ảnh: 1- Đùa vui té nước với càng nàng Mông Cổ
2- Ông tỉnh trưởng tỉnh Orkhon tiếp đoàn nhà văn VN
3- Nàng cảnh sat mỏ đồng Erdenet