Trang chủ » Truyện

MIỀN TẤN PHONG CHÚA ĐẢO (7)

Kim Chuong
Thứ năm ngày 26 tháng 10 năm 2017 9:37 PM





PHẦN VII

MIỀN HẸN ĐỢI

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN




I

Gần sáu tháng chờ đợi, biết mình sẽ định cư ở Canada, Đắc vui. Anh hình dung, một mai, anh sẽ như “cánh chim thiên di,” vượt mình trên đường dài từ bờ Đông Thái Bình dương đến bờ Tây Đại Tây dương. Anh sẽ đến với đất nước “cây phong đỏ,” đến với Canada, một xứ sở tuyệt vời.

Từng tìm đọc và hiểu, Đắc biết, Canada có nghĩa “ngôi làng”, gốc gác này có từ ngôn ngữ của thổ dân Huron-Iroquois. Canada chiếm phần lớn Bắc Mỹ. Với diện tích khoảng 10 triệu kilô mét vuông, lớn thứ hai thế giới, sau Nga. Dân số chừng hơn 30 triệu người, mật độ dân lại khá thấp. Thác Niagara tại Ontario lớn nhất thế giới và bờ biển Canada cũng dài nhất thế giới với 202.080 kilômét, tức 125.570 dặm.

Vào năm 1759, tướng Anh là Jame Wolfe tấn công thành Quebec của tướng Pháp và chiến thắng. Năm 1763 Anh và Pháp ký hòa ước. Pháp nhường toàn bộ thuộc địa Bắc Mỹ cho Anh. Ngày 1 tháng 7 năm 1867, Nước Tự trị Canada được khánh thành.

Canada là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. Ngành công nghiệp khai thác gỗ và dầu khí đứng hàng đầu các nước. Những bãi cát dầu Athabasca có dự trự dầu mỏ, chỉ sau Ả Rập Xê- út. Canada có hơn 200 dân tộc, hơn 40 nền văn hóa khác nhau. Dân nhập cư chiếm hơn 50% sự phát triển dân số. Luật đa văn hóa của đất nước này ủng hộ sự hòa nhập đầy đủ và công bằng của người dân thuộc mọi nguồn gốc, tạo nên sự giao thoa giữa các cá nhân và cộng đồng khác nguồn gốc.

Thiên nhiên của xứ sở Canada là bức tranh tuyệt mỹ. Vào mùa xuân, cây cỏ tốt tươi, những cánh chim bay lượn rợp trời. Hoa anh đào nở đẹp trên khắp các nẻo đường đất nước. Tại thủ phủ Ottawa, Uất kim ương đua nhau khoe sắc. Ở Quebec, cây lá phong đã làm nên “bảy mươi phần trăm” sản phẩm siro cung cấp cho nhiều nước. Công viên Cầu treo Capilano với cây cầu ở độ cao 230 thước. Công viên Jasper là di sản văn hóa thế giới. Rồi, George C. Reifel Migratory Bird Sanctuary Delta là khu bảo tồn 280 loài chim di cư từ khắp nơi bay về hội tụ …

“Nơi ta đến” với chân trời đang mở ra như vậy. Bất chợt, Đắc nhớ tới câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên khi anh đang hăm hở bay về miền quê mới. Anh se sẽ hát lên : “Nơi ta đến chỉ là nơi đất ở…”

Vâng. Canada với Đắc, kẻ tha hương, có giống như cánh chim thiên di lang bạt kia không? Tất cả đang nằm ở sự mường tượng phía trước. Đắc biết. Tất cả là ở con người. Ở vai trò tự thân, trước đối tượng mới và những thử thách mới. Với Đắc, bao giờ anh cũng chuẩn bị cho mình sự đón đợi với nghị lực băng vượt.

Vào một ngày đầu tháng 5 - 1985, chuyến máy bay đã đưa Đắc tới Canada và dừng lại ở Vancouver. Giữa xứ sở quê người xa lắc, Đắc bỗng gặp đôi người cùng quê và một số người từng quen ngày ở trại Hồng Kông bữa nọ. Họ, những người đến trước, khoảng sáu tháng gì đó. Đắc vồn vã bắt tay, chào hỏi xã giao đôi câu, rồi tiếp tục bay về bang Manitoba. Khi máy bay hạ cánh xuống thủ đô Winnipeg, một nhóm người của Cục Di trú đã chờ sẵn. Người phiên dịch gọi tên Đắc, ông nhìn anh vẻ ngỡ ngàng.

- Hành lý của ông đâu ? Chà - Người phiên dịch kêu lên - Nghèo đến thế này à ?

Đắc gật đầu. Qủa tình, trên tay Đắc chỉ xách theo mấy thứ dụng cụ sinh hoạt cá nhân. Đôi bộ đồ lót, gíp thuốc đánh răng. Sáu cuốn Anh văn. Hai cuốn ngữ pháp chép bằng tay với cuốn từ điển Lê Bá Công đem đi từ trại cấm.

“Nghèo đến thế này ư ?” Trong Đắc bỗng vọng lên câu hỏi ấy. Đắc mỉm cười, tự nghĩ. “Ừ. Cái nhìn được ở Đắc, chỉ có thế. Nhưng trái tim của chàng trai “ba tám” tuổi này, còn giàu, còn ắp đầy sức lửa.”

“Ừ. Tài sản đến với Canađa của Đắc chỉ có thế.” Đắc bận trên người một bộ áo cánh. Vào ngày 8, tháng 5-1985, thành phố Manitoba, tiết trời vẫn lạnh. Đắc rét. Người gai gai, đôi hàm răng thỉnh thoảng cứ va nhau lập cập. Về khách sạn Balmaral, một người Việt thấy vậy đưa cho Đắc cái áo khóac bằng nhung. Đắc cảm ơn. Là áo nữ, nhưng Đắc mặc đại cho đỡ lạnh.

Nhóm người của Cục Di trú hướng dẫn Đắc khá kỹ việc sinh hoạt và một số điều cần thiết. Đắc yên tâm vì anh đã có một số thời gian công tác ở nước ngoài. Ở khách sạn Balmaral, Đắc gặp mấy gia đình người Việt tị nạn mới đến. Họ ở Sài Gòn, người Bắc di cư vào Nam từ năm 1954, quê gốc, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Gặp người đồng hương, cùng thành phố Cảng, mọi người quây quần hỏi thăm nhau về quê hương, tuổi tác, về hoàn cảnh trôi dạt, dẫn tới bến bờ của cõi người nơi “chân trời góc bể” này. Ai nấy, vẻ chia sẻ, cảm thông. Riêng đời sống thường nhật, chính phủ Canada đã có chế độ tiêu chuẩn được quy định cụ thể, rành mạch cho mỗi đối tượng, mỗi tầng lớp công dân sống trên đất nước.

Ở Balmaral khoảng một tháng, Đắc được “Mampower,” văn phòng quản lý người di trú xếp cho một căn hộ. Đắc được một Bachlor, nghĩa là một phòng. Gồm, phòng ăn, phòng ngủ, phòng bếp, phòng khách. Đắc ngắm nhìn tiện nghi, vẻ hài lòng. “Chà. Cũng kha khá đầy đủ. Nào, nồi xoong, chảo, dao, thớt, bát đĩa, kể cả cái tăm. Vấn đề là “đồng tiền” và anh sẽ sống ra sao.”

Đắc đã học tiếng Anh từ những ngày ở Hải Phòng khi làm việc cho ngành hằng hải. Rồi, hai năm ở trại. Vốn liếng tiếng Anh của Đắc xem như đã đọc và giao tiếp tốt. Song, bất cứ ai tới đây, đều buộc phải đi qua lớp tiếng Anh sáu tháng. Đắc tiếp tục theo học. Tìm hiểu luật pháp Canađa, Đắc biết, sớm muộn, gia đình Đắc cũng được đoàn tụ. Đắc rất muốn đi làm để có được đồng tiền, chờ cơ hội, bảo lãnh cho vợ con, gia đình sum họp.

Chờ đợi tới ba tháng, chưa có lớp Anh văn để học, Đắc tìm đọc các báo, kiếm trên các chuyên mục “Tìm công ăn, việc làm.” Đắc đã điền vào tới 123 lá đơn xin việc, ch̉ỉ muốn nơi nào đó sẽ nhận mình làm công việc gì đó. Vậy mà, mãi không được. Đắc quay về văn phòng Manpower nhờ họ giúp đỡ. Đắc sốt ruột, nhưng ngày tháng vẫn lặng lẽ trong trạng thái chờ đợi.

Một buổi, Đắc cùng Hoài, người bạn, dắt tay nhau đi bách bộ vòng quanh các lối phố. Nhìn biển đề văn phòng “Hội người Việt,” Đắc bảo : “Chúng mình ghé vào đây một chút Hoài nhé.” Hoài đồng ý. Thấy người lạ bước đến, một thanh niên khá trẻ từ văn phòng “thường trực Hội” bước ra. Vẻ lịch sự, Đắc cất lời hỏi người thanh niên về công việc muốn tìm kiếm với thủ tục bảo lãnh vợ con từ Việt Nam ra đi. Người thanh niên nghe Đắc nói, nét mặt bỗng tái đi, giở giọng sẵng, hỏi :

- Anh ? Người Bắc phải không ?

- Thưa, vâng ! - Đắc trả lời.

- Người Bắc à ? - Người thanh niên vẻ thù hận, mặt sầm lại tối om - Nếu vậy, “thanh toán” luôn !

“Thanh toán à ? Thanh toán là gì ? Nghĩa là, “tên này” sẽ giết ta chăng. Hắn vẫn nuôi nỗi hờn căm cộng sản, nuôi sự chia rẽ hai miền Nam Bắc kia sao. Ngươi muốn thanh toán, muốn làm thịt ta à ?”

Nhìn người thanh niên mang đôi mắt bốc hỏa, Đắc bình tĩnh hỏi lại : “Cậu vừa nói câu gì ? Cậu có thể nhắc lại lần nữa điều cậu vừa nói được không ?”

Người thanh niên lập tức nhắc lại hai tiếng cụt lủn “thanh toán.” Không chịu bị động, nhanh như chớp, Đắc lật cái bàn đổ choàng lên người hắn. Chàng thanh niên bỏ chạy. Đắc rượt đuổi. Thật may, hắn đâu biết, nếu bắt được, chắc chắn, hắn đã bị Đắc cho lĩnh đủ trận đòn nhừ tử.

Có nhiều tiếng ầm ĩ réo lên. Một người văn phòng “Hội Người Việt” xuất hiện. Ông tự giới thiệu là “Hội trưởng.” Biết đầu đuôi câu chuyện, “người Hội trưởng” thay mặt Hội, hết lời xin lỗi Đắc. Ông mong Đắc bỏ qua cho hành vi đã gây xúc phạm mạnh với anh của người thanh niên đang là “thư ký Hội.”

Đắc im lặng bắt tay. Một lát, hết cơn giận, vốn hồn nhiên, dễ bỏ qua những chuyện vặt, Đắc kéo tay Hoài bước đi, giọng tỉnh bơ. “Thôi. Cho quên ! Không thèm chấp với tên “chọi” nhỏ ấy nữa. - Đắc nói vậy, nhưng anh lại ngửa mặt lên trời than vãn. “Hoài thấy không. Thân phận mình khổ vậy. Ở trong nước, họ liệt chúng ta vào loại phản quốc. Đến chốn này, bọn nó lại căm thù mình, coi là “loại cộng sản, thù địch.” Nhưng, mặc cha nó - Đắc nói - Miễn là, ở đâu mình cũng là mình trong cái đẹp của ý nghĩa làm người, phải không.”

Hết khóa học tiếng Anh, công việc đầu tiên mang lại niềm vui cho Đắc, anh được gửi vào làm phụ bếp cho một nhà hàng người Đức. Với công việc bồi bàn, từ ngày về đơn vị Hằng Hải, Đắc đã học qua lớp 18 tháng và từng là đầu bếp loại giỏi. Bởi vậy, khi bập vào công việc, ngay phút đầu, Đắc đã được nhiều người mến phục.

Làm chân phụ bếp, mỗi giờ, Đắc được trả 5 dollars. Chính phủ trả một nửa, nhà hàng người Đức trả một nửa. Không có con đường lựa chọn nào khác, Đắc phải kiên tâm làm việc tại nhà hàng mỗi ngày từ 30 đến 36 tiếng trong tuần. Thu nhập ít, nỗi băn khoăn này làm Đắc phải đôn đáo ngược xuôi, chạy thêm việc ở một tiệm giặt là. Tổng cộng mỗi ngày, Đắc phải làm việc tới hơn mười tiếng đồng hồ. Thường thì, Đắc phải “ke giờ,” đua với thời gian, co chân chạy bộ từ nhà hàng người Đức về tới tiệm giặt. Không ít lần bị trễ tới mươi, mười lăm phút. Đây là điều không thể chấp nhận trong quy định và kỷ luật lao động. Tình thế ấy bắt buộc Đắc phải chắt bóp, vay mượn để có tiền mua được chiếc xe đạp. Đắc đi làm hai nơi và bảo đảm đúng giờ.

Không lâu, mất việc ở nhà hàng người Đức, Đắc lại xin làm phụ bếp cho nhà hàng khác, người Ý. Đầu bếp là một phụ nữ. Buổi đầu, bà này bắt Đắc rửa khay đựng thực phẩm nấu nướng để dưới gầm lò. Khay đầy dầu mỡ, bám đen các góc cạnh và những chỗ lồi lõm. Đắc phải dùng bột tạt để cọ. Không có bao cao su đeo tay, lao động được ít ngày, mười đầu ngón tay Đắc bị ăn mòn, máu chảy ra rớm đỏ. Chưa bao giờ Đắc lại có tâm trạng buồn như thế. Đắc tự nghĩ. “Cuộc đời tỵ nạn là thế này ư. Đắc không ngại lao động. Đắc từng được đào tạo, huấn luyện trong cơ quan, quân đội. Nhiều năm làm chỉ huy, lãnh đạo đơn vị, làm ăn không đến nỗi nào. Vậy mà, con đường dẫn đến kết cục thế ư ? Không. Nhất định không thể chịu.”

Sau hai tuần làm việc, Đắc nhận lương bằng tấm séc không đúng với hợp đồng. Lẽ ra, 5dôllars một giờ, nhưng họ đã vô cớ, chỉ trả 4,30 dollars một giờ. Đắc nổi khùng, không nhận. Đắc chất vấn chủ hàng. Họ không chịu. Đắc bất cần. Anh cầm tấm séc xé tan trước mặt họ, ném xuống sàn nhà rồi quay gót bỏ đi.

Hai ngày sau, không thấy Đắc quay lại, người chủ tìm đến tận nhà trao trả tấm séc khác, theo đủ hợp đồng, nhưng đã ra đi, Đắc không bao giờ trở lại.

Đắc chỉ còn làm việc trong một tiệm giặt là. Thật may mắn, ở đây, ông bà chủ rất quý Đắc. Biết nói tiếng Anh, lại nhanh nhẹn, thuần thục trong tổng hợp, ghi chép. Đắc còn có bằng lái xe hơi sau những ngày tranh thủ theo học khá vất vả. Việc biết lái xe tạo cho Đắc lợi thế lớn trong công việc. Ông bà chủ giao cho Đắc điều hành toàn bộ cửa tiệm. Đắc phụ trách mười hai máy giặt sấy và một vài máy là ủi. Ba nhân viên lao động nữ gồm một người Campuchia. Một người Philipine và một người da đỏ. Công việc tương đối ổn. Hằng ngày, Đắc lao động khoảng mười bốn tiếng. Thời gian cứ bình lặng trôi đi. Qua sáu tháng, Đắc tích lũy được vài ngàn dollars.

Thấy bước đầu ổn định, Đắc viết thư về cho vợ con, thăm sức khỏe và đời sống gia đình. Anh chưa dám nói nhiều về những điều tai nghe mắt thấy, những ý định đang cất dấu trong mình. Sau sáu tháng làm việc, Đắc gửi về cho vợ 100 dollars. Rồi, 1000 dollars với thùng hàng sau thời gian dành dụm. Điều mừng hơn, Đắc đã lo xong giấy tờ, bảo lãnh cho vợ con được sang Canada, hy vọng một ngày gần đó, gia đình anh sẽ một nhà đoàn tụ...

Đắc vẫn làm cho nhà hàng Arther. Một buổi, Martin, con trai người phụ nữ là Phó cai bồi. Martin cậy là dân “Anh quốc,” lại có mẹ nắm quyền cai quản. Hắn hống hách, miệt thị người làm. Vốn khảng khái, nóng tính, khi nhìn thấy Martin trễ nải, không làm đúng phần việc được giao, Đắc nổi đóa, quát lớn :

- Mày nói gì? Mày là cái thá gì mà dám bắt nạt chúng tao - Đắc cầm chai bia, ném vào cửa vỡ tung tóe, giọng hùng hổ - Mày câm ngay. Đừng giở kiểu làm láo lại quen thói võ mồm. Lành làm gáo, vỡ làm muôi. Tao cho mày biết mặt ….

Đắc nắm cổ, điểm nhẹ cho Martin một huyệt “cảnh cáo.” Martin ngã đơ, không cựa quậy. Không ngờ, chuyện xẩy ra thật lớn. Bọn nắm quyền hùa nhau, cho “ triệu” Đắc cùng tất cả cai bếp, cai bồi họp gấp. Chủ nhà hàng bắt Đắc tường thuật lại tất cả sự việc diễn ra. Không ngần ngại, được dịp tốt xả hơi, Đắc rành mạch, khúc chiết, vạch tội sự bất công trong ứng xử giữa lao động với lao động của nhà hàng. Những bất hợp lý trong điều hành công việc. Những cái duy trì và những điều cần kịp thời xóa bỏ trong tổ chức, trong quan niệm, xử thế con người…Bằng giọng nói thật hay, thấu tình đạt lý, lại được tất cả cai bếp, cai bồi từ người Thái Lan đến dân bản địa Canada một lòng bênh vực. Kết cục, sự việc được “xử hòa.”

Đắc hiểu. Họ định khép tội một anh “cu-ly,” nhưng có được “phần thắng” ấy, bởi Đắc đã bám chắc lẽ phải và được mọi người ủng hộ và quý mến.

Đắc gầy, nhỏ người, làm giỏi các việc. Nhưng, sau va chạm này, Đắc bỏ. Anh chuyển về làm việc ở khách sạn Holidday In.

Về Holiday In, Đắc gặp Peter, một cai bếp, người to khoẻ, chịu chơi. Thấy Đắc vẻ giỏi giang, quân tử, Peter nhanh chóng kết thân. Peter thường cho tiền, dẫn Đắc đi nhẩy đầm, xem đám trai gái “tú-nuy,” quay cuồng, không quần áo.

Ở Holiday In, công việc rất bận, nhất là những ngày cuối tuần. Bà Sylvia, chủ tiệm giặt, chừng bốn mươi tuổi. Người mơ mộng, giàu đời sống nội tâm. Từ cảm nhận nào đó, bà khen Đắc thông minh, hoạt bát và đem lòng yêu quý, luôn giành cho Đắc một tình cảm đặc biệt. Hàng tuần, cứ vào chiều thứ 6, Syliva lại đỏm dáng trong trang phục quyến rũ, bà tới Holiday In uống bia và yêu cầu với bếp trưởng cho Đắc được nhẩy đầm với bà. Đắc chối từ, phần nhiều vì e ngại. Syliva mời Đắc uống bia. Nhìn đầu mày cuối mặt, Syliva không dấu được niềm mê đắm chàng thanh niên phụ bếp, có chút “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nào đó. Biết được điều này, Peter, chàng cai bếp phát ghen với Đắc. Peter ghé tai Đắc nói nhỏ : “Mày là thằng “đào hoa”. Một chàng trai thật may mắn. Cơ hội đẹp đấy. Mạnh dạn lên. Tao ủng hộ và cổ vũ.”

Đắc sợ. Không hiểu sao, chính lúc này, Đắc thấy mình cần phải giữ gìn nhiều. Bởi, Syliva là phụ nữ người Anh khá xinh đẹp. Vợ chồng Syliva có bốn con trai, một tiệm giặt nhỏ. Họ đến Canada từ mười tám năm trước. Một lần, vào ngày nghỉ, Syliva bảo Đắc. “Syliva muốn mời anh về nhà riêng, được không ?” Thấy Đắc do dự, Syliva mạnh hơn, vẻ bộc trực. “Ngại gì. Tôi lo liệu đẹp đẽ cả mà.”

Đắc theo Syliva về nhà. Không ngờ, Syliva thương Đắc. Nhiều lần tỏ ý muốn âu yếm, nhưng Đắc khéo léo lẩn tránh. Hàng ngày, sớm nào Syliva cũng chuẩn bị cho Đắc hai lát bánh mì, cặp cheese và một cốc café. Đắc sợ. Đắc thường “bị” “đỏ tình,” thường bị dính vào bẫy gái trai nhùng nhằng, mệt mỏi. Rồi nữa, bên cạnh đó, nỗi nghi ngờ, ghen tuông của ông chủ khi Sylvia không dấu được. Sợ mất việc, mất đồng lương kiếm thêm được lúc này thật khó khăn trong đời sống thực tại. Đắc lững lờ đánh bài, làm con thuyền lách trong dòng bình yên giữa những chiều xoáy lốc.

Những ngày lao động ở Holiday In, Đắc ở chung với Quang cho giảm bớt chi phí tiền nhà. Quang ít tuổi hơn Đắc. Quang là người Tầu ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Quang giỏi tiếng Anh. Đắc và Quang kết nghĩa anh em, sống với nhau hoà thuận. Mãi sau này, khi Quang đi tu nghiệp ở một trường đại học, Đắc và Quang mới chịu xa nhau.

Rời xa Quang, trong cái “bó” của hoàn cảnh cần phải chi phí, lo liệu hàng ngày, Đắc nghĩ, mình phải tìm Phương, cô bạn gái quen biết từ trại cấm Hồng Kông. Phương sống độc thân, chưa một lần lấy chồng. Phương không xinh lắm, nhưng một cô gái thật nết na, hiền dịu. Đắc sẽ mời Phương về ở chung một phòng để cùng chia sẻ tiền nhà, tiền ăn và đỡ đần nhau sớm tối. Đắc điện cho Phương. Phương tìm đến gặp Đắc. Một “hợp đồng” làm nên một mối tình thật lạ. Bởi, đôi trai gái tuổi đời còn trẻ, đang trong vòng ân ái, lại thật sự thương yêu, trân trọng, quý mến nhau. Nhưng, Đắc đã có vợ, có con. Phương về ở với Đắc, một ngày không xa, vợ Đắc sẽ đến Canada, gia đình Đắc sẽ cùng nhau sum họp một nhà. Ngày ấy, Phương sẽ là gì khi phải dứt áo ra đi trong ngậm ngùi, buồn tủi.

“Em sẽ trở thành kẻ đùa cợt với chính cuộc đời mình ư? - Phương trầm tư, tự vấn - Em “không phải là biển nhưng cũng không phải là gỗ đá” như nhà văn Nam Cao từng viết kia anh. Em “là Người.” Một “con người” với tất cả những gì của “ái-ố-dục,” của nỗi khát vọng, đa mang có trong tim như bao cô gái khác. Em bên anh, ái ân, chung sống cùng anh…Vậy rồi, một mai, tự ta bắt buộc ta phải xóa đi cái ta từng dầy công đắp vun, gây dựng. Tự ta làm nên ta nhạt nhèo, phụ bạc. Ôi. Buồn biết dường nào…”

“Nhưng, biết làm thế nào - Đắc lựa lời trần thuật - Thực tình, anh không muốn mình là kẻ dối lừa. Giá anh cứ im lặng đóng vai phớt lờ, nói với em rằng, chuyện ngày mai rồi ta sẽ tính sau, thì sao. Nhưng, bây giờ, em vui. Ngày mai, khi nỗi đau đổ vỡ sẽ tanh bành, thất vọng. Ân oán sẽ lớn hơn, lúc ấy em sẽ nghĩ anh là gì nhỉ? - Đắc bình luận - Lời nói thật quả không phải ngọt ngào và lúc nào cũng dễ nghe, em nhỉ. Vậy, em có thông cảm, chấp nhận cho không. Anh không thể dối trá, phụ bạc người “vợ cột, con kèo” nơi quê nhà nhọc nhằn, lam lũ. Người đã cùng anh nếm trải nhiều vị đắng ở đời. Phương ơi. Ta đành chấp nhận nhau như thế, được không. Hãy coi như, những ngày này em tạm mượn tấm chồng. Và, đã có mượn thì có trả. Em sẽ trả, khi cần phải trả, em nhé. Ở đây, “lý và tình. Cái say và cái tỉnh. Cái muốn và cái không muốn trong mối quan hệ của chúng mình nó đan cài, giằng xé, nó chẳng khác mối bòng bong mà hai ta cùng chung nhau mối gỡ. Hoàn cảnh này bắt ta phải làm vậy, mà em…”

Phương ôm chặt lấy Đắc, nước mắt bỗng trào ra. Theo “hợp đồng” kỳ cục, Phương về sống chung với Đắc một nhà. Đắc và Phương ngày tháng bên nhau như một cặp vợ chồng hòa thuận. Hàng ngày, Phương tất bật đến phân xưởng, làm công việc của một thợ may. Còn Đắc, việc không ổn định, từ Holiday In, anh lại chuyển về làm mộc. Rồi, gặp Toàn, người Trà Cổ ở Hố Nai trong Nam giúp đỡ, Đắc xin về hãng Bona plastic, với tiền lương 6.40dollars/giờ. Về Bona plastic, hãng chuyên làm các bồn nước có sức chứa nghìn lit. Đắc phải đi ca. Mỗi ca làm thông 12 giờ. Mọi gian khó, không ngại. Từ bồn lớn đến các thùng chứa phân, các bình xăng xe máy và một số mặt hàng theo đơn, chỉ trong vòng hai tuần, Đắc đã nắm vững và sử dụng thành thạo các máy móc, trang thiết bị kỹ thuật. Sau ba tuần làm việc, Đắc được lên lương, từ 6.40dollars lên 7 dollars/giờ. Từng nhiều năm là thợ lành nghề trong xưởng quân giới của quân đội, những công việc của hãng đối với Đắc, không có gì là khó. Thấy Đắc tăng lương nhanh, không ít người tỏ ra ghen tỵ. Đắc hãnh diện và tạm hài lòng với công việc thực tại.

Ở với Phương một năm, một hôm, Phương dẫn Brian, một chàng trai người Tây về gặp Đắc. Brian mê Phương, tỏ nhiều vẻ tâm đầu, ý hợp. Đắc chủ động bàn với Phương cách giải thoát tốt đẹp. Đắc đóng vai người anh se chắp, muốn cho hai người tác thành chồng vợ. Duyên phận không xong. Phương buồn. Năm tháng sống với Đắc đã lâu. Thời gian đủ đem đến niềm yêu thương mặn nồng của tình người, tình đời với tình yêu, đôi lứa. Lúc này, Phương muốn có con cùng Đắc. Lời tri âm, tỏ bày của đôi lứa cũng chín muồi trong điều kia lẽ nọ. Phương bảo. “Em vẫn một lòng chấp hành nghiêm chỉnh cái “hợp đồng nghiệt ngã, bất biến” kia. Chị Thảo, vợ anh vẫn là “vợ cột, con kèo” của anh. Nhưng, hãy cho em gìn giữ và mang đi kỷ niệm của cuộc đời chúng mình bằng đứa con ta có với nhau. Bằng những gì của tất cả buồn thương mà hạnh phúc trong bóng dáng của anh gửi vào đứa con ở bên em mãi mãi…”

Vâng. Dẫu là đá cũng mềm lòng, nói chi là Đắc. Đắc thương và yêu Phương. Đắc quyết định cùng Phương sẽ có một đứa con sống với cuộc đời.

Khi Phương đang mang thai đã già nửa năm, Đắc nhận được thư Thảo. Thảo và các con Đắc ở quê đã nhận được “giấy bảo lãnh.” Hiện, Thảo và các con Đắc đang cùng một số anh chị em đã đến Bắc Hải, Trung Quốc. Cục Di trú cho biết, hồ sơ đã hoàn thiện, đang chờ chuyển từ Thái Lan về Hồng Kông là có thể bay. Đắc thông tin này với Phương. Phương buồn xỉu. Cố giữ vẻ trầm tĩnh, tự mình an ủi mình, Phương nói. “Vâng. Đành chịu vậy, anh ạ. Khi nào Thảo sang, em tình nguyện trả anh cho mẹ con chị ấy...”

Đắc rối bời. Câu nói ngỡ chỉ ngắn gọn, nhẹ nhàng như thế. Nhưng, Đắc cảm được tất cả những gì trong cái cái nặng đầy, chất chứa đang vò xé, xô táp giữa biển lòng quặn thắt của Phương. Đắc thấy nghẹn và nhói đau nơi vồng ngực.

Đắc và Phương im lặng. Hai cái bóng đổ dài trong căn phòng khuya khoắt…

III

Trời tối. Vừa bước chân vào nhà, nghe tiếng điện thoại réo, Đắc vội mở máy nghe.

- Alô! Đỗ Lễ à? Có phải Đỗ Lễ không ?

Nghe tiếng người quen, Đắc nhìn lên màn hình điện thoại. “Đúng rồi. Đỗ Lễ gọi mình. Có chuyện gì vậy, “người thân mến?”

- Có chuyện gì à ? Việc khẩn đấy. Đến nhà Lễ ngay nhé.

- Vậy ư. Nhưng, vừa làm ca về. Đắc tắm rửa, ăn tối xong đã.

- Ồ. Không được. Phải đến ngay.

- Cần kíp thế à ? Việc chi. Cho biết trước được không ?

- Thôi. Đến ngay. Đến ngay sẽ rõ…

Đỗ Lễ úp mở. Không hiểu chuyện gì. “Có phải, Thảo và các con anh đã tới Canada ? – Đắc phỏng đoán - Không có lý. Nếu Thảo đã đến đây, “Cục di trú” phải thông báo cho biết, sao có chuyện đột ngột vậy.

Để nguyên bộ quần áo còn lấm bụi, Đắc cắm đầu cuốc bộ khoảng mười phút tới nhà Đỗ Lễ. Vừa bấm dứt hồi chuông, Đỗ Lễ đã xuất hiện, miệng cười tươi, mắt nhìn Đắc dò xét.

- Hello ! Bây giờ tính sao nào ?

Lễ hỏi. Đắc hỏi lại.

- Tính chuyện gì cơ chứ.

- Đừng vờ nữa - Đỗ Lễ nguýt yêu - Thảo. Vợ con anh đã đến đây. Chúng tôi vừa đón về. Thế nào “người anh em.” Vui mừng lắm rồi chứ.

Thoáng chút ngờ vực, nhưng Đắc tin. Anh xúc động, trống ngực đập rộn lên. Thảo. Vợ con anh đã đến. “Đỗ Lễ không bao giờ nói dối. Trời. Thế là, đã năm năm xa cách. Khoảng mịt mùng, mờ xa vời vợi, nơi hai nửa bán cầu, ai ngờ, giữa xứ sở đất “cây phong đỏ” này, cảnh “cá nước chim trời,” lại có ngày hôm nay, trong phút giây của đời người tan hợp. Đắc cuống quýt rồi lấy lại trấn tĩnh. “Bây giờ, Đắc phải làm thế nào. Tại căn nhà đang ở, Đắc đang sống cùng Phương, một cô gái đã mang thai với Đắc, có tới chín tháng trời. “Niềm riêng, riêng cũng kính yêu/ Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.” Sự ghen tuông, ích kỷ của lòng người, ai tránh được. Rồi, Thảo sẽ ra sao. Rồi, Phương nữa. Cả hai sẽ đứng trước cú xốc mà Đắc phải “hứng đòn, chịu trận.”

Chưa nghĩ được kế gì. Đắc quyết định cứ đưa Thảo và các con về nhà, mọi việc sẽ tính theo chiều “vỡ” ra và cái “thông” của nó.

Đắc kéo đôi chân như rủn ra, sắp ngã, bước từng bước lên lầu. Khi những con mắt vừa ngỡ ngàng đón đợi chợt lóe sáng trong giao cảm, gặp gỡ, những tiếng gọi, tiếng reo rồi tiếng khóc sung sướng òa lên. “Ôi, anh. Anh Đắc.” “Thảo.” “Chào em.” “Chào, các con. Các con ơi.” “Bố ơi…Bố …”

Dòng nước mắt trong ngày vui sum họp bỗng lã chã rơi ướt đầm gương mặt. Người trong cuộc, cả những người chứng kiến đều cảm động, lặng đi. Đắc mặc chiếc áo măng-tô cũ, anh không hiểu nổi sự đổi thay quá đỗi của vợ và các con ở quãng ngày xa cách. Đắc ghìm lòng, cố nén những chấn động đang diễn ra trong trạng thái mừng vui mà rối bời mọi nhẽ. Đắc ngồi ăn bát cơm cùng vợ con do Đỗ Lễ sửa soạn. Bây giờ đến phút cảm ơn người bạn Đỗ Lễ và xin phép đưa vợ con về nhà, Đắc lái xe ráng chạy vòng vèo, vừa đi vừa nghĩ cách nói với vợ điều sắp sửa xảy ra.

Đang đi, xe dừng lại trước một căn nhà, Đắc nhìn mọi người lựa lời nói với Thảo và các con.

- Niềm vui lớn hôm nay với gia đình ta, âu cũng là ơn Giời, phúc Tổ. Từ lìa tan mà nên cuộc “quan san muôn dặm một nhà.” Bố xin nói một lời sáng trong giữa dạ, rằng : “Ngàn xưa kia” cho đến bây giờ và mai sau mãi mãi, tấm tình ấy, vợ chồng, cha con ta vẫn giữ trọn nét buộc nồng thắm, chặt bền. Nhưng, trong biến thiên của thiên địa, của năm tháng, kiếp người, có những điều táp xô, nhiều khi không khác được. Điều ấy là câu chuyện dài không thể kể trong đôi câu ngắn vội. Bởi vậy, bố mong, Thảo, vợ anh và các con hãy đem lòng cảm thông, sẻ chia với bố, với người bạn gái hiện đang ở trong nhà.

- Bạn gái ư ? Người ấy là ai ? - Thảo hỏi. Đắc thú thật – “Phương !”

- Phương, là thế nào vậy ? - Thảo lại hỏi.

- Một cô gái. Người ấy đang mang thai, đã sắp đến ngày sinh - Đắc cầu khẩn - Chuyện đã rồi. Bố mong, mọi người hãy đem chút lòng lành mà cư xử với nhau cho đẹp …

Đắc vừa nói dứt câu, Thảo bỗng gục khuỵu xuống, mồ hôi vã ra đẫm mặt. Thảo choáng váng. Giữa trời cao đất dầy, biết kêu ai, gọi ai cho “đặng.” Những tưởng, lìa quê, vượt qua gian nan, nghìn trùng tới xứ sở, quê người để gặp chồng, để nắm cầm được niềm vui, hạnh phúc. Ai dè, vừa chân ướt chân ráo tìm được “người ly biệt,” mẹ con Thảo lại rơi vào cảnh tứ bề bối rối.

Đợi Thảo và các con có phút tĩnh tâm, Đắc dìu vợ và mọi người lên lầu Hai, căn nhà có một phòng salon và hai buồng ngủ. Cuộc chạm trán bất ngờ. Những ánh mắt nhìn nhau và lời chào xã giao, tẻ lạnh. Không khí thật căng thẳng. Bây giờ đến lượt Phương chịu đựng cơn “dư chấn.” Phương dọn sang ở một phòng. Đắc Thảo cùng các con anh ngủ ở phòng đối diện.

Một đêm nặng nề. Đắc và Thảo thao thức, không ngủ. Bao kể lể, trần tình. Bao điều kia nỗi nọ. Vốn lòng thẳng ngay, cương trực, Đắc không hề dấu diếm vợ mình. Dọc con đường đi tìm lấy cho mình một cuộc đời phải trải qua bao mưa vùi, gió dập, Đắc đã giữ gìn và vượt lên, không khác bọt bèo xô dạt. Với Thảo, người vợ hiền thục của đời anh là tất cả những gì của sự trông chờ, hy vọng và mơ ước nơi bến đậu, ngày đi. Với Đắc, Thảo không được nghi ngờ dù là thế nào, khi giữa phút giây này Đắc vẫn luôn đón chờ và từng ngày mong cuộc đời có Thảo. Chuyện với Phương, một cô gái đã mang thai với Đắc ? Nếu xem đó là lỗi lầm, thì Thảo hãy bỏ qua, như những năm tháng, Thảo đã từng đem lòng yêu thương, đắp điếm chồng mình. Chỉ có lòng cao cả, bao dung ấy mới bẻ gẫy được con người ngang tàng, cương nghị và dịu mềm như Đắc…

Thảo quá hiểu chồng mình, người cùng chung mộng đẹp. Vốn trời sinh, là phụ nữ luôn mang trong mình sự giàu có lòng yêu thương, nhân hậu, Thảo dễ cảm thông với Phương. Sau phút định thần, ngẫm suy mọi nhẽ, Thảo im lặng, chủ động giữ lấy hòa khí êm vui.

Lúc này, người đứng giữa đôi dòng nước chảy là Phương. Đã hằng tuần, Phương sống cùng vợ chồng, con cái Đắc trong một căn nhà. “Dứt áo ra đi ư ? Trao trả chồng cho Thảo ư ? Đấy là lý. Là rành mạch như “hợp đồng kỳ quái” đã giao kèo trong yêu thương chăn gối. Trong “bước đệm,” trong “khoảng chờ,” “khoảng trống” của tình đời. Của Đắc. Phương đã đồng ý, cam kết và biết trước tất cả “một ngày này,” như thế. Nhưng, không hiểu sao ? Có lẽ là người. Là một con người. Phương choáng.

Phương muốn đi ngay, nhưng thấu hiểu tâm lý của người phụ nữ, sắp sửa làm mẹ, Thảo không nỡ. Thảo nghĩ. “Đứa con trong bụng Phương là giọt máu của Đắc. Phương phải được đùm bọc. Phải được mẹ tròn con vuông, Thảo mới đẹp, mới xứng với đạo làm người.

Gần đến ngày đẻ, Đắc và Thảo đưa Phương vào Viện. Phương sinh bé gái. Những ngày này, Thảo luôn ở bên, chăm sóc mẹ con Phương. Đắc báo cáo với “tổ chức,” biết Phương đơn độc, lại là người tỵ nạn, tổ chức an sinh xã hội đã cử người đến phục vụ chu đáo. Đắc mải mê với công việc làm ca với mười hai tiếng trong ngày. Biết Thảo và các con vẫn thường xuyên giành thời gian đến bệnh viện cùng Phương, Đắc vui và cảm thấy yên tâm.

Hết thời gian nằm viện, Đắc và Thảo đón mẹ con Phương về nhà lo cho Phương và bé được khỏe mạnh, cứng cáp.

Đắc ở bang Manitoba. Phương chủ động nói với Đắc và Thảo được chuyển về thành phố Vancouver, nơi người anh trai đang cư trú ở đó. Thảo bàn với Đắc mua vé máy bay và lo cho Phương một số tiền để chăm nuôi bé gái. Ngày lên đường, Đắc và Thảo lưu luyến tiễn mẹ con Phương rời Manitoba. Phương vui vẻ cảm ơn Thảo và Đắc. Cô bằng lòng với “số trời” đã đặt bày nên những sợi tơ dắt díu vừa hạnh phúc, gian nan và không ít buồn đau. Sau này, gia đình Đắc có dịp chuyển về Vacouver, Đắc, Thảo và Phương vẫn liên hệ gặp nhau như người thân, coi cô bé gái như con cái trong nhà. Đắc thường bảo. “Thảo, vợ anh thật tuyệt vời, đấy.” Còn Thảo, những lúc được Đắc khen, vợ anh thường nhìn chồng bằng khóe mắt nửa yêu thương, nửa có gì hờn giận. “Đã chấm hết chưa “đại ca”? Còn phiền nhiễu nào, sau trang “phụ lục” vừa mở thêm không đấy ...”