Trang chủ » Truyện

KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ* (chương 18)

Trần Nhương
Thứ ba ngày 26 tháng 9 năm 2017 5:51 AM





TNc: Chu Lin vốn là anh hàng mã nhưng vì háo danh nên nhờ Kim Thánh Phán viết cho một cuốn sách. Nhờ chạy chọt nên Chu Lin được Giải Quốc gia. Ngài quan lớn Trưởng Thượng hét ra lửa chuyên săm soi văn nhân bị đột quỵ vì tức. Xin các bạn đọc chương 18 sẽ rõ...



CHƯƠNG 18


Chu Lin nhận bội tinh nhất đẳng văn chương

 

Trưởng Thượng trúng phong bán thân bất toại

Lại nói về nhà văn Chu Lin, sau tác phẩm tiểu thuyết bình dân “Kiếp luân hồi” ra mắt, các nhà phẩm bình văn chương tung hê lên tận mây xanh. Bao nhiêu cây bút phẩm bình có hạng của nền văn chương A Nam không tiếc văn tự, mỹ tự ngợi ca văn tài Chu Lin còn hơn Thần Siêu, Thánh Quát. Nào là lâu lắm nước nhà chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại thì nay đã xuất hiện ngôi sao văn chương vằng vặc tựa sao Khuê. Văn dĩ tải đạo, “Kiếp luân hồi” tuy miêu tả cuộc sống lớp trung lưu nhưng chứa đựng cả nhân quần, đạo lý khiến các bậc trượng phu đến kẻ tiện dân cũng tìm được bao điều tâm đắc…

Từ khi nổi tiếng thì Chu Lin giao hẳn cừa hàng vàng mã cho vợ quản lý. Hàng ngày Chu Lin khăn đóng áo chùng đi giao du văn chương khắp nơi. Khi ấy từ kẻ chợ đến làng quê các nhóm, đoàn văn chương thơ phú mọc lên như nấm nào là Thi đàn, nào là Lục bát hội quán, Đương thi thi xã…Lão ông lão bà từ các xóm thôn bỗng dưng thành thi hữu, thi bá ngang ngửa thiên hạ. Một số ông chùm lợi dụng sự háo danh của các bậc bô lão lập ra chuyện in ấn, thẻ chứng nhận, anh xi phát tùm lum thu tiền. Nhiều người lập ra tổ chức cũng ban này, phòng kia như một cơ quan từng huyện phủ…Ôi khi văn chương thành cái phổ thông, cái đại chúng thì lấy đâu đỉnh cao. Trong bối cảnh như thế thì tiểu thuyết của Chu Lin có văn, có lớp lang khiến cư dân kẻ chợ thú vị, lại được các nhà phẩm bình thồi lên nên càng nổi tiếng.

Tiếng lành đồn xa, Chu Lin được triều đình biết đến. Mấy thày trợ lý Bộ Văn trình lên quan chính sự. Năm ấy triều đình muốn được tiếng trọng kẻ sỹ nên đặt ra giải thưởng cho các mặt văn chương, kỹ nghệ, nông học, giáo huấn. Triều đình lập ra các hội đồng xét giải từ cấp chuyên ngành đến cấp quốc gia. Có vài vị trong hội đồng văn chương mách nhỏ Chu Lin gửi tiểu thuyết dự giải và nói nhỏ chuyện phiếu kín phiếu hở. Chu Lin vốn dân hàng mã nên biết phải làm gì. Chu tiên sinh lần mò gõ cửa từng các vị hội đồng và nhất là ngài Trưởng Thượng để xin phiếu. Kim ngân sẵn có trong túi thì có khó gì, thời buổi cái gì cũng mua được từ chức tước chánh tổng, lý trưởng đến danh hiệu, bằng sắc. Có bà thập thành phố hàng Rươi còn mua được cả chữ “Tiết hạnh khả phong” kia mà. Chu Lin đi từng nhà với dăm lạng bạc biếu xén là các bậc trưởng lão gật đầu lia lịa. Hôm đến tư gia Trưởng Thượng, ngài rất vui nói với Chu Lin:

- Không thể ngờ Chu tiên sinh không phải người nhiều chữ nhưng rõ ràng biết lễ hơn bọn hủ nho, bon chữ nghĩa toàn nhìn mặt tối mà không biết ân sủng của bệ hạ. Ta bằng lòng với thiên tiểu thuyết của ông lắm.

- Đội ơn Trưởng Thượng đại nhân, kẻ bần sỹ này còn vụng đường văn chưa nói hết ân nghĩa của triều đình.

- Xin đừng nhún mình Chu tiên sinh. Ta sẽ hậu thuẫn cho ông để ông có cái phẩm hàm, bội tinh cũng là để bọn văn tặc mở mắt ra. Thuận theo thiên tử sáng suốt thì danh toại công thành, nước chảy một dòng, hoa cười một hướng chẳng phải hơn trò chống đối, chọc ngoáy làm ly tán lương dân và bệ hạ, xã tắc rối ren.

Trưởng Thượng nhìn thấy gói vải điều to bằng cái bánh chưng mà Chu Lin đặt trên bàn là ngài hiểu trong đó ước bao nhiêu lượng. Ngài nhìn Chu văn nhân với ánh mắt thật vuốt ve:

- Ta sẽ bẩm trình để ông nhận giải thưởng còn nhận bội tinh của bệ hạ. Chẳng hay ý ông có điều chi xin cho biết..

Chu Lin văn nhân chỉ còn biết khuỵu đầu gối xuống và chắp tay vái lia lịa:

- Kẻ văn nhân kém cỏi này được ơn mưa móc của Trưởng Thượng đại nhân thì chỉ biết đa tạ, suốt đời dùng văn chương để ca tụng minh quân và đại nhân.

Sau chưa đầy một tuần trăng, văn nhân Chu Lin nhận được Giải thưởng văn chương quốc gia và bội tinh công trạng. Giới văn sỹ kẻ chợ kháo nhau không biết lão Chu Lin là ai mà một lúc được nhận ân huệ của triều đình như vậy. Có người độc mồm còn bảo Chu tiên sinh là tên bồi bút không biết liêm sỉ. Mặc kệ, Chu Lin tự đắc coi đám văn sỹ kẻ chợ “hạ mục vô nhân”. Ngài Chu Lin từ anh thợ vàng mã bỗng đâu lên ngôi trí giả…

Kim Thánh Phán nghe được tin đó thì cười thầm trong bụng. Ôi văn chương nước nhà đã đến hồi suy, mình viết nhăng quậy kiếm tý tiền tiêu độ nhật mà được triều đình giáng lộc cho Chu Lin . Nghĩ đi nghĩ lại Kim tiên sinh cũng biết ơn Chu Lin đã trợ giúp chu cấp cho kim ngân, lương thực vào lúc gặp bước khốn khó nhất. Kim tiên sinh đành ngậm miệng giấu kín chuyện viết thuê. Nhờ có nguồn chu cấp của Chu Lin mà Kim Thánh Phán có đồng tiền làm từ thiện, phát chẩn mới gặp được Đàm Linh. Âu thế cũng là cơ duyên cho tuổi già có ngày ấm áp. Đành rằng việc viết thuê chẳng ra cốt cách kẻ sỹ nhưng gặp buổi khốn cùng cũng đành bán chữ mà mưu sinh. “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sỹ”, ai cũng cần phải sống trước đã mới mong sự nghiệp và phẩm hạnh…

Một ngày nhà văn Chu Lin dắt theo chú gia nhân bê cái tráp đến nhà Kim Thánh Phán. Chu Lin ưỡn cái ngực mà trên đó lấp lánh bội tinh, bà con hàng phố nhìn trầm trồ bình phẩm.

Khi đã hiện diện trước mặt Kim Thánh Phán thì nhà văn khả kính Chu Lin cúi rạp xuống cung kính xá mấy lễ. Kim Thánh Phán vội đỡ dậy:

- Xin văn nhân đừng làm kẻ hàn sỹ này tổn thọ !

Chu Lin dâng cho Kim Thánh Phán cơ man nào kim ngân, nào đông trùng hạ thảo, nào cao hổ, cao ngựa..Rồi thưa rằng:

- Nhờ sự văn tài của tiên sinh mà ngày nay Chu tôi được hiển vinh, gọi là một chút lòng thành trả ơn đại nhân. Cũng xin ngài giữ kín chuyện

- ngài viết hộ cho Chu này “Kiếp luân hồi”. Nếu lộ ra thì Chu này mắc tội mua danh, chí ít thì cũng đạo văn.

- Ngài đừng để tâm chuyện đó, Kim tôi không bao giờ tiết lộ đâu. Mà thời buổi này sự mua vinh hoa, mua phẩm hàm nhan nhản đất kinh kì, Chu tiên sinh chớ lấy làm lòng. Lễ hậu thế này tôi không dám nhận, xin ngài cho tôi được từ chối.

Vừa lúc ấy Đàm Linh bưng khay trà sen hảo hạng Phú Thái mua trên phố Hàng Điếu ra. Nàng cúi đầu chào nhà văn Chu Lin. Không biết do hương trà sen hay hương ngát từ da thịt Đàm Linh tỏa ra mà Chu văn nhân ngồi đuỗn như phỗng đá. Lỗ mũi phồng to như đang hít cái mùi hương quyến rũ chết người. Chu Lin thưa:

- Phu nhân như hoa hậu hoàn vũ, thực là phúc ấm tiên tổ Kim tiên sinh phù trợ nên mới được nàng theo hầu nâng khăn sửa túi. Dạ đây là thuốc đông trùng hạ thảo ngài ngâm rượu mỗi ngày dùng một ly sẽ đắc dụng cho thận và dương khí, nhất nhật ngũ giao mà không biết nhọc mệt. Tin là tiên sinh dùng phu nhân sẽ vui…hay nói văn hoa chút là một người dùng hai người vui… đấy thưa ngài.

Chu Lin lui gót, lúc đó Kim Thánh Phán gọi Đàm Linh mà dặn:

- Nàng cất chỗ kim ngân này để ta làm từ thiện cho cho các ả cô đầu xóm Khâm Thiên hoàn lương…

Trời đã chuyển tiết chớm đông. Một trận rét đầu mùa làm cho kinh thành co rúm lại. Hàng sấu trước bắc thành đổ lá ngập cả mắt cá chân. Hàng cây cơm nguội đầu ô Yên Phụ khẳng khiu giơ cành như từng rẻ xương trắng nhởn. Mặt trời đỏ như huyết đang lặn phía Dâm Đàm. Tiếng kêu nhớn nhác lũ sâm cầm như mũi kiếm chém vào thinh không. Thời tiết lạ lùng rất ít gặp ở đất kinh kì. Các ông già bà cả ca thán độc trời không biết có điềm gì đây.

Lúc này lan truyền trong bàn dân thiên hạ nhiều đồng dao, chuyện phiếm và cả những dâm thư, độc thư chê bai triều đình và đức vua để nạn quan tham lại nhũng…Trẻ con ở Cửa Nam chơi rồng rắn đuổi nhau ca lên rằng:

Quan ăn đằng quan

Vua ăn đằng vua

Sư ăn đằng chùa

Thày ăn đằng chữ

Có cô ỏ cữ

Đẻ ra chú Tầu

Giàn bí giàn bầu

Con ong cái kiến

Rủ nhau đi kiện

Mất đất mất nhà

Lửa gần nước xa

Rồng rồng rắn rắn…

Hội đồng tư vấn lý sự phẩm bình văn chương nghệ thuật triệu tập một cuộc nghị đàm khẩn cấp. Trưởng Thượng văn hào chủ soái gay gắt cảnh báo bọn phản loạn dùng văn chương truyền khẩu và ấn hành lậu để chống đối triều đình. Không những thế còn nhiều dâm thư, sử kí bí mật triều đình từ ngoại bang theo đường tầu buôn tuôn về quốc nội. Trưởng Thượng nói gần như hét, mặt đỏ như Quan Vân Trường, sát khi đằng đằng, tiếng nói đứt hơi. Bỗng Trưởng Thượng đổ gục xuống như cây chuối bị đốn, ngài sùi bọt mép, mắt trợn chỉ còn lòng trắng. Các vị trong hội đồng xúm lại tất cả há hốc miệng, mắt tái mét như đít nhái… Một người vội chạy đi gọi ngự y. Ngự y đến vạch mắt, tay bắt mạch thấy mạch hư nháy khẽ biết là ngài Trưởng Thượng bị đột quỵ. Ngự y bèn lấy lấy kim châm vào mười đầu ngón tay rồi bóp máu ra. Trưởng Thượng văn hào vẫn bất động, người thẳng đơ như cây nước đá. Vào giờ tý thì quân lính cáng Trưởng Thượng về tư gia. Phải đến một tháng sau Trưởng Thượng mới tỉnh lại thì ôi thôi mồm méo sệch như con cá thờn bơn, một nửa người bấm không biết đau. Khổ cho Trưởng Thượng cái nghề ăn nói, đi lại mà nay ngọng líu ngọng lô, nằm một chỗ vì bán thân bất toại…

Ôi thật là trớ trêu, phận người mỏng mảnh như chiếc lá trên cành, một cơn gió mạnh bứt đi là vội lìa cành. Thương thay Trưởng Thượng văn hào một thời quyền nghiêng thiên hạ, một thời nhìn đám văn nhân mà thấy toàn phản nghịch. Nay ngài ăn phải bón thìa, bài tiết tại giường, nói không nên lời, còn cánh tay trái cử động được phải làm các động tác thay cho chỗ phát ngôn ngày nào sang sảng, oang oang giọng kẻ cả…

Than ôi cha chả là buồn ! Thế là sự nghiệp của ngài Trưởng Thượng cũng đã kết cục ở đây. Ngài nằm một chỗ lòng nhớ những ngày lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, nói một tiếng ngàn người răm rắp, vảy tay một cái ngàn người quy phục làm theo. Ngài nhớ các nàng trong nhiệm sở toàn con ông cháu cha, nõn nà hơ hớ xuân thì, đứa nào cũng từng được dâng hiến, cũng từng đưa ngài tới bến đam mê…

Bây giờ ngài nói không ai nghe, đe không ai sợ. Thương thay ! Thương thay !

* NXB Hội nhà văn 2016