Trang chủ » Truyện

TẢN MẠN MONGO (kỳ II)

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 1 tháng 10 năm 2017 6:34 PM




TNc: Thắm thoắt đã 10 năm chúng tôi gồm Thuý Toàn, Nguyễn Khắc Phục, Tô Đức Chiêu, Hoàng Minh Tường và Trần Nhương đi thăm Mông Cổ. Trong 5 người giờ Nguyễn Khắc Phục đã đi xa, Tô Đức Chiêu thì ốm vật vã. Kỉ niệm 10 năm, trang nhà đưa lại tản văn viết trong những ngày lang thang trên thảo nguyên Mongo.



2- Ba mươi năm gặp lại bạn bè
Cơn mưa đến mát chiều Mông Cổ


 

Chúng tôi đến sân bay Ulanbato vào lúc 12 giờ đêm Mông Cổ, tức là 11 giờ Hà Nội ngày 5-8-2007. Tiến sỹ Dashtsevel, chủ tịch Hội Mông Cổ - Việt Nam đã chờ đón. Ông là một cựu sinh viên học tại Việt Nam nên nói tiếng Việt rất sõi. Bây giờ ông là chủ tịch Hội Mông Cổ - Việt Nam còn là trưởng ngành Nam Á Viện Hàn lâm Mông Cổ. Ông chỉ quen ông Thúy Toàn vì năm ngoái ông Toàn có đến họp ở đây còn chúng tôi đều lần đầu đến Mông Cổ. Với Dashtsevel thì hình như chúng tôi đã quen nhau lâu rồi, chính nhờ sự niềm nở thân gần của ông.
Chúng tôi về nhà khách Đai sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ. Bí thư thứ nhất Phạn Ngọc Khuê đã chờ đón tại nhà khách. Ông bố trí hai phòng, một phòng 2 giường, một phòng 3 giường. Chả phải phân công gì nhiều hai anh hút thuốc ở với nhau là Nhương tác nghệp và Phục bạch đầu. Ulanbato im lặng đến lạ kỳ, không ồn ào thâu đêm như một thành phố phương tây. Chúng tôi không sao ngủ được vì hơi bị ngạc nhiên như mình nằm mơ đang ở Hà Nội nóng bức đùng một cái đã ở đất nước của Thành Cát Tư Hãn. Chặng đường bay quá dài, qua mấy chặng nên đến được nơi đây là mừng lắm rồi

Sáng ngày 6-8-2007 trời đổ mưa nặng hạt. 10 giờ chúng tôi đến trụ sở Liên hiệp Hội Hòa bình và hữu nghị Mông Cổ. Ở Mông Cổ giờ làm việc bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. ông Chủ tịch liên hiệp hội, ông phó Chủ tịch liên hiệp Hội và tiến sỹ Dasetsevel tiếp chúng tôi tại phòng khách của Liên hiệp. Ông Chủ tịch nói “Đoàn nhà văn Việt Nam đã mang mưa đến cho Ulanbato, mấy tháng nay không mưa, các bạn đã mang mát mẻ cho chúng tôi”. Quả là mát lòng mát dạ, được chủ nhà nói thế lòng chúng tôi vơi đi bao mệt nhọc dọc đường. Anh Thuý Toàn thay mặt đoàn tặng bạn cuốn Nhà văn Việt nam hiện đại và cà phê Trung Nguyên. Các bạn Mông Cổ nhắc đến kỷ niệm về lần đến thăm Việt Nam và mong muốn thắt chặt quan hệ hữu nghị hai nước. Nhà văn Thuý Toàn chuyển lời mời của nhà thơ chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh mời đại biểu năm tới sang dự hội nghị dịch văn học Việt Nam lần thứ 2.

Buổi trưa hôm ấy Hội Liên hiệp mời chúng tôi ăn cơm kiểu truyền thống Mông Cổ. Vừa ngồi yên vị thì cô gái phục vụ bưng ra một khay inoc trên đó một bọc bóng nhãy, căng tròn, vẫn còn lộ một đường khâu nhíu lại. Mấy anh nhà văn Việt Nam thấy lạ đưa mắt quan sát. Tiến sỹ Dat ( gọi Dat cho gọn, tên đúng là Dashtsevel ) giải thích: Đây là món Potực, một món ăn đặc biệt chỉ mời khi khách quý đến nhà. Ông chỉ vào cái bọc căng tròn, nói tiếp: bọc ngoài là dạ dày dê, bên trong là thịt cừu với đủ thứ gia vị cùng với đá nóng. Tô Đức Chiêu vốn kén ăn, nghe thấy nói thịt cừu đã toát mồ hôi hột nhưng vẫn thắc mắc:
- Sao lại đá nóng hă anh ?

Dat hồ hởi khoe:
- Loại đá này phải chọn kỹ, khi cho thịt cừu vào thì nhét đá vào cùng. Đá giữ nhiệt nên càng làm cho thịt cừu chóng dừ.
Rồi cô gái phục vụ gắp cho chúng tôi mỗi người một viên đá. Vâng viên đá vẫn nguyên mỡ màng nhóng nhánh, đen sẫm màu gan gà, khói hơi nghi ngút. Ai nấy đặt trong lòng bàn tay lăn qua lăn lại. Bạn Dat lại giảng giải: Người Mông Cổ khi lăn viên đá nóng tẩm thịt cừu thế này là một việc truyền năng lượng, sức lực cho mình. Rồi ông cười, hạ thấp giọng: Cái này tốt cho mấy ông lắm, nói như kiểu Việt Nam là ông lăn bà mừng. Ối giời ôi, cái ông Mông Cổ này biết tỏng cả những chuyện dân gian của Việt Nam. Mà hình như thế thật, tôi ấp viên đá trong tay mà cảm thấy giần giật trong người, luồng nóng từ đôi bàn tay lan khắp cơ thể. Cô gái phục vụ mang thịt cừu hầm trong dạ dày dê đặt trên đĩa, các bạn Mông Cổ lấy vào bát cho chúng tôi. Trời ơi, ngon không thể tả được, thịt cừu thảo nguyên ngọt hơn bất kỳ thứ thịt nào lại được ướp trong gia vị, chín dừ do nấu cách thuỷ và nhiệt đá cuội nên ăn đậm , thơm phức. Rồi cô múc cho chúng tôi mỗi người một thìa nước cốt từ cái dạ dày dê đó. Mỗi người chỉ một thìa thôi, chia nhau ai cũng có. Uống nước đó ngọt thơm tan biến trong miệng cứ ngân nga mãi không dứt. Cuối cùng thì ngự đến cái dạ dày dê. Thái rất khéo mỏng như một lát su hào ăn giòn và ngọt. Món ăn đặc biệt nhưng Tô Đức Chiêu thì ngúng ngoảy, vì phép lịch sự nên anh không thể bỏ ra ngoài. Hôm ấy anh ta bị đói, chỉ ăn vài món salát, cà chua. Bữa cơm thân tình và ấm áp như không muốn dứt.

Chiều ngày 6-8-2007 Hội Nhà văn Mông Cổ tiếp chúng tôi tại trụ sở hội. Ông chủ tịch Chilaajav trẻ như đang tuổi thanh niên. Ông hồ hởi nói chuyện về cơn mưa sáng nay là một điềm lành mà đoàn nhà văn Việt Nam mang đến. Ông chủ tịch kể chuyện năm ngoái gặp nhà văn Y Ban, Võ Xuân Hà tại Hàn Quốc. Ông cho chúng tôi xem ảnh ông chụp với nhà văn Hồ Phương. Ông nói đại ý : Các bạn Việt Nam ít đến với chúng tôi quá, có lẽ đến hơn 30 năm nay bây giờ mới có một đoàn đến đây. Hai Hội nên nói lại quan hệ bởi vì từ lâu hai nước chúng ta đã có quan hệ thân thiết. Chúng tôi tặng quà cho Hội Nhà văn Mongolia gồm sách Nhà văn Việt nam hiện đại, cà phê và rượu votka Hà Nội. Nguyễn Khắc Phục tặng một lố sách có dễ đén gần chục cuốn toàn bìa cứng, in đẹp. Tôi tặng bạn tập thơ Gió bát ngát đồng rừng. Hoàng Minh Tường tặng tập truyện ngắn. Tôi ngồi tranh thủ ký hoạ chân dung các bạn rồi mang tặng cho chủ tịch, Phó chủ tịch, trưởng ban đối ngoại Tumenbayar và Tông biên tập báo văn học Xagalipa.. Mọi người thích quá cứ giơ lên ngắm nghía.


Ông chủ tịch tặng lại đoàn nhà văn Việt Nam khăn Kha-đắc, một biểu tượng của lòng mến khách và cầu chúc tốt lành và nhiều sách mới. Lại nói về khăn Kha-đắc. Đây là một nét văn hóa đẹp của người Mongolia. Khăn bằng lụa, nhỏ như cái khăn quàng cổ, nhiều máu nhưng chủ yếu là màu trắng và xanh da trời. Khăn mua tại nhà chùa chứ không phải tự sắm. Khăn có thể khoác ở chùa để cầu mong phúc lộc, bình an, có thể tặng khách quý, có thể gài tại các upon dọc khắp thảo nguyên. Nhà văn Thuý Toàn thay mặt đoàn nhận quà. Anh Toàn cũng chuyển lời mời của Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh đến các bạn sang năm sang Việt nam dự hội nghi dịch văn học Việt Nam.
Rồi phóng viên Đài phát thanh Mông Cổ, Đài truyền hình Mông Cổ ùa đến phỏng vấn đoàn nhà văn chúng tôi. Camera, micro lia đến từng người. Nguyễn Khắc Phục được mời ngồi riêng và bày gần chục cuốn sách trước mặt. Lúc này chúng tôi có cảm tưởng tự hào, oách ra phết. Tuy không phải đoàn nhà văn chính thức đi thăm Mongolia theo thể thức trao đổi giữa hai Hội nhưng bạn rất trọng thị và yêu mến Việt nam nên đón tiếp chúng tôi như một đoàn chính thức.

Ông nhà thơ Tổng biên tập báo Văn học Xagalipa tặng tôi tập thơ. Ông là người đẹp trai, đặc biệt có hàm râu rất ấn tượng. Cuối buổi ông Chủ tịch Hội Nhà văn Mongolia có một nghĩa cử rất trân trọng. Ông rót rượu vào bát bằng bạc (giá 1bát bạc như bát canh nhỏ của ta khoảng 300USD) và bưng đến mời từng người. Theo tiến sỹ Dat thì đây là nghi lễ rất kính trọng và thân tình của người Mongolia. Chúng tôi uống hớp rượu mà cảm giác như đang uống dòng Ta-mi trong xanh, uống tình cảm xứ thảo nguyên mênh mông.
Buổi tối Hội Nhà văn Mongolia mời chúng tôi đến một nhà hàng khá sang trọng. Ngôi nhà và trang trí nội thất giống như kiểu nứa lá bên ta. Ở giữa có sân khấu, bên cạnh có một con đại bằng đồng cỏ ướp khô rất to. Thực khách khá đông, chủ yếu là người châu Âu.
Buổi trưa ăn món Potực quá ngon nên tối vẫn no. Chúng tôi chỉ gọi các món ăn nhẹ. Vừa ăn vừa thưởng thức ca nhạc. Một chương trình ca nhạc dân tộc rất hay. Các cô diễn viên ở đâu cũng bắt mắt, chúng tôi nhìn như hớp hồn mấy nàng. Hát hay và âm vang như tiếng chuông, tiếng tù và trên thảo nguyên. Biết chúng tôi từ Việt Nam đến họ hồ hởi làm mọt pô kỷ niệm…

Kỳ III: Ulan tìm đến với Khan
Biết đâu quán rượu say tràn thâu đêm


Ảnh: 1-Thăm một gia đình du mục
2- Trần Nhương tập làm kị sỹ