Trang chủ » Truyện

MIỀN TẤN PHONG CHÚA ĐẢO

Kim Chuông
Chủ nhật ngày 15 tháng 10 năm 2017 10:29 AM




TNc: Từ hôm nay trang nhà lần lượt giới thiệu tiểu thuyết của Kim Chuông viết về Đinh Trọng Đắc-một người con của Thủy Nguyên Hải Phòng với bao nhiêu trầm luân và đã lớn lên từ quê hương...

CHƯƠNG MỞ

 

Anh vẫn say sưa kể.

Tôi vẫn ngồi im trên chiếc ghế sa lông ngắm anh và

lắng từng cơn gió mát còn sót lại trước những ngày lập hạ.

Chiều ấy, trong căn nhà anh Ngọc, chị Vương, xóm Đầu Cầu, nằm sát mặt đường liên xã. Đất Lập lễ, Thủy Nguyên, một vùng làng thuộc phía Đông Nam cửa biển Hải Phòng, nom thật giống con thuyền nằm phơi lên ngày nắng.

Nhìn anh, gương mặt vuông. Nước da trắng hồng. Giọng nói vang, sôi nổi. Nhất là đôi mắt thông minh, mang chiều sâu, luôn lóe lên sức lửa … Tôi nghĩ. Đinh Trọng Đắc thật ấm áp, dễ gần. Một con người bôn ba, trải nghiệm. Một hạt gieo trên cánh đồng Láng Cáp thuở nào đã qua mùa gió sương, trầy lép mà kết tinh, đi vào buổi tụ hương.

Thực ra, tôi và anh ! Và ai nữa ? Trong vũ trụ rộng lớn của cõi người này, mỗi chúng ta, đi đến tận cùng của cuộc đời mình, ai đấy, cũng chỉ để trả lời một câu, anh là ai? Anh là gì ? Anh là thế nào giữa ba cõi Thiên - Địa - Nhân. Giữa cái hữu hạn trước cái vô thường, vô định.

Dường như, có vẻ gì lớn lao, to tát quá chăng ? Nhưng là thế. Nhiều khi chúng ta mang cái “Tôi”, cái “nhất niệm” nào đó soi vào “thiên thu” trong thế giới quan, bản thể luận của Đức Phật Starha, thì mỗi cá thể trong vận động chỉ là “ảo ảnh”. Là “vô ngã”. Là hạt cát giữa “hằng hà sa số” … Vậy mà, cái mong manh, thoáng chốc ấy ở mỗi con người, mỗi cuộc đời ta gặp, đôi khi lại lung linh, chớp sáng trong vệt loang khi ta nghĩ theo nó.

Quả vậy. Đinh Trọng Đắc, người con trai họ Đinh này tôi quen biết, kết thân đã thức dậy trong tôi ở “cái thấy”, “cái biết,” ở bao nhiêu cảm nhận nặng đằm về một con người trước một cõi nhân sinh. Một hiện thực cuộc đời mà ai đấy, dù mang trong người cả đại mộng, đại giác cũng không thể bịa ra một “thế giới ngoại giới” giàu có, ngổn ngang như cuộc đời anh có.

Tôi từng đọc và tin : “Nhất sinh y thực an bài định.” Vâng. Người ta sinh ra trên cõi đời, ai có được những gì ở tiền tài, danh phận ? Thậm chí ai được gặp ai, được ngồi với ai ? Được nói với ai câu gì ? … Tất thảy đều do “Ông Cao xanh” kia, sẵn định.

Vâng. Tôi với anh, có sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nào đấy. Anh sinh đầu Hạ. Tôi sinh cuối Đông, nhưng chúng tôi cùng tuổi Đinh Hợi. Sách luận về thập can và thập nhị chi phán rằng, người ngồi chữ “Đinh”, cầm tinh con “Heo vàng” này thời “tiền vận” thường qua nhiều lận đận. Duyên phận long đong. Dấu chân lang bạt, vương đầy bụi phong trần. Nhưng, hạnh phúc cho những ai kết thân với họ, đấy là người rất đỗi chân thành, và giàu lòng nhân ái…”

Tôi đã ngồi trò chuyện và nhiều lần đùa vui. “Này. Đinh Đắc, bạn tôi. Lẽ ra, từ Láng Cáp, Lập Lễ, Thủy Nguyên, con đường dẫn anh phải tới chốn sơn cùng thủy tận của Lương Sơn Bạc, nơi hội tụ những nghĩa cử của một trăm linh tám anh hùng mới phải ? Cớ chi, người lại đi mò tôm, bắt cáy. Đi biển. Đi lính. Đi tàu rồi cuối cùng về tận miền xa lắc xa lơ kia mà dong thuyền ra biển đánh cá và cưỡi xe lên rừng bẻ lá thế a ? Ờ. Mà vui đấy. Chúng ta nhiều khi cũng phải biết “tự giễu mình”, giễu nhau một chút trong tự thức, mới xứng gọi, người đứng ở tầm nào của “kẻ biết,” phải không ? Tôi và anh đều là hạt cát. Là người thật bình thường. Một công dân bình thường trong khát khao chân chính, là sống, lao động để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thế thôi !

Anh có một “Đinh Hợi” khá phong trần, bão táp. Nhưng mộng mơ và đầy tràn “tiếng hát ngày xa”.

Vâng. Đã bao kiếp người, trước muôn vạn nẻo đường mịt mờ trên mặt đất. Trong nườm nượp bóng dáng chúng sinh đang điệp trùng hành trình đi tìm cõi mưu sinh, trong “bát khổ”, trong “thập nhị nhân duyên”. Đinh Trọng Đắc, anh có riêng một bóng hình đang từng bước nhập nhòa, hối hả trên nẻo đường “mình đi tìm mình” vậy !

Tôi “gặp, thấy,” và từng nhiều lần dừng lại cảm nhận về anh. Tôi sẽ viết tặng anh, một người bạn thân yêu, nể trọng những vần thơ ngổn ngang, chân mộc mà trong đó được nén dồn, chắt tụ chút hương trầm như cuộc đời anh có …

PHẦN I

Cội nguồn - Đất mẹ

I

Vào Quý Tỵ, năm 2013 này, đất Lập Lễ đã có trên một trăm hai mươi mốt năm (122) có tên trên bản đồ địa giới. Từ điểm tựa ngoảnh nhìn về xa ngái, ngắm trông tháng năm mờ xa của bao nhiêu thiên địa biến thiên. Trên đất này, ai đó vẫn trao nhau, như trao cầm ngọn lửa nhen và kể. Vào một ngày, giống như giọt nắng bỗng bừng lên mảnh đất. Hay, đấy là hạt mầm bàn tay ai vừa gieo xuống mùa vui ?

Năm Tân Mão 1891, năm đời vua Thành Thái thứ ba. Đây là buổi đầu, đất Lập Lễ được “khai thiên lập địa”. Trải dài bốn, năm trăm năm mịt mờ trứng nước, ngày ấy nơi đây, chỉ là khu rừng ngập mặn. Sông ngòi chằng chịt. Cây dại um tùm. Chim muông, thú dữ và bạt ngàn những lớp sóng hoang dã thét gào.

Lập Lễ nằm giữa vọng vang của hai dòng sông như hai bầu tâm tư rộng dài đang ngày đêm hát ru mảnh đất. Phía Đông là Bạch Đằng giang. Nơi trang sử chói ngời đất Việt còn ghi đậm chiến công năm 938 của người anh hùng áo vải Ngô Quyền, đánh bại quân Nam Hán, chấm dứt cảnh bi thương của một dân tộc từng gánh chịu hàng ngàn năm Bắc thuộc. Bạch Đằng ngày ấy, có tên gọi Cửa Rừng. Cửa Rừng thiêng liêng, bí ẩn. Cửa Rừng hung dữ. Cửa Rừng ám ảnh trước thiên nhiên, cảnh vật, trước bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của năm tháng đời người.

Còn, phía Nam Lập Lễ là sông Cấm. Một cửa ngõ lớn nhất của miền Bắc Việt Nam. Hai con sông Bạch Đằng và sông Cấm đã làm nên hợp lưu, tạo thành cửa Nam Triệu.

Người đầu tiên đặt chân đến Lập Lễ chọn đất cắm lều trên dặm dài “đi tìm bóng dáng đời mình”, “đi tìm hình của đất,” là ông Đinh Huyền Thông. Bậc “thủy tổ”, thức dậy chân trời mới cho đất này, người gốc Hà Đông, vốn làm nghề xăm đáy. Thời gian dầy thêm, người họ Đinh đã qua sáu trăm năm tụ quần, đông đúc. Họ Đinh chiếm tới bảy mươi, tám mươi phần trăm trong tổng số các dòng họ ở Lập Lễ. Qua nhiều đời, họ Đinh đã chia các chi ngành với các thứ bậc, tên ghép như Đinh Khắc, Đinh Văn, Đinh Trọng, Đinh Chính, Đinh Như, Đinh Quang, Đinh Ngọc ... Sau bốn năm đời, đất rộng, người đông, họ Đinh được phép lấy nhau nên vợ, nên chồng. Riêng người theo đạo Thiên chúa, họ Đinh đều mang chung Đinh Hữu.

Đất Lập Lễ có chín làng. Cách đây một phần tư thế kỷ, dân số đã có tới vạn người. Một vùng biển mênh mông trước mặt. Phía xa xa, những dãy núi như tấm khăn choàng ảo mờ, thấp thoáng phía sau lưng. Người biển quen sống với sóng gió. Dân quê quen cuốc bẫm cày sâu, cuộc sống người áo nâu chân đất quen chân thật, hiền lành như củ khoai, hạt lúa.

Dấu ấn mang đậm những đặc điểm, đặc thù của từng miền quê kiểng đã in sâu trong mỗi cuộc đời người, nó trở thành “vị mặn”, lắng nhuần trong đường gân thớ thịt. Nó trở thành mạch nguồn, thành “cái cớ” của mỗi ai trong tình yêu làng quê. Tình yêu quê hương : “Đất Mẹ”.

II

Từ Láng Cáp, cái xóm nhỏ quê nghèo, bên mép biển mờ xa, dải đất còn in dấu, xác của những con sóng già từ bao đời gửi lại, cậu bé Đinh Trọng Đắc giống như hạt nhỏ cựa mầm tách vỏ, được gieo xuống đất này.

Một ngày thu (tháng Bảy), người “tá điền” Đinh Văn Tá trong dáng trầm, gan góc, trong lo toan và niềm vui cất dấu. Lần thứ hai được làm cha khi Đinh Trọng Đắc cất tiếng chào đời. Ông khẽ nói với bà Nguyễn Thị Chỉ, vợ mình. “Cậu sơ sinh, bé bỏng của ta ! Hãy gọi cậu là Tơ. Ờ. Một chồi tơ. Một nhành tơ mong manh, non nớt. Đời người là “ảo ảnh”, là “vô ngã” mà. Trước cõi “vô thường” ai chả mong manh, thoáng trôi, khác chi là chớp mắt.

Ông Tá nghĩ. Cái chồi tơ mong manh trước tiên là vậy. Chả đúng sao ? Thì “nhỡn tiền chi sự” kia. Ông Tá đứng trước sân, quay nhìn lại nhà mình. Trời, hiện thực ở đây còn mong manh hơn thế. Ngôi nhà ông giống như mô đất thấp tè. Một mái lá giột nát. Một bức tường nứt nẻ, vệt nước mưa chảy vẹt chân tường. Một cái ang nhỏ méo mó nằm khô, không hạt ngô, lẻ gạo. Một cuộc đời tối ngày úp mặt xuống đồng đi cuốc mướn, cày thuê. Một người vợ vừa đẻ con đã lao ra bãi vắng, đào cáy dầm dãi nắng mưa. Một đứa trẻ tơ non vừa sinh ra chỉ có vuông tã cũ chằng đụp lên mình.

Trong nhà là vậy. Còn ngoài xa kia, đất trời cũng mong manh, ngột ngạt dường nào. Tháng 11 năm 1946, giặc Pháp gây hấn ở Hải Phòng. Sở thuế, Hải quan bị đánh chiếm. Trước đó, ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946, tại Cửa Cấm Hải Phòng, cuộc đụng độ giữa Pháp và quân đội Trung Hoa dân quốc. Rồi tiếp đó, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Mùa xuân Đinh Hợi năm 1947, cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt ở giữa lòng thủ đô Hà Nội. Rồi, dọc đường 5, những trọng điểm Lai Vu, Kinh Môn … Những Cửa Cấm, Bến Bính, Núi Đèo, Cửa Rừng đang ngày đêm vang lên tiếng súng. Lập lễ nằm rất gần mặt trận.

Trong lòng mẹ, cậu bé Đắc đang hít thở, uống thấm tất cả những gì trong nguồn chảy cuộc đời và trong dòng sữa mẹ là vậy. Còn nhỏ, Đắc không sao hiểu nổi, những đêm cha mẹ nối bước người xóm dưới thôn trên, gồng gánh chạy tản cư. Những buổi, tiếng moóc-chê bỗng câu ngang trời, xé đất. Tiếng đạn bay chiu chíu trên đầu, trên ngọn tre đầu ngõ. Những buổi cha mẹ ôm chặt Đắc chui vào bụi lau lác cuối bãi xa tránh trận càn ập tới.

Trong làng. Dọc quốc lộ Mười, bóng giặc nhan nhản khắp đầu đường xó chợ.

Năm 1949 – 1950, lính Nhật ở Hải Phòng thường bắt và giết những bé trai người Việt. Bọn giặc sợ, đây là mầm họa bổ sung cho đội ngũ quân đội Việt ngày mai chăng ? Lúc này, Đắc mới ba bốn tuổi. Để lừa giặc, bố mẹ phải để tóc và may “xống” cho Đắc. “Xống” là loại váy, người nhà quê quen gọi. Với nước da trắng, gương mặt bầu bĩnh, nom Đắc như bé gái tinh nghịch, dễ thương.

Không tấc đất cắm dùi. Cuộc sống quanh năm nghèo túng. Khi lấy vợ, ông Đinh Văn Tá, bố Đắc phải “đi ở rể.” Cụ Nguyễn Văn Chiểu và bà Đinh Thị Ngòi là bố mẹ nuôi bà Nguyễn Thị Chỉ (mẹ Đắc) từ những ngày vừa tròn hai tháng tuổi.

Cụ Nguyễn Văn Chiểu, “nhạc phụ” ông Tá, gốc gác Nho học. Cụ Chiểu nổi tiếng là “thầy Pháp” cao tay. Người am tường nho, y, lý, số. Người thông đạc kinh nghĩa, có tri thức, danh tiếng một vùng.

Cụ Chiểu vẻ lịch lãm, nhân hậu. Người hiểu đời, biết mình. Cụ luận đàm nhiều về nhân tình thế thái. Cụ nói nhiều về những gì trong giáo huấn của Đạo Khổng, của tam cương ngũ thường, của phẩm hạnh cao nhất mà người ta sống ở cõi đời không thể không đặt lên đầu mà hướng lòng tâm nguyện . Đắc không hiểu hết. Nhưng, không quên lời cụ. Đấy là, “Điều trước tiên, với mỗi ai, phải là sự chân thành, trong sáng. Là lòng yêu thương, nhân ái. Là, đức tin ! Và. Đời ư ? Luật nhân quả, ghê gớm đấy, con à.”

Mới bảy tám tuổi đầu, hiểu sao hết nghĩa lý sâu xa nơi cõi người thăm thẳm. Nhưng, Đắc chợt “ngộ” ra !

Năm 1957, khi “Cải cách ruộng đất” tràn về Lập Lễ. Cụ Chiểu giàu có nhất vùng làng. Nhà cụ hai ba dãy dài. Sân gạch tường hoa. Tường cao cổng kín. Trong nhà, lúc nào cũng nuôi hai ba chục kẻ ăn người ở.

Đội cải cách về tận xóm nằm vùng. Khẩu hiệu như bươm bướm căng đầy bờ tường, thân cây, lối ngõ. “Đả đảo địa chủ cường hào, gian ác”.

Các “ông Đội” thực hiện “ba cùng”. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm”. Phải “Đào tận gốc, trốc tận rễ : trí, phú, địa hào.” Phải kích thành phần. Phải quy đủ “năm phẩy, sáu mươi tám phần trăm” (5,68%) những “thành phần nguy hiểm” ở các vùng nông thôn để ra tay trừ diệt …

Giống như tiếng sét bỗng cồn lên nơi mắt bão, hay phút giây đất lở, trời long, không khí một thời bỗng dâng lên cao ngất, ngỡ không gì cản được. Bao người dân khiếp vãi linh hồn. Trước sân đình hay bên ngã ba đường, cửa chợ, những cuộc đấu tố sớm chiều bỗng diễn ra cảnh nước sôi lửa bỏng. Chỗ này con tố cha. Chỗ kia vợ tố chồng. Cảnh “pháp trường” bỗng chốc dựng lên. Rồi, tin sét đánh. Ông Lý làng này, cụ tiên chỉ xã kia bị bắt. Sáng nay, cụ Chánh làng bên vừa bị bắn nhầm…”

Đấy. Những “ông Đội” có quyền uy “nhất Đội nhì Giời” như thế. Việc “đầu rơi, mất mạng” chỉ như một “trò đùa” con trẻ trong phút giây không thể ngờ được..

Tiếng “ông Đội” đanh thép. “Nào. Hỡi người dân cùng khổ. Cuộc đời đã đổi thay. Đất nước đứng lên rồi ! Ai bị bóc lột ? Ai bị chèn ép, dập vùi. Ai bị đày đọa bần hàn cơ cực ? Hãy vùng lên. Hãy kể khổ thật nhiều. Hãy tố. Hãy vạch mặt chỉ tên những phần tử cường hào ác bá, kẻ ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi cổ dân đen … Hãy đưa ra “công lý lòng dân” mà thẳng tay trừng trị.

Giữa bão lốc, tranh tối tranh sáng, bao kẻ cơ hội, ác độc được thỏa phen bày đặt những mưu ma, chước quỷ. Phải vạch lá tìm sâu xem có gì để tố ! Họ sẵn sàng vu khống, gắp lửa bỏ bàn tay. Họ tung hỏa mù, vấy bẩn lên người thù hận. Thậm chí một ai đó chỉ là người không ăn cánh hoặc va chạm hiềm khích. Họ tố ông chủ nọ đã bắt người cắt lúa thuê giữa những ngày đang nắng. Họ tố người chủ kia mang cơm muộn để họ phải chịu đói ngồi đợi bờ đồng. Họ tố ông giáo dạy mình học chữ đã bắt học trò phải nộp thóc nuôi thầy. Cô Lu, đang hơ hớ tuổi xuân, bởi thù ghét người yêu cũ đã không ngượng mồm, tố cái thằng “ác bá, đĩ”, hai lần đè cô xuống chân đống rơm mà hiếp, mà tận hưởng cái “vong linh” sung sướng nhất cõi trần” ...

Nằm trong “tầm ngắm” để duy danh định tội, cụ Pháp Chiểu làng này liệu tránh nổi cơn mưa tên, bão đạn kia không ? Bao nhiêu cuộc đấu tố đã mở ra căng thẳng. Tiếng “ông Đội” đã khơi mào, chỉ mũi dùi cho những mũi tấn công dồn đối thủ vào con đường chết.

“Nào, bà con bần cố đâu ? Ai ? Ai dám đứng lên vạch tội tên Chiểu, một cường hào ác bá ? Tội ác tày trời của hắn là gì ? Tại sao, bà con bần cố chúng ta, không tấc đất cắm dùi ? Tại sao chúng ta không có cơm ăn, áo mặc ? Tại sao chúng ta lại nghèo khổ, chịu cảnh khố rách áo ôm ? Chúng ta phải bắt kẻ thù không đội trời chung này trả lời và trả giá cho bà con bần cố, cho chúng ta, người chiến thắng hôm nay !”

Lạ chưa. Không một ai vạch tội, đấu tố cụ Chiểu.

“Ba bốn chục người ở đợ, làm thuê đâu ?” – Đội hỏi. Câu hỏi đay đi, đay lại. Hàng tiếng đồng hồ vẫn không ai lên tiếng. “Đội” quắc mắt, giương lên hai vệt máu đỏ ngầu căm giận. Vẫn không ai trả lời. Không thể bó tay, thất bại, “Đội” chỉ đích danh từng người và bắt họ đứng lên.

Nào, người thứ nhất. Hỏi. “Anh bị tên ác bá ấy bóc lột thế nào ?” Trả lời. “Dạ. Tôi không bị cụ Pháp bóc lột. Nhờ cụ mà tôi có việc làm. Có cơm no, áo ấm ”.

Người thứ hai. Hỏi. “Đã bao nhiêu lần anh bị tên ác bá ăn hiếp.” Trả lời. “Tôi chưa bao giờ bị cụ Pháp ăn hiếp. Thương tôi nghèo, côi cút. Cụ nhận nuôi tôi. Không có bàn tay trời biển cụ cứu vớt, có lẽ, tôi đã chết lâu rồi”.

Người thứ ba. Hỏi. “Anh bị tên ác bá hình nhục những gì ?” Trả lời . “Tôi chưa bao giờ bị cụ Pháp chửi mắng, hình nhục. Với tôi và nhiều người khác, tôi thấy, cụ Pháp lúc nào cũng đem lòng thương yêu, lấy lời nhẹ nhàng chỉ giáo, coi chúng tôi như con cái trong nhà”.

Người thứ tư, thứ năm, thứ sáu ... “Chúng tôi mang ơn cụ Pháp. Cụ là cha, là mẹ. Chúng tôi nghèo hèn, chữ nhất bẻ làm đôi không biết. Nhưng cụ không khinh thường, mạt sát. Nhờ tấm lòng cao rộng đùm bọc, chở che mà chúng tôi được nâng niu, được dạy dỗ nên người …”

Chà. “Chánh án phiên tòa” “hết sách.” Nhân chứng, vật chứng, không ! Đương nhiên, cụ Pháp vô tội. Cụ Pháp không chết.

Thì ra, lẽ phải vẫn là lẽ phải. Nhưng có lúc, ở đâu đó, lẽ phải bị dập vùi, thất bại. Chân lý có lúc thuộc về kẻ mạnh khi chúng đang nắm giữ quyền lực trong tay. Nhưng, trước cuộc đời rộng lớn, ở cái góc của khoảng trời Láng Cáp, Lập Lễ này, lòng người dân vẫn sáng trong, cao đẹp. Họ không tự biến mình thành ma quái, quỷ dữ, ăn thịt bầy đàn. Họ nhìn rõ trắng đen. Họ yêu thương, đùm bọc nhau trong nghĩa tình láng giềng, sớm hôm tắt đèn, tối lửa. Cái đáng yêu của cuộc đời, con người còn sáng lên những mặt trời giữa những vùng tối tăm, ngỡ vô phương cứu dỗi, vẫn có ở nơi này.

Chú bé Đắc sà vào lòng cụ Chiểu nhìn đôi mắt bình thản, thấm trải cuộc đời của ông, giọng vu vơ. “Thì ra, trước kia ông vẫn nói với mọi người “những Nhân, những Quả” gì gì ? Là đúng vậy sao ông ? Người ăn ở lấy chữ Tâm, chữ Đức làm đầu được cầm về “nền Phúc” là đấy. “Thiên võng khôi khôi. Sơ như bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, dẫu thưa đấy, nhưng mấy người lọt khỏi).

Thời Chiến quốc, Mạnh Thường Quân làm tướng nước Tề, đã giàu, lại giàu lòng nghĩa hiệp. Lúc nào, nhà Mạnh Thường Quân cũng mở cửa đón hàng nghìn khách khứa, người qua lại ăn uống, ghé thăm. Ông từng cho đốt hết “văn tự”, xé sổ, xóa hết nợ nần cho người dân đất Tiết. Bỗng một mùa xuân nọ, Mạnh Thường Quân thất sủng, bị triều đình bãi chức. Khi nánh nạn, bỏ chạy sang đất Tiết. Nhớ ơn xưa, hàng nghìn chúng dân, nghĩa sĩ đã tỏa ra vây kín mặt đường, một lòng xin được chở che, cung cấp quân lương và theo gót “quân vương”.

Đấy. Quy luật “nhân quả” là cặp phạm trù trọng hệ và bao trùm trong thánh kinh Đức Phật. Ngày ấy, có người thì thầm bảo nhau. “Có một Mạnh Thường Quân ở nước Tề. Cụ Pháp Chiểu, là Mạnh Thường Quân ở Láng Cáp” chúng ta.

Trong “vụ án cụ Chiểu”, có tới ba bốn người không liên quan mảy may nào với cụ. Nhưng, là kẻ ‘cơ hội”, chỉ để tâng công, biểu hiện mạnh mẽ, “ta” là người tiên phong, một “gương mặt cách mạng” hàng đầu. Chúng đã đổ lên đầu cụ Pháp, người bằng tuổi ông bà, cha chú mình những tội thật “giời ơi đất hỡi”.

Còn nhỏ, nhưng nghịch và nóng tính, không ai mách bảo, cậu bé Đắc tự nhận mặt người kết tội oan ức cụ Pháp. Nhằm vào đêm trong đám đông nhập nhoạng, Đắc đã nhập vào đám thiếu nhiên trống ếch, hô vang khẩu hiệu dọc làng. Nhè cơ hội xáp mặt, bé Đắc đã nhanh tay dùng đèn chai ghè lên mặt kẻ “bụng lang dạ sói” rồi nhanh chân tẩu thoát.

Có tới ba lần diễn ra trò ấy. Nhưng, lạ chưa. Không ai tố giác và cũng không ai phát hiện được “thủ phạm”. Dân Láng Cáp không biết, hay không ai muốn bênh vực kẻ xấu, rắp tâm hãm hại dân lành.

III

Cụ Pháp Chiếu thoát nạn. Buổi hai cụ già yếu qua đời, thấy ông Tá, bố Đắc hiền lành, ăn ở nhân nghĩa. Ông bà ngoại, “cha mẹ nuôi” mẹ Đắc, đã “lập tự”, cho vợ chồng ông Tá được quyền thừa hưởng tư cơ. Thời ấy. Và, vào những ngày tháng ấy, gia sản thừa kế kia có gì đâu đáng giá ? Ít chân ruộng cày cấy. Đôi mảnh vườn trồng chuối, trồng rau. Ngôi nhà gạch cũ nát. Chiếc sân rêu lát gạch chỗ lún rộp, chỗ còn. Trong họ, có người kiện về “quyền thừa kế” nhưng bố Đắc cứ lặng im, thắng cuộc.

Sống trên đất thừa kế, nhưng gia đình bố mẹ Đắc túng thiếu đủ đường. Nhà chín mười miệng ăn. Đinh Thị Ry. Chị cả hơn Đắc bốn tuổi. Hai em trai, bốn em gái. Những cô cậu : Mối, Thúy, Thoảng, Đa, Hường còn nhỏ. Đất biển. Công cuộc kiếm kế sinh nhai, nuôi sống một “đoàn tàu há mồm” như gia đình Đắc, trên đất này đâu phải chuyện dễ. Ở đây, đất mặn. Khó nhìn vào hạt thóc gieo cấy. Năng suất một sào thu hoạch, rê sảy xong chỉ còn chừng ba bốn mươi cân. Không gì khác, người vùng biển phải lao ra khơi mà kiếm tìm miếng cơm, manh áo.

Thời hợp tác xã, cảnh “đánh trống ghi tên, làm công ăn điểm.” Mãi, bố Đắc mới sắm được một đôi rưỡi “giể,” hành nghề. Giể là “khăm biển”. Khi đánh bắt, tôm cá nhảy lên. Có giể, người đánh bắt mới dễ dàng săn được.

Một hôm, bố Đắc bảo. “Nhà đông miệng ăn. Con phải phụ tá giúp bố, nghe chưa ?” Ông bố giao việc. Đắc phản ứng. “Nhưng, còn nhỏ. Con muốn đi học. Muốn biết chữ.” Bố Đắc cau mày. “Được. Nhưng, nửa ngày phải lao động. Phải cùng tao xuống bãi, lội đồng”.

Bấy giờ, ở làng, cùng trang lứa, nhiều đứa bằng tuổi Đắc vẫn không được đến trường. Nhiều cậu “to đầu, lớn kều” vẫn mù chữ, “dốt đặc cán mai”..

Năm tám tuổi, Đắc được cắp sách theo học trường tư. Ngày nào cũng vậy, ở trường về, vét nồi, ăn bát cơm nguội mẹ phần, Đắc vội đeo ngang hông chiếc giỏ, lao về phía biển. Đắc men theo triền đê chui vào những bụi cây cao lấp mặt người. Khi thì câu cáy. Khi câu cá nác. Khi kiếm củi, chạy chợ. Thường thì, phơi nắng hay có khi có tấm mũ lá chụp đầu. Nhưng với đôi chân quanh năm đi đất, nhìn dáng nhỏ gầy, đen sạm, chỏm tóc vàng sém. Chỉ có đôi mắt lúc nào cũng cháy lên như nắng, nom Đắc thật ngộ nghĩnh, thông minh.

Ở lớp, Đắc học giỏi. Cái thông minh, nhanh trí của Đắc bị thầy giáo quy cho nhiều tội. Nào, ỷ nại vào bài đã thuộc, không làm. Nào hay nói chuyện riêng. Nào “sấc, hỗn”. Bài thầy giáo đang giảng đã chìa môi kêu lên “dễ ợt”. Rồi, hôm thì mang cả tổ chim vào lớp. Hôm thì bắt cáy, bắt cua bỏ vào túi áo “lỡm” bạn.

Ông Sáng, thầy giáo già vừa quý, vừa không thể chịu được cá tính “bất trị” của cậu học trò Đinh Trọng Đắc. Nhiều lần, ông phạt, bắt Đắc quỳ lên vỏ mít khô, trước lớp. Hai đầu gối Đắc bị gai mít đâm rớm máu. Nhưng, “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, Đắc không sợ, vẫn chứng nào tật ấy.

Đang học lớp hai, một buổi, có thầy giáo thăm nhà. Ông hỏi thăm bố mẹ và trò chuyện với Đắc. Thấy Đắc học giỏi, làm được các bài toán khó, ông kiểm tra, thử Đắc. Và ngay đó, ông quyết định kéo Đắc vào trường làng.

Đang từ lớp Hai, Đắc được chuyển thẳng thành học trò lớp Bốn.

Năm mười một tuổi, nhà bấn túng quá. Sau bữa cơm ăn chưa đủ lót dạ. Bố Đắc bảo con. Giọng ông nghèn nghẹn, có giọt nước mắt cất dấu trong đôi mắt trũng sâu của người bố mà đến giờ, mỗi lần nhớ đến, Đắc vẫn không quên được. “Mày thấy không, cả nhà, lo mỗi người có bát cơm không đủ. Mỗi hạt gạo lại cõng những củ khoai hà, khoai sượng thế kia, cứ đi học, chết đói hết à ?”

“Dĩ thực vi tiên”, đơn giản như câu ca ra đời từ vạn kiếp, người đất này, chín mươi chín phần trăm (99%) nhờ vào nông nghiệp, từng đặt cược đời mình vào cây lúa nước.

Đắc phải bỏ học, rời mái trường từ năm mười một tuổi.

Cùng bố mẹ, bây giờ, cậu bé Đắc phải gánh trên vai như “một lao động chính” trong nhà. Tháng năm này, có thể ví, đây là cuộc “đánh vật” giữa cậu bé gầy nhom, đen đủi với cả cánh bãi mênh mông gió nắng. Khi thì gánh phân, tát nước. Khi thì xiêu vẹo cầm chiếc cày chạy theo đít con trâu. Khi thì cùng Mối hay Đa, cậu em trai nhỏ xíu xuống biển cầm chèo giúp bố. Một ngày, muốn để khẳng định vai trò gánh vác của mình, Đắc xin bố được theo anh Thắng cùng hợp sức làm ăn.

Thắng hơn Đắc bốn tuổi. Anh to khỏe, hiền lành. “Giang sơn” của hai anh em Thắng - Đắc lúc này là rời Láng Cáp, Lập lễ, vác xăm đáy ra đi. Hàng năm trời xa nhà, “tự lập thân”.

Dọc triền sông nội đồng không có sóng, chỉ những mùa lũ dâng, Thắng và Đắc thường ngâm mình dưới nước, theo xăm đáy đi qua nhiều vùng đất. Từ sông Kiến An, Kênh Đồng, Núi Voi, có lúc dạt về cả Xuân Khu, Nam Định hay quê lúa Thái Bình… Lúc nước ngập vồng ngực, thắt lưng. Khi sông sâu lụt cổ. Đêm đêm, bốn phía lặng tờ là những cánh đồng, những vệt làng mịt mờ, im lặng. Trước mặt, sông nước mênh mang. Đôi bờ sóng ì oạp vỗ. Những bụi cây um tùm thả mình trôi theo cuộn xoáy. Trên bầu trời, những vòm sao chi chít, khi tỏ khi mờ. Vào cữ trăng hay những đêm tối như bưng, Thắng và Đắc chỉ nghe tiếng gà để đoán chừng canh khuya đang chuyển dần về sáng.

Cuộc hành trình liên miên của kẻ “giang hồ” mang đời mình tìm niềm vui dưới lòng sông, đáy nước, Thắng và Đắc chỉ biết ngày tháng là gì khi anh bước lên bờ, ngẩng mặt lên, mang tôm cá tìm vào chợ bán.

Bát cơm tự nhóm lửa thổi nấu bên sông. Giấc ngủ vật vờ bên mái hiên chùa hay gốc đa, cửa điếm. Khi bị vây cá đâm. Khi bị rào gai cào rách quần, tướp máu. Khi dẫm phải rắn. Khi đùng đùng cảm sốt bởi trời nắng như thiêu như đốt, bỗng sấm chớp, đổ mưa.

Đắc nhớ. Vào một đêm rất khuya, trên sông Kiến An gần Núi Ông Voi, anh Thắng đang đẩy xăm, bất ngờ bị ngã dúi. Thắng mất đà, người văng theo dòng nước. Một tiếng kêu, “Ối.” “Chuyện gì thế”. Đắc nhoai người ùa theo. Trời. Một xác chết trôi theo xoáy nước từ sau lưng đập mạnh làm Thắng chìm theo. Rất nhanh, Đắc lao vào xoáy nước kéo được Thắng lên bờ. Hai anh em run lên sợ hãi. Nghe trống ngực anh Thắng đập rộn, Đắc bảo. “Mình còn đi trên sông này. Với lại, phải vớt họ. Không sợ. Ma quỷ nào trêu nổi mặt anh em mình cơ chứ.”

Nói vậy, Đắc bật người lao theo dòng xoáy, ôm lấy xác chết kéo vào chỗ nước lựng.

“Xác phụ nữ, anh ạ. Đêm khuya. Làng xa lắm. Bây giờ, phải báo cho ai ?” Anh Thắng không nói gì. Một lúc, hai người loay hoay lên bãi lấy dây đay, cột xác người chết vào bụi chuối bên sông. Mở áo khăn đồ nghề, lấy bao diêm nhóm lên ngọn lửa. May quá. Có nén nhang còn đó. Thắng và Đắc đốt nhang rồi chắp tay lầm rầm khấn vái. “Tấu lạy thiên địa. Tấu lạy Phật Quan thế âm Bồ tát. Người xấu số này là ai, ở đâu ? Mệnh hệ nào ta gặp nhau nơi đây. Người nằm lại đất này nhé. Sẽ có cơ quan chính quyền sở tại lo mồ yên mả đẹp cho người. Hãy phù hộ cho chúng tôi, kẻ chài lưới nhọc nhằn, vất vả…”

Đêm chừng còn dài. Hai anh em Thắng và Đắc lại lao xuống dòng sông đẩy xăm tiếp tục ra đi. Trên bờ xa, gió đêm từng cơn đang à à réo lên từng chập.

IV

Ở đời, sự trải nghiệm đi qua thử thách làm người ta dễ lớn khôn, cứng cáp. Đinh Trọng Đắc được thả vào “lò tôi” từ buổi thiếu thời. Sự dạn dày nhanh chóng làm cậu bé có khả năng chịu đựng gian khổ nhiều hơn. Đắc ít khi đầu hàng khó khăn, hay giống như trẻ khác, dễ rơi nước mắt. Vậy mà, đêm ấy, Đắc đã ôm hai vòng tay, xiết chặt lấy anh Thắng, nấc lên. “Em phải chia tay anh ư ? Anh Thắng đi bộ đội rồi. Anh Thắng tình nguyện làm người lính ra trận giết giặc, cứu nước. Anh Thắng không đi xăm đáy với Đắc nữa. Anh Thắng bỏ lại riêng Đắc với những dòng sông, những đêm dài kỷ niệm gió sương. Những bữa ăn no. Những lần nhịn đói. Những đêm vừa xăm đáy vừa ngủ gà ngủ gật trên sông. Những lần bán cá, có tiền, hai anh em lại rủ nhau cuốc bộ ba bốn chục cây số về nhà, gửi tiền mẹ, nuôi em ...”

Đã hàng tháng trời chia tay anh Thắng trở về quê, giúp bố đi làm. Đắc không nguôi nhớ về những ngày gian khổ mà vui. “Cùng anh Thắng, Đắc đã tự lập. Đã làm ra tiền, giúp đỡ bố mẹ bớt đi phần nào túng thiếu.

Đắc đã giống con chim có đôi cánh dẫu non nớt, nhưng đủ sức bay lượn trên khoang trời nhỏ, kiếm mồi.

Trong những binh đoàn, những Sư đoàn “Vì nhân dân chiến đấu”. Anh Thắng giờ này đã trở thành người lính, khoác lên mình màu xanh quân phục. Anh ở đâu ? Còn Đắc ! Từ biệt anh, chú bé như chiếc “cọc vè” cao gầy, đen nhẻm này đã rời quê sáu mươi cây số. Trên đất mỏ Hòn Gai, trên chiếc thuyền nhỏ men theo mép biển. Ngày ngủ. Đêm đêm, Đắc đang cùng người bố miệt mài, vật mình với những con sóng nổi chìm, bám lấy cái nghề đã bốn đời “cha truyền, con nối.” Nghề xăm đáy, chài lưới, đất Láng Cáp, Lập Lễ quê mình.

Hàng tháng trời theo bố. Mất ngủ triền miên. Mình Đắc rộp lên vì nắng thiêu, muỗi cắn. Da ngực Đắc rộp phồng như vỏ cây sần sùi, đang bóc di từng mảng.

Một sớm hè, đang ngủ trên mui thuyền, Đắc ú ớ nghe tiếng bố gọi giật. “Thằng nhóc đâu. Dậy ! Giúp bố việc. Mau lên …”.

Đắc cựa mình rồi lại lăn ra ngủ. Rõ ràng, tai nghe tiếng bố gọi nhưng mệt quá, Đắc không thể mở mắt. Miệng Đắc ậm ờ. Cậu nằm không nhúc nhích. Tiếng ông bố lại vang lên riết róng.

Lần nữa. Lần nữa. Đắc như mụ đi trong mê. Bỗng rất nhanh, Đắc thấy tai mình như vừa bị xoắn đứt. Cùng lúc, người Đắc bị nhấc bổng. Một tiếng “ùm” rơi trên mặt sóng. Đắc bị bố bế thốc, ném xuống biển xa.

Đắc hoàn hồn sau phút phản xạ. Chờ cậu bơi vào bờ, ông bố xông lại túm lấy cổ áo, đuổi “cút xéo”. Hai chân ông dậm xuống đất, giọng liên tục gầm lên. Thì ra. Ông ức quá. Hàng tuần qua, tiền cạn túi, tôm cá không đánh được. Vài chén rượu suông chừng đốt ruột, đốt gan làm ông đã phát điên. “Một mình nó mệt, buồn ngủ à ? Tao cũng đang rã người, muốn chết rũ ra đây. Không cần mày nữa. Đồ ăn hại. Cút xéo cho khuất mắt. Cút”…

Hiểu tính bố. Những lúc này, đến ông trời cũng không chống nổi cơn “lôi đình” của cụ. “Ba mươi sáu chước”, Đắc chỉ còn cách bỏ đi cho nhanh kẻo lại nếm thêm cơn mưa đòn lần nữa.

Đắc sợ bố. Một dáng người lực lưỡng, oai vệ. . Bố Đắc nặng tám mươi cân. Ông là một trong những đô vật đánh khá siêu các miếng gồng, miếng vét, miếng bắt bò. Bố Đắc từng nổi tiếng vác một lúc ba tạ gạo trên vai. Vào mùa, cả sào lúa gặt xong, ông chỉ bó làm hai gánh rồi xóc vào đòn càn quẩy nhẹ về nhà.

Trước năm đói 1945, khi ra mỏ đào đất thuê, do không chịu được ức hiếp, bố Đắc dính vào vụ ẩu đả và đánh tên “cai Bếp”. Bị bỏ tù ở Tân Yên, Ba Chẽ. Lừa phút sơ hở, ông Tá đánh chết tên Tây trắng rồi nhanh chóng thoát ngục.

Trốn về cọc 5 Hòn Gai, bị truy dồn vào thế bí, ông Tá đã lao xuống biển, một mình tả xung hữu đột, đánh gục một lúc ba mươi người Hoa. Ông cướp thuyền chạy thẳng tới Tuần Châu.

Bị chặn bắt. May quá, tại Tuần Châu, lực lượng Việt Minh đã biết được sự thể ngọn nguồn và ra tay cứu ông thoát nạn. Ông Tá hưởng tám mươi ba năm ánh sáng dương quang. Buổi giã từ trần ai đi vào cõi vĩnh hằng, với ông, giống như cuộc du chơi thanh thản.

V

Từ Bãi Cháy, Hòn Gai, Đắc vừa đi vừa chạy. Một ngày buồn, rủi ro trong đời cậu thiếu niên chưa đầy mười bốn tuổi. Bị bố ném xuống biển, đuổi đi. Đắc sẽ bỏ lang thang đến một nơi nào đó hay tìm đường về nhà với mẹ ?

Ừ. Đắc sẽ về Láng Cáp để được ôm lấy mẹ khóc lên cho bõ cơn tủi cực. Nhưng, biết làm thế nào ? Đường xa hàng trăm cây số. Đầu trần, áo quần ướt sũng. Xu dính túi không có. Trời vừa tảng sáng. Mắt buồn ngủ, bụng đói. Dường như, chẳng còn biết nghĩ gì, Đắc cứ đi trong tỉnh, trong mê, trong đôi chân bồng bềnh, lúc chạy gằn, lúc như lê trên đất.

Ngược quốc lộ 18, lần theo cột số, theo lối mòn rìa lộ. Đường bụi mù. Đá gập ghềnh, lổn nhổn. Có lúc Đắc phải cúi rạp, hai vồng ngực ngỡ đập vào đầu gối. Sao thế nhỉ. Đắc ngửa mặt nhìn trời. Thì ra, núi. Núi. Và, dốc ! Dốc dài cao, dựng đứng. Lại có lúc, Đắc bỗng thấy hai mắt tối sầm. Hình như, bóng tối từ nơi nào ập đến. Một chút lạnh rợn người. Thì ra, Đắc vừa lọt vào quãng đường rừng. Hai bên núi cao vọi, ngất trời. Bóng cây, bóng núi cứ mở ra vời vợi, hút sâu. Đắc ngỡ mình đang đi trong cái hang, không biết bao giờ mới ra khỏi cái cảm giác thâm u, dài dặc.

Đường vắng. Một mình một bóng. Đắc cứ đi. Khi qua khỏi đoạn đường nguy hiểm này, gặp người dọa mắng, Đắc mới sợ “nổi gai gà”, biết mình vừa thoát nạn. Bởi, vùng núi rừng lạnh vắng, nhiều thú dữ thường bất chợt qua đây rình rập vồ người.

Đắc không chết. Mười ba tiếng đồng hồ cuốc bộ. Từ Bãi cháy, qua Kênh Lập, Yên Lập, tới Dốc Vọng, Chùa Chanh…Có tới mấy chục cây số đường dài. Hai chân Đắc cứng lên tê dại. Trời đã bỗng nhiên sập tối. Đắc thấy đầu óc choáng váng, mắt nổ đom đóm, bay đảo loạn xị. Đắc lả đi. Hai bàn chân không thể nhấc nổi nữa.

Biết tìm nơi nào trú ngụ, gửi thân ? Đang loay hoay, Đắc bỗng thấy bên dốc một ông già đầu tóc bạc phơ. Chòm râu trắng như cước. Giữa chiều xa, núi rừng hoang vắng, ông già này là ai ? Hay nơi thiên địa mịt mờ này có vị Tiên nào chợt hiện. Đắc thấy vui vui, nhìn ông già đang chậm rãi bước tới.

Ôi ! Một “ông tiên”. Một gương mặt phúc hậu, thuần phác. Một nước da hồng hào. Đôi mắt long lanh, thật ấm. Đắc cúi đầu chào, lễ phép.

Ông già hỏi :

- Cháu là ai ? Cháu đi đâu một mình vào lúc này vậy?

- Thưa … Cháu đi bộ từ Bãi Cháy về ạ.

- Trời. Một mình. Bé mảnh khảnh. Người nhà đâu ?

Đắc không dám nói thật. Giọng lí nhí trầm xuống.

- Cháu đi xăm đáy. Cháu về quê Lập Lễ, Thủy Nguyên.

- Về Lập Lễ, Thủy Nguyên ? Chà. Đường xa lắm. Trời tối. Làm gì còn phà sang cơ chứ?

Ông già nắm lấy cánh tay gầy guộc, cháy nắng của Đắc, giọng ân cần :

- Không thể đi được đâu. Cháu vào đây nghỉ lại với ông, mai đi tiếp, cháu à.

Như buồn ngủ gặp chiếu manh, Đắc sung sướng, nhưng ngần ngại. Ông già giục :

- Đừng lo. Cháu nghỉ lại với ông cho vui. Ông ở một mình mà.

Đắc “cảm ơn ông già”, chậm rãi kéo từng bước mệt mỏi theo ông đi về phía chân dốc.

- Thưa ông. Nơi đây là đâu ạ ?

- Đất Quảng Yên rồi. Kia là Chùa Chanh. Dốc Vọng, cháu ạ …

Màn đêm đã buông xuống, vây kín đôi mắt. Đắc theo ông bước vào căn nhà mái lá thấp bé. Khi ông già đi về phía chiếc bàn, vặn to ngọn đèn dầu, ánh sáng bừng lên. Đắc sững người trước cảm giác lạ lẫm.

“Ông già sống độc thân ở đây thật ư ? Chà. Căn nhà nhỏ. Nhưng gọn, sạch. Ngăn nắp quá. Các bức tường được quét vôi trắng. Những bức tranh chân dung, tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Hàng nghìn cuốn sách nằm từng hàng gối nhau trên giá. Có những tập dầy cộp, to như viên gạch lớn.

Ông già làm gì nhỉ ? Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu gì chăng. Đắc thấy mình nhếch nhác, áo quần bụi bặm, hôi mù. Cậu khép nép e ngại, không dám hỏi.

Vừa trải qua một ngày sải người bơi trên mặt đường bằng đôi chân cuốc bộ, người mệt bã. Thấy chiếc ghế đặt ở góc nhà, Đắc vội gục đầu xuống tay ghế, lăn ra ngủ. Trong tích tắc, tiếng ngáy đã khe khẽ cất lên.

“Trời. Khổ chưa, “cu cậu” mệt quá rồi. Liệu có bị lả đi không ?”

Ông già vỗ vỗ vào vai. Đắc chợt mở mắt. Ông đưa cho Đắc bộ quần áo mới và dẫn cậu ra chum nước bên nhà bảo cậu tắm rửa cho sạch.

Đắc sung sướng dội từng gáo nước lạnh lên đầu rồi xoa lên khắp người. Cậu lắng im nghe tận cùng gan ruột, từng đường gân thớ thịt như nở ra, đang dần dần hồi tỉnh.

Lau rửa xong, vừa bước chân vào nhà, Đắc suýt reo lên vui sướng. Đang đói cồn cào. Một ngày không có gì lót dạ. Ông già đã đặt trên bàn bát cơm nguội, có cả thức ăn, chắc khẩu phần ông để giành bữa sáng.

- Cháu ăn đi. Chắc đói lắm rồi hả ?

Nhìn thấy cơm, mắt Đắc hoa lên. Cơn đói làm Đắc không chịu nổi. Ông già ngồi nhìn Đắc ăn, vừa thương cảm, vừa vui.

Đắc bưng bát cơm, cổ suýt tắc nghẹn. “Sao ông già lại tốt với Đắc thế nhỉ. Ông dễ tin người thế sao. Ông cũng giống như ông ngoại Đắc ở nhà kia, chả khác . Người lớn dễ thương yêu con trẻ, cái chồi non còn yếu mềm, thơ dại. Hay cơ duyên, mệnh hệ nào, ông trời đã dẫn Đắc tới đây gặp cụ già trong đêm khuya, thanh vắng, dưới mái nhà bên đường như những truyện giang hồ Đắc từng đọc trong sách.

Ông già hỏi :

- Cháu mấy tuổi ? Tên gì ?

- Dạ. Cháu tên Tơ. Cầm tinh con lợn ạ. Năm nay cháu mười bốn.

- Vậy ư ? Quê cháu ở đâu ?

- Dạ Lập Lễ, Thủy Nguyên.

Ông già chợt giật mình. Ông nhích người tiến sát lại gần Đắc. Hai mắt cười vui, lấp lánh.

- Lập Lễ, Thủy Nguyên ư ?

- Dạ. Vâng. Sao kia ông ?

Ông già đột nhiên hỏi: “ Cháu biết cụ Chiểu ở Láng Cáp chứ. Cụ Pháp Chiểu nổi tiếng đất Lập Lễ mà”.

Bây giờ, đến lượt Đắc giật mình. Cậu nói như reo :

- Ôi. Ông biết cụ Pháp Chiểu ư ? Cụ Chiểu, ông ngoại cháu đấy.

Ông già chợt “Ồ” lên. Rồi lặng đi. Thi thoảng ông nhìn Đắc rất kỹ rồi lảng đi, nhìn sâu vào bóng tối.

Đắc vui, không ngủ được. Đêm ấy, Đắc ngồi nghe ông rì rầm trò chuyện. Ông hỏi Đắc bao nhiêu thứ. Những câu chuyện không đầu không cuối. “Nào, ông bà, cha mẹ. Nào đất quê hương Lập lễ. Rồi, vì đâu cháu lang bạt về đây. Vì sao cháu không được đi học…”

Bao nhiêu chuyện lan man trên trời dưới đất. Đắc không nhớ. Một cảm nhận rõ rệt mà Đắc hiểu được ở đêm bị bố đuổi, lạc về dốc Vọng. Đó là, “Đắc được gặp một ông già tốt bụng. Hình như ông già cô đơn, cất dấu nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Có điều gì trong câu chuyện của ông cháu trong đêm, là vui, là buồn, không hiểu. Đắc chỉ thấy, đôi lúc, mắt ông già nhíu lại, đầu cúi xuống trầm tư. Có một tiếng thở dài rồi sau đấy, ông già lại tươi tỉnh, cười vui. Có sự đồng cảm nào đó, hay có nỗi niềm nào đã chạm vào ông già trong ký ức, kỷ niệm, trong cuộc gặp bất ngờ ? Đắc cảm thấy, ông già đang ngồi đối diện trước mặt, đang trò chuyện với Đắc và thật sự coi đứa trẻ này như người bạn “vong niên”.

Đã quá khuya, ông già giục Đắc đi ngủ. Hai ông cháu nằm chung một giường. Đêm ấy, Đắc “đánh” giấc thật ngon. Cậu ngủ no nê cho đến khi mặt trời đã vượt qua eo núi.

Có tiếng ồn ào như họp chợ. Đắc tỉnh giấc bật dậy, mở cửa nhìn sang ngôi nhà vách đất, mái lợp rạ gần đó. Căn nhà chạy dài. Có tới ba, bốn chục đứa trẻ bằng tuổi Đắc đang vui chơi trong giờ nghỉ. Thì ra, đây là lớp học. Thì ra, ông già là một thầy giáo dạy ở trường này. Ôi. “Vui quá. Ước gì Đắc cũng là học trò đang được cắp sách đến trường, vui chơi hồn nhiên cùng chúng bạn. Đắc đã bỏ học, xa mái trường, xa bạn bè, thầy giáo. Đắc không còn được hưởng niềm vui của những ngày thơ ấu. Nhìn thấy mái trường, bạn bè, nghe tiếng đọc bài vang lên theo nhịp thước, không hiểu sao, lòng Đắc bỗng xốn xang, chộn rộn. Đắc khát khao, mơ ước.

Buổi ấy, đợi ăn xong bữa trưa, là trẻ con, dựa vào bầu máu nóng đang đốt lên, Đắc “liều mạng,” hỏi cụ.

- Ông ơi. Con xin phép được ở đây với ông, được không. Con hứa sẽ làm tốt mọi việc.

Ông già nhìn Đắc. Một chút ngạc nhiên, không tỏ thái độ gì. Ông xoa đầu Đắc, hỏi vặn :

- Cháu không muốn về quê sao ?

- Thưa không. Bố đã đuổi cháu. Mẹ ở nhà đông em vất vả. Nhà nghèo, cháu chịu khổ và làm được nhiều việc. Ông tin cháu và đồng ý đi…Nào ông, cháu sẽ làm mọi việc giúp ông !

Ông già không nói, cầm rá đi vo gạo. Đắc vội chạy tới, đỡ lấy chiếc nồi từ tay ông, miệng giục. “Ông nghỉ chút cho khỏe. Để cháu giúp ông. Cháu sẽ làm tốt mà ”.

Ông già nhìn Đắc thoăn thoắt làm mọi việc. Từ vo gạo, nhóm bếp, nhặt rau, nấu nướng món ăn. Đắc làm nhanh, tháo vát, lại tỏ ra quán xuyến. Bằng con mắt của một người từng trải trường đời. Ông già vui. Ông biết, Đắc là cậu bé chịu khổ. Sớm phải bỏ học, ném vào cuộc mưu sinh vất vả. Cuộc đời thật nghiệt ngã ấy, đã rèn nên cậu bé những phẩm chất đáng yêu mà cũng thật tội nghiệp.

“Mà, Đắc là con trai mẹ Chỉ đẻ ra ư ? Đắc là con bố Tá. Cháu ngoại cụ pháp Chiểu Láng Cáp, Lập Lễ à ? Ông trời “cao xanh”ơi. Đinh Trọng Đắc, bé bỏng, đáng thương kia ơi. Chỉ có “ông trời” tự đặt bày, tự khoác lên chúng sinh kiếp đời mỗi chúng ta đi trên cõi đời này những khổ đau, những buồn vui, những cảnh ngộ lạ kỳ là thế. Riêng hạt bụi là ta, là đứa trẻ này, ai biết được cái thân phận “con ong, cái kiến” là gì ? Ai biết được gần bốn mươi năm trước ? Rồi, ai biết, vào một buổi chiều mờ, bên Dốc Vọng, Quảng Yên này, câu chuyện giữa ông, một thầy giáo già, với Đắc, đứa trẻ nhỏ lang thang, lạc đường lại diễn ra như vậy …”

VI

Ngày ấy, vào những năm 1925, 1926, trên mỏ than Cẩm Phả, Hòn Gai, Phạm Văn Lang, (tên thầy giáo già) hôm nay đang hàng ngày làm nghề “gõ đầu trẻ” dưới ngôi trường Dốc Vọng. Ông Giang là ký lục, viên chức phụ trách việc hành chính, chức danh nhỏ ở mỏ, cai quản phần việc cho một viên quan Pháp.

Là thanh niên có học. Lại trẻ đẹp, thông minh. Với dáng hào hoa , phong nhã. Ông Lang vừa làm việc cho “nhà chức trách,” vừa mở trường tư dạy học. Ông Lang dạy chữ Nho, tiếng Pháp rồi cả chữ quốc ngữ cho nhiều lứa học trò.

Từ quê hương Phục Lễ, cách Lập Lễ, Thủy Nguyên vài ba cây số, ông Giang bỏ quê, ra đất mỏ làm việc từ bé. Tại vùng than Cẩm Phả, ông Lang gặp T.H, một “yểu điệu thục nữ” nhan sắc. Người con gái từng đốt lên ngọn lửa, thiêu cháy những con tim không ít chàng trai một thuở, hằng ôm mộng “Tây Thi.”

T.H là cô gái gia đình quyền quý. Vừa đẹp lại “thông làu kinh sử”, khéo tay vá may, dệt thêu. Với T.H, ông Lang có mối tình “lứa đôi hòa hợp”, nguyện biển thề non. Ngày ấy, nhiều bạn bầu từng khen. Họ bảo, nhịp “cầu Ô thước” này được bắc lên tấm tình thật “cành vàng, lá ngọc.”

Đang sống yên bình với người vợ yêu thương dưới căn nhà thơ mộng. Một buổi, tan nhiệm sở về nhà, ông Lang sững sờ, mở cửa. Trời. Gian nhà ông vắng tanh. Người vợ trẻ đi đâu. Một tiếng trẻ thét lên. Đứa bé gái vừa tròn hai tháng tuổi đang một mình dãy dụa, nằm khóc trên chiếc nôi sũng ướt.

Thoáng hốt hoảng, ông Lang tìm khắp trong nhà, lối vườn rồi ngắm trông áo quần, đồ đạc. Linh tính mách bảo, đã có chuyện chẳng lành. T.H, vợ ông, đã bỏ nhà, đi biệt.

Ông Lang ôm lấy đứa con bé xíu trong vòng tay lọt thỏm. “Không thể ngồi khóc than, nghĩ về những gì đã mất. Việc bây giờ là bé gái”, đứa con ông còn non nớt đang đói sữa. Miệng bé đã khô, đôi môi đang run lên đòi được nhai vú mẹ.

Ông Lang bọc con gái trong chiếc chăn vuông nhỏ, ẵm bé vào phố, tìm người đang ở cữ xin cho bé bú nhờ. Vắng hơi mẹ, người cha trẻ, vụng về chỉ biết nén nước mắt nhìn đứa con đỏ hỏn thỉnh thoảng lại quằn mình, khóc than đến khản giọng. Không còn kế nào khác, ngay sáng sớm hôm sau, ông Lang đành bế con tìm đường về quê, hy vọng kiếm được người nuôi hộ .

Chuyến “bồng bế lên đường” của cha con ông Lang diễn ra thật cám cảnh. Vai khoác ba lô, một tay ẵm con thơ, một tay lỉnh kỉnh đồ đạc. Ông Lang bế con xuống tàu đi về bến phà Rừng. Ngồi trên tàu, nhìn sóng nước mênh mang, ruột nóng như than đốt. Ông Lang mong từng phút tàu lao đi thật nhanh. Nhưng con tàu cứ ì ạch, chậm rì. Nỗi lo con khát sữa. Nỗi lo từng cơn khóc thét của đứa bé cứ liên tục réo lên làm xót lòng, phiền nhiễu những hành khách xung quanh. Nhất là, những câu hỏi. Những tiếng quở trách liên tục bắt ông Lang không thể, không trả lời. Rằng, “sao nhà này để bé khóc nhiều thế ? Sao, cha mẹ đâu, không biết dỗ con à ? Rằng, để bé khóc thế kia, đứt ruột chứ bỡn, hả. ” Rằng, “mẹ bé đâu ? Đồ nhẫn tâm. Kẻ phụ tình. Vô đạo.” Rằng, “tội tình chưa. Ai đời, để đàn ông, nuôi sao nổi con mọn, cơ chứ ?”

Ông Lang đau nhói từng khúc ruột. Ông đang đi giữa lời tỉa tói, giống như đi giữa mũi tên đang xuyên qua lồng ngực. Ông cúi xuống thơm lên đôi má non, bụ sữa của con mình. Hai hàng nước mắt cứ tuôn ra dàn dụa.

Sau một ngày, tàu cập bến phà Rừng. Đất Thủy Nguyên đây rồi. Ông Lang vội bế con lên tàu, nhằm lối mòn cuốc bộ. Đang lếch thếch bước từng bước mệt mỏi. Bỗng ông Lang dừng lại ngước lên. Có hai người, dường như cặp vợ chồng này đang tiến sát lại, vẻ ân cần. Người đàn ông đưa tay vỗ nhẹ lên vai đứa trẻ.

- Chào anh. Sao bé khóc dữ vậy ?

- Dạ…

- Anh là cha đứa bé này ư ?

- Dạ …

- Sao lại đi một mình ? Mẹ cháu bé đâu chứ ?

Nhìn đôi vợ chồng người lạ mặt đem lời sởi lởi. Dáng hiền lành, tốt bụng, lại có vẻ sang trọng, bậc kẻ cả, người trên. Sau lời qua lại, biết cặp vợ chồng người này ở Lập Lễ, cách không xa Phục Lễ quê mình. Ông Lang không ngần ngại kể hết sự tình, câu chuyện buồn về gia cảnh đời mình. Câu chuyện bộc bạch, chân thành làm vợ chồng người nọ cảm động. Người chồng nắm chặt tay ông Lang, còn bà vợ ẵm lấy đứa bé vừa vuốt ve vừa nựng. “Nào, “xương bé ”. “Xương bé”. Ôi, thương cho gái, bé bỏng…”

Không ngờ, cuộc hội ngộ giữa đường của cha con ông Lang và vợ chồng người Lập Lễ, xã bạn trở nên thân thiết. Đôi vợ chồng nọ kể cho ông Lang nghe về nỗi côi cút, cảnh vợ chồng ông mong chờ suốt cả thời xuân sắc nhưng chưa kiếm được mụn con. Rồi, ông ngỏ lời “Nếu được, vợ chồng ông sẽ xin phép, mang cháu bé về nuôi. Xin bé được làm con làm cái sau này.”

Giây phút bần thần, đến nước này, ông Lang không còn phương cách nào cứu vãn. Ông Lang vừa khóc, vừa lấy bút viết dòng “văn tự” rồi trao đứa con cho vợ chồng ông già.

Bên vệ đường, một chiều buồn vời vợi, khi vuông khăn gói đứa con bé bỏng vừa rời khỏi tay mình, ông Lang khóc rống lên. Ông đứng như cái cây héo rũ mà ai vừa trồng xuống. Giọng ông nhòa đi, đứt đoạn. “Ới, ông trời ơi. Ới con gái ơi. Ới, bé bỏng, tội nghiệp của bố ơi. Hãy tha thứ cho bố. Hãy cầu nguyện sự tốt lành cho giọt máu tội tình, mong manh trong kiếp người phù vân bèo bọt này … Nhưng, con gái ơi. Bố tin. Ngày mai. Ngày mai. Phúc nhà. Con được lạc vào tay bao dung, “tế độ” của ông bà Pháp Chiểu. Lạy Giời. Ông trời đã cho con rơi vào nơi, không ngờ, đáng “chọn mặt gửi vàng” như thế. Bố tin. Bố tin ở ngày mai …”

Gần bốn chục năm sau, trong nỗi niềm nhớ thương đau đáu, biết mình đã một lần mang tội. Rồi, để tránh sự phiền lòng với những gì sẽ bị sẻ chia, day dứt cho đứa con, cho nỗi niềm ông bà Pháp Chiểu, ông Lang luôn nén lòng, dấu mình, né mặt. Trong lặng thầm, trong dòng tin dò dẫm, cất dấu. Ông mang ơn cụ Chiểu. Ông biết. Ở nơi khuất xa kia, con gái ông đã nên người, đã yên bề gia thất, đã đề huề có gái, có trai.

Rồi, T.H, vợ ông, thuở nào, dẫu không bao giờ muốn một lần gặp mặt, nhưng ông hiểu. T.H đã đội chặt lên đầu nàng cái “vòng kim cô” của lễ giáo một thời phong kiến. Nàng không cưỡng được sức ép của cha mẹ, bậc sinh thành dưỡng dục. Nàng đã phụ bạc người chồng từng cùng nhau nguyện ước trăm năm. Nàng đã đang tâm cắt đứt tình mẫu tử, bỏ nhà ra đi, để đến với một người do mẹ cha nặng lời nguyền, đã cùng nhau bày đặt.

Hận tình. Đau đời. Ông Lang, chàng thanh niên ngoài hai mươi tuổi lầm lũi sống một mình cho đến ngày đầu tóc bạc phơ.

Tại căn nhà dựng gần mái trường Dốc Vọng, ba năm trời Đinh Trọng Đắc lạc đường ở lại với ông. Ông hợp tính cháu. Cháu ngoan, lại thông minh, chịu thương, chịu khó. Ông dạy Đắc học văn, học toán. Học ngoại ngữ. Dạy đường ăn lẽ ở trên đời. Hai ông cháu đùm bọc, thương nhau. Bao đêm nằm chung giường. Ông ôm ghì, thơm lên má cháu. Cháu hồn nhiên đi vào giấc ngủ, chân gác lên bụng, lên cả mặt người ông.

Trong mê cung câu chuyện của một già, một trẻ. Có lần, Đắc đã vuốt chòm râu bạc trắng của ông. Cậu làm nũng, bắt ông kể nhiều chuyện. Đắc hỏi. “Ông ơi. Vợ ông đâu ? Bà cháu ở đâu chứ. Ông hào hoa, đẹp, sống tốt bụng lại giỏi giang không chịu kém thua ai. Tại sao ông lại chịu cô đơn, sống bong bóng một mình ?...”

Buổi ấy, câu chuyện dài dặc, khó nói kia đã được ông kể hết ngọn ngành với đứa cháu thân yêu, bé bỏng. Rồi, bất chợt ông ôm chặt Đắc. Ông khóc như chưa bao giờ được khóc. Ông gắt yêu, trả lời câu hỏi, đứa cháu hỏi mình. “Ngốc nghếch ơi. Đắc thơ dại của ông ơi. Ta chính là ông cháu đây. Ta là bố đẻ ra cái Chỉ, con mẹ yêu thương nhất trên đời của thằng bé trai này. Ta là bố của đứa bé mới hai tháng tuổi đã phải cho đi, làm con nuôi cụ Pháp Chiểu, Láng Cáp. Trời ơi. Tất cả là ở ông trời. Ông trời bắt ông chịu lìa tan. Ông trời bắt ông mất vợ, mất con. Ông trời lại mang cháu về tận nơi này cho ông cháu ta có ngày hôm nay, buổi đoàn viên đẫm lệ…”

Ông già nói chưa hết câu, Đắc đã khóc nấc lên. Đắc ghì cổ ông, kéo áo ông. Đắc ôm lấy cột nhà khóc như mưa như gió. Ông già ôm lấy Đắc. Ông kéo cháu vào lòng. Hai ông cháu vùi đầu vào vai áo nhau. Những giọt lệ rơi đầm đìa trong đêm khuya vắng lặng.

VII

Chiều thu. Nắng vàng nhạt. Những cánh lá rời cành bay lả tả dọc đường. Đang cõng trên vai bó củi lao xuống dốc Vọng, Đắc dừng lại nghe cái gió se se lạnh, từ đâu thỉnh thoảng lạc về. Đắc giật mình, nghe tiếng gọi dồn dập :

- Đắc ơi. Đắc ơi. Bố mẹ ơi. Kìa. Em Đắc. Đúng rồi. Bố mẹ ơi. Em

Đắc nhà ta.

Đắc ngoảnh lại. Rất nhanh, Đắc nhận ra Ry. Chị gái Đắc cùng bố mẹ đang ngơ ngác phát hiện ra cái bóng cậu bé gùi trên lưng bó củi. Đắc co cẳng chạy. Mọi người cũng ùa rượt theo sau. “Đắc phải trốn. Phải chạy thật nhanh. Tại sao, chị và bố mẹ lại biết, Đắc ở đây nhỉ.”

Tiếng chị Ry khóc rống lên cùng bước chân phóng như bay đang bám sát người Đắc.

“Ối, em ơi. Đắc ơi. Chị đây. Bố mẹ đây. Bố mẹ đi tìm em mà. Đừng chạy. Đừng bỏ chị. Bố mẹ thương em mà. Đừng làm khổ chị. Đừng làm khổ bố mẹ nhiều nữa…”

Đắc vẫn chạy, cậu xô cửa vào nhà, vừa thở vừa nói không ra tiếng. Ông già giật mình nhìn Đắc, hỏi :

- Sao vậy cháu ? Chuyện gì xảy ra vậy.

Đắc hốt hoảng nói không ra tiếng :

- Ông ơi. Bố mẹ cháu. Chị gái cháu đang đến.

Thoáng ngỡ ngàng, giọng ông già bình tĩnh.

- Vậy ư ? Cháu ra mời mọi người vào đây.

Đắc chưa kịp hoàn hồn, nhìn thấy bố vẫn dáng nghiêm, quắc thước, Đắc chưa hết sợ. Nhưng, vừa quay gót chui ra khỏi hiên, mọi người đã ập tới trước cửa. Chị gái ôm choàng lấy Đắc. Rồi ông bố, bà mẹ, tất cả đều xô lại, ôm ghì Đắc lọt vào giữa vòng tay. Đắc nghẹt thở, ngỡ trôi trong tiếng khóc đang vỡ ra thành sông, thành biển.

Ông già đứng nhìn cảnh cha con bé Đắc, nước mắt ông cũng lặng lẽ ứa ra. Lúc lâu, ông già giục tất cả vào nhà. Mọi người thi nhau hỏi han, kẻ ngành, kể ngọn.

Thực tình, đã hơn hai năm rồi, cả nhà đi tìm Đắc. Bao nhiêu tin đi, tin lại. Những cuộc lận lội. Những lần nghe tin đồn dữ. Những cuộc nhầm lẫn, phiêu du. Ai dè, giữa đất này, từ tin kháo mong manh của người chạy chợ, bố mẹ Đắc lại tìm được đứa con trai bị mất bóng ngày nào.

Thật “Ơn trời. Phúc nhà còn lớn. Duyên cớ nào, Đắc lại được lạc vào “bàn tay chở che” của “cụ lớn” nơi đây ?”

Ông già ngồi nghe bố mẹ Đắc rút ruột giãi bày. Người ông như đang tái dần. Làn da trên mặt rung rung. Mắt ông bỗng mờ đi, chùng nặng.

“Ôi. Cái Chỉ. Mẹ đẻ thằng Đắc đây ư ? Đứa con gái hai tháng tuổi. Ngày nào, còn đỏ hỏn gói trong chiếc khăn vuông, ông bế từ Cẩm Phả xuống thuyền. Về đến Phà Rừng, ông đau lòng, phải gửi cho người khác. Ôi. Trời đất. Thoắt mà, ba tám năm có lẻ. T.H, vợ ông ngày nào ơi. Con gái ông ơi. Sao mà nó giống mẹ đến thế. Nét xinh đẹp, thanh thoát. Càng nhìn, nó càng giống. Một bản “photocopy T.H” trên đời.”

Mọi người đang trò chuyện, bỗng Ry, chị gái Đắc kêu lên. “Ôi. Sao mẹ cháu giống ông nhiều lắm. Kìa, đôi mắt. Miệng cười nữa. Rồi, bàn chân này này. Ông đẹp. Nom ông thông minh, phúc hậu quá.”

Nghe chị Ry phán, vẻ tự nhiên cảm thán, Đắc bỗng đứng bật dậy, nói như reo :

- Ôi. Cả nhà biết không ? Bố mẹ ơi - Đắc ôm chặt lấy ông già - Ông ngoại con đây. Ông đẻ ra mẹ đấy. Con đã biết tất cả mà. Ông đẻ ra mẹ đấy. Ôi. Vui quá. Vui quá.

Dường như đã chờ đợi và biết trước, rồi sẽ có ngày này, ông già bình tĩnh hơn. Ông nói trong nghẹn ngào, đứt đoạn :

- Các con ơi. Chỉ ơi. Con gái tội nghiệp của bố ơi. Hãy tha thứ cho bố. Tha thứ cho cả mẹ con nữa. Rồi, con sẽ dần hiểu. Gần bốn chục năm qua, bố đã mất con từ hai tháng tuổi. Bố đã không làm nổi phận sự của người cha sinh thành, bú mớm, nuôi con khôn lớn lên người. Phúc giời. Con được làm con, làm cái “cụ ông, cụ bà Pháp Chiểu” nhà ta. Ba mươi tám năm. Đời người. Thoáng chốc. Cha tội tình. Lầm lỗi. Cha không xứng là người được nắm cầm niềm vui hôm nay mà ông trời còn rủ lòng thương, giành tặng …

Ông già chưa dứt lời than thân trách phận, bà Chỉ, cô con gái ông già đã mừng mừng, tủi tủi, ôm lấy người bố, kêu khóc vang nhà. Rồi bố Đắc. Chị em Đắc, ai nấy, nước mắt đầm đìa trong ngày vui đoàn tụ.

Giống như nghìn ngày đi trong đêm tối, bỗng trước mặt mở ra khoang trời nắng hồng rực rỡ. Đêm ấy, cả nhà Đắc không ai ngủ được. Mọi người thức tới tận khuya. Lần đầu tiên trong đời, ngoại sáu mươi năm có mặt trên dương thế, hôm nay, người bố già này mới một lần được ngồi ngắm các con, các cháu của mình. Một lời gọi cha, gọi ông. Một bữa cơm quây quần, ấm cúng. Một gian nhà chật ních niềm hân hoan sau bao ngày hợp tan, ly biệt.

Ông Tá, bố Đắc kể lể sự tình, cúi lạy bốn phương trời đất. Dây cà dây muống mãi, buổi cuối cùng, chia tay người bố già, trở về Lập Lễ, ông Tá quay sang hỏi Đắc : “Bây giờ, con về quê hay ở lại với ông ?” Đắc cúi đầu thưa. “Ông già rồi. Con quý ông. Con thương ông. Bố mẹ cho phép con ở lại.”

Bên dốc Vọng, Quảng Yên, Đắc chung sống cùng ông ngoại yêu dấu của mình, một ông giáo già thầm lặng, thêm một mùa hoa đào nở.