Trang chủ » Viết về Trần Nhương

TRẦN NHƯƠNG NGƯỜI THƠ TẤT BẬT SỚM CHIỀU

Khúc Hồng Thiện
Thứ tư ngày 1 tháng 9 năm 2010 9:21 AM

TNc: Tạp chí Văn hóa quân sự số 59 ra tháng 7 năm 2010 dành hai trang viết về Trần Nhương tôi. Có thể nói là oách ra trò nhưng thực tình thì tôi không đến nỗi tất bật vì mình bố trí một lịch làm việc hợp lí để còn du hí đó đây. Khoe với các bạn bài viết này của nhà báo Khúc Hồng Thiện. 




Vẽ tranh, làm báo, làm thơ, và nuôi web... Bấy nhiêu thứ khiến cuộc sống của ông luôn tất bật. Dù đã rời xa quân ngũ nhưng những năm tháng khoác áo lính vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác và trong đời sống của Trần Nhương...
 

Vẫn là lính dù thôi mang quân phục
 

Sáng nào nhà thơ Trần Nhương cũng bắt đầu một ngày mới từ 5 giờ. Ông bật máy tính, vào mạng internet và bắt đầu lướt web, xem tin tức và chia sẻ với bạn bè bốn phương. 6 giờ 15, ông tản bộ cùng các cụ già trên hè phố Khương Đình (Hà Nội) – nơi ông đang ở hiện nay. Dưới mái tóc bồng bềnh phần lớn đã bạc trắng rủ xuống cặp kính khá to, ánh mắt vui vui, vẻ nhanh nhẹn bước đi thư thái, trông ông thanh thản đến lạ. Thế nhưng chỉ được khoảng nửa giờ vậy thôi, vì mấy tháng gần đây, ông nhận lời mời làm biên tập viên cho báo Người cao tuổi nên thường xuyên phải đến cơ quan từ 7 giờ sáng cho tới tối mới về. Đi làm về lại vào web, rồi viết, rồi vẽ, công việc luôn bận rộn nhưng đúng 11 giờ là ông đi ngủ. Ông tâm sự: Cái đồng hồ sinh học của mình đã quen với nếp nhà binh từ lâu rồi đến giờ vẫn vậy. Thấy ông tất bật, người ta tưởng ông vất vả, nhưng ông nói, ông thấy vui vì được làm việc. Cứ thế ông đi giữa cuộc đời mà chiêm nghiệm, suy tư.
Năm 1965, khi đang làm thầy giáo dạy Văn trường cấp 3 huyện Từ Liêm (Hà Nội), Trần Nhương nhập ngũ vào Cục Vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần. Trong thời gian này, ông đã có một số sáng tác thơ, rồi được đơn vị cử đi dự trại viết văn quân đội (1976-1977). Thời gian này thật ý nghĩa với ông, ở đây ông được gặp gỡ, chia sẻ tình yêu văn chương với bạn bè, được các nhà văn, nhà thơ đã thành danh hướng dẫn, truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu. Cái tên Trần Nhương bắt đầu ghi dấu ấn trên văn đàn với bài Thơ gửi con đoạt Giải Thơ báo Văn nghệ năm 1978. Năm sau ông được cử đi học Khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp Đại học Viết văn, năm 1983, ông về làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Từ năm 1987 đến năm 1993, ông giữ chức Trưởng phòng Biên tập sách văn nghệ.
Mười năm ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, ông cùng một số anh em đồng nghiệp phối hợp tổ chức biên tập, giới thiệu với bạn đọc cả nước nhiều cuốn sách của các tác giả Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Đặng Đình Loan,... Một số tác phẩm đã đoạt được những giải thưởng lớn như: giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Bộ Quốc phòng... Quãng thời gian trong quân ngũ cũng khiến ông đã « mặc định » cái chất lính trong suốt cuộc đời.

Người thơ vui với đời
 

Năm 1993, nhà thơ Trần Nhương chuyển ngành sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam với cương vị Phó giám đốc thường trực Quỹ Văn học. Sau đó ông chuyển sang làm Phó ban thường trực Ban quản lý dự án Bảo tàng văn học Việt Nam đến năm 2008 mới nghỉ hưu.
Có thể với người khác nghỉ hưu là dành thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhưng với Trần Nhương thì dường như ông còn bận rộn hơn lúc còn đương chức. Ông vẫn năng nổ tham gia các sự kiện văn nghệ, các hoạt động của Hội Nhà văn, gặp gỡ giao lưu với các bạn viết già và trẻ, vừa tham gia với vai trò người trong cuộc, ông vừa trong vai trò nhà báo đưa tin, chụp ảnh. Chính vì ông luôn được hoà mình trong guồng quay nghề nghiệp, và cũng vì thế mà anh em bạn viết coi ông như một « cổng thông tin điện tử » của mình, có những vui buồn thường tìm đến chia sẻ, giãi bày.
Trong lĩnh vực biên tập, Trần Nhương được nhiều bạn bè đồng nghiệp biết đến là một biên tập viên sắc sảo trong đánh giá tác phẩm. Trên các diễn đàn văn học nghệ thuật, cái tên Trần Nhương được nhiều người biết đến là một nhà thơ, họa sĩ có tài với nhiều tác phẩm thành công. Qua những gì ông viết, bạn đọc biết đến một Trần Nhương vui nhộn mà suy tư, hóm hỉnh mà nghĩ ngợi, nhẹ nhàng mà đau đáu với đời sống...
Nhà thơ Trần Nhương là vậy, lúc nào cũng nhanh nhẹn, cởi mở với tất cả những người muốn làm bạn với ông. Ai đó mới gặp ông dù là lần đầu sẽ có cảm giác gần gũi, thân quen như đã biết nhau rồi. Nhìn vẻ bề ngoài, nhiều người tưởng ông ham vui, và ông cũng đã từng thú nhận: Làm cho vui ấy mà. Nhưng tôi hiểu cái sự ham vui ấy không hề chỉ là « bề nổi », đằng sau những điều cho vui ấy là một tấm lòng, tấm lòng của người nghệ sĩ.
Box :
Tập thơ đầu tiên của Trần Nhương là Gương mặt tôi yêu (1980), từ đó đến nay đã hơn 30 năm, Trần Nhương đã sáng tác và công bố hơn 15 tập sách cả thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đó có nhiều tác phẩm được bạn đọc nhắc nhớ, ghi nhận. Đáng kể là truyện ngắn Hôm qua, hôm nay và con đường ấy (Giải truyện ngắn Văn nghệ quân đội năm 1981); tập thơ Bài thơ tình của lính (Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 1984 -1989) ; tiểu thuyết Bến đỗ đời anh (Giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Vĩnh Phú trước đây); tiểu thuyết Dòng sông không có đôi bờ (1998) và tập thơ Gió tháng ba vẫn thổi (2002) đều đoạt Giải thưởng Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; tập thơ Gió bát ngát đồng rừng (Giải thưởng Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2003),...
Tạp chí Văn hóa quân sự số 59 tháng 7-2010