Mở đầu bài viết này, chúng tôi xin nói đến hai sự kiện văn học diễn ra gần đây.
Sự kiện thứ nhất: Sáu giờ chiều, giờ Việt Nam, ngày 13-10-2016, khi Ủy ban Giải thưởng Nobel về văn học vừa công bố Bob Dylan đoạt giải, thì ngay sau đó đó bản tin này được loan đi trên các trang mạng toàn cầu, gây ra những phản ứng trái chiều trong giới sáng tác và học thuật. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, trên các tờ báo lớn ở phương Tây đã xuất hiện những bài bình luận về sự kiện gây tranh cãi này. Ở Việt Nam, phản ứng của dư luận cũng không chậm hơn là mấy. Từ sáng sớm ngày 14-10, đồng loạt các báo đưa tin, bài về giải thưởng và liên tiếp mấy ngày sau đó phản ánh sự phân hóa trong thái độ của giới trí thức sáng tạo. Những người phản đối bày tỏ sự thất vọng và bất bình sâu sắc, khi Bob Dylan, vốn đã được vinh danh trong các giải thưởng âm nhạc, thường chỉ nằm trong top 20 những ứng viên của giải Nobel, trong khi nhiều tên tuổi sáng giá khác trọn đời hiến dâng cho văn chương chuyên nghiệp phải mòn mỏi chờ đợi xướng tên từ năm này sang năm khác. Những người tán thành thì hoan nghênh một quyết định dũng cảm và hợp thời của Ủy ban Nobel, đã mở rộng hàm nghĩa của văn học, đưa văn học bước ra khỏi tháp ngà của chữ nghĩa, và liên hệ trường hợp Bob Dylan với hai người nhạc sĩ du ca Việt Nam nổi tiếng là Trịnh Công Sơn và Trần Tiến. Cả hai phái đó ở Việt Nam không chỉ thảo luận trên các mặt báo mà cả quanh bàn cà-phê và với tâm trạng khác nhau, cùng hồi hộp chờ đợi Bob Dylan lên tiếng sau thời gian im lặng khá lâu. Trong lúc đó, nhiều người kiên nhẫn và bình tâm đọc lại thơ và ca từ của Bob Dylan; đồng thời trong các hiệu sách những bản in cuối cùng của cuốn Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: như trăng và nguyệt?của John C. Schafer, qua bản dịch của Cao Thị Như Quỳnh, với lời giới thiệu của Cao Huy Thuần, cũng được bạn đọc tìm mua hết.
Sự kiện thứ hai xảy ra sáu tháng trước sự kiện thứ nhất. Tháng tư cùng năm 2016, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đoạt giải thưởng Pulitzer cho tiểu thuyết đầu tay The Sympathiser. Dù đánh giá tác phẩm này từ góc độ nào, những người Việt yêu văn học đều phải thừa nhận đây là một giải thưởng danh giá mà lần đầu tiên một nhà văn Việt Nam nhận được. Ngay sau khi giải thưởng được công bố, một cơ quan làm sách ở Hà Nội đã đặt mua tác quyền cuốn sách này để dịch ra tiếng Việt và xuất bản trong nước. Hiện không rõ dự án này tiến hành đến đâu và có gặp trở ngại gì về thủ tục hay không, nhưng đối với bạn đọc có quan tâm, việc tiếp cận văn bản Anh ngữ của tác phẩm này không phải là quá khó. Và những gì Nguyễn Thanh Việt phát biểu chung quanh tác phẩm ấy cũng như về văn học nói chung vẫn được giới chuyên môn chú ý theo dõi. Hy vọng về một giải thưởng Nobel về văn học dành cho người Việt Nam lâu nay tưởng chừng chỉ là ảo vọng, nay đã thấy một tín hiệu của tương lai, dù có lẽ là một tương lai còn xa lắm.
Chúng tôi nêu hai sự kiện trên như là những dấu hiệu đời sống văn học nước ta tiếp cận với thời đại toàn cầu hóa và không đứng ngoài dòng chảy của tiến trình văn học thế giới.
Nếu hiện đại hóa, công nghiệp hóa là một chọn lựa thì toàn cầu hóa không hẳn là một chọn lựa. Đúng hơn, nó là hệ quả tất yếu, một hệ quả không cưỡng được của hiện đại hóa. Nếu thời gian để cái máy in chữ kim loại phát minh ở phương Tây đến với nước ta phải tính hàng trăm năm, thì khoảng thời gian đó đối với cái máy vi tính chỉ không đầy mươi năm. Toàn cầu hóa về văn hóa không tách rời với toàn cầu hóa về kinh tế và thị trường, tuy có thể chậm hơn một vài nhịp. Nếu việc ký kết và thực thi công ước Berne dường như không ảnh hưởng tức thì đến thị trường sách báo, băng đĩa ở nước ta; thì việc tham gia các hiệp định thương mại tự do chi phối rõ rệt sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa Việt Nam, khi phải đối mặt với hàng hóa ngoại nhập và các hệ thống siêu thị nước ngoài trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá thành. Người Việt Nam đang chứng kiến: một mặt, thịt bò, thịt gà, bánh kẹo… nước ngoài dần dần chiếm lĩnh sân nhà; mặt khác, các mặt hàng giày da, may mặc ngày càng sút giảm thị phần xuất khẩu, con cá da trơn bị áp thuế chống phá giá, trái thanh long bị kiểm định chất lượng ngặt nghèo và những đoàn xe chở vải thiều ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn.
Những người làm văn học chúng ta nghe những chuyện nói trên tưởng chừng như một cái gì xa xôi, thậm chí tầm thường, nhưng kỳ thực, đều liên quan đến văn học. Cả dân tộc đang đối mặt với toàn cầu hóa và có thể nói toàn cầu hóa đang tác động đến số phận đất nước, cũng như số phận từng gia đình, từng con người. Những con đập ở đầu nguồn đang làm cạn kiệt dần sông Cửu Long, những nhà máy điện hạt nhân cố tình xây dựng áp sát biên giới nước ta, thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, những nhà máy khai thác khoáng sản như những quả bom treo lơ lửng trên cao nguyên… đều có “yếu tố nước ngoài”, là hậu quả từ mặt trái của toàn cầu hóa. Những xung đột chủng tộc và chủ nghĩa khủng bố bây giờ không giới hạn trong một châu lục nào, miền đất nào, mà có thể động đến mọi nơi.
Trong thế giới đang biến đổi với không ít hiểm họa đó, văn học có thể làm gì để bảo vệ dân tộc, bảo vệ con người và bảo vệ chính mình? Văn học chủ lưu của dân tộc cần thu hút phù sa và dưỡng khí từ đất trời của Tổ quốc. Tuy rất kính trọng nhà văn hóa Phạm Quỳnh, và cũng như mọi người Việt Nam, rất yêu tiếng Việt và Truyện Kiều, nhưng từ lâu tôi không tin rằng “Truyện Kiềucòn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn; có gì mà lo, có gì mà sợ…”. Không, sự còn mất của đất nước không phải chỉ liên quan đến địa hạt ngôn ngữ hay văn học, dù đây là những giá trị vô cùng quan trọng; mà còn là, và chủ yếu là, ở cương vực, lãnh thổ, ở chủ quyền dân tộc, những nền tảng hiện thực cho văn hóa phát triển. Nói “mất văn hóa mới là mất tất cả” có thể gieo rắc ảo tưởng rằng mất chủ quyền, mất lãnh thổ chưa phải là điều đáng sợ. Văn hóa suy đồi chắc chắc sẽ làm suy nhược tinh thần dân tộc, làm rã rời sức mạnh bảo vệ đất nước. Nhưng chủ quyền dân tộc, cương vực, lãnh thổ của Tổ quốc là giá trị vĩnh cửu, là thực thể bất khả nhượng; trong khi văn hóa thì vận động và biến đổi.
Ngày trước ông bà chúng ta đã từng lo âu, thậm chí hoảng hốt trước làn sóng hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Người thiếu nữ trong thơ Nguyễn Bính chỉ mới ra tỉnh có một ngày, mang về một chút đổi thay, đã khiến người trai làng khổ tâm, hờn dỗi. Ngày nay bao nhiêu người con gái bỏ làng đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… và mang về những đứa con hai giòng máu trước con mắt ngỡ ngàng của các chàng trai hàng ngày vùi đầu trên chiếu nhậu. Họ đã “mất bao nhiêu người tình” trong cuộc “toàn cầu hóa” dị thường này.
Tác động của toàn cầu hóa đối với gia đình Việt Nam không chỉ xuất hiện trên bề mặt như thế mà thôi. Trong âm thầm, một bộ phận tuổi trẻ đang bứt ra khỏi sợi dây liên kết về tinh thần và nới dần khoảng cách với các thế hệ trước không phải chỉ vì họ đi xa tìm kế mưu sinh, mà vì họ có blog, có facebook để kết nối với một thế giới khác do những quy luật giá trị khác điều chỉnh. Toàn cầu hóa đang biến không ít người trẻ trở thành những “người xa lạ”, theo nghĩa hoàn toàn trung tính - nghĩa là chưa định giá là tích cực hay tiêu cực, ngay trên quê hương mình. Không phải quá lời, khi có người nói một cách hình ảnh rằng toàn cầu hóa đang đi vào phòng riêng của từng gia đình.
Trước tình hình đó, chúng ta có nên hoảng hốt không? Có lẽ không nên, vì mấy lý do sau đây:
Một, sự hoảng hốt sẽ không đi đến đâu và không giải quyết được gì. Điều quan trọng là phải điềm tĩnh. Chúng ta không thể khước từ toàn cầu hóa, bởi trong thế giới liên lập ngày nay, không nước nào có thể đứng ngoài lề như đứng trên hoang đảo. Chúng ta chấp nhận toàn cầu hóa, nhưng chúng ta phải lựa chọn những khả năng và mục tiêu của toàn cầu hóa. Văn học và văn hóa góp phần định hướng cho sự chọn lựa này, vì chủ quyền của dân tộc và quyền con người, để phát huy phương diện nhân đạo của toàn cầu hóa và kiềm chế phương diện phi nhân của nó.
Hai, toàn cầu hóa là thử thách không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các dân tộc trên thế giới. Các tộc người, các tôn giáo, các nền văn minh đều đang bị giằng xé giữa hai chọn lựa: hòa nhập với thế giới hay co cụm lại và cố thủ trong những pháo đài để tự vệ? Đâu phải, so với các dân tộc khác, người Việt Nam không đủ năng lực giải quyết những vấn đề đặt ra cho đất nước mình. Đại đa số người Việt chúng ta không phải là những con đà điểu chui đầu vào cát, mà vẫn biết mở mắt và lắng nghe những động tĩnh của thời đại, để tìm cách ứng xử phù hợp nhất cho dân tộc mình.
Ba, sức tác động của toàn cầu hóa không phải là vô hạn. Toàn cầu hóa cũng có những vấn đề của nó và nó phải tự điều chỉnh trên con đường gập ghềnh của sự phát triển. Sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ, việc nước Anh rút ra khỏi Liên minh châu Âu, việc Donald Trump thắng cử tổng thống Hoa Kỳ và số phận TPP đang treo lơ lửng trước viễn cảnh phá sản là những dẫn chứng. Như một nghịch lý, những ai chưa quá hăng hái thì chưa phải là “những kẻ thua cuộc trong toàn cầu hóa”. Nhưng lịch sử thường khi cũng không có phần cho những kẻ chần chừ hay “chân trong chân ngoài” để sẵn sàng rút lui khi cần thiết.
Trở lại với đời sống văn học, mặc dù quá trình toàn cầu hóa ở Việt Nam chỉ mới ở bước khởi đầu, chúng ta cũng có chút ít kinh nghiệm.
Thứ nhất, về thành tựu sáng tác văn học thế giới, nửa đầu thế kỷ 20 hầu như không có nhà văn được giải thưởng Nobel nào được dịch ra tiếng Việt. Từ những năm 1960 ở miền Nam bắt đầu dịch Rabindranath Tagore, Anatole France, Thomas Mann, Pearl S. Buck, Hermann Hesse, André Gide, Ernest Hemingway, Albert Camus, Boris Pasternak, Jean-Paul Sartre, Ivo Andritch, John Steinbeck, Mikhail Sholokhov, Chmuel Yosef Agnon, Yasunari Kawabata, Samuel Beckett, Aleksander Solzhenitsyn, Heinrich Boll… Công việc này diễn ra với tốc độ nhanh hơn từ thời hội nhập và toàn cầu hóa. Chúng ta tiếp nhận khá nhanh nhạy những cái khác và cái mới so với kinh nghiệm thẩm mỹ của dân tộc, từ cả phương Tây lẫn phương Đông: Gabriel Garcia Marquez, Claude Simon, Naguib Mahfouz, Octavio Paz, Nadine Gordimer, Toni Morrison, Kenzaburo Oe, Wislawa Szymborska, Gunter Grass, Cao Hành Kiện, V. S. Naipaul, J. M. Coetzee, Elfriede Jelinek, Orhan Pamuk, Doris Lessing, Le Clézio, Mario Vargas Llosa, Alice Munro, Mạc Ngôn, Patrick Modiano, Svetlana Alexievich… Giải thưởng Nobel không phải lúc nào cũng công tâm, nó từng bị điều tiếng vì nhầm lẫn hay bỏ sót những thiên tài; nhưng dù sao đây vẫn là giải thưởng có uy tín lớn và được chờ đợi nhất trên thế giới.Tất nhiên, những nhà văn đoạt giải Nobel chỉ là một phần nhỏ của thành tựu văn học thế giới và tác phẩm của họ cũng chỉ là một phần nhỏ trong số tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt.
Về các khuynh hướng nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học thế giới, nếu trước đây phân tâm học, lý thuyết tiếp nhận, chủ nghĩa cấu trúc đi vào Việt Nam không ít vất vả, thì gần đây lý thuyết giải cấu trúc, phê bình hậu thực dân, phê bình sinh thái không phải chờ đợi quá lâu để được giới thiệu ở nước ta. Chỉ cần nhìn danh mục chuyên khảo của các giảng viên đại học và đề tài các luận văn, luận án cũng có thể ghi nhận phần nào mối quan tâm về học thuật trong trường đại học dưới tác động của toàn cầu hóa.
Thứ hai, là những người sản xuất trên lĩnh vực tinh thần, các nhà văn Việt Nam cũng chịu sự kiểm định của thị trường văn học như những người sản xuất nông sản hay thủy sản. Có điều, thước đo kiểm nghiệm ở đây là thị hiếu và sự thưởng thức của con người thời đại. Trong khi Truyện Kiều và thơ Hồ Xuân Hương vẫn chinh phục một lượng công chúng đương đại nước ngoài thì văn học hiện đại của ta lại không dễ gõ cửa tâm hồn của họ. Được đón nhận ở nước ngoài hiện nay chủ yếu không phải là tác phẩm của Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu… mà là của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… Ngay những nhà văn ở hải ngoại tiếp cận rộng rãi với công chúng nước sở tại không phải là Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mộng Giác… mà là Linda Lê, Nam Lê, Monique Trương, Nguyễn Thanh Việt… Sự đón nhận đó chắc không phải vì lý do chính trị thuần túy, mà hẳn còn nhiểu lý do khác nữa, cần được tìm hiểu khách quan, cặn kẽ.
Thứ ba, theo thiển ý, tình trạng nói trên có nguyên do từ cảm quan nghệ thuật của nhà văn và tâm lý tiếp nhận của bạn đọc, đồng thời cũng có nguyên do từ ngôn ngữ chuyển tải. Hãy thử xem xét hiện tượng này: trước 1975, ở miền Nam bạn đọc tiếp nhận và yêu thích văn học Nga đâu phải nhờ con đường dịch thuật trực tiếp từ tiếng Nga mà qua trung gian của tiếng Pháp, tiếng Anh. Còn sau 1975, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga và phát hành hàng chục ngàn bản, vậy mà đây vẫn không phải là chiếc cầu để văn học Việt Nam đi ra thế giới. Một hiện tượng khác: chúng ta đã dịch ra tiếng Việt rất nhiều tác phẩm cổ điển và hiện đại Trung Quốc, cả văn học tinh hoa lẫn văn học đại chúng, vậy mà kết quả ở chiều ngược lại thật là nhỏ bé. Tình trạng “nhập siêu” quá lớn trong giao lưu văn học này tương ứng với nhập siêu trong thương mại mà nước ta phải chịu đựng. Phải chăng ở đây không chỉ có sự chi phối của thị trường mà có cả sự “điều tiết” của chính sách?
Những dữ kiện trên đây có thể giúp ta cân nhắc, xem xét để đi đến những chọn lựa trong giao lưu văn học thời toàn cầu hóa. Như người ta thường nói, khi tham gia một cuộc chơi lớn, hoặc ta phải chấp nhận luật chơi của nó, hoặc ta áp đặt luật chơi của ta. Với lực và thế của nước ta, khả năng thứ hai chỉ là chuyện viển vông. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta chấp nhận vô điều kiện luật chơi của người khác. Bởi văn học mãi mãi vẫn là tiếng nói phản ứng của lương tri trước mọi lạm dụng và cưỡng ép. José Saramago, nhà văn Bồ Đào Nha được giải thưởng Nobel năm 1998, là người phản đối, đôi khi hơi cực đoan, những định chế của toàn cầu hóa gò ép nhân loại vào những khuôn khổ. Điều thú vị là chính nhờ toàn cầu hóa, trong đó giải Nobel cũng là một định chế, mà tác phẩm của ông, “mới gọi được cánh cửa trái tim của những người cùng thời” như ông từng ao ước.
Nguồn: nico-paris