LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu với độc giả bài luận của một học sinh người Việt gửi cho Đại học Chicago (Mỹ) khi nộp đơn vào đại học.
Năm 2017 này, tôi - một cô bé 17 tuổi (theo cách tính của Mỹ, chỉ tính tuổi khi đến đủ ngày sinh), từ Việt Nam sang Mỹ học, biết được rất nhiều đề bài viết luận vô cùng thú vị, khi nộp đơn vào đại học Mỹ.
Mỗi đại học đều có những câu hỏi, những yêu cầu riêng biệt mà qua những đề bài của họ, tôi cảm nhận được những đa dạng nhiều sắc màu trong hệ thống đại học ở Mỹ.
Hãy cứ hình dung như bánh “chín tầng mây” của Việt Nam mình vậy, mỗi trường mỗi màu, mỗi trường mỗi vẻ, mỗi mùi vị thơm ngon!
Trong số bài viết năm nay tôi đã gửi đi, tôi yêu thích nhất bài viết tôi gửi cho Đại học Chicago nơi bác Ngô Bảo Châu đang dạy Toán, nhưng quan trọng hơn thế, đây là nơi có một nhà triết học về giáo dục xuất sắc nhất nước Mỹ -John Dewey [1], người mà mẹ tôi luôn coi là lý tưởng để học theo.
Đại học Chicago là nơi có trường học thực nghiệm về giáo dục mà Dewey gây dựng từ đầu thế kỷ 20, để viết nên những cuốn sách nổi tiếng như "Giáo dục và Dân chủ", "Chúng ta nghĩ như thế nào"… nhưng ông có câu nói hay nhất mà mẹ tôi luôn nhắc “Giáo dục là cuộc sống”.
Tuy nhiên, bài viết này của tôi không có ý nói về giáo dục, về Dewey hay Đại học Chicago, mà tôi muốn kể cho các bạn về chủ đề mà Đại học Chicago yêu cầu tôi viết và bài tôi đã viết, mặc dù khả năng tôi được nhận vào Đại học Chicago có lẽ còn khó hơn việc tôi có thể đi vào vũ trụ!
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích.
Đề bài của Đại học Chicago (đã được Việt hóa):
Ở Mỹ, giáo viên có dạy thêm không?
Mỗi một ngôn ngữ đều có những nét đẹp riêng của nó.
Với tinh thần khám phá, hãy lý giải tại sao có những từ ngữ lại không nên và không thể dịch sang ngôn ngữ khác, mà nên giữ nguyên “bản gốc” ngôn ngữ.
Hãy sáng tạo, hãy là chính mình, hãy có tư duy “phá cách” để giải thích điều này và luôn nhớ rằng, các em hoàn toàn có thể viết dưới bất kỳ hình thức nào, nhớ hài hước và hãy là nhà “suy tư” của Đại học Chicago trong tương lai!
Tóm tắt bài viết của tôi:
Khi tôi đến Mỹ, tôi luôn nhớ khắc khoải điều gì nhất, đố các bạn đấy? Đó không phải là bạn bè, không phải là trường cũ, mà lại là các món ăn thuần Việt.
Có lẽ ai đó sẽ cười vì nghĩ, trời ơi, sang đến Mỹ còn thèm đồ ăn Việt. Nhưng tôi có thể cá 1 ăn 10 với bất kỳ bạn nào đã từ Việt Nam sang Mỹ học, là đồ ăn Việt Nam (thuần Việt) sẽ là điều thứ nhất hầu hết chúng ta sẽ nhớ đến.
Bánh mì Việt. Ảnh: Baomoi.com.
Xin đừng quan trọng hóa đồ ăn với tinh thần gì đó nhé, vì thực tế, đơn giản lắm, tôi thích ăn ngon, và mọi sự ngon lành đều tạo nên cảm xúc hạnh phúc, đúng không các bạn?
Trong số các món ăn Việt ở Mỹ, có vô vàn các món đã và vẫn giữ được các từ gốc Việt, ví dụ như “Phở”, “Cà Phê”, ‘Bún Chả”… ở bất kỳ quán nào do người Việt, đứng quán.
Theo tôi đọc về lịch sử người Mỹ gốc Việt, nhờ có các quán ăn Việt, chúng ta, đúng, dân Việt chúng ta đã đứng được trên đất Mỹ và chỉ sau một vài thế hệ, đã được đi học, được đi làm và thậm chí, tham gia vào chính quyền Mỹ.
Cảm ơn nước Mỹ đã rộng lượng với người Việt, và theo tôi, cũng rất đúng tinh thần Mỹ, Mỹ là “lẩu thập cẩm” (melting-pot) thì dân Việt mình hợp là rất đúng, vì đều cùng thích ăn cả, dù là món ăn thuần Việt hay món lẩu thập cẩm, người Việt mình đều làm rất ngon.
Tuy nhiên, theo tôi suy nghĩ, điều tôi thích nhất ở Mỹ không chỉ là món Phở của Việt Nam được giữ nguyên tên, mà tôi lại lựa món Bánh mì Việt.
Lý do rất “nhỏ nhen”, là ở khu chỗ tôi ở, bánh mì Pháp được viết trên kệ bán là “French baguette”, nhưng Bánh mì Việt lại được viết nguyên chữ Việt!
Tôi thích thế lắm, nhất là khi hội bạn Mỹ phải cong lưỡi lên đọc mà vẫn sai toét!
Cựu Tổng thống Mỹ Obama ăn bánh mì vào bữa trưa. [2]
Lý do tại sao lại nên giữ chữ “Bánh mì Việt” chứ không phải là “Vietnamese bread” (theo cách viết tiếng Anh) hay “Vietnamese baguette” (theo tên tiếng Pháp của bánh mì, mặc dù Việt Nam đã từng một thời là “thuộc địa” của Pháp), theo tôi nghĩ, đơn giản lắm.
Người Mỹ thích sự đa dạng, và nếu chúng ta đã là Hợp chủng quốc (United States of America), tại sao chúng ta lại không thể duy trì tính đa dạng và độc đáo của các món ăn mà người dân “thập cẩm” của chúng ta mang đến Mỹ?
Nước Mỹ vĩ đại, bởi chính sức mạnh đa dạng của mình, như những nhà sáng lập, những người cha của nước Mỹ mong ước.
Chúng ta có bánh mỳ Mỹ (bread), nhưng chúng ta cũng có cả French baguette, và nay, Bánh mì Việt.
Đây là một minh chứng giản dị nhưng vĩ đại về tính đa dạng của con người, về văn hóa, về ẩm thực Mỹ mà cái bản thể gốc (authenticity) luôn được coi trọng.
Tôi thích chữ BÁNH MÌ VIỆT vì tôi thấy nó giống như một tuyên ngôn, một lối sống Mỹ là mọi người hiện đang tuân thủ, “Hãy là chính bạn” (“Be yourself”)!
Thêm nữa, nếu bạn là người Mỹ hay là người du lịch đến Mỹ, bạn sẽ yêu nước Mỹ nhiều hơn, không chỉ vì Mỹ có quá nhiều phong cảnh thiên nhiên với những công viên quốc gia nổi tiếng, mà bởi chính sự đa dạng trong các món ăn mà bạn lựa chọn, trong đó có món ăn của Việt Nam, một thiên đường mới về thức ăn đường phố ở châu Á [3].
Còn gì thú hơn việc đi chơi đâu đó trên đất Mỹ và được ăn Bánh mì Việt, đúng kiểu Việt?
Với tôi, từng khâu chuẩn bị một Bánh mì Việt ở Mỹ đều gợi nhớ đến tuổi thơ, khi chạy vội đến trường, vừa đi vừa ăn bánh mì nhét vội chút thịt nướng, pate, dưa chuột, và đặc biệt, ở Sài Gòn có thêm rau thơm và dưa chua.
Trời, những ngày gió rét mà có mấy cái bánh như vậy, chắc tôi cũng ăn hết!
Nỗi nhớ món bánh mì Việt, có lẽ vì tôi còn nhớ đến bác Ba, bác bán bánh mì đầu xóm tôi mà mỗi sáng, bác đều hỏi thăm tôi: “Đi học hả con? Nhớ học giỏi nha”.
Bác Ba có mấy anh chị đều học giỏi và ngoan. Chỉ với mỗi xe đẩy bán bánh mì hàng sáng, bác nuôi hết mấy anh chị đi học thành người ở đất Sài Gòn này…
Mẹ tôi thương và phục bác lắm. Mặc dù luôn tiết kiệm các khoản chi tiêu, nhưng sáng sáng đi chợ, lúc nào mẹ cũng ghé mua bánh mì cho bác Ba.
Mẹ bảo tôi rằng: “Con đi đâu, về đâu, những người như bác Ba vẫn là người thân của mình. Mình mua cho bác, để đỡ bác phần nào. Bác bán hết sớm, bác về nghỉ sớm.
Bác bán được hết bánh, bác có tiền nuôi mấy anh chị, thế là mình vừa được ăn ngon đồ bác làm, bác lại vừa nuôi được con ăn học”.
Bánh mì Việt, đâu chỉ là bánh mì nhỉ? Với tôi, đó là hình ảnh của các mẹ, các chị ngày đêm tần tảo nuôi con sớm hôm… Là con người Việt Nam, có ai quên được hình ảnh mẹ mình, chị mình đâu?
Khi nhìn thấy quảng cáo của Bánh mì Việt ở khu tôi ở, và rồi cả một số quảng cáo ở những shop bán hàng tự động, tôi mừng lắm, mừng như lại được nhìn thấy mẹ tôi, chị tôi, bác Ba tôi, giờ này đang ở Mỹ rồi!
Tôi lại tự hỏi mình, liệu Bánh mì Việt ở Mỹ có phải do người Việt mình làm không?
Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay
Có lẽ suy nghĩ này thật ích kỷ, vì chưa gì tôi đã lại nghĩ đến người Việt, đồ ăn Việt…
Hãy thứ lỗi cho tôi, những người con nước Mỹ tốt bụng!
Không phải là tôi muốn cái gì cũng Việt đâu, mà bởi vì, đồ ăn chính là linh hồn dân tộc, là văn hóa ẩn chứa trong mỗi cách làm nên một món ăn.
Bạn có thể ăn một món Phở, một món Bánh mì Việt mà công thức làm có thể thấy ở bất kỳ đâu trên mạng internet.
Nhưng đó cũng vẫn không phải là Phở Việt, không phải là Bánh mì Việt thuần 100%, nếu không phải do người Việt làm.
Điều này thật khó lý giải, nhưng đó là sự thật. Nó giống như một câu trả lời mà tôi tự nhiên buột ra khi được hỏi tại sao sang Mỹ học “Tôi yêu Việt Nam, và chính vì thế, tôi yêu nước Mỹ, tinh thần Mỹ. Tôi muốn học để mong sao có thể mang giáo dục Mỹ về với người Việt”.
Có khác gì đâu, nếu có ai đó mang Bánh mì Việt đến với người Mỹ các bạn nhỉ?
Hãy yêu nước Mỹ và hãy ăn Bánh mì Việt, các bạn nhé. Bon appetit (Chúc ăn ngon – Tiếng Pháp)!
Tài liệu tham khảo:
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/John_Dewey#Publications
[2] http://goldbrandvn.com/index.php/banh-mi-viet-khuay-dao-am-thuc-duong-pho-the-gioi/
[3] http://www.baomoi.com/bao-my-goi-y-20-mon-an-nhat-dinh-phai-thu-khi-toi-viet-nam/c/18122676.epi
Jenna An