Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ, NHƯ LỊCH SỬ TÂM HỒN NGƯỜI VIỆT NGOÀI NƯỚC

Bùi Vĩnh Phúc
Thứ ba ngày 21 tháng 3 năm 2017 8:29 AM





(Về Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại)


Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại là một tuyển tập đáng quý. Đây là một đóng góp tốt đẹp trong việc tìm hiểu tâm tình và tiếng nói của tập thể người Việt sống lưu vong, xa xứ. Nó giúp cho việc nhìn rõ khuôn mặt, vóc dáng và tâm hồn của cái dòng sống lưu lãng pha với rất nhiều khổ đau, chua xót, cùng với chút hồi quang của hạnh phúc mà những con người xa quê hương kia có thể tìm thấy trong cuộc sống lưu xứ của mình. Với sự góp mặt của trên 50 nhà thơ ngoài nước, ở một mức độ nào đó, nó cho thấy tâm tình, tâm thế, tâm cảnh và tâm thức của những người làm thơ ở hải ngoại. Với những tiếng nói, những thể nghiệm và thử nghiệm của họ trên những vùng đất mới.

Dòng thơ Việt hải ngoại, dù đâm chồi nẩy lộc, dù đơm hoa kết trái trên những cương vực bên ngoài đất nước, đã hút dưỡng chất từ nguồn cội quê hương, từ những hình ảnh, ký ức quê nhà để làm nên một nguồn mật mới. Chính cái năng lực mới này, cộng với sức vươn dậy mãnh liệt để không những tồn tại mà còn ghi lại được những dấu ấn của đời sống mình trên những vùng đất mới, đã làm nên tiếng nói của những nhà thơ Việt sống bên ngoài quê hương. Quê hương như là một ngôn ngữ, cho dù là một ngôn ngữ bao hàm trong mình những chấn thương mà lịch sử, thời đại và sự bất dung của định mệnh đã ghi hằn trong tiếng nói nó, đã được tìm lại.

Ngoài ra, dòng thơ ấy cũng đang thể nghiệm những tiếng nói mới, phản ánh kinh nghiệm của những nhà thơ cùng cái nhìn của họ trên những con đường đi tới.

Luận văn “Con Đường Thơ Bốn Mươi Năm” của Nguyễn Đức Tùng để giới thiệu dòng thơ Việt ngoài nước, cùng các nhà thơ Việt góp mặt trong tuyển tập, đã là một nỗ lực thật đáng quý. Nó có cái cố gắng từ một nhà lập bản đồ hải hành, chỉ ra những con sóng lớn, những vũng nước yên, và những hải đảo lơ thơ, với một số kỳ hoa dị thảo trên đó. Nó cho ta thấy được trời, mây, nắng mưa, gió bão, những chớp giật và sấm động, những cánh chim, hoa lá, và đất đai thổ nhưỡng, những nơi tạm trú cho những trái tim lưu vong.

Nó cho thấy được tấm lòng hoài hương của những người con xa xứ.

Nhà văn Nguyễn Đức Tùng

Luận văn của tác giả vẽ ra được nỗi hoài nhớ quê nhà của các nhà thơ Việt trong một ngôn ngữ mới, với thi pháp lạ, ôm giữ trong mình những phức tạp của thế giới ngoài kia, của các dòng thơ, thể thơ đương đại, với những ẩn dụ, những thủ pháp, đem lại cho con người sự hạnh phúc thẩm mỹ khi tiếp cận.

Trong phần cuối của tiểu luận giới thiệu tuyển tập, nhóm chủ trương thực hiện đã xác quyết:

(…) Thơ ca là một nghệ thuật có khả năng nhắc nhở chúng ta về sự tạm thời và vĩnh viễn. Tạm thời của số phận con người, của một giai đoạn lịch sử mấy mươi năm, nhưng vĩnh viễn của dân tộc, của những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc ấy. Mặc dù người làm thơ hình như ngày càng cô độc, việc tái xây dựng hình ảnh một đất nước tự do, vinh danh những hy sinh của người đi trước, ghi nhớ những đổ vỡ mất mát, giải thích những thất bại và đau khổ, lên tiếng về nỗi bi phẫn và hóa giải hận thù, kêu gọi sự hiểu biết và tin cậy, cùng nhau đi tới: những điều ấy chúng tôi tin rằng, thơ ca phần nào có thể làm được.

Tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, do ba nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, Hoàng Hưng và Ý Nhi chủ trương, là một nỗ lực tốt đẹp để ghi nhớ lại lịch sử tâm hồn của người Việt bên ngoài đất nước. Qua Thơ. Hơn tất cả những gì được ghi lại một cách chính thống, nhưng không đi thẳng từ trái tim những con người lưu xứ mà qua những phân tích, thống kê có vẻ khô cứng hơn, về người Việt ngoài nước, cái lịch sử này trung thực hơn nhiều. Nó chính là tiếng đập từ trái tim, thiết tha, sôi nổi và hạnh phúc, pha với những chấn thương, đau xót và mất mát, riêng và chung, của những con người xa quê.