Là người mang hồn thơ đa tình, lãng mạn và nhạy cảm, nhà thơ Hoàng Cầm (1921- 2010) đã biết yêu, biết làm thơ tình từ rất sớm và suốt cả cuộc đời cầm bút của mình. Ông tự bạch,Trời “bắt tội yêu” ngay từ tuổi thiếu niên lên 8, lên 10. Dĩ nhiên, cũng nhờ sự táo gan, dám yêu một chị hơn gấp đôi tuổi mình, nhờ có chuyện tình con trẻ thơ ngây ấy, mà có Lá Diêu bông và Cây Tam cúc, là hai tuyệt phẩm thơ tình. .Không những thế, Trời lại “bắt tội” ông, còn yêu đến…quá muộn, khi đã U80. Rồi cũng nhờ mối tình già mà có thêm Rót tràn biển có, viết vào dịp Tết- Xuân Kỉ Mão-1999.
Chuyện rằng: vào thời điểm đó, trong hoàn cảnh sống độc thân cô đơn, thi sĩ đã đem lòng yêu một góa phụ U40, gái một con, trẻ trung, xinh đẹp, mặn mà lắm. Nàng ở dòng nữ lưu “mai cốt cách tuyết tinh thần”, vốn yêu thơ và rất hâm mộ thơ ông. Ông viết bức thư tình dài 8 trang, ngỏ lời “yêu em, xin em làm vợ”, và hi vọng, nếu em bằng lòng thì đây sẽ là cuộc hôn nhân đẹp nhất trong đời mình. Nhưng Trời vốn chẳng chiều người, nàng đã từ chối, “quyết rằng không”…Thế là “chàng trai cao tuổi” Hoàng Cầm một thời hào hoa phong nhã, trải qua hàng chục mối tình, “mà hầu hết là chị em tự nguyện đến, rồi mình đồng ý luôn”, thì nay phải nếm mùi thất tình cay đắng. Nhưng sau cú sốc tâm lí, ông liền viết bài thơ này để tặng nàng:
RÓT TRÀN BIỂN CÓ
Hoàng Cầm
Em đã quyết rằng không
Rằm này trăng không mọc
Nhà em không lên nóc
Chồng chết em không khóc
Người yêu bỏ không buồn
Hoa hồng em không vườn
Mưa em không ướt tóc
Truyện Kiều em không đọc
Mùa em không gió lốc
Buồng em không cô độc
*
Em đã quyết rằng không
Ai hiến dâng không nhận
Ai van nài không bận
Ai thờ ơ không cần
Cuộc sống có một lần
Mà em không thấy có
Không có ai nhìn đó
Lại có người không trông
Có cuộc đời không có
Có kiếp người như không
*
Em rót tràn biển có
Hòa tan trời thẳm không
Có gối chăn động phòng
Có tháng ngày cô tịch
Cái em có vô cùng
Đến cái không vô tận
Nhiều khi em tha thẩn
Biết gì đâu có không
Xuân Kỷ Mão- 1999
Khi viết Rót tràn biển có, tác giả chỉ hướng tới một đối tượng duy nhất và tin là người mình yêu, dù không yêu mình, nhưng là “đồng thanh tương ứng”, đủ lòng bao dung và trình độ để thẩm thơ và…yêu thơ. Bài thơ có sự kết hợp giữa thơ siêu thực phương Tây với thể thơ 5 tiếng của dân tộc. Chỉ khuôn lại trong 3 khổ, với 28 dòng, 140 chữ mà các biện pháp tu từ được dồn đến dày đặc, nhất là phép nghịch dị và lạ hóa ngôn từ. Các chi tiết, hình ảnh thơ cứ rời rạc, xa lạ, có khi đối lập nhau, tưởng chừng không có tính nhất quán hình tượng như thơ truyền thống. Nhiều cái lạ tạo nên cách mã hóa thơ khó hiểu và nếu chưa quen loại thơ này, có thể cho là phản cảm đến là… quái gỡ.
“Sự tích” và nhan đề là chìa khóa để ta đi vào thế giới nghệ thuật bài thơ. Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất bên trong ở người đẹp, tạo nên cốt cách “mỗi người mỗi vẻ” mới là điều cần khám phá, cần thử nghiệm. Với “ em”, ấy là sự giáu có, theo cách sống của em, mà “anh”đây đồng cảm, tán dương. Em sở hữu cho mình cả một “biển có”. Hình tượng hóa tạo nên một ẩn dụ có tính thậm xưng nói lên tất cả. Những hình ảnh, sự việc được kết nối giăng mắc, sản phẩm tư duy thơ siêu thực, mang tính trực cảm, cảm tính, nó ở biên độ giữa thực và ảo, giữa mộng- mơ và tỉnh thức, giữa vô thức và tiềm thức…không có kiểm soát của lí trí và tư duy lí tính. Nhớ về em, nghĩ về em trong miên man hằng đêm khi chập chờn giấc ngủ, khi canh khuya tỉnh giấc, em cứ hiện về…Cách lạ hóa ngôn từ bằng nghịch lí, bằng cách nói ngược như ghim vào tâm khảm… Em đâu phải gỗ đá mà “người yêu bỏ không buồn”, “chồng chết em không khóc”; em đâu phải siêu nhân mà mưa “không ướt tóc”…Cũng như ca dao: “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình…”. Không phải là lời từ hôn, mà bởi thiết tha yêu, thiết tha “ ta lấy mình”, “ mình lấy ta” lắm đấy.
Ở cõi nhân gian, suy cho cùng, ai cũng sống trong mấy giềng mối quan hệ này: với tự nhiên, với xã hội và với chính mình. Được- mất, vui- buồn, sướng- khổ…đều chi phối bởi cái lẽ huyền vi đó của luật Vô thường, có- không, không- có. Em biết coi tất cả là sự có cho mình. Câu đầu điêp lại, mở đầu cho khổ II “Em đã quyết rằng không”, khẳng định mạnh mẽ theo nghệ thuật đòn bẫy: quyết không mà lại có. Tất cả những sự “không” ấy tụ lại một sự “không” bao trùm : “Buồng em không cô độc”. “Không” này lại là “có”, có caí lớn hơn. Âý là em không tách biệt một mình lẻ loi, em luôn ấm áp giữa tình thương yêu. Chữ “Buồng em” có lẽ cũng như “buồng lạ” trong câu “Đầy buồng lạ mầu thâu đêm” của Nguyễn Trãi ở bài Cây chuối, mà người ta cho là buồng của mĩ nhân, buồng hạnh phúc đó chăng?
Đã vậy, có khi có lại là không. Em có người « hiến dâng », có người « van nài », lại có kẻ « thờ ơ »…Để rồi “Có cuộc đời không có/ Có kiếp người như không”. Hình ảnh thơ mang tính tượng trưng; Rằm trăng mọc, nhà lên nóc, mùa gió lốc là quy luật của tự nhiên; chồng chết là đại bất hạnh, do Trời « hành » ; hoa hồng, truyện Kiều là hương hoa tâm hồn; kẻ thờ ơ đến không ai nhìn, không ai trông… là thái độ, miệng lưỡi thị phi của thế gian… Em thuận theo mọi sắp đặt của lẽ Trời. Em chấp nhận mọi hệ lụy của nhân thế. Cuộc đời có khi là hạnh phúc ấm êm,với hương vị phồn thực « có gối chăn động phòng », nhưng cũng có thể quạnh hiu, lạnh lẽo của những « tháng ngày cô tịch ». Nếu bằng duy lí sẽ thấy khác, nhưng dưới góc nhìn duy cảm, em tự thấy cái mình có trong cái không, rồi ngày mỗi ngày « Em rót tràn biển có”. Tiểu vũ trụ hòa chung vàò « trời thẳm không », vào đại vũ trụ, không đường viền giới hạn : « Cái em có vô cùng/ Đến cái không vô tận »...
Người đàn bà hư ảo ấy chẳng tham vọng cao xa, không ồn ào khuếch trương tăm tiếng, không bươn bả lợi danh, với sức tự đề kháng, vượt lên cảnh ngộ, nàng cứ thong thả, nhởn nhơ đi giữa cuộc đờì, hưởng tất cả những gì mà « biển có » đã dâng tràn; chẳng phải là không biết mà không cần biết : « Nhiều khi em tha thẩn/ Biết gì đâu có không ». Như con trẻ chơi hát đồng dao vậy : « Tập tầm vông/ tay không tay có……Có có, không không ».Và cũng chỉ con trẻ mới được “ quyền” một mình lặng lẽ, vô tư, dạo chơi “ tha thẩn”…
Các đấng cao minh dạy chúng ta rằng: sướng- khổ tại tâm. Em cứ an nhiên tự tại mà sống yên bình, vui vẻ theo cách của riêng mình. Là người đẹp, hơn ai hết, em có cách sống đẹp, theo dòng chảy tự nhiên, để vượt lên lối sống của “thói nữ nhi thường tình”, của thói bầy đàn “đã bao lần tôi không thực là tôi” mà dám là chính mình, sống vì mình, sống cho mình, đầy bản lĩnh, cũng chẳng hề phương hại đến ai. Phải chăng, đây là một quan niệm thẩm mĩ mới về con người, về cuộc sống, về tình yêu? Người thơ đã từ trải nghiệm, chiêm nghiệm và suy ngẫm từ nỗi đời để hiểu và cảm về “ em”, về nhân vật trữ tình- “nàng thơ” mà mình đã say đắm yêu mê. Suốt bài thơ chỉ thấy “em”, nhưng “anh” dù ẩn đi vẫn diện trình ra tất cả. Chỉ có tình yêu thiết tha, chân thành, anh mới biết về em, hiểu về em, cảm về em như một đối tượng thẩm mĩ đến thế. Hình ảnh em luôn hiện về trong trái tim anh, ám ảnh thiết tha thương nhớ đến trọn đời. Một tình yêu đích thực không hề “gửi nhầm địa chỉ”, dù không được đáp tình. Anh đã có cho mình một tình yêu đơn phương đẹp, xứng đáng và nên thơ! Cũng như em, anh đã “rót trản biển có” cho mình.
Thơ tình viết ra để tặng nàng khi đã biết rằng, nàng đã không thể yêu mình, thật là khó. Thay vì buồn chán, thất vọng hay tự an ủỉ như chú cáo trong truyện ngụ ngôn chê chùm nho trên cao “xanh quá” để mà quên đi cho khỏi bận tậm, thì Hoàng Cầm đã đứng ở tầm cao phẩm cách quân tử, lấy “cặp mắt non xanh của tình yêu” để tìm ra những nét đẹp cao sang, tỏ lòng cảm thông và ngợi ca người đẹp vừa xát muối vào trái tim mình. Đấy là thử thách mà Hoàng Cầm, ông hoàng thơ tình thứ hai sau Xuân Diệu đã vượt qua ngoạn mục. Ông không có được tình yêu nhưng ông có được tình bạn tri kỉ tri âm, son sắt vững bền. Người yêu ấy của ông suốt gần 20 năm qua vẫn trân trọng giữ gìn bức thư tình và bài thơ như một vật báu kỉ niệm thiêng liêng. Lại nhận ra, ngoài cho riêng mình, bài thơ còn có ý nghĩa chung. Giờ đây độ lùi thời gian cho phép, chị nhờ người viết bài này giới thiệu, “ trình chánh” tuyệt phẩm thơ tình RÓT TRÀN BIỂN CÓ “trước làng thơ”, để mọi người cùng thưởng thức.
Phạm Văn Chữ
phamvanchu@gmail.com
ĐT: 0915807028