Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐEM THƠ THẾ CHẤP VAY VÀNG

Tân Thanh
Thứ tư ngày 15 tháng 2 năm 2017 2:00 PM



Đại Đoàn Kết 12/02/2014 10:11 GMT+7


"Tui quí mến tài làm thơ của ảnh nên cho mượn vàng để mua xe, làm nhà, cá độ bóng đá và uống rượu. Hồi nớ ảnh nghèo chẳng có chi thế chấp, nên bảo lấy tập thơ của ảnh để làm tin. Tui nghĩ tập thơ nớ có giá nên tui đồng ý liền. Mà hồi nớ do tui quá mê thơ của ảnh nên tin, ai ngờ…” - bà L.T.P.H. ở thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam kể hành trình đi kiện đòi vàng người bạn "nhà thơ” tri kỷ của mình.
Suốt 4 năm nay bà L.T.P.H. bỏ công ăn việc làm đi gõ cửa các cơ quan công quyền để khiếu nại đòi lại số vàng mà mình cho người bạn "nhà thơ” vườn là ông Đ.V.T. mượn từ năm 1998. Bà H. bảo: "Hồi nớ ảnh (ông T.-PV) nghèo và khó khăn lắm. Tui thì buôn bán có đồng vô, đồng ra lại tiết kiệm được mấy cây vàng cất phòng thân. Cũng do tui mê thơ nên quen thân ảnh lúc mô không hay”.
Bà H. kể tiếp rằng: Nghe ảnh nói vậy, tui bảo thôi để em cho mượn vàng anh mua cái xe máy, chớ cái xe đạp cọc cách nớ thì làm răng mà làm ra thơ. Tui về nhà lấy 32 chỉ vàng và 5 triệu đồng tiền mặt đưa cho ảnh mượn. Tui bảo ảnh cứ lo làm thơ viết nhạc cho hay cho tui đọc là được. Hồi mô in thơ đem bán có tiền trả tui. Đến năm 2005, ảnh bảo làm nhà để có nơi chốn làm việc và than thở với tui là thiếu tiền mua gỗ. Lúc đó sẵn có tiền trong túi nên tui đưa cho ảnh 5 triệu đồng. Mua xe, làm nhà xong, thỉnh thoảng ảnh đến than không có tiền chi tiêu hàng ngày, thậm chí tiền uống rượu để làm thơ và thua cá độ bóng đá. Tui tiếp tục cho mượn tiền. Đến nay tổng số tiền ảnh mượn của tui là 32 chỉ vàng và 42 triệu đồng. Nhiều lúc quầy buôn bán trái cây của tui ế ẩm, tui đến bảo ảnh trả nợ để tui làm vốn nhưng ảnh bảo không có tiền và không trả. Thế rồi tui đòi năm lần, bảy lượt cũng không được, cuối cùng tui phải đi kiện đòi lại!”
Hỏi lúc cho ông T. mượn số tiền vàng lớn như vậy bà có viết giấy tờ chi làm chứng hay không? Bà H. chùi nước mắt rồi lôi trong chiếc túi xách mang bên mình ra... một tập chép thơ, chép nhạc và bảo: "Tui có cái ni làm chứng. Hồi nớ ảnh nghèo đâu có chi thế chấp, vì quá tin ảnh là nhà thơ và mê thơ ảnh nên tui lấy cái tập ni làm tin để giờ làm chứng!”
"Bó tay” với kỳ án!
Một cán bộ tiếp dân của UBND huyện Tiên Phước kể rằng: Đã từng tiếp nhận hàng chục lá đơn kêu cứu và đơn tố cáo của bà H. và đã trả lời cụ thể. Nhưng bà vẫn đến gửi đơn khiếu nại. Công an huyện Tiên Phước cũng nhận được đơn của bà H. tố cáo ông T. lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi công an hỏi bà về chứng cứ cho ông T. mượn tiền vàng, bà H. lại lôi... tập thơ ra làm chứng.
Trong khi đó ông T. một mực bảo không biết gì số vàng, tiền mà bà H. nêu trong đơn. Còn tập thơ nhạc của ông T. mà bà H. giữ làm bằng chứng thì ông T. bảo là chỗ bạn bè hồi còn học phổ thông, do bà H. mê thơ nhạc nên ông cho mượn!
Sự việc đến vậy thì thì công an cũng bó tay. Còn bà H. thì khăng khăng bảo ông T. mượn tiền vàng của bà và đem tập thơ nhạc để "thế chấp”. Thế là bà đi kêu oan, khiếu kiện khắp nơi và ra tòa. Đơn thư bà H. vẫn gửi khắp các nơi. Rồi bà còn một mực gửi đơn kêu oan vì Công an huyện Tiên Phước không đồng ý lấy cuốn sổ ông T. chép thơ nhạc làm bằng chứng mượn tiền, để buộc ông T. trả nợ cho bà.
VKSND huyện, Công an tỉnh, VKSND tỉnh cũng lần lượt vào cuộc nhưng chẳng cơ quan nào chứng minh được ông T. có mượn tiền của bà H. nên đành bó tay.
Ấm ức, bà H. quay sang kiện cơ quan chức năng vì đã không bảo vệ quyền lợi cho bà. Các cơ quan đã nhiều lần mời bà H. đến làm việc, giải thích cho bà hiểu rõ các quy định của pháp luật, song bà H. vẫn đi kiện đòi ông T. trả tiền vàng và gửi đơn kiện cơ quan chức năng. Các điều tra viên, thanh tra viên đã nhiều lần mời bà đến làm việc, giải thích cho bà nghe những quy định của pháp luật, nhưng bà H. vẫn cương quyết theo đuổi vụ kiện, gửi cả trăm lá đơn từ huyện đến tỉnh. Còn với bà, mặc dù tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho việc theo đuổi vụ kiên vô tiền khoáng hậu này, nhưng bà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại!
Mới đây nhất, để giải quyết đơn thư của bà H. cuối năm 2013, ông Phan Việt Cường - Trưởng Ban Nội chính tỉnh Quảng Nam cùng với các cơ quan có liên quan tổ chức đối thoại với bà H. để giải thích cho bà rõ về quy định của pháp luật, khuyên bà dừng việc gửi đơn kiện, nếu không có chứng cứ cụ thể. Thế nhưng bà H. khăng khăng bảo rằng: Bà có chứng cứ là cuốn sổ chép thơ nhạc của ông T. "thế chấp” lúc vay tiền vàng của bà nên ông T. phải trả. Nếu không bà kiện đến... TW.
Nghe câu chuyện trên, ai cũng đồng cảm với nỗi đau mất của của bà H. Nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai nhẹ dạ cả tin, khi cho mượn tài sản mà không có giấy vay mượn, không có vật thế chấp có giá trị, không hiểu được những tính pháp lý của quá trình giao dịch tài sản!.
TẤN THÀNH